Chức sắc Chăm trong lễ hội Kate.
Dân tộc Chăm có nhiều nét khác biệt hấp dẫn, thu hút du khách xa gần với các lễ nghi tín ngưỡng và phong cách ăn mặc trong đó có trang phục truyền thống.
Người Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận theo hai tôn giáo chính là Chăm Ahier (Chăm ảnh hưởng Bà La Môn giáo), và Chăm Awal (Chăm ảnh hưởng Hồi giáo).
Ngoài ra có một bộ phận theo Chăm Islam (Chăm Hồi giáo chính thống). Mỗi tôn giáo có nét đặc thù riêng về phong tục tập quán, có một bộ phận chức sắc đảm nhiệm phục vụ các nghi lễ, tín ngưỡng cộng đồng. Các chức sắc được phân chia thứ bậc từ thấp đến cao và phục vụ phong tục từ lễ tục gia đình đến các lễ hội truyền thống của cộng đồng. Theo đó chức sắc Chăm Ahier có Paseh (tu sĩ tập sự) và Po Adhia (cả sư), chức sắc Chăm Awal có Po Acar (tu sĩ tập sự) và Po Gru (cả sư). Mỗi chức sắc tu sĩ sẽ có bộ trang phục riêng nhằm dễ dàng nhận biết về cấp bậc.Trang phục chức sắc Chăm Bà La Môn
Tu sĩ Paseh
Paseh là lớp tu sĩ chuyên phục vụ các nghi lễ, phong tục của gia đình như đám hỏa táng, lễ nhập Kut… trang phục đặc trưng của họ là áo dài trắng, xà rông trắng, dây thắt lưng, khăn đội đầu và một cái túi vắt ngang vai để đựng kinh kệ cùng các vật dụng phục vụ nghi thức cúng tế.
Chức sắc Paseh Chăm với trang phục truyền thống.
Áo dài Paseh được dệt bằng vải thô màu trắng, được may bằng cách ghép sáu mảnh vải lại với nhau, hai mảnh vải thân trước, hai mảnh vải thân sau và hai ống tay áo. Áo được mặc bằng cách xỏ ống tay áo và buộc lại bằng một sợi dây ở phía trước ngực và bên hông trái.
Xà rông Paseh là một mảnh vải trắng hình chữ nhật, dài khoảng 1,2 mét, mặc bằng cách quấn quanh người và dùng một dây thắt lưng có hoa văn để giữ chặt xà rông cố định trên cơ thể. Khăn đội đầu chính là điểm nhấn độc đáo trên trang phục của lớp tu sĩ Paseh, khăn có hình chữ nhật dài gần 1 mét, hai đầu khăn là tua vải đỏ cạp thêm thổ cẩm hình hoa văn, quấn khăn bằng cách gập theo chiều dài và quấn vòng lên đầu bằng từ phía sau ra phía trước rồi thả hai mép tua vải đỏ buông chùng xuống gần hai tai.
Ngoài các trang phục đặc trưng trên tu sĩ Paseh còn tô điểm thêm một khăn màu đỏ và bốn túi nhỏ hình âm vật để đựng các vật dụng phục vụ cho nghi lễ tôn giáo.
Cả sư Po Adhia
Po Adhia là lớp chức sắc cao nhất trong cộng đồng Chăm Bà La Môn, là người trực tiếp tính toán lịch pháp Chăm và thực hiện nghi thức cúng tế bậc cộng đồng, làng xã như lễ hội Kate, lễ phong chức Paseh. Trang phục của Po Adhia nhìn chung giống bậc tu sĩ Paseh tuy nhiên chỉ khác vài chỗ là xà rông và dây thắt lưng của Po Adhia được may cạp thêm thổ cẩm hoa hình rồng.
Po Bac (phó cả sư) với trang phục giống hoàn toàn với trang phục cả sư Po Adhia.
Trang phục chức sắc Chăm Bà Ni
Tu sĩ Po Acar
Cũng như tu sĩ Paseh, lớp tu sĩ Po Acar là người chuyên phục vụ các nghi lễ cúng tế cho cộng đồng Chăm Bà Ni như tang ma, cưới hỏi, lễ hội Ramawan… Trang phục của họ gồm áo dài, khăn đội đầu, túi và dây thắt lưng.
Po Acar trong lễ tảo mộ của Lễ hội Ramawan.
Áo dài Po Acar được may từ sáu mảnh vải ghép lại với nhau gồm hai thân trước, hai thân sau và ống tay. Áo dài Po Acar được xẻ trước ngực (từ cổ áo trở xuống) một khoảng 15 cm và được may khuy để cài nút áo, phần sau của thân áo được may ghép thêm một mảnh vải hoa văn với bốn hình cánh cung, tượng trưng cho các mái vòm của thánh đường Hồi giáo.
Po Acar cũng mang xà rông, đeo thắt lưng như các tu sĩ Chăm Bà La Môn, riêng khăn đội đầu có đính kèm hoa văn thổ cẩm theo bốn đường biên hình chữ nhật. Po Acar còn đeo một chùm khăn đỏ trước ngực tượng trưng cho dương vật.
Cả sư Po Gru
Po Gru là bậc chức sắc cao nhất trong cộng đồng Chăm Bà Ni. Đây là tàng lớp chỉ chuyên phục vụ các nghi lễ tại thánh đường trong lễ hội Ramawan. Họ sống theo khuôn khổ tôn giáo và kiêng kỵ nhất định trong ăn uống và cuộc sống thường ngày. Trang phục của họ cũng như lớp tu sĩ Po Acar, chỉ riêng xà rông và thắt lưng được đính kèm thổ cẩm hoa văn hình rồng.
Po Acar là tầng lớp tiêu biểu cho chức sắc Chăm Bà Ni.