Nét văn hóa giàu bản sắc về trưởng họ của các dân tộc tại Cao Bằng (Hứa Ban Mai) - Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Friday, April 7, 2017

Nét văn hóa giàu bản sắc về trưởng họ của các dân tộc tại Cao Bằng (Hứa Ban Mai)

Bàn thờ gia đình ông Lý Văn Nguyên, xóm Gảm Tẹn, xã Hoa Thám (Nguyên Bình) là trưởng họ Lý người Dao Tiền tại đây có chiếc trống con và thờ tranh ma khác với gia đình không phải trưởng họ.

Trong những chuyến đi công tác đến các các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, chúng tôi được tiếp xúc với cộng đồng người dân tộc: Tày, Nùng, Dao Tiền, Sán Chỉ... vốn có nền văn hóa độc đáo, đa dạng qua các nghi lễ thờ cúng tổ tiên, lễ cấp sắc, hát dân ca, trang phục truyền thống... Trong đó, trưởng họ và vai trò trưởng họ của các dân tộc là một nét văn hóa giàu bản sắc mang đặc trưng riêng độc đáo của mỗi dân tộc.

Theo quan niệm chung của người Việt Nam dòng tộc là cộng đồng những người có chung một ông tổ, cùng mang một họ về phía người cha. Đứng đầu một dòng họ có trưởng họ tức là người con trai thứ nhất của chi thứ nhất hay còn gọi là chi trưởng, ngành trưởng. Người làm trưởng họ phải có phẩm chất, có tư cách đạo đức, được mọi người trong dòng họ tin tưởng, tín nhiệm. Nếu người đó hội đủ các yếu tố: Tâm (hiếu lễ, hòa kính, trách nhiệm…), tài (khả năng tài chính đủ ăn, đủ chi), trí (hiểu biết về xã hội, lệ tục, có trình độ, có vị thế trong xã hội, biết sắp xếp công việc), thể (có sức khỏe, xốc vác, minh mẫn) thì xứng đáng là ngọn cờ tập hợp toàn gia. Kéo theo đó, vai trò của dâu trưởng lại càng quan trọng ở tính nhẫn, hiếu, lễ. Nếu hội đủ hay đáp ứng phần nào những phẩm chất trên mà thực sự có tâm thì có vai trò, ảnh hưởng trong dòng họ và khi đó thì gia đình đó hay chi, phái đó hoặc toàn gia tộc sẽ vững vàng đi vào hưng thịnh. Cùng chung tiến trình lịch sử phát triển nên cộng đồng các dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ... tại Cao Bằng cũng quan niệm dòng họ là một điều thiêng liêng, trong đó, vai trò của trưởng họ rất quan trọng. Tuy nhiên, mỗi dân tộc có phong tục, tập quán khác nhau nên trong cách quy định, nghi thức, vai trò của người trưởng họ của mỗi dân tộc lại có những nét đặc trưng riêng.
Trưởng họ của cộng đồng người dân tộc Tày trên địa bàn tỉnh có nhiều nét tương đồng với người dân tộc Kinh mang tính chất cha truyền con nối. Trường hợp trưởng họ không có con trai thì truyền lại trong nội bộ chi trưởng, không truyền lại cho các chi dưới. Họ lớn có trưởng họ lớn, các chi có trưởng chi. Tức là người con trai thứ nhất của chi thứ nhất hay còn gọi là chi trưởng, ngành trưởng. Trưởng họ có quyền lợi, nghĩa vụ rõ ràng, có trách nhiệm trông nom bàn thờ họ, tổ chức các kì cúng lễ, chủ trì các nghi lễ trong dòng họ. Ngày trước, họ nào cũng có ruộng hương hoả và tự điền thêm cho người trưởng họ. Những dịp tế lễ, tết... trưởng họ dù còn trẻ tuổi vẫn là chủ tế, nếu còn nhỏ quá thì một trưởng lão trong họ có thể đứng bên cạnh nhắc nhở, hướng dẫn.
Với người dân tộc Nùng nói chung và tại xã Phúc Sen (Quảng Uyên) nói riêng, trong dòng họ lại không trưởng họ cụ thể trong một gia đình thuộc chi trưởng như người dân tộc Tày. Lý giải về vấn đề này, ông Sạch Văn Vấn, dân tộc Nùng, xóm Pác Rằng, xã Phúc Sen (Quảng Uyên) cho biết: Truyền thống bao đời nay của người dân tộc Nùng tại đây ai thấy “mặt trời” trước sẽ được gọi là anh/chị không phân biệt con anh hay con em. Như trong gia đình tôi, tôi là anh nhưng con trai/gái của em trai tôi được sinh ra trước con tôi thì con của em tôi lại được con tôi gọi là anh/chị. Nên trải qua các thế hệ việc xác định rõ ngôi thứ trong họ không như người dân tộc Kinh, Tày và các dân tộc khác nên trong họ người Nùng tại đây không có một trưởng họ cụ thể. Nhưng khi trong họ có việc hiếu, hỷ, cúng lễ thì người có phẩm chất tốt, gia đình hòa thuận, được cả họ tín nhiệm sẽ đảm nhận mọi việc như một trưởng họ. Mọi quyết định được bàn bạc dân chủ trên cơ sở thỏa hiệp, tôn trọng ý kiến các bậc trưởng lão.

Nếu trưởng họ của các dân tộc: Kinh, Tày, Dao Tiền kể trên có tính chất cha truyền con nối qua các thế hệ thì với người dân tộc Sán Chỉ tại xã Thượng Hà (Bảo Lạc) lại có nét riêng biệt. Trưởng họ của người dân tộc Sán Chỉ được các gia đình trong dòng họ hằng năm xem xét và bầu lên căn cứ vào uy tín trong cộng đồng, biết cúng lễ, thông thạo phong tục, gia đình mẫu mực. Hằng năm, thường vào dịp Tết Nguyên đán khi các gia đình tập trung đến nhà trưởng họ năm đó thì cũng là lúc bàn bạc, thống nhất bầu người sẽ làm trưởng họ cho năm kế tiếp. Truyền thống lâu đời này đã được lưu giữ qua các thế hệ cho đến nay.

Điểm qua một số dân tộc trên địa bàn tỉnh với nét văn hóa mang tính đặc trưng riêng của từng dân tộc về trưởng họ và vai trò của trưởng họ để thấy rằng việc họ thời nào cũng quan trọng, nó bao gồm nhiều phần việc khác nhau mà quan trọng là: Giỗ tổ; soạn, ghi chép gia phả, chắp nối họ mạc… là việc làm tự nguyện, công tâm hướng về cội nguồn và là trách nhiệm chung. Mọi quyết định cần bàn bạc dân chủ trên cơ sở thỏa hiệp, tôn trọng ý kiến các bậc trưởng lão, cần có những quy ước mới về cúng giỗ cho thích hợp. Khi đó, người trưởng họ chỉ cần giữ vai trò cố vấn và quyết định những vấn đề thuộc về việc họ còn mọi việc khác tôn trọng tự do của các thành viên.
Dòng họ nào mạnh hay yếu, thành đạt hay suy vi, tình cảm họ hàng gắn bó hay không, tác động tốt xấu tới phong trào chung, còn tuỳ thuộc vào nhiệt tình, khả năng tổ chức lãnh đạo của một số cá nhân, trong đó, trưởng họ đóng vai trò chủ chốt. Trưởng họ nào biết tận dụng sức mạnh tổng hợp của toàn họ, biết khơi dậy những thế mạnh chắc mọi khó khăn sẽ được tháo gỡ. Do đó, việc giữ gìn và phát huy truyền thống gia tộc, trong đó, vai trò trưởng họ của mỗi dân tộc là giữ lấy cho con cháu đời sau một mảng văn hóa độc đáo gắn liền với đạo hiếu.
Hứa Ban Mai

Share with your friends