Dân tộc Tày:
Tên tự nhận: Người Tày ngày nay là sự tập hợp từ nhiều thành phần như người Tày bản địa, người Tày từ các nước thuộc Bách Việt xưa (ở phía nam Trung Quốc) thiên di sang Việt Nam…, nên tên tự nhận có các tên sau: 1. Người Tày bản địa tự nhận là Thổ (土), xuất phát từ quan niệm họ là người bản thổ (本土); 2.)Người Tày từ các nước thuộc Bách Việt xưa (ở phía nam Trung Quốc ngày nay) thiên di sang Quảng Ninh tự nhận là Phén nhằn (偏人 - pian rén), theo âm Hán Việt: 偏 là Thiên, 人 là Nhân, 偏人 - Pian rén là Thiên nhân. Tên gọi Phén là cách đọc và nói trại từ 偏 (Pian) thành Phén mà ra. Từ khi thành lập khu tự trị Việt Bắc (1956) đến nay, tộc danh Tày đã được các nhóm có chung văn hóa gốc Tày cổ xác nhận là tộc danh chính chức của dân tộc mình.
Tên gọi khác: Ngạn, Thu Lao, Pa Dí, Phén Lão, Hờn Bạn…
Ngôn ngữ: Thuộc ngữ hệ Tày - Thái, đã tiếp thu bộ chữ Hán để tạo ra chữ Nôm - Tày. Năm 1961, Nhà nước ta đã thông qua bộ chữ La tinh hóa dùng để phiên âm chữ Tày.
Dân số và phân bố dân cư
- Cả nước, người Tày có tổng dân số theo các năm như sau: Năm 1989 có 1.190.342 người; năm 1999 có 1.477.514 người; năm 2009 có 1.626.392 người. Địa vực cư trú chủ yếu ở miền núi và trung du phía Bắc thuộc các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Giang, Bắc Kạn, gần đây một bộ phận di cư vào Tây Nguyên và Đông Nam Bộ thuộc các tỉnh Lâm Đồng, Đắc Lắc, Bình Dương…
- Ở Quảng Ninh, người Tày có dân số theo các năm như sau: Năm 1960 có 14.930 người (trong đó khu Hồng Quảng có 675 người, Hải Ninh có 14.255 người và huyện Đình Lập sau này tách về Lạng Sơn có 6.198 người); Năm 1979 có 17.025 người; 1989 có 23.130 người.Theo kết quả Tổng Điều tra dân số 01/4/2009, thành phần dân tộc Tày ở Quảng Ninh có 29,849 người, chiếm 2,61% dân số của tỉnh, cư trú tại 14/14 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.
Nguồn gốc tộc người
Người Tày được hình thành trong mối quan hệ đa dạng và có sự giao lưu với các tộc người khác. Về cơ bản người Tày ở Việt Nam gồm có:
- Người Tày bản địa (người Thổ), dựa vào các cứ liệu lịch sử, khảo cổ học… lịch sử xa xưa của một bộ phận cư dân nói ngôn ngữ Tày - Thái cổ đã có mặt ở khu vực Việt Bắc (Việt Nam). Các di chỉ khảo cổ học thuộc văn hóa Bắc Sơn là một minh chứng rõ cho sự có mặt của người Tày cổ ở khu vực Lạng Sơn, Cao Bằng…
- Người Tày gốc Kinh, trong tiến trình lịch sử của dân tộc người Kinh lên cư trú vùng người Tày lâu đời bị đồng hóa tự nhiên thành người Tày từ nhiều nguồn khác khau như: Từ bộ phận quan lại, binh lính; những người từ miền xuôi lên tìm kế sinh nhai hay những người lánh nạn…
- Người Tày gốc Choang, Tày, Thái, Nùng từ các nước thuộc Bách Việt xưa thiên di sang, trong quá trình cộng cư lâu dài với người Tày bản địa đã được Tày hóa vì sự tương đồng về ngôn ngữ và văn hóa gốc.
Hoạt động kinh tế
- Về kinh tế tự nhiên
Người Tày cư trú trên địa vực dẻo thấp, thường là lưng trừng đồi hay chân rừng, có núi đồi, có thung lũng đồng bằng nhỏ hẹp. Việc thai thác lâm thổ sản, săn bắn, đánh bắt, lấy măng, lấy củi, hái các loại quả, nấm và các loại cây thuốc dược liệu quý... đã cung cấp những nhu cầu thiết yếu cho đời sống của đồng bào.
- Về kinh tế sản xuất
Trồng trọt: Trong sản xuất nông nghiệp đồng bào có truyền thống làm ruộng nước, từ lâu đời đã biết thâm canh và áp dụng rộng rãi các biện pháp thuỷ lợi như đào mương, bắc máng, đắp phai, làm cọn lấy nước tưới ruộng. Họ có tập quán đập lúa ở ngoài đồng trên những máng gỗ mà họ gọi là loỏng rồi mới dùng dậu gánh thóc về nhà. Ngoài lúa nước người Tày còn trồng lúa khô, hoa màu, cây ăn quả... Để chăm bón cây trồng cho năng suất cao, đồng bào đã biết tận dụng các loại phân từ vật nuôi và các cây thảo mộc trên rừng cũng được đồng bào tận dụng làm phân xanh bón cho cây trồng.
Sản xuất nông nghiệp của người Tày
Chăn nuôi: Các loại gia súc, gia cầm được đồng bào chăn nuôi theo phương thức hộ gia đình, phương pháp chăn nuôi chủ yếu là chăn thả tự nhiên. Đồng bào còn biết tận dụng mặt nước ở ao, hồ nuôi các loại cá nước ngọt... thức ăn được đồng bào tận thu bằng cách cắt cỏ tự nhiên, vớt bèo, lá mía...
Các nghề thủ công, nổi tiếng nhất là nghề dệt thổ cẩm với nhiều loại hoa văn đẹp và độc đáo. Ngoài ra, đồng bào còn một số nghề thủ công khác như: phổ biến là nghề đan lát, nghề rèn, nghề mộc. Những nghề này ít người biết làm, nên các sản phẩm làm ra chỉ để cung cấp trong cộng đồng.
Văn hoá tổ chức cộng đồng
- Tổ chức xã hội
Trước Cách mạng tháng 8-1945, người Tày cũng bị chi phối bởi hệ thống chính trị - xã hội thực dân nửa phong kiến. Đơn vị hành chính cấp cơ sở của người Tày đều theo mô hình miền xuôi do nhà nước phong kiến áp đặt, đó là: xã, tổng, châu, huyện. Bên cạnh tổ chức hành chính của giai cấp thống trị, người Tày còn có một tổ chức khác do chính đồng bào sáng lập ra và người đứng đầu được dân bầu làm “thẩu”, giống như trưởng bản ngày nay. Thẩu là người đảm nhiệm việc quản lý con người, quản lý nguồn tài nguyên trong bản, nắm vững luật tục trong bản, là người thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng trong cộng đồng, hòa giải các xích mích, giữ mối đoàn kết trong bản… Sau năm 1954, không còn vai trò ông “thẩu” trong bản kể từ khi tiến hành hợp tác xã nông nghiệp vào năm 1959.
- Tổ chức gia tộc, gia đình
Người Tày theo chế độ gia trưởng phụ quyền. Người đàn ông trong gia tộc, gia đình có tiếng nói trọng lượng và quyết định mọi việc. Còn phụ nữ không được quyền tham gia khi chưa được phép và không được chia tài sản, trừ trường hợp nhà không có con trai, cháu trai thì con gái mới được quyền hưởng tài sản với điều kiện phải ở rể. Người Tày có câu “Quyền pỏ cợ ăn bụng, quyền lùng cợ ăn xá” (Quyền bố bằng cái sọt, quyền bác bằng cái nong), thể hiện rõ vai trò của người đàn ông trong dòng họ và gia đình.
Gia đình người Tày gọi là “nhà” (rườn). Từ lâu, gia đình nhỏ phụ quyền với hai hoặc ba thế hệ (ông bà - cha mẹ - con cái) là loại hình gia đình chủ yếu, phổ biến nhất trong vùng cư trú của đồng bào Tày. Trước Cách mạng tháng Tám (1945), ở nhiều vùng người Tày từng tồn tại những gia đình lớn kiểu đại gia đình tứ - ngũ đại đồng đường (bốn - năm thế hệ cùng ở một nhà), cùng sống, cùng sản xuất và cùng hưởng thụ thành quả lao động. Hiện nay, mỗi tiểu gia đình là một đơn vị kinh tế độc lập, có tài sản riêng, tiêu dùng riêng. Chủ gia đình (Chủa rườn) là người chồng, người cha là chủ toàn bộ tài sản gia đình, có quyền quyết định mọi việc lớn nhỏ trong gia đình, trường hợp cần thiết có thể tổ chức họp gia đình để vơ con tham gia đóng góp ý kiến, những tiếng nói quyết định lại thuộc về chủ nhà.
Văn hoá vật chất
- Làng bản, nhà cửa
Người Tày Quảng Ninh thường cư trú thành các bản làng cạnh con sông, con suối, ven đường hoặc trong những cánh đồng bồn địa giữa núi để thuận lợi trong việc canh tác lúa nước. Mỗi bản có địa vực cư trú riêng, thường mỗi bản có từ vài chục nóc nhà. Hiện nay, bản của người Tày có nhiều thay đổi về số lượng và quy mô ngày càng thu hẹp, thay vào đó là liên bản hoặc thôn xóm, khu phố.
Nhà ở của người Tày
Người Tàycó cả nhà sàn và nhà đất, nhưng nhà đất ngày một nhiều, dần thay thế hẳn nhà sàn. Nhà của người Tày thường là nhà ba gian hai chái, với bộ sườn kết cấu đơn giản. Vì kèo thường là từ 02 đến 07 cột đơn bằng gốc nguyên cây, xà và kèo gác lên ngoãm đầu cột rồi buộc lại với nhau bằng dây lạt hay dây rừng. Mái nhà được lợp bằng rơm rạ, cỏ tranh... Tính cộng đồng của người Tày thể hiện rất cao qua việc một hộ trong bản làm nhà thì được cả bản đều tự nguyện mang theo dụng cụ đến làm giúp.
- Ẩm thực
Lương thực hằng ngày: Người Tày ăn nếp là chính và gạo tẻ phụ, chủ yếu được đồ thành xôi và được giã thành bột dùng để làm bánh dày, bánh trôi...
Thức ăn hằng ngày trong cơ cấu bữa ăn của người Tày chủ yếu là cơm + rau là thành phần chủ đạo trong cơ cấu bữa ăn, các loại thịt, cá được thay đổi từng ngày xong không thường xuyên.
Mân cỗ ngày hội
- Trang phục
Trang phục của người Tày không cầu kỳ như người Dao. Bộ trang phục cổ truyền của người Tày làm từ vải sợi bông tự dệt, nhuộm nâu hay chàm, hầu như không thêu thùa, trang trí trang trí họa tiết. Phụ nữ mặc thường mặc áo cánh và áo dài. Áo cánh dài quá cạp váy một chút. Áo cắt theo kiểu tứ thân, xẻ ngực, cổ tròn hoặc cổ xẻ, tay hẹp và hơi thắt eo. Áo dài phụ nữ là kiểu áo năm thân dài phủ qua đầu gối, cổ tròn cài khuy bên cánh nách phải. Xẻ tà ngang hông nhưng không thắt cổ vì bên ngoài còn buộc dây lưng. Dây lưng là một đoạn vải hay tơ tằm dài khoảng 1m được nhuộm chàm hoặc nâu nhạt hơn áo. Váy hoặc quần gồm hai phần: thân và xà cạp. Xà cạp thường được làm khác màu với thân váy (đỏ, xanh nhạt, trắng…) may theo kiểu lá tọa hay luồn dây nút. Thân váy gồm bốn mảnh được khâu lại với nhau thành ống quần. Trang phục nam thường màu nâu hoặc đen vắt chéo ngang hông. Xong hiện nay thanh niên Tày không hoặc rất ít mặc trang phục truyền thống.
Đồ trang sức của người Tày chủ yếu là vòng kiềng, vòng tay, vòng chân, khuyên tai, nhẫn được làm bằng bạc.
- Phương tiện giao thông
Người Tày chủ yếu là đi bộ, với những đồ nhỏ gọn người Tày thường cho vào dậu để gánh hoặc cho vào túi vải để đeo trên vai, còn đối với những thứ lớn nặng hay cồng kềnh thì dùng sức người khiêng vác hoặc dùng trâu kéo. Ngoài ra, họ còn dùng mảng để chuyên chở các nông, lâm sản.
Văn hoá tinh thần
- Tín ngưỡng
Tín ngưỡng của người Tày rất phong phú. Đồng bào tin theo thuyết “vạn vật hữu linh”, tam giáo đồng nguyên (Nho - Phật - Đạo)...
Lễ trong lễ hội Lồng Tồng
Người Tày rất coi trọng thờ cúng tổ tiên ra, đây là việc thờ chính trong mỗi nhà của người Tày nhằm giáo dục, nhắc nhở con cháu luôn hướng về tổ tiên, cội nguồn, giữ gìn truyền hống gia tộc, gia đình. Bàn thờ tổ tiên được đặt ở gian chính giữa ngôi nhà nơi trang trọng nhất, cao ngang xà nhà, được trang hoàng đẹp đẽ. Ngoài ra, đồng bào còn thờ thần cửa, thổ công, vua bếp. Đây là những vị thần bảo hộ, không cho các ma quỷ vào trong nhà, phù trợ cho các thành viên trong gia đình được mạnh khoẻ.
Mỗi làng người Tày đều có miếu thờ thổ công gọi là Thó tỷ (土地, thổ địa). Thần Đất - Vị thần bảo vệ cuộc sống con người, đất đai nhà của, ruộng nương, mùa màng và gia súc. Miếu thường tọa lạc ở địa thế đẹp nhất của làng, đây là nơi tối linh thiêng và tôn nghiêm nên được mọi thành viên trong bản làng bảo vệ và gìn giữ rất cẩn trọng.
- Lễ tết - lễ hội
Người Tày có nhiều lễ hội được phần đều theo thời gian trong năm. Lễ hội lớn nhất của người Tày là lễ hội Xuống Đồng (下田, Hạ Điền,Lồng Tồng). Lễ hội thường được tổ chức vào đầu xuân, khai hội mùa cày cấy mới. Trong lễ hội hội này, mỗi gia đình chuẩn bị mâm cô của nhà mình đến nơi hành lễ, mọi gia đình đều cầu khấn mời các vị thần thánh về chứng giám, độ trì cho mảnh ruộng, ao cá, nương rẫy … của nhà được cả năm tốt tươi, mùa màng bội thu. Ngoài lễ Lồng Tồng còn có nhiều lễ hội khác như: lễ o pò, lễ khẩu mấu (cơm mới), các lễ ở đình làng, hội xuân...
- Văn nghệ dân gian
Người Tày có vốn văn nghệ dân gian khá phong phú, được thể hiện ở các lĩnh vực:
Về diễn xướng: Có nhiều làn điệu dân ca như: Lượn, phong slư, phuối pác, phuối rọi, vén eng... Lượn gồm lượn cọi, lượn slương, lượn then, lượn nàng ới... là lối hát giao duyên được phổ biến rộng rãi ở nhiều vùng. Người ta thường lượn trong hội Lồng Tồng, trong đám cưới, mừng nhà mới hay khi có khách đến bản.
Về vũ: Múa trong nghi lễ ở một số địa phương có múa rối với những con rối bằng gỗ khá độc đáo và múa dùng trong các bài cúng tế dùng trong lễ cấp sắc, ma chay, cúng giải hạn...
Về hội họa: Có một số người biết chủ yếu để sao chép tranh thờ, tranh cúng, khắc những con dấu, ấn tín của thầy và trang trí các họa tiết trên bao dao hay chiếc đàn Tính.
Về văn học: Phát triển mạnh trong nhân dân lao động, với loại hình văn học dân gian chủ yếu là thơ ca ứng tác và truyền khẩu. Bên cạnh thơ ca còn có ca dao, tục ngữ, câu đố cũng rất phong phú được đồng bào đúc rút từ kinh nghiệm trong đời sống.
Trò chơi dân gian đánh cầu lông (tả khìu), đánh khăng, đánh quay, ném còn, kéo co, đánh gụ, đẩy gậy, đuổi chó vào cũi, cà kheo...
Lễ hội đầu xuân
- Tri thức bản địa
Người Tày là một trong những cư dân cư trú lâu đời, một cư dân Bản địa trong khối Bách Việt. Do vậy, trong tiến trình lịch sử hình thành và phát triển, cư dân này đã tích lũy được nhiều tri thức bản địa vô cùng quý giá và đặc sắc như: Tri thức bản địa về nông nghiệp dự báo thời tiết; Tri thức bản địa về y học; Tri thức bản địa về các quy tắc chuẩn mực tập quán pháp và các lĩnh vực tri thức khác.
Hoàng Minh Thắng