Một mẫu trang phục của người Ê Đê
Ơ vùng Tây Nguyên trước kia vẫn tồn tại một tập tục truyền thống khá đặc biệt, đó là trong các lễ cưới hỏi, người con gái luôn tự tay dệt các tấm chăn, áo, khố, thổ cẩm để làm quà tặng họ hàng nhà chồng. Có lẽ vì vậy mà đồng bào dân tộc ít người sống trên dải Trường Sơn – Tây Nguyên hầu như đều biết ít nhiều về nghề dệt thổ cẩm. Nổi bật và được nhiều người biết tới có lẽ phải kể đến thổ cẩm và những hoa văn trang trí trên thổ cẩm Êđê.
Nguyên liệu dệt của người Êđê là cây bông (tiếng Êđê gọi là Blang). Quả bông đem về được bóc vỏ, tách riêng lõi và phơi trên những nong tre lớn. Người ta tách hạt, bật cho bông tơi xốp rồi se lại thành những con bông, từ con bông lại kéo thành sợi thô (tức là sợi chưa qua quy trình nhuộm)
Màu sắc
Trang phục Êđê truyền thống vốn có 5 màu cơ bản: đỏ (hrah), đen (yadu), vàng (cakni), xanh (yapiek) và trắng (kỗ), màu xanh lục có xuất hiện song rất hiếm. Để tạo nên bốn sắc màu chủ đạo: đen, đỏ, vàng, xanh trên tấm thổ cẩm, người phụ nữ Êđê đã tìm nguyên liệu tạo màu từ các loại lá rễ cây rừng.
Từ tháng bảy, họ đã vào rừng hái lá krum già để chuẩn bị thuốc nhuộm. Họ phơi vỏ ốc suối thật khô, nung lên, ngâm thành vôi rồi trộn với nước lá krum. Sợi nhuộm từ hỗn hợp nước lá – vôi ốc sẽ có màu xanh. Nếu thêm vào hỗn hợp trên nước lá knung giã nhỏ, nấu trong nồi chàm sẽ cho ra chất sợi màu đen bóng mịn, giặt không phai, phơi nắng không bay màu. Màu đen của người Eđê được xem là một trong những màu đen đẹp về sắc và độ bền.
Màu đỏ được tạo từ loại vỏ cây krung già giã ra, nấu lên. Tuy vậy, màu đỏ của người Eđê không tươi mà chỉ đậm hơn màu đất nung một chút. Sản phẩm dệt màu đỏ được coi trọng hơn hết. Những tấm thổ cẩm đỏ rực thường dùng để trang trí trong các lễ hội, những buổi cúng Giàng chứ không được cắt may thành những món đồ gia dụng.
Màu vàng được nhuộm từ củ nghệ. Người ta chọn những củ già, mài nhỏ hoặc cho vào cối giã rồi vắt nước nhuộm. Khi phơi sợi, họ sử dụng một chiếc bàn chải (kruamrai), chải dọc theo cuộn sợi để gỡ sạch các vụn màu, vỏ cây.
Khung dệt của người Eđê là kiểu khung dệt Indonesien, nói một cách đơn giản, là về hình thức dệt vải của người Eđê không khác gì việc đan lát (các nhà dân tộc học gọi đây là kỹ thuật đan luồn sợi).
Thổ cẩm
Đối với việc tạo hoa văn, công việc đòi hỏi người dệt phải nắm bắt ý đồ từ khi mắc sợi. Mỗi loại hoa văn có số sợi dọc, sợi ngang, kỹ thuật nâng và hạ sợi hoàn toàn khác nhau. Thông thường trên một khổ vải rộng 0,9 m, người Eđê tạo những đường diềm nhỏ ở hai đầu biên vải. Phần hoa văn chính tập trung cách biên một chút, rộng khoảng 20 – 30cm và một số đường trang trí nhỏ chạy giữa thân vải.
Nền vải Eđê nhìn chung không sáng và sặc sỡ như vải của các tộc người phía Bắc hoặc người Mnông lân cận. Màu vải hầu như đen hoặc chàm sẫm. Nổi trên nền tối đó là những dải màu tương phản như đỏ, vàng nhưng do độ mảnh mai của các đường diềm nên sự tương phản mạnh mẽ lại trở nên khá chìm lắng. Trong những bộ trang phục Eđê, màu sậm làm tăng tính trang nghiêm, đứng đắn, còn màu vàng, đỏ lại mạnh mẽ, lôi cuốn sự chú ý. Sự phối màu giữa đỏ - đen, đỏ - chàm sẫm, đen – vàng khiến dải hoa văn tạo nên hiệu ứng sinh động, là điểm nhấn của cả bộ trang phục.
Hoa văn
Dải hoa văn chiếm diện tích từ 1/4 đến 1/3 bề mặt vải, gồm những chuỗi họa tiết, lá cây, con thú được cách điệu dưới dạng hình học chạy dài liên tục suốt chiều dài vải như: hoa văn rau dớn, cối giã gạo… ước tính có khoảng 48 loại hoa văn thường gặp. Ngoài ra còn có các loại đường thẳng, đường dích dắc, cong, gãy nằm song song theo dải hoa văn.
Thổ cẩm
Đỉnh cao của nghệ thuật trang trí hoa văn trên nền vải Eđê là kỹ thuật kteh. Chỉ những bộ lễ phục Eđê ngày xưa mới sử dụng kỹ thuật thêu tay này để trang trí. Kỹ thuật kteh thể hiện trên một khổ vải hẹp từ 5 - 6cm, gồm hai màu chính là đỏ và trắng – gọi là đêc. Những hoa văn bố trí trên đêc luôn đăng đối hài hòa. Một chuỗi những hạt cườm “ktơr adũ” màu trắng sáng xếp san sát trên phần biên. Đêc được may hoặc kết đè lên phần vải cần trang trí như chân khố, chân váy,…
Hoa văn còn là tiêu chuẩn để đồng bào Eđê phân loại trang phục. Họ gọi tên các bộ váy áo dựa vào loại hình hoa văn. Nam giới có các loại khố kpinteh, kpindrai, kpindruech thêu dệt những dải hoa văn có giá trị, ngoài ra còn có hai loại kpinmlang và kpinbăn trang trí đơn giản. Trên váy áo nữ giới hoa văn tập trung ở gấu váy, gấu áo, đường viền tay. Với váy nữ có 3 loại yêngdí, yêngkdruech piek (váy hoa xanh) và yêng đêc (váy có hoa văn đêc). Đi đôi cùng váy khố là các loại áo nam nữ như ao kor (áo cụt tay), ao đrêc ănk đrai (áo hoa con rồng), ao đêc krưk grự (áo hoa đại bàng dang cánh). Trên mỗi vai áo nữ đính những hàng hoa, kim sa thành dải từ 15 - 25cm. Những điểm nối nách áo, viền váy, viền khố được kết chỉ đỏ trang trí đè lên các điểm nối.
Ngay như về mặt nguyên liệu, mỗi mùa thu hoạch quả blang, người ta chỉ sản xuất ra một khối lượng sợi nhất định. Quy trình nhuộm màu truyền thống mặc dù mang lại hiệu quả bền, đẹp nhưng màu sắc thiếu sự tươi mới, bắt mắt khách hàng. Thế nên, không chỉ riêng thổ cẩm Eđê mà các sản phẩm dệt truyền thống đều có sự cải tiến thay đổi cho phù hợp với thị trường sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, quá trình này đã dẫn tới xu hướng người dệt tự thay dổi hình thức thổ cẩm cho phù hợp với thị hiếu khách hàng và dần dần tự đánh mất bản sắc của chính mình - những đặc điểm riêng có của thổ cẩm Eđê, những quan niệm thẩm mỹ, cá tính sáng tạo của tộc người Eđê.
Hoàng Thị Lê (sưu tầm)