Tưng bừng lễ hội Kate của người Chăm Ninh Thuận.
Dân tộc Chăm nói riêng, đồng bào thiểu số ở Tây Ninh nói chung, vốn có truyền thống gắn bó lâu đời, sống gần gũi, chan hòa và có mối quan hệ giao lưu văn hóa mật thiết với đồng bào Kinh và các cộng đồng dân tộc thiểu số khác.
Tập quán xã hội và luật tục của người Chăm ở Tây Ninh
Người Chăm ở Tây Ninh thuộc cộng đồng người Chăm Nam Bộ, đa số theo đạo Hồi và tự gọi mình là Chăm Asulam (Islam) có nghĩa là Chăm có phúc. Họ sống tập trung thành từng làng quanh Thánh đường (majid). Theo kết quả kiểm kê, tập quán xã hội của người Chăm ở Tây Ninh có 13 nghi lễ chính, đó là: Nghi lễ cầu an, Lễ hỏi, Lễ cưới, Lễ dâng hiến, Lễ cắt tóc và đặt tên cho trẻ, Lễ lên nhà mới, Lễ mừng sinh nhật Đấng Nabi Mohammed, Lễ Ramadan, Lễ tạ ơn, Lễ tang, Lễ thăng thiên, Lễ xả chay và Lễ mừng học trò thuộc kinh Coran. Ngoài ra, họ còn 7 tập tục hình thành một hệ thống luật tục trong xã hội Chăm ở Tây Ninh đó là: Tín ngưỡng dân gian, Tục tập quán - cư trú, Tục ăn uống - ẩm thực, Tục mặc, Tục sinh đẻ, Tục cắt da quy đầu, Tục ly dị.
Điệu múa truyền thống của người Chăm trong lễ hội Kate.
Hiện nay, đa phần các tập tục của đồng bào Chăm ở Tây Ninh đều được các gia đình, dòng tộc giữ gìn và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ nối tiếp. Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống của người Chăm, một số tập quán và tục lệ của họ đã bị pha tạp; một số tục lệ có nguy cơ mất gốc, bởi lẽ trong quá trình cộng cư, sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc với nhau, người Chăm đã và đang ảnh hưởng các tập tục của người Kinh và người Hoa sống lân cận, nhất là lễ hỏi, lễ cưới và lễ tang …
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tập tục đồng bào Chăm ở Tây Ninh
Cùng với các loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác, tập quán xã hội và luật tục của người Chăm ở Tây Ninh cũng chỉ được lưu giữ bằng trí nhớ và lưu truyền chủ yếu bằng hình thức truyền miệng. Vì vậy, nếu không nhận thức đúng đắn và có giải pháp bảo tồn, rất có thể nhiều tập quán xã hội của người Chăm sẽ dần mai một; thậm chí sẽ biến mất trong một thời gian không được tái hiện trong cộng đồng thường xuyên.
Đồng bào Chăm dâng lễ tạ ơn trời đất và thần linh.
Giải pháp trước tiên là cơ quan chức năng chuyên môn các cấp cần phối hợp với chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò, vị trí tập quán xã hội của người Chăm ở Tây Ninh nhằm phát huy ý thức cộng đồng trong việc chung tay giữ gìn tập quán xã hội của cộng đồng; quan tâm đến những già làng, người cao niên uy tín, các gia đình; động viên các hoạt động truyền dạy về nghi lễ, tục lệ tốt đẹp cho các thế hệ trẻ; thực hiện đầy đủ các chính sách đối với nghệ nhân, người có công lưu giữ và truyền dạy các phong tục, tập quán xã hội tốt đẹp của cộng đồng người Chăm.