Ai đã từng ngược ngàn lên vùng Tây Bắc, dừng chân tại mảnh đất Điện Biên và hòa mình vào cuộc sống, phong cảnh thiên nhiên nơi đây sẽ có thêm nhiều hình ảnh, kỷ niệm đẹp trong một chuyến đi.
Nhưng đến Điện Biên mà chưa một lần ngắm nhìn những cánh rừng ngập trắng hoa ban hay đến thăm một bản dân tộc Thái, thưởng thức một món ăn truyền thống của đồng bào Thái, hòa vào hội vui cùng nắm tay múa xòe, nhảy sạp với các thiếu nữ Thái thì coi như chưa đến Điện Biên.
Dân tộc Thái hiện nay có số dân đông nhất ở tỉnh Điện Biên. Người Thái đã sinh sống, cư trú ở vùng đất “ngã ba biên giới” này hơn mười thế kỷ qua. Dân tộc Thái có truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán lâu đời, đặc sắc. Nằm trong hệ ngôn ngữ Tày- Thái, người Thái còn có các tên gọi khác là Táy, Hàng Tổng, Pa Thay, Thổ Đà Bắc và có hai nhóm Thái đen, Thái trắng.
Phụ nữ Thái có bộ y phục rất độc đáo với chiếc áo cóm bó sát người đính hàng cúc bướm bằng bạc, chiếc váy dài chấm gót và chiếc khăn piêu “thêu chỉ hồng” đội trên đầu. Không cầu kỳ, rực rỡ sắc màu như một số trang phục của các dân tộc khác, bộ y phục giản dị, trang nhã đã tôn lên vẻ đẹp mặn mà, duyên dáng của các thiếu nữ Thái.
Phụ nữ nhóm người Thái đen khi đã kết hôn phải búi tóc trên đầu (tiếng Thái gọi là “tằng cẩu”), còn phụ nữ Thái trắng vẫn để tóc bình thường. Cùng với sản phẩm nổi tiếng là vải thổ cẩm với hoa văn độc đáo, màu sắc lộng lẫy và đệm gối, đệm chăn hoa bông lau bền, đẹp, dân tộc Thái còn có nhiều món ăn hấp dẫn như món “lam nhọ” (thịt gia súc, gia cầm nướng nhừ), “pỉnh tộp” (cá nướng), “pa giảng” (cá hun khói)...
Xôi nếp là món ăn truyền thống của dân tộc Thái. Món xôi nếp này được người Thái xôi bằng phương pháp cách thủy rất kỹ thuật. Xôi chín bằng hơi, mềm, dẻo và được đựng bằng ép khẩu hay giỏ nan nhỏ đậy kín, ủ ấm giữ cho xôi dẻo lâu mà vẫn lưu được mùi vị thơm và ăn ngon miệng.
Dân tộc Thái vốn yêu chuộng ca hát. Vào những ngày lễ, tết, ngày hội, ngày vui, đồng bào vẫn quây quần bên nhau múa, hát rất say sưa, nhộn nhịp. Hình ảnh những chàng trai, cô gái Thái nắm tay nhau, cùng vui điệu múa xòe chung quanh ngọn lửa hồng hay rộn ràng trong điệu múa sạp “sòn sòn sòn đô sòn, sòn sòn sòn đô rê...” đã trở nên rất gần gũi, quen thuộc và trở thành vũ điệu đặc trưng của người dân Điện Biên nói riêng, đồng bào Tây Bắc nói chung.
Dân tộc Thái vốn yêu chuộng ca hát. Vào những ngày lễ, tết, ngày hội, ngày vui, đồng bào vẫn quây quần bên nhau múa, hát rất say sưa, nhộn nhịp. Hình ảnh những chàng trai, cô gái Thái nắm tay nhau, cùng vui điệu múa xòe chung quanh ngọn lửa hồng hay rộn ràng trong điệu múa sạp “sòn sòn sòn đô sòn, sòn sòn sòn đô rê...” đã trở nên rất gần gũi, quen thuộc và trở thành vũ điệu đặc trưng của người dân Điện Biên nói riêng, đồng bào Tây Bắc nói chung.
Nói đến dân tộc Thái không thể không nói đến cây hoa ban. Câu chuyện huyền thoại “Nàng Ban” gắn liền với sự tích cây hoa ban từ lâu đã hóa thân vào cuộc sống văn hóa tinh thần và tâm linh của người dân tộc Thái. Người Thái quan niệm rằng, trai làng gái bản ở độ tuổi trăng tròn mà không thuộc câu tình ca
Đôi ta yêu nhau không tính mùa Ban nở/ Không thấy ngày Ban tàn/ Mãi mãi như mùa Ban đầu, ta yêu nhau thì không phải là người con của dân tộc Thái. Hoa ban- vì thế đã trở thành niềm tự hào và biểu tượng tình yêu chung thủy sắt son của người Thái. Đúng như một thi sĩ đã viết về người Thái ở Điện Biên: Khăn piêu, xôi nếp, hoa ban/Ngọt ngào hương sắc đại ngàn Điện Biên
Nông Quang Khải.