Làm bánh dày, bánh boong rằm tháng 7
Là một dân tộc thiểu số, chịu nhiều tác động, song không ít di sản văn hóa đặc trưng vẫn được cộng đồng người Sán Dìu gìn giữ.
Phong tục lạ
Anh Lê Duy Mạnh, thành viên Ban chủ nhiệm đề tài điều tra, nghiên cứu về phong phục tập quán của các dân tộc thiểu số ở thị xã Chí Linh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tiết lộ: “Bắc An có đông người Sán Dìu cư trú nhất, trong đó tập trung tại Chín Thượng và Chín Hạ. Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa, song lớp người cao tuổi trong cộng đồng người Sán Dìu vẫn bảo lưu nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc".
Diện mạo Bắc An đã đổi thay nhưng dấu ấn của một xã miền núi vẫn hiện rõ qua những con đường đất đỏ chạy dài hun hút. Ngôi nhà cấp 4 mà chúng tôi đến nằm trên một bạt đồi khá rộng. Chủ nhà là bà Lưu Thị Chinh, ngoài 70 tuổi, một phụ nữ Sán Dìu nắm giữ nhiều vốn di sản truyền thống của ông cha.
Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh những phong tục độc đáo được người Sán Dìu duy trì cho đến nay. Trong việc tang, có thầy cúng làm lễ để chuộc tội cho người mất. Khi đưa ma, con cái người chết phải thực hiện nghi lễ tiễn đưa. Còn con dâu phải gánh lương thực và cầm bó đuốc cháy soi đường cho bố mẹ. Ngày trước, người Sán Dìu chỉ thực hiện lễ cúng 100 ngày và lễ sang áo. Ngày nay, tiếp thu văn hóa người Kinh, mỗi năm họ đều tổ chức lễ giỗ.
Trong việc cưới, người Sán Dìu phải có bà mối. Khi đôi trai
“Nếu không khẩn trương nghiên cứu và đề ra các biện pháp bảo tồn, phục dựng, truyền thụ thì khi lớp người cao tuổi ở Sán Dìu mất, nhiều di sản sẽ mất theo”.
gái đã ưng nhau, bà mối được nhà trai nhờ đến nhà gái hát lấy lá số mang về. Sau đó, nhà trai sắm lễ cau trầu, hoa quả để bà mối chính thức đến nhà gái đánh tiếng. Khi nhà gái ưng thì bà mối lại đến lần thứ ba để xem nhà gái thách cưới. Ngày trước, nhà gái sẽ thách cưới vài chục cân thịt, vài chục lít rượu cùng quần áo cô dâu, hoa tai vàng, vài chục triệu đồng tiền mặt. Ngày nay, thách cưới đã bớt nặng nề. Ngoài các mâm lễ hoa quả, bánh kẹo như của người Kinh, nhà gái thường thách tiền mặt, trên dưới 10 triệu đồng. Bà Lưu Thị Chinh cho biết: “Mặc dù thủ tục đã đơn giản song lễ cưới của người Sán Dìu vẫn có những đặc trưng riêng. Trong đám cưới sẽ có phần hát đối giữa nam và nữ. Đặc biệt trên mâm cỗ cưới của người Sán Dìu nhất thiết phải có món khâu nhục. Đây là món ăn làm từ thịt lợn ba chỉ để cả miếng lớn ướp gia vị, mật ong hấp cách thủy".
Một nét văn hóa khá đặc trưng nữa của người Sán Dìu là làm các loại bánh vào các dịp lễ, Tết. Đồng bào quan niệm, trong năm có 5 dịp lễ, Tết lớn là Thanh minh, ngày 5-5 âm lịch, 14-7 âm lịch, ngày đông chí và Tết Nguyên đán. Trong những dịp này, ngoài làm cỗ, người Sán Dìu còn làm các loại bánh boong, bánh nghé, bánh lá mít, bánh tét... "Mỗi loại bánh chỉ làm vào từng dịp. Chẳng hạn, bánh tét chỉ làm dịp Tết Nguyên đán. Ở đây gia đình nào cũng trồng vài khóm chít để lấy lá gói bánh dịp cuối năm", bà Chinh nói.
Bánh lá mít được làm phổ biến nhất trong các dịp lễ, Tết. Cách làm loại bánh này cũng khá đặc biệt. Gạo nếp đem giã thành bột, nhào dẻo, đỗ xanh ngâm nước, đồ chín, đánh nhuyễn rồi xào với thịt, hành, gia vị làm nhân. Khi làm bánh, nặn bột thành hình chiếc chén, bỏ nhân vào, vít kín miệng rồi đem luộc. Khi chín bánh được gắp ra chiếc lá mít, có hình giống chiếc mào gà.
Tri thức dân gian phong phú
Người Sán Dìu còn bảo lưu nhiều tri thức dân gian độc đáo, nổi bật là kiến thức y học. Những thầy lang người Sán Dìu đang lưu giữ rất nhiều sách y học, bài thuốc dân gian quý từ các loại cỏ cây chữa các bệnh hiểm nghèo như gan, xương, khớp... Những người cao tuổi ở đây đều biết sử dụng các loại dược liệu tự nhiên để chữa các bệnh đơn giản. Bà Phạm Thị Xuân, chị chồng của bà Chinh cho biết: “Tôi thường bị chứng đau nhức gối. Mỗi lần bị đau tôi lại tự đốt ngải chữa cho mình”. Cách đốt ngải chữa bệnh khá phổ biến trong cộng đồng người Sán Dìu. Người đốt ngải dùng que hương cháy châm vào lá ngải đã phơi khô rồi thổi hơi nóng hoặc đưa nhúm lá ngải lại vùng bị đau để chữa bệnh.
Người cao tuổi Sán Dìu đang lưu giữ một lượng lớn các bài hát dân ca. Rất nhiều bài hát dân ca vẫn đang được sử dụng trong cuộc sống thường nhật và các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tại địa phương. "Hát dân ca đã trở thành sinh hoạt thường nhật của chúng tôi. Mọi việc chúng tôi đều có thể vận thành các bài hát dân ca”, bà Chinh cho biết thêm.
Khi đi làm nương, đám cưới, đám ma, mừng nhà mới, hội làng, năm mới, ru con, ru cháu... người Sán Dìu đều có thể nảy các bài hát. Các bài dân ca của người Sán Dìu có vần điệu theo thể thất ngôn tứ tuyệt hoặc lục bát. Bà Chinh và bà Xuân hát cho chúng tôi nghe một bài mừng năm mới bằng tiếng dân tộc, sau đó dịch ra tiếng Kinh. Tiếng hát nhẹ nhàng, trầm lắng, như lời tâm tình, thủ thỉ: “Hát lên bài ca mừng năm mới/Xuân về xuân tới nở như hoa/Xuân về mưa xuân thật ẩm mát/Hoa màu tươi tốt ngập đồng ta”.
Theo thống kê, người Sán Dìu có trên 20 bài về năm mới. Ngày xưa, dịp Tết trai gái tổ chức hát đối ngoài đường. Giờ đây, mọi người thường tập trung hát ở sân đình. Tuy nhiên, hát dân ca bằng tiếng dân tộc chỉ còn ở lớp người ngoài 70 tuổi. Thế hệ trẻ nghe thì vẫn hiểu nhưng người hát được rất hiếm.
Anh Lê Duy Mạnh cho biết: Nhằm nghiên cứu, đánh giá tiến tới lựa chọn những di sản văn hóa độc đáo để bảo tồn, năm 2014, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai đề tài điều tra, khảo sát, kiểm kê, sưu tầm giá trị di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã Chí Linh. Đề tài dự kiến kết thúc năm 2015. Qua điều tra ban đầu, phong tục tập quán của người Sán Dìu ở xã Bắc An khá phong phú. Trong đó nổi bật là tri thức y học đang được các thầy lang người Sán Dìu lưu giữ; các bài hát dân ca, hát ru và những phong tục độc đáo trong việc ma chay, cưới xin của đồng bào nơi đây...
Mặc dù người Sán Dìu có vốn di sản quý, song hầu như chỉ còn được lưu giữ trong lớp người cao tuổi. Những thế hệ sau hiểu rất ít về phong tục tập quán cha ông. Nếu không khẩn trương nghiên cứu và đề ra các biện pháp bảo tồn, phục dựng, truyền thụ thì khi lớp người cao tuổi ở Sán Dìu mất, nhiều di sản sẽ mất theo.
Hoàng Thị Thắng (sưu tầm)