Nghệ sĩ miền tháp nắng (Huỳnh Tâm) - Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Tuesday, September 27, 2016

Nghệ sĩ miền tháp nắng (Huỳnh Tâm)

Trống ghinăng là loại nhạc cụ không thể thiếu trong các dịp lễ hội của người Chăm

Giờ đây, khi đã cận kề tuổi “cổ lai hy”, đôi tay tài hoa của ông đã tạo nên hàng trăm trống ghinăng, paranưng, kèn saranai - những loại nhạc cụ được ví như thần hồn của bà con người Chăm nơi miền tháp nắng Ninh Thuận
Người “nghệ sĩ… chân quê” tài hoa ấy có tên gọi khá ấn tượng: Thiên Sanh Thềm (Thềm theo tiếng Chăm có nghĩa là sự vững chãi). Với bà con người Chăm ở palei Hamu Tanran Panduranga này (tức thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận), ông Thềm được ví như… bảo vật.

Trọn đời theo nghiệp ông cha
Trong ngôi nhà nhỏ khá xinh xắn, nằm hút giữa mấy con hẻm ngoằn ngoèo đầu thôn, lão nghệ sĩ chậm rãi kể cho tôi nghe “cái nghiệp trống – kèn” của ông. Ông bảo hơn 50 năm trước, làng Hữu Đức này heo hút lắm, chỉ độ khoảng trăm nóc nhà. Ngày ấy, cha ông, lão nông Thiên Sanh Tào, dẫn cậu con trai Thiên Sanh Thềm lội khắp vùng rừng núi cách làng dễ chừng đến năm, bảy cây số để kiếm những khúc lim xanh hoặc cà chít, mang về đục làm trống.
Ông giảng giải rằng người Chăm xưa quy định chiều cao thân trống ghinăng là 75 cm, đường kính mặt lớn 35 cm, nhỏ: 30 cm; trống paranưng chỉ cao 15 cm, với đường kính 2 mặt đều nhau: 45 cm. Các mặt trống chỉ được căng bằng da trâu tơ dày 3 cm. Đối với kèn saranai thì sừng trâu là vật liệu số 1 dùng để chế tác. Ông Thềm nói thêm: Ghinăng ví như trời, paranưng là đất. Hai loại trống này đi chung với kèn saranai được hiểu như một “quẻ dịch”: thiên - địa - nhân. Hẳn vì thế mà trong hầu hết lễ hội truyền thống của người Chăm không thể thiếu bất kỳ một trong 3 loại nhạc cụ này.

Nhiều già làng, trưởng tộc người Chăm ở Ninh Phước bảo rằng vài chục năm trước cũng có ba, bốn cụ biết cách làm trống và kèn nhưng không ai qua được lão Thềm. Bởi không giống bất kỳ loại nhạc cụ hiện đại nào, ghinăng, paranưng, saranai đòi hỏi người làm ra nó phải chính xác đến từng chi tiết nhỏ. Ngay cả “say” nghề như ông Thềm cũng phải mất không dưới một tháng mới có thể hoàn tất một bộ.
“Tiền công hả? Đừng nói… Chỉ đủ để mua lại vật tư thôi” - ông Thềm cười đôn hậu bộc bạch. Dẫu phải tất bật với bao việc đồng áng để lo cuộc sống thường ngày, ông Thềm vẫn dành một phần thời gian làm giúp bà con cái kèn, chiếc trống. Để rồi vào mùa lễ hội Katê, nhìn những thiếu nữ Chăm thướt tha với vũ điệu Siva dưới chân ngọn tháp Chàm cổ kính, trong tiếng kèn saranai réo rắt, hòa quyện với âm thanh ghinăng lúc êm ả, lúc rộn ràng, lòng ông bỗng thấy vui hơn. Phải chăng chữ tâm của lão nông Thiên Sanh Thềm chính là cái “duyên” để các cụ Trượng Tốn, Thạch Tiềm, Lai Xuân Điểm… ở palei Chăm Ninh Thuận được phong tặng danh hiệu nghệ nhân khi dự thi biểu diễn 3 loại nhạc cụ độc đáo của người Chăm do chính tay ông tạo ra.
Hồn trống, đời người
Cuộc hạnh ngộ giữa tôi với lão “nghệ sĩ chân quê” Thiên Sanh Thềm từ chỗ chỉ đơn thuần tìm hiểu kỹ thuật làm trống ghinăng, paranưng và kèn saranai, dần chuyển sang câu chuyện về tâm linh. Ông Thềm bảo rằng trong bộ ba nhạc cụ này (gồm: 1 paranưng, 2 ghinăng, 1 saranai) thì paranưng tượng trưng cho thân người, cặp ghinăng là hai chân, 2 dùi trống là hai tay. Kèn saranai có 7 lỗ tượng trưng cho thất khiếu của con người, gồm 2 mắt, 2 tai, 2 lỗ mũi, miệng.

Ông Thềm biểu diễn một khúc nhạc giao duyên với trống ghinăng

Bởi thế paranưng, ghinăng, saranai khi hòa âm, phối khí có thể tạo ra những âm điệu rộn ràng của nghi thức cúng tổ tiên đầu năm (Rija Nưga) hay mùa hội Katê náo nhiệt nhưng vẫn có thể vọng thành ai bi trong ngày tang lễ, ma chay.
Nhạc sĩ Amư Nhân, người con của miền Paduranga – Ninh Thuận, ví von rằng mỗi chiếc trống, chiếc kèn tựa hồ có cuộc đời riêng. Và người nghệ sĩ khi biểu diễn ghinăng, paranưng, saranai thì mỗi âm thanh trong dàn hợp xướng này được ví như tiếng lòng của họ.

“Nghệ sĩ chân quê” mấy ai giàu sang. Ông Thiên Sanh Thềm cũng không ngoại lệ. Nghèo nhưng ông vui và thấy lòng ấm hơn khi tiếng trống paranưng, ghinăng, tiếng kèn saranai của ông giờ chẳng còn bó hẹp ở miền đất nắng Ninh Thuận nữa mà vang đến nhiều tỉnh, thành như: Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên..., đến với cộng đồng người Chăm.

Share with your friends