Hàng thủ công của người Nùng ở Lạng Sơn
Nhóm sản xuất hàng thủ công của người Nùng bao gồm phụ nữ thuộc bốn bản Nùng Phàn Slinh ở Lạng Sơn, một tỉnh phía đông bắc Việt Nam.
Dưới một dự án ( trước kia do Oxfam Hong Kong hỗ trợ), và giờ đây do Craft Link hỗ trợ, phụ nữ ở đây tạo thêm thu nhập cho gia đình bằng việc sản xuất các mặt hàng thủ công truyền thống của họ. Dự án đã tổ chức đào tạo nâng cao kỹ thuật may,
kiểm tra chất lượng sản phẩm, đồng thời đưa một số thành viên đi học tập, xem xét thị trường tiêu thụ sản phẩm ở Hà Nội và các nguồn cung cấp nguyên liệu. Thông qua các hội chợ hàng thủ công của Craft Link, phụ nữ Nùng đã có cơ hội để tự giới thiệu sản phẩm của mình trên thị trường. Dự án cũng nhằm giúp đỡ những phụ nữ trẻ tạo thêm thu nhập, chuẩn bị cho cuộc sống gia đình, chăm sóc con cái trong tương lai. Những phụ nữ này kết hợp sản xuất hàng thủ công vào mùa đông, là mùa nông nhàn.Truyền thống và những đổi thay ở vùng dân tộc Nùng:
Người Nùng Phàn Slinh là một trong số ít các dân tộc trong vùng còn giữ được truyền thống tự dệt vải và may trang phục theo lối cổ. Họ tự trồng bông, kéo sợi, dệt vải cũng như trồng chàm để nhuộm vải. Phụ nữ và nam giới mặc áo cánh và quần vải bông nhuộm chàm. Trong những dịp đặc biệt hoặc khi đi chợ, các cô gái đội chiếc khăn trắng có những dải đen thêu màu sặc sở làm cho trang phục trở nên sinh động hơn. Nếu như một số đàn ông Nùng đôi lúc mặc trang phục của người Kinh ra khỏi bản thì phụ nữ vẫn giữ cách ăn mặc truyền thống như một phần quan trọng trong lối sống của mình.
Các bậc cha mẹ khi chọn con dâu thường đánh giá các cô gái qua trang phục. Theo họ, một cô gái biết may vá giỏi thì cũng sẽ là một người tốt. Họ cho rằng con gái Nùng mà ăn mặc những loại quần áo có bán sẵn ngoài chợ là những cô gái lười biếng. Việc hôn nhân của người Nùng do cha mẹ sắp đặt. Các cô gái Nùng thường lấy chồng khi 18,19 tuổi. Các chàng trai lấy vợ vào độ tuổi 20. Sau khi tổ chức đám cưới cô dâu vẫn tiếp tục ở lại nhà cha mẹ, thỉnh thoảng mới sang thăm nhà chồng. Chỉ đến khi sinh đứa con đầu lòng, cô mới chính thức về nhà chồng.
Mặc dù hôn nhân phải theo sự sắp đặt nhưng thanh niên nam nữ Nùng cũng rất “lãng mạn”. Các chàng trai, cô gái tìm bạn tình là chuyện rất bình thường, ngay cả khi họ đã lập gia đình. Họ thường tỏ tình bằng cách tặng quà cho nhau và như vậy lại cần đến sự khéo tay của các cô gái.
Một chàng trai có thể đề nghị một cô gái may áo cho mình. Nếu có cảm tình với chàng, cô gái sẵn lòng làm giúp mặc dù giả vờ từ chối với lý do cô rất bận. Những chiếc áo này thường may bằng vải bông trắng, gần đây các cô gái hay thêu thêm hoa văn nhiều màu sắc. Sau khi tặng áo cho các chàng trai, các cô gái đề nghị họ tặng quà lại. Nhưng nếu là một cô gái thông minh thì vài tuần hoặc vài tháng sau cô mới ngỏ lời. Như vậy, họ sẽ có một thời gian dài chờ đợi đầy ý vị. Món quà mà các cô gái nhận được thường là hai chiếc giỏ tre xinh xắn. Một chiếc dùng để đựng ống chỉ, chiếc kia đựng bông chuẩn bị kéo thành sợi..
Các chàng trai, cô gái Nùng thường mặc những bộ trang phục đẹp nhất khi đi chợ phiên. Các cô gái đội khăn mới, vai đeo túi thêu; còn các chàng trai hãnh diện mặc những chiếc áo thêu rất đẹp.
Những mối tình của họ hoàn toàn trong sáng và thường thì sau khi đã trao và nhận các món quà các cô gái lại thêu áo để tặng các bạn trai khác. Một cô gái trẻ nói: “ Thêu càng được nhiều áo, có càng nhiều áo thì có càng nhiều bạn trai”. Cho đến khi sinh đứa con đầu lòng, các cô gái mới ngừng thêu áo, tặng quà và họ đi chợ phiên chỉ để mua sắm hàng hóa. Lúc này, bổn phận của người con dâu cùng việc chăm sóc con cái là nhiệm vụ chính của người phụ nữ.
Mặc dù tập quán kết hôn cũng như những mối quan hệ nam nữ không thay đổi nhiều theo thời gian nhưng nghệ thuật thêu, dệt của người Nùng lại liên tục thay đổi do mỗi người phụ nữ có một cách thức riêng để biến đổi các mẫu trang trí cổ cũng như phát triển các mẫu mới. Trong thời gian gần đây, phụ nữ Nùng đã có nhiều sáng tạo trong các sản phẩm của họ. Việc mở rộng giao lưu luôn đi cùng với nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là từ khi có sự mở của thông thường qua biên giới với Trung Quốc. Họ sử dụng các loại chỉ màu rẻ tiền có bán rất nhiều trong khoảng thời gian ba năm trở lại đây. Tuy nhiên, họ vẫn sử dụng những mẫu thêu cổ truyền và sản xuất những mặt hàng mới ngày càng đẹp hơn.
Sản phẩm của phụ nữ người Nùng trong dự án này được thiết kế với những mẫu hoa văn đa dạng của dân tộc họ. Mục đích của dự án là khuyến khích khả năng sáng tạo của phụ nữ và tạo ra nguồn thu nhập cho các hộ gia đình.
Kỹ thuật nhuộm chàm:
Phụ nữ Nùng tự trồng cây chàm để chế biến thuốc nhuộm. Các sản phẩm của người Nùng thường được nhuộm màu đen hoặc màu xanh đậm. Nhuộm chàm là một công việc hết sức nặng nhọc. Trước tiên người ta ngâm lá chàm vào nước trong một đêm. Sau đó vắt ra một thứ nước màu xanh lục, khi cho thêm vôi vào nước sẽ dần dần ngả nâu, bọt tím sẽ nổi trên bề mặt, cuối cùng nước sẽ chuyển sang màu xanh lam đậm (màu chàm).
Người ta sẽ thử chất lượng của chàm bằng cách nếm loại chàm tốt có vị mặn, như vậy lượng vôi trong nước chàm là vừa phải. Nước chàm được để cho cạn dần trong khoảng ba mươi ngày sau đó sẽ còn lại bột chàm đặc sánh. Để nhuộm vải màu đen (loại tốt nhất) cách nhuộm cũng khác với loại vải xanh lam. Người ta dùng một chiếc rổ to đựng tro bếp, có đậy lá bí phía trên. Chiếc rổ này được đặt trên miệng một chiếc thùng, nước sẽ được đổ lên phía trên và sẽ nhỏ từ từ vào trong thùng. Sau đó, người ta hòa một bát bột chàm với loại nước đã lọc và cho thêm lá cây “sau sau” – một loại cây phổ biến ở Việt Nam – có tác dụng giữ cho vải không bị phai màu. Mỗi ngày, người ta lại cho thêm một bát bột chàm vào thùng nước trong suốt ba mươi ngày, sau đó thì có thể bắt đầu nhuộm vải. Muốn nhuộm vải màu đen, người ta cho thêm bùn vào trong rổ tro và thả một miếng vỏ cây “xanh xi” vào thùng nước chàm. Mảnh vải sẽ được nhúng vào nước chàm hai lần một ngày và được phơi khô, cứ như vậy trong một tháng. Nếu nhuộm vải màu xanh thì mất khoảng hai tuần.
Trong suốt mùa nhuộm vải, bàn tay của phụ nữ Nùng luôn có màu xanh chàm. Qua đó cũng có thể thấy được đức tính cần cù của họ.
Duy Thắng