Không chỉ thu hút du khách bởi hình ảnh cô gái Chăm với chiếc khăn matơra ngồi thêu sau cửa sổ, hay những thánh đường uy nghiêm có kiến trúc độc đáo cùng những nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đồng bào Chăm ở An Giang còn có đặc trưng riêng bởi nét văn hóa ẩm thực hấp dẫn, không lẫn với bất kỳ dân tộc nào.
Nhắc đến người Chăm, đầu tiên phải kể đến món cà ri, đây là món ăn truyền thống, đặc trưng trong những ngày lễ, Tết của dân tộc. Ngoài ra, còn có các món: Cà púa, cà rìng. Các món cà ri, cà púa hay cà rìng cách chế biến tương tự và thoạt nhìn về màu sắc cũng gần giống nhau, nếu chỉ nhìn bề ngoài thì khó phân biệt được từng món ăn. Trong các món ăn của người Chăm, thành phần không thể thiếu là dừa (nước cốt dừa), hầu như món nào cũng sử dụng và liều lượng chỉ gia giảm tùy theo từng món ăn. Để có được nồi cà ri thơm ngon, đòi hỏi sự kỳ công trong khâu chuẩn bị các nguyên liệu và phải thật sự khéo tay khi nấu mới có thể tạo ra được hương vị độc đáo đặc trưng. Bên cạnh đó, quan trọng nhất vẫn là tay nghề của người phụ nữ Chăm trong cách phối trộn nguyên liệu, béo mà không ngán, cay mà vẫn ngon. Nếu muốn thết đãi khách bằng những món ăn này, gia chủ phải chuẩn bị và nấu từ ngày hôm trước. Thành phần chủ lực để chế biến 3 món ăn trên là các nguyên liệu như: Thịt bò, gà, dê, cá; bột cà ri đặc trưng và lá cà ri. Theo ông Gosaly, Chánh Văn phòng Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh (ISLAM), mỗi loại phụ liệu trong món ăn này đều được nấu riêng, sau đó nấu chung lại với nhau để tạo cho hương vị hòa quyện. Một món cà ri ngon phải bắt mắt với màu sắc cà ri thật tươi, mùi vị thơm. Do người Chăm sử dụng tay bốc thức ăn đưa vào miệng nên nước cà ri hay những món ăn khác không được đặc quá cũng không lỏng, phải vừa đủ độ sánh.Cà púa (kapoih) nhìn sơ qua rất giống cà ri, vì cũng sử dụng nước cốt dừa nhiều và nguyên, phụ liệu gần giống nhau. Tuy nhiên, đặc điểm nhận dạng đó là trong món cà púa sử dụng thêm đậu phộng và chủ yếu sử dụng thịt bò để nấu. Riêng món cà rìng thì không có đậu phộng mà lại thêm vào tiêu hột. Với cả 3 món ăn này, tuy hình dáng giống nhau nhưng do thay đổi một vài nguyên liệu đã tạo ra được hương vị đặc trưng khó tả. Phải một lần thưởng thức thì du khách mới có thể cảm nhận được sự đặc biệt trong cách pha chế gia vị trong từng món ăn của người Chăm. Ngoài những món ăn này, vào những buổi tiệc cưới, lễ, Tết lại có thêm món thur-cha, ken-peh, E-pai-pring (canh thính)… Với những gia đình người Chăm bình dân hay đãi khách bằng món canh thính (chủ yếu sử dụng phần nạm bò, cà, đu đủ sống và nước cốt dừa để nấu) cùng món ken-peh (nguyên liệu có khóm và cà tím). Gia đình nào khá giả sẽ làm thêm món gỏi lòng bò đi kèm nước chấm đặc trưng. Ngoài các món ăn thì còn có nhiều loại bánh như: Bánh ha-klin, bánh plata, bánh hột mít, bánh ngôi sao, bánh tổ chim, bánh ruột gà, bánh gan…, mỗi loại bánh là một hương vị, hình dáng khác nhau nhưng tựu chung đều rất ngon, đẹp mắt. Từ khi còn nhỏ, các cô gái Chăm đã được mẹ, bà của mình chỉ dạy cách làm bánh, nấu những món truyền thống của dân tộc mình, nên họ rất khéo tay. Tuy các món ăn của người Chăm thường sử dụng nước cốt dừa để nấu, nhìn thì rất béo nhưng khi thưởng thức không hề khó ăn vì kèm theo đó lúc nào cũng đầy đủ các loại phụ liệu như: Bắp cải, cà tím, đậu bắp, đậu que… và được trình bày rất đẹp mắt.
Năm nay, tháng Ramadan bắt đầu từ ngày 6-6 và kết thúc vào 7-7. Trước khi vào tháng chay Ramadan, đàn ông, con trai đem một vài món ăn, bánh, trái cây vào thánh đường cùng ngồi ăn, chia sẻ chuyện làm ăn, con cái, qua đó càng thêm gắn kết mọi người lại với nhau. Kết thúc tháng Ramadan là bắt đầu đến ngày lễ Roya Aidilfitri (hay còn gọi là ngày xả chay). Đây là lễ thăm hỏi bà con, anh em, bố thí cho người nghèo. Cho dù có giận hờn, thù hằn thì qua lễ này, mọi thứ đều được xóa bỏ, họ bắt tay, ôm nhau và cầu chúc mọi sự tốt lành.
Đàm Minh (sưu tầm)