Lào Cai có nhiều chợ nổi tiếng ở các huyện: Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai... Đi chợ không chỉ là thú vui mua sắm, mà được tìm hiểu đời sống kinh tế, nét đẹp văn hoá, nếp sinh hoạt của vùng đất đi qua.
Lần này, anh Nguyễn Việt Hoà, người Hà Nội rủ tôi đi thăm chợ vùng cao Sa Pa. Nhìn vào đôi mắt của anh, dường như có sự sôi động của phiên chợ đông vui, thôi thúc tôi đi. Thế là, tôi nhận lời theo anh đến xứ sở mù sương, thăm chợ Sa Pa nổi tiếng nằm bên con phố cũ.
Khác hẳn với chợ vùng xuôi, chợ thường họp từ rất sớm kéo dài đến 9 giờ, tấp nập cảnh mua bán của đồng bào ở các bản làng về họp. Hàng hoá thật phong phú, thổ cẩm dân tộc Mông, Dao, Giáy, Xa Phó... được bày bán ở khuôn viên tầng hai. Các loại trang phục, khăn, túi xách rất đẹp, thu hút sự chú ý khách nước ngoài. Cùng hàng thổ cẩm là sản phẩm mỹ nghệ, nhiều nhất các loại đồ bạc. Bạc được đánh thành vòng tay, vòng cổ, nhẫn, hoa tai... Người bán hàng niềm nở, thật thà chào bán.chợ cán cấu.Không ồn ã náo nhiệt, chợ hoa lặng lẽ, có trả giá, nhưng chút ít thôi, vì chủ và khách từ lâu đã thân thiết. Dưới ánh nắng ban mai, những cánh hoa ướt đẫm sương trở nên long lanh và quyến rũ. Vẻ đẹp rực rỡ của hoa hồng, hoa cúc, hoa lan... hấp dẫn khách mua. Vợ chồng chị Hương ở Trạm Tôn, bán được già nửa xe hoa chở trên chiếc xe máy, hồ hởi: "Hoa đẹp, được giá lại dễ bán, vụ tới gia đình lại trồng thêm". Không lung linh rực rỡ như chợ hoa, chợ rau nép cuối con đường vào chợ. Rau Sa Pa ngon có tiếng như: ngọn su su, bắp cải, cải xoong, măng trúc, cà chua, đậu cô ve... Vài năm trở lại đây, du khách đến Sa Pa ai cũng khoái khẩu với món rau, bởi rau ở đây ngon và rẻ. Chợ Sa Pa được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ XX, có diện tích hơn 10.000m2. Chợ có khoảng hơn một nghìn quầy, sạp kinh doanh các nhóm ngành hàng. Các mặt hàng chủ lực là: Hoa, rau, thuốc bắc, thổ cẩm, hàng lưu niệm và đồ gia dụng... Các mặt hàng tại chợ phong phú, giá cả phù hợp; hình thức kinh doanh chủ yếu là bán lẻ. Hàng năm có cả chục vạn lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm tại chợ.
Rời huyện Sa Pa, tôi cùng anh phải mất hơn 2 giờ đi xe khách mới đến thăm chợ văn hoá Bắc Hà, nằm ngay giữa trung tâm huyện lỵ. Tuy có hơi mệt, nhưng bù lại là được ngắm các chàng trai cưỡi ngựa xuống núi, cô gái Mông diện thổ cẩm màu đỏ, vòng bạc đeo cổ, đến chợ mang theo can rượu ngô thơm nồng, gà, lợn đặc sản... Ngoài việc mua hàng hoá, nam nữ thanh niên đến chợ với mong muốn tìm được người bạn đời của mình. Chàng trai Giàng Seo Páo, ở xã Cốc Ly đã "bắt" được cô gái xinh nhất xã Bản Phố về làm vợ, hỉ hả nâng bát rượu ngô mời tôi. Anh Páo tâm sự: Ở Bắc Hà có nghề truyền thống nấu rượu ngô nổi tiếng. Chất đất, khí hậu, nước ở đây rất phù hợp cho việc trồng ngô làm nguyên liệu nấu rượu. Muốn có rượu ngon, người dân dùng hạt ngô lấy giống từ vụ thu hoạch trước. Việc gieo trồng vào tháng giêng trên đất nương hoặc bãi, đất trồng được người dân làm cho tơi, bổ lỗ theo hàng, mỗi hàng có cự ly cách nhau chừng nửa mét. Sau khi thu hoạch, tẽ hạt ra nấu rượu là cả một nghệ thuật. Ngô đem nấu chín, ủ với men lá, cho vào chum bịt kín, tới độ ngô chuyển màu vàng sẫm, mùi hương rượu toả ra thơm lừng, ấy là lúc đem ra nấu cách thuỷ mới được rượu ngon.
Tôi lang thang khắp chợ, thấy có chiếc chảo nấu thắng cố, được ghi vào cuốn sách kỷ lục Guiness Việt Nam. Sự đặc biệt ấy là điểm nhấn văn hoá sinh hoạt của người dân Bắc Hà, gặp nhau là mời nhau chén rượu và bát thắng cố. Bên chảo thắng cố, họ trao đổi tình cảm, sẻ chia công việc rất đỗi thân thương, mộc mạc. Bản sắc chợ văn hoá Bắc Hà, không nhường chỗ cho cách mua bán "tiền trao cháo múc" và "đường ai nấy đi". Năm 2008, huyện Bắc Hà tiếp tục đầu tư cải tạo, sửa chữa chợ khang trang sạch đẹp, vì thế, chợ trở thành một trong những chợ lớn của khu vực vùng cao biên giới của huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương. Chợ có nhiều quầy sạp, các ngành hàng được bố trí, sắp xếp hợp lý, tập trung theo từng khu vực kinh doanh, tạo điều kiện cho từng ngành hàng giao thương tốt nhất.
Đến xã Mường Hum (Bát Xát) vào đúng ngày chợ, tôi và anh bạn bị cuốn hút bởi sự náo nhiệt vốn có. Lời mời khách "mua đi, mua đi" thật vui, cùng món phở và thịt lợn sấy hấp dẫn, đến xôi bảy màu chấm muối vừng cùng hành thật sự là món ăn thú vị. Chợ mang đậm nét văn hóa vùng cao của đồng bào, tạo cho mình sự khác biệt về mặt hàng và cách bày bán. Ở đây, có đặc sản thảo quả, hiếm có nơi nào bán nhiều thảo quả như vậy. Gian hàng thịt lợn đen là sản phẩm sạch của vùng cao. Chủ gian hàng là những phụ nữ Giáy, giới thiệu từng loại thịt được bán với giá cả phù hợp. Ghé vào gian hàng nấm hương, cô gái Dao, xinh tươi chủ động cho biết giá cả. Hàng được bày khá đơn giản trên chiếc phản gỗ. Các mặt hàng nông sản và tiêu dùng bày bán khắp nơi trong chợ, là bức tranh sinh động về cuộc sống đồng bào vùng cao đang thay đổi từng ngày, điều này khiến khách nước ngoài đến thăm chợ Mường Hum rất thích.
Trước lúc chia tay tôi, anh Hoà bảo: Bản sắc văn hoá chợ vùng cao thật ấn tượng. Đi chợ, tôi gặp khá nhiều khách nước ngoài bỏ tiền ra thuê người dẫn họ đi chợ, bởi họ quan tâm đến yếu tố văn hoá bản sắc chợ vùng cao Lào Cai. Câu nói của anh gợi lên một thực tế, chợ vùng cao không chỉ là bức tranh đầy đủ về đời sống kinh tế và sinh hoạt, mà còn là nơi giao lưu tình cảm đôi lứa, tô điểm thêm nét quyến rũ của đất và người Lào Cai.