Lễ hội mang ý nghĩa giáo dục rất lớn đối với các thế hệ sau, hướng về cội nguồn tâm linh, hướng về những giá trị văn hoá của cha ông được thể hiện trong đó. Lễ hội của người Chăm vô cùng phong phú, đa dạng chứa đựng nhiều ý nghĩa khác nhau.
Trải qua nhiều biến động, đến nay, đồng bào Chăm ở An Giang vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của mình. Sinh sống hòa đồng, giao lưu văn hóa với các dân tộc anh em Kinh, Hoa, Khmer nhưng người Chăm luôn ý thức lưu giữ những giá trị riêng, độc đáo. Điều này thể hiện qua hàng loạt lễ hội diễn ra quanh năm của người Chăm như: Lễ tạ ơn, lễ cầu an, lễ hội đua ghe ngo, lễ mừng sinh nhật giáo chủ Mohammed, lễ Ramadan, lễ hội Roya...
Lễ tạ ơn (Asura) thường được tổ chức vào mùng 10 tháng giêng Hồi lịch (sau âm lịch 1-2 ngày). Theo truyền thuyết của người Chăm dòng Islam, xưa kia có một trận đại hồng thủy nhấn chìm tất cả làng mạc, gây khốn đốn cho người dân. Lúc đó, một vị thần đã dùng gỗ đóng một chiếc bè lớn chở mọi người đi lánh nạn. Về sau, cứ tới ngày này, người dân lại nhớ đến công ơn của vị thần kia nên hành lễ, nấu món ăn cúng bái, tạ ơn. Người Chăm Islam ở An Giang hiện có hai dòng theo đạo cũ và đạo mới. Theo ông Ismal, giáo cả làng Chăm Châu Phong, một bộ phận người Chăm theo đạo mới không tin truyền thuyết vừa kể trên nên không làm lễ Asura; còn người Chăm theo đạo cũ thì duy trì lễ này hằng năm.
Lễ cầu an là xin thánh Allah ban cho con người sức khỏe để làm ra lúa gạo. Đua ghe ngo là môn thể thao truyền thống của đồng bào Chăm An Giang, thường được tổ chức thi đấu, giao lưu giữa 4 dân tộc anh em trong tỉnh.
Lễ mừng sinh nhật nhà tiên tri - giáo chủ Mohammed vào ngày 12-4 Hồi lịch hằng năm là dịp để con cháu người Chăm tìm hiểu về cội nguồn, về sự ra đời của đạo Hồi. “ Lễ mừng sinh nhật giáo chủ Mohammed diễn ra trong 2 ngày, lúc này giáo dân sẽ tập trung ở thánh đường nghe giáo cả giảng đạo, kể lại những câu chuyện về giáo chủ” – giáo cả Yatà cho biết.
Người Chăm theo dòng Islam ở An Giang khác với người Chăm theo dòng Balamon ở Ninh Thuận. Người Chăm An Giang xem lễ Ramadan là quan trọng nhất thì người Chăm Ninh Thuận xem lễ hội Kate là quan trọng nhất.
Lễ Ramadan của người Chăm An Giang là lễ nhịn ăn hoặc tháng ăn chay. Ramadan kéo dài từ mùng 1 đến ngày 30 của tháng thứ 9 Hồi lịch. Bước vào tháng Ramadan, trừ trẻ em dưới 15 tuổi, mọi người Chăm còn lại phải nhịn ăn từ trước khi mặt trời mọc đến mặt trời lặn mỗi ngày. Sau giờ này, người ta có thể ăn uống thoải mái. Giáo cả xã Châu Phong cho biết thêm: “Những người già cả, bệnh tật không thể nhịn ăn thì phải “trả gạo” mỗi ngày theo số lượng quy định để san sớt cho người nghèo. Ý nghĩa của lễ Ramadan này là sự sẻ chia, cảm thông với những người nghèo khó, thiếu ăn, thiếu mặc trong cộng đồng để mọi người yêu thương nhau hơn; đồng thời rèn luyện cho họ sự tiết chế, chống những cám dỗ vật chất”.
Lễ hội Roya - Tết dân tộc. Roya chia làm hai giai đoạn: Tiền Roya (Roya Fitry) và Roya chính (Roya Phik Trok hay Haji). Theo ông Yatà, Roya Fitry là thời gian để mọi người chuẩn bị nhà cửa, nuôi thúc dê, bò hoặc tranh thủ đi làm kiếm tiền về ăn Tết.
Dịp Roya, nam giới từ 15 tuổi trở lên sẽ đến giáo đường hành lễ, cầu nguyện trong một ngày, những ngày còn lại đến nhà hàng xóm thăm hỏi, chúc tụng, chia nhau những món bánh, miếng thịt. Nhờ đó, cộng đồng người Chăm ở An Giang rất gắn bó, thân thiết với nhau. Chính vì vậy, cộng đồng người Chăm An Giang còn gọi lễ hội này là “Roya yêu thương”. Roya còn là dịp để người Chăm theo đạo Hồi hành hương về thánh địa Mecca ở Ả Rập Saudi. “Những người giàu có năm nào cũng hành hương về thánh địa Mecca. Người Hồi nào chưa đến thánh địa này một lần thì chết cũng còn hối tiếc”. Vào dịp lễ Roya, nhiều du khách nước ngoài hay các cộng đồng dân tộc anh em đến các làng Chăm An Giang tham quan, chung vui đều được các gia đình người Chăm tiếp đãi hết sức chân tình, nồng hậu.
Bên cạnh những lễ hội mang tính chất tôn giáo, tín ngưỡng. Người Chăm An Giang còn tổ chức nhiều lễ hội khác: Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm Búng Bình Thiên ở huyện An Phú ( dịp Quốc khánh 2-9) và phải kể đến Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào dân tộc Chăm tỉnh An Giang, luân phiên tổ chức hai năm một lần tại các huyện có dân tộc Chăm sinh sống. Đây là hoạt động nhằm giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm; là dịp quảng bá hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Chăm An Giang, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, phát triển kinh tế - xã hội, tạo không khí vui tươi phấn khởi và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc với cộng đồng các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh An Giang nói riêng và trên cả nước nói chung. Tổ chức trò chơi dân gian: đẩy gậy, kéo co…; Liên hoan văn nghệ quần chúng, giới thiệu các thể loại ca, múa, nhạc cụ mang đậm bản sắc dận tộc; trình diễn trang phục truyền thống, phục dựng lễ cưới truyền thống trên sân khấu làm nổi bật cuộc sống văn hóa tinh thần của đồng bào Chăm. Một hoạt động khác không thể thiếu, đó là triển lãm ảnh và trưng bày hiện vật tại khu vực diễn ra ngày hội, với chủ đề “Thành tựu kinh tế - văn hóa – xã hội của đồng bào dân tộc Chăm An Giang trong thời kỳ đổi mới và hội nhập”. Vì mỗi xóm Chăm có nét đặc thù riêng, sự phát triển riêng. Người Chăm An giang sống tập trung ở các xã Châu Phong (TX. Tân Châu); Vĩnh Hòa (Châu Thành); Đa Phước ( An Phú)…
Không khiêm tốn bởi các lễ hội trong tỉnh, người Chăm An Giang còn tham dự Ngày hội Văn hóa, Thể thao & Du lịch toàn quốc được tổ chức 4 năm một lần. Cụ thể sắp tới đây Ninh Thuận đăng cai tổ chức. Dịp này để các tỉnh có dân tộc Chăm sinh sống như: Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, Tây Ninh, TP.HCM giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Chăm giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về sản xuất kinh tế theo hướng tiến bộ, phát triển.
Như ý (sưu tầm)