Nhà mồ được đưa theo sau đoàn tang lễ trong một đám ma của người Sán Dìu tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc.
Dân tộc Sán Dìu có khoảng 95.000 người, chủ yếu sống ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… Một trong những phong tục mang đậm nét truyền thống của dân tộc Sán Dìu, đó là tiễn đưa những linh hồn người chết về với cõi âm. Nó thể hiện tấm lòng thành kính của những người ở lại với người ra đi. Đám ma của dân tộc Sán Dìu có nhiều điểm rất lạ và độc đáo.
Lễ tiễn đưa
Theo quan niệm của dân tộc Sán Dìu, khi một sinh mạng từ bỏ cuộc sống sẽ về thế giới bên kia với một cuộc sống mới gần giống với hiện thực. Bởi vậy, người còn sống sẽ tiễn đưa người ra đi với những vật phẩm, đồ dùng…, hy vọng họ sẽ nhận được.
Đi đầu của đám rước xe tang đó là người mang bó nứa cháy và người gánh ống nước, ống gạo. Bó nứa cháy thể hiện người ra đi cũng không thể thiếu lửa, lửa cũng mang ý nghĩa soi đường cho người ra đi biết đường về nhà. Người vác bó nứa cháy này sẽ là con dâu, trong trường hợp người ra đi không có con dâu sẽ là cháu dâu, em dâu. Bởi, người con dâu khi về nhà chồng có phận sự chăm lo cuộc sống cho gia đình chồng, là người chăm chút việc bếp núc nên sẽ là người vác bó nứa cháy. Ống nước và ống gạo thể hiện, người ra đi sẽ có cuộc sống no đủ, không thiếu thốn, do con cháu gánh. Một loạt cây tiền sẽ được đưa theo đám tang mong rằng, người ra đi sẽ có thật nhiều tiền cho cuộc sống cõi âm.
Đi theo đoàn đưa tang là kiệu rước nhà mồ mong muốn có một chỗ nương thân tử tế cho người đã khuất. Nhà mồ của người Sán Dìu không được dựng nơi người mất được chôn cất mà chỉ là mô hình tượng trưng bằng giấy.
Tiến hành tang lễ
Người Sán Dìu rất tin tưởng vào cuộc sống tâm linh. Khi tiễn đưa người chết, gia quyến mời thầy cúng chọn ngày, chọn giờ. Giờ tiến hành các thủ tục tang lễ rất quan trọng, nếu “được ngày”, “được giờ”, tang lễ sẽ được tiến hành ngay, nhưng nếu không “được ngày”, “được giờ”, tang lễ sẽ phải dừng lại có khi đến một tháng.
Khi đưa tang, tất cả con cháu của người chết đi ngược thành hàng, khom lưng nối tiếp nhau và đi chân đất. Người ở đầu hàng sẽ bám vào linh cữu. Hình ảnh này được gọi là cầu âm dương, mang ý nghĩa tượng trưng cho cây cầu bắc giữa hai cõi âm, dương, giúp người chết tìm được đường về nhà. Đến ngã ba ngã bảy, đoàn đưa tang sẽ phải dừng lại nghỉ. Họ quan niệm rằng, những chỗ đó là chỗ qua sông, ngồi nghỉ để người chết có thời gian “chờ đò”, cứ như vậy cho đến hết quãng đường đưa đến nơi hạ huyệt. Những cây tiền sẽ được đốt ngay sau đó.
Có rất nhiều lễ cúng đưa tiễn người chết, nhưng nổi bật nhất vẫn là lễ cúng tiễn đưa (ngay tối hôm đưa tang) và lễ cúng lại (một đến ba ngày sau). Cúng tiễn đưa sẽ được tiến hành lâu nhất, trọn một đêm do thầy cúng sẽ đảm nhiệm. Ở đây, họ tin rằng, thầy cúng là người rất quan trọng, là cầu nối của người hai cõi, cho nên có thể gọi được hồn của người đã chết trở về để hỏi han và trăn trối những lời cuối cùng. Ngay khi cúng xong, lúc sáng sớm, nhà mồ sẽ được đưa đi hỏa táng và thả trôi sông, suối. Lễ cúng lại cho người chết sẽ bao gồm các lễ vật: gạo, muối và lửa. Đó là những thứ không thể thiếu cho người cõi âm theo quan niệm của người Sán Dìu.
Từ sau ba năm, người chết được bốc cốt- cải tang. Theo người Sân Dìu đây là một dịp vui chứ không phải nỗi đau mất mát.
Đám ma là một trong những nét văn hóa truyền thống cùng với các tập tục thờ cúng: tổ tiên, thổ thần, bà Mụ bảo hộ cho trẻ con, và các lễ: Thượng điền, hạ điền, cơm mới... của dân tộc Sán Dìu. Mặc dù còn rất nhiều điều mang tính chất tâm linh, song điều mong ước cuối cùng của người ở lại vẫn là hy vọng cho người ra đi có một cuộc sống tốt đẹp ở thế giới bên kia.
Bùi Hiếu (sưu tầm)