Không rực rỡ như các dân tộc ở vùng cao Tây Bắc, trang phục phụ nữ Chăm thể hiện nét duyên độc đáo, vừa kín đáo nhưng lại quyến rũ lạ thường.
Khi những tiếng ve bắt đầu ngân vang báo hiệu mùa hè đang đến thì người Chăm chuẩn bị đón chào năm mới theo lịch Chăm. Lễ hội Rija Nagar được diễn ra trước tiên với những nghi thức cúng tế và múa rất đặc sắc. Khi những sắc vàng của lá mùa thu trải dài thì đoàn người Chăm hành hương tảo mộ với lễ hội Ramawan. Sau đó, người Chăm lại tạm biệt mùa thu bằng lễ hội Kate độc đáo…
Đó là những thời khắc mà các thiếu nữ Chăm diện trang phục truyền thống của dân tộc hân hoan chào đón các lễ hội với tiếng trống Gineng ngân vang, tiếng kèn Saranai réo rắt.Dù là lễ hội của người Chăm Awal hay Chăm Ahier, du khách đều sẽ bắt gặp những cô gái Chăm duyên dáng trong những chiếc áo dài đủ màu sắc, với những chiếc khăn bay phấp phới tay trong tay rảo bước trên bậc tam cấp đến những ngôi tháp uy nghiêm, cổ kính. Những hình ảnh đặc sắc đó đã tạo nên một dân tộc Chăm khác lạ, độc đáo và đầy sức quyễn rũ du khách gần xa.
Người Chăm theo chế độ mẫu hệ nên người phụ nữ Chăm là trung tâm lưu giữ nét văn hóa đặc sắc, trong đó có áo dài Chăm truyền thống. Với phụ nữ Chăm, áo dài truyền thống là trang phục thiêng liêng và quý giá nhất, chỉ được mặc vào những lễ hội lớn của dân tộc hay lễ cưới hỏi…
Để cấu thành một bộ trang phục phụ nữ Chăm truyền thống hoàn chỉnh phải hội tụ đủ các yếu tố gồm: áo dài, váy, talei kabak (dây thắt lưng chéo), talei ka-in (dây thắt lưng ngang), khăn đội đầu, khuyên tai và trang sức đeo cổ bằng hạt cườm đen óng. Khi khoác lên, những trang phục ấy tạo cho một người phụ nữ Chăm dáng vẻ quyến rũ và duyên dáng đến lạ kỳ.
Áo dài Chăm khác với áo dài dân tộc Kinh ở chỗ được may kín, không xẻ tà, để hở 4 phần: gồm 2 ống tay, cổ áo và dưới đầu gối. Áo được mặc bằng cách luồn 2 cánh tay qua 2 ống tay áo và luồn thân áo từ trên xuống một cách khéo léo sao cho vừa vặn với cơ thể. Phần cổ áo được khoét rộng theo hình ô van, phần hở dưới đầu gối được may sao cho vừa một bước chân của phụ nữ tạo nên bước đi vừa phải, chậm rãi, nhẹ nhàng và khoan thai.
Váy đi kèm với áo dài thường là màu trắng (thường dành cho thiếu nữ trẻ) hoặc đen (dành cho phụ nữ đã có chồng và lớn tuổi). Ngày nay do có sự cách điệu về màu sắc nên váy và áo thường may cùng màu với nhau nhưng hơi khác nhau về độ đậm nhạt giúp trang phục hài hòa, sáng tạo và độc đáo hơn.
Dây thắt lưng luôn là điểm nhấn độc đáo cho bộ trang phục Chăm, một dây được buộc chéo qua ngực (talei kabak) và một dây được buộc quanh ngang eo (talei ka-in). Dây thắt lưng được trang trí nhiều nét họa tiết hoa văn đặc sắc, màu chủ đạo luôn là đỏ tươi và vàng óng, chủ yếu được dệt nên bởi những đôi bàn tay của người phụ nữ Chăm làng dệt truyền thống Mỹ Nghiệp. Thiếu đi dây thắt lưng làm cho những thiếu nữ Chăm mất đi nữ tính hiền hòa, duyên dáng.
Để tạo nét quyến rũ hơn người phụ nữ Chăm thường chọn khăn đội đầu để tô thêm sắc thái hài hòa. Những lúc trời nắng chói chang, khăn có thể che trọn mái tóc dài đen óng, lúc trời lạnh khăn được choàng quanh cổ vừa để giữ ấm vừa tạo nên vẻ kín đáo trọn vẹn cho phụ nữ Chăm mộc mạc nhưng đầy duyên dáng.
Khuyên tai và trang sức đeo cổ thường thích hợp cho những người phụ nữ lớn tuổi. Khuyên tai thường được làm bằng vàng hay đồng thau và đính kèm những tua sợi vải màu đỏ dài khoảng 10 cm.
Trang phục phụ nữ Chăm là sự kết hợp hài hòa của nhiều yếu tố, từ những tua sợi vải màu đỏ làm đẹp cho đôi tai, những hạt cườm óng ánh được xâu thành chuỗi tô điểm cho nét duyên vùng cổ đến những dây thắt lưng rực rỡ hoa văn giúp những đường cong thiếu nữ thêm duyên dáng, gợi cảm. Văn hóa Chăm cuốn hút du khách gần xa một phần nào đó cũng bởi những nét độc đáo của chiếc áo dài Chăm gắn với thiếu nữ Chăm hiền hòa, xinh xắn.