Người Chăm quan niệm múa dân gian Chăm là sự giao thoa giữa thế giới hiện tại và thế giới siêu nhiên, giữa con người và thần linh. Con người gửi gắm trong những điệu múa ước nguyện về mưa thuận gió hòa, xóm làng bình an, sức khỏe để sống và phục vụ cho thế giới hiện tại và cúng tế Thần Yang.
Không có một lễ hội nào của người Chăm lại thiếu đi những điệu múa dân gian đặc sắc hòa với tiếng trống gineng và tiếng kèn saranai độc đáo, dưới đây là một số điệu múa độc đáo của người Chăm phải kể đến:
Múa quạt
Theo quan niệm của người Chăm, chim công là biểu tượng của niềm vui, sự may mắn. Vì thế múa Biyen (chim công) luôn có trong các lễ hội, ngày vui của cộng đồng. Đây là điệu múa dân gian đặc sắc và tiêu biểu của nghệ thuật múa Chăm.
Đạo cụ múa Biyen là những chiếc quạt, vì vậy người Chăm rất yêu quý chiếc quạt. Phụ nữ Chăm với đôi tay khéo léo cầm hai chiếc quạt khi như đôi cánh, khi như đôi chim. Chiếc quạt là tiếng nói tâm tình khi vui quạt vung lên, khi buồn quạt úp xuống, khi yêu thương quạt duyên dáng, khi nghĩa tình thì sóng đôi bay lượn.
Múa Quạt của dân tộc Chăm.
Múa đội nước
Đến với các làng Chăm, ta có thể bắt gặp hình ảnh người phụ nữ Chăm, đội thúng lúa từ ruộng lúa về làng, đội buk đi lấy nước ở bến sông. Từ những động tác thực tế trong sinh hoạt lao động ấy, người Chăm đã sáng tạo ra điệu múa “đội nước” (ndoa buk).
Điệu múa đội nước là sự kết hợp khéo léo và tài tình giữa điệu múa Biyen (chim công) và công việc lao động hàng ngày mà ta luôn bắt gặp ở bất cứ nơi đâu trong các làng Chăm. Sự kết hợp đã làm cho những thiếu nữ Chăm trông thướt tha, uyển chuyển như đàn chim công bay lượn
Múa đội nước của dân tộc Chăm.
Múa khăn
Bên cạnh các điệu múa trên còn có điệu múa khăn với đạo cụ là chiếc khăn. Chiếc khăn tượng trưng cho tấm lòng trong trắng đáng yêu, hiền dịu của các thiếu nữ Chăm.
Nếu các điệu múa của nữ uyển chuyển duyên dáng thì điệu múa của nam thể hiện sự mạnh mẽ, kiên cường trước mọi phong ba bão tố.
gười nghệ sĩ cầm khăn, dùng cổ tay hất khăn lên lúc khoan thai, nhẹ nhàng khi mạnh mẽ, dứt khoát, theo nhịp điệu của nhạc. Những chiếc khăn như những cánh hoa tượng trưng cho những tấm lòng trong trắng, tinh khiết, đáng yêu của các cô gái đất tháp chính vì vậy mà trang phục múa thường là áo quần và khăn đều màu trắng, với động tác bật nhẹ đầu khăn ở tầng thấp như thì thầm như những cánh hoa e ấp, duyên dáng và tế nhị. Sau đó, đột nhiên những chiếc khăn được đẩy lên tầng cao, không gian dày đặt những động tác bật đầu khăn tung lên đều đặn, làm xáo trộn một cách hồn nhiên gây hiệu quả reo vui, yêu đời như những cánh hoa đang đua nở. Ca ngợi những cô gái Chăm có những phẩm chất tốt đẹp trong sáng như những bông hoa đầy tự hào và quyến rũ.
Múa khăn của dân tộc Chăm.
Múa đạp lửa
Người Chăm có câu “đàn ông chinh chiến, đàn bà sinh nở” để nói lên sự mạnh mẽ, trung kiên của đàn ông trong việc bảo vệ xóm làng, quê hương. Trong đó múa đạp lửa là điệu múa phổ biến dành cho nam đã có từ lâu đời và xuất hiện trong lễ hội Rija Nagar – lễ hội xứ sở của người Chăm. Lửa là yếu tố tượng trưng cho khó khăn, hiểm nguy đang đến với con người, nghệ nhân múa nam tay cầm roi hay kiếm với động tác vừa múa vừa chiến đấu, vừa bảo vệ xóm làng thân thương và thể hiện sự quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để đi đến chiến thắng.
Múa đạp lửa trong lễ hội Rija Nagar
Múa Chăm tuy mô tả những công việc đơn giản hàng ngày, nhưng chứa đựng triết lí nhân sinh quan sâu sắc vì thế luôn tạo cho người xem một ấn tượng độc đáo, đưa mọi người du dương về vùng đất huyền thoại, linh thiêng mà sâu thẳm, nhân nghĩa với khát vọng sống mãnh liệt, lạc quan yêu đời của người Chăm.
Múa Chăm trở thành một phần độc đáo trong di sản văn hóa Chăm. Thời gian qua, nó được bảo tồn và phát huy đứng mực, phần nào thỏa mãn được nhu cầu sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật của quần chúng Chăm. Với sự say mê nghệ thuật và sự đầu tư nghiên cứu đúng mức, các điệu múa Chăm ngày càng được phát triển theo hướng lành mạnh.
Minh Hằng (sưu tầm)