Học sinh huyện Lâm Bình với trang phục truyền thống dân tộc Tày và cây đàn Tính
Mỗi dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi phía Bắc đều có những bộ trang phục truyền thống riêng thể hiện sự tinh tế và tôn lên vẻ đẹp của người mặc, mang đậm bản sắc của mỗi địa phương. Chính vì thế, tại Chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” và Lễ hội Thành Tuyên năm 2016 có nội dung trình diễn trang phục dân tộc.
Tham gia trình diễn, mỗi tỉnh trong khu vực Việt Bắc có 2 trang phục dân tộc. Trong đó, tỉnh Cao Bằng trình diễn trang phục dân tộc Tày và Lô Lô; tỉnh Bắc Kạn trang phục dân tộc Dao và Sán Chay; tỉnh Lạng Sơn trang phục dân tộc Nùng và Dao; tỉnh Thái Nguyên trang phục dân tộc Sán Dìu và Sán Chay; tỉnh Hà Giang trang phục dân tộc Lô Lô và Mông; tỉnh Tuyên Quang trang phục dân tộc Tày và Mông. Việc trình diễn trang phục truyền thống dân tộc của các tỉnh sẽ giúp nhiều du khách hiểu hơn về mảnh đất, con người gắn với những nét đẹp mộc mạc đời thường của người dân địa phương.
Theo tài liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng thì từ xa xưa, phụ nữ các dân tộc ở Cao Bằng đã biết trồng bông, dệt vải, nhuộm chàm làm ra nguyên liệu để may trang phục cho mình, biết dùng bạc trắng, chỉ màu để chế tác, thêu thùa những món đồ trang sức và phụ kiện trang phục một cách tinh sảo. Trang phục của người Tày thường đơn giản, chủ đạo là sắc chàm. Còn đối với trang phục người Lô Lô lại có nhiều màu sắc nổi bật, sặc sỡ. Phụ nữ thường mặc áo ngắn, màu đen chàm để hở bụng, hai ống tay hẹp nối từ bả vai xuống cổ tay bằng những khoanh vải màu xanh, đỏ, tím, vàng. Hai vạt áo trước được trang trí bởi một diềm vải hoa đỏ, khuy áo bằng vải, cài cúc đồng; phía sau lưng được chắp những miếng vải màu hình tam giác tạo thành các ô vuông với những hoa văn răng cưa kiểu bông lúa, hình sóng nước, mạng nhện.
Không sặc sỡ như một số dân tộc khác, trang phục của người Nùng ở Lạng Sơn khá đơn giản, thường làm bằng vải thô, nhuộm chàm và hầu như không có thêu thùa, trang trí. Phụ nữ thường mặc áo dài chấm gối, có 5 thân, cúc áo cài bên nách phải. Nam giới mặc áo cổ đứng, xẻ ngực có hàng khuy vải và thường có 4 túi không nắp, thường mặc kèm với chiếc áo lót mầu trắng bên trong, quần cạp to, ống rộng tạo sự thuận tiện trong lao động sản xuất. Còn dân tộc Dao ở Lạng Sơn vốn có một nền văn hóa độc đáo và phong phú. Những bộ trang phục dân tộc Dao ở quê anh giống như một vũ trụ thu nhỏ với những hoa văn họa tiết được thêu trên nẹp áo, gấu áo, gấu quần tượng trưng cho hoa lá cỏ cây thể hiện sự gần gũi, gắn bó, mong ước có một cuộc sống tươi đẹp, hòa quyện với thiên nhiên, vạn vật của con người. Anh rất vui vì được giới thiệu trang phục của dân tộc mình tại Chương trình này tổ chức ở Tuyên Quang.
Phụ nữ dân tộc Mông khâu trang phục truyền thống.
Nhắc đến Tuyên Quang là nhiều người nghĩ ngay đến mảnh đất với nhiều dân tộc thiểu số sinh sống nhưng trong đó dân tộc Tày chiếm chủ yếu. Người Tày ở Tuyên Quang sống xen kẽ với tất cả các dân tộc khác. Chính vì vậy mà văn hóa và trang phục của người Tày ngoài lưu giữ được những nét truyền thống đồng thời có sự cách điệu duyên dáng. Thiếu nữ người Tày khi vận những bộ trang phục truyền thống thường tôn được vẻ nữ tính “thắt đáy lưng ong”, đồng thời trang phục màu đen kết hợp với cổ đeo vòng bạc trắng toát lên vẻ kiêu sa. Ông Trần Hải Quang, Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Triển lãm tỉnh cho biết, ngoài trình diễn trang phục dân tộc Tày thì tỉnh Tuyên Quang còn tham gia trình diễn trang phục dân tộc Mông. Người Mông trắng ở Tuyên Quang thường sống ở vùng núi cao với áo quần xúng xính, lộng lẫy.
Mỗi dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi phía Bắc lại mang đến những tiết mục trình diễn mang đậm văn hóa vùng miền cùng hội tụ ở Tuyên Quang đã làm nên sức hấp dẫn của Chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” và Lễ hội Thành Tuyên năm 2016. Từ đó góp phần giữ gìn, tôn vinh vẻ đẹp và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc.
Bích Khuyên