Khi trong nhà có người qua đời, con cháu sẽ tắm rửa thi hài sạch sẽ bằng các loại lá thơm, sau đó mặc cho thi hài bộ quần áo truyền thống mà họ đã mặc trong ngày cưới. Thi hài được đặt giữa nhà, chân quay ra phía cửa. Con cháu lấy nước và tiền xu cắt bằng giấy cho người chết để về cõi âm. Sau đó con cháu mới thắp hương trình báo với tổ tiên về ngày tháng, năm sinh của người chết.
Thầy cúng (hoặc thầy tào) được mời về để tiến hành các nghi thức tín ngưỡng. Ông sẽ làm các thủ tục để nhập quan cho người chết. Sau khi nhập quan cho người chết, thầy tào sẽ cúng lễ khai tang với các loại lễ vật như lợn, gà, vịt, bánh…Nghi lễ khia tang kết thúc, thầy tào tiếp tục tiến hành các nghi lễ như lễ “tây pưng”, lễ “xiên tưng”. Sáng sơm ngày hôm sau, con cháu sẽ đi xem đất và hướng mộ. khi xem được đất, anh em trong nhà, trong họ sẽ giúp gia chủ đào huyệt, thầy tào sẽ tiến hành lễ phá ngục.
Nghi lễ tiếp theo do thầy Tào chủ trì các lễ cúng “mo tró” - cúng tổ tiên, “tế băng lăng” - cúng tế họ ngoại, lễ “co xèn, co ngần” - lễ cây tiền, cây bạc, lễ “cấp tiệp” - lễ bàn giao lễ vật, lễ “hồi tưng”, lễ “lỵ tàng”, lễ “shang phan” - đưa linh cữu ra khỏi nhà. Mỗi nghi lễ thầy tào đều sử dụng quyền năng, phép thuật của mình để thỉnh với thánh thần về việc mình đang làm, đồng thời dâng tấu lễ vật của con cháu cho người chết.
Khi đưa quan tài ra khỏi nhà, không được đưa ra theo lối cửa chính mà đi theo lối cửa phụ. Trường hợp không có cửa phụ thì vẫn đi lối cửa chính nhưng khi ra khỏi nhà thầy cúng sẽ niệm chú để hồn ma không đi qua cửa này. Người con trai sẽ nằm lên cầu thang để lót đường cho người chết ra ngoài, nếu người con đó khắc tuổi với người chết sẽ không được lót đường và đưa tang. Khi quan tài ra đến mộ thầy cúng sẽ làm lễ cúng tề thổ công, và ném xuống hố 5 cục đất sau đó mới bỏ quan tài xuống. Tất cả các đồ lễ đem đi đều được đốt cho người chết. Khi về nhà, thầy cúng sẽ làm lễ “phông tàn” - kết thúc đám tang. Sáng hôm sau, khi mặt trời chưa mọc, con cháu phải đi ra mộ thắp hương, dọn mộ và rào dậu cẩn thận. Sau khi chết, con cháu sẽ làm lễ cúng 40 ngày, 120 ngày và lễ “vái y” vào tháng 7 âm lịch, lễ do thầy cúng chủ trì và thực hiện.
Tang ma là một trong những nghi lễ vòng đời quan trọng theo quan niệm của người Nùng. Người chết không phải là hết mà chết đi là trở về cõi tiên, ngao du trong cõi tiên cảnh. Vì vậy, trong nghi lễ tang ma của người Nùng được tổ chức rất nghiêm chỉnh và phức tạp. Đối với người Nùng thường để tang bố 2 năm, tang mẹ 3 năm, trong thời gian này không được tổ chức cưới hỏi, làm nhà.
Khác với nghi lễ cầu sức khoẻ, mùa màng, lễ tang không nhằm mục đích duy trì sự gắn kết về mặt thể xác hay nhằm tái sinh ra một thực thể hoàn toàn mới. Mà lễ tang được làm bắt nguồn từ sự báo hiếu của những người đang sống với tổ tiên và tưởng nhớ tới những người đã khuất. Mặt khác cầu xin tổ tiên phù hộ cho gia đình về mọi mặt: sức khoẻ, mùa màng và làm ăn thuận lợi... Những bước nghi lễ, nội dung các bài cúng khấn, những bài hát tiễn đưa người chết về với thế giới bên kia phần nào phản ánh được trình độ phát triển kinh kế xã hội, sự giao lưu văn hoá cũng như tôn giáo của mỗi tộc người trên cùng địa bàn cư trú.
Nông Gia Khánh