Vũ điệu Tamya của người Chu Ru.
Trong những năm qua, các điệu múa của người Chu Ru đã không ngừng lan tỏa, góp phần gắn kết cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Mọi người Chu Ru ở Lâm Đồng đều biết Tamya. Tamya có nghĩa là múa. Người Chu Ru gọi các điệu múa là Gram-ptơ-rô-pô, gồm ba vũ điệu chính, mà người Chu Ru ở mọi lứa tuổi đều có thể tham gia.
Vũ điệu chính đầu tiên Aria, xuất hiện từ các lễ hội cúng bái trong đền, về sau nó trở thành điệu múa dân gian mở đầu cho hội thi múa, lễ cắm nêu, lễ xây mộ, lễ cầu mưa…
Âm thanh của đồng la và trống làm nền cho vũ điệu này tiết tấu chậm, dứt ra từng tiếng một… dưới ánh trăng các cô gái hóa thân vào vũ điệu và âm thanh tạo cho người xem một niềm tôn kính thiêng liêng với quá khứ, hiện tại, tương lai… Các cô gái giải thích Aria có nghĩa là múa cho vui, các chàng trai lại gọi đó là điệu múa mời uống rượu. Còn già làng bảo rằng Aria có nghĩa là múa cung đình.Trong văn hóa của người Chu Ru, có những vũ điệu Tamya khác nhau nhưng điệu Arya mang tính cộng đồng cao hơn cả. Arya là một điệu múa cơ bản, thể hiện tình đoàn kết dân tộc và thường được sử dụng trong các lễ hội, gặp mặt cộng đồng bởi nó đơn giản, dễ thực hiện. Tamya Arya không mạnh mẽ, nóng bỏng mà nhẹ nhàng, uyển chuyển, quyến rũ đến nao lòng.
Tuy là điệu múa truyền thống nhưng suốt một thời gian dài, Arya đã bị lãng quên. Vài năm trở lại đây, điệu dân vũ này được hồi sinh và trở thành điệu múa không thể thiếu trong các dịp lễ hội, tết đến của người Chu Ru trong vùng.
Nếu Aria là điệu múa của các vũ nữ thì Đăm Tơ-ra là vũ điệu “trai gái kết lại”. Đăm có nghĩa là thanh niên, Tơ-ra là thanh nữ. Người Chu Ru cứ lớn lên là biết múa Đăm Tơ-ra. Động tác múa là giống nhau, nhưng nam đi nhanh hơn, nữ đi chậm hơn. Khi bắt đầu vào điệu múa, chủ lễ dành hai ché rượu quý, một ché choàng sợi dây cườm, ché kia để chiếc nhẫn bạc. Sau điệu múa dân làng bình chọn một chàng trai múa giỏi nhất và một cô gái múa đẹp nhất, cặp đôi trong điệu múa Đăm Tơ-ra dị bản. Họ có quyền được “chế” thêm những động tác trong một nhịp của tiết tấu và vũ điệu cổ truyền. Ché rượu quý được thưởng cho thiếu nữ múa đẹp cùng với sợi dây cườm. Sau điệu múa Đăm Tơ-ra, các chàng trai múa giỏi phải thi đấu vật, đấu sĩ nào giỏi nhất, thông minh nhất sẽ được tặng ché rượu và chiếc nhẫn bạc từ tay chủ lễ.
Còn Paki Năng là vũ điệu mà xưa kia dùng để chào mừng các quý tộc đến dự lễ cầu mưa, lễ cắm cây nêu, lễ xây mộ, hội đấu vật… Ngày nay, người Chu Ru múa điệu Paki Năng chào mừng những người khách quý, người khác tộc… Nếu vũ điệu Aria và Đăm Tơ-ra điệu múa đi theo vòng tròn nhịp nhàng, uyển chuyển - thì ở điệu múa Paki Năng người Chu Ru dàn thành hàng ngang, nhún chân, đưa hai tay về phía trước, tiến và lùi rất đều đặn, trịnh trọng. Lúc này, tiếng chiêng, trống trở về nốt trầm làm đệm cho bè của tiếng khèn bầu nổi lên dìu dặt, quyến rũ, đầy ma lực…
Những điệu múa của người Chu Ru luôn có một sức hấp dẫn, độc đáo riêng, khiến những ai lên với vùng đất cao nguyên đều yêu mến và say mê.
Lý Thị Ninh (sưu tầm)