Cũng như các dân tộc khác , dân tộc Nùng ở Bắc Kạn cũng có những nghi lễ về việc hiếu rất riêng.
Người Nùng quan niệm khi người thân chút hơi thở cuối cùng là lúc chia tay với trần gian để về cõi âm, do vậy con cháu sẽ mời thầy cúng về để làm các thủ tục tiễn đưa linh hồn của người đã chết về nơi an nghỉ cuối cùng được suôn sẻ.
Để báo hiếu cho người đã chết con cháu phải làm đầy đủ nghi lễ không được để sót bất cứ bước nào.
Khi nhà có người chết con cháu chưa được khóc , chỉ khi nào thầy tào đến khâm niệm con cháu mới được khóc. Con cháu phải đun nước bằng các loại lá thơm để tắm rửa thay quần áo cho người chết.
Nếu người chết là gái thì mặc 9 áo, nếu là nam thì mặc 7 áo. Người con trai trưởng lấy đồng tiền xu đặt vào lưỡi hoặc vào tay của người đã chết coi đó là tiền khi qua cầu. Sau khi hoàn tất các thủ tục thầy tào mới tiến hành khâm niệm.
Có nơi con cháu khâm niệm người quá cố bằng tấm vải trắng, nhưng cũng có nơi khâm niệm bằng vải màu vàng. Sau khi khâm niệm xong người chết sẽ được đặt ra gian giữa trong nhà, đầu quay về phía bàn thờ, màn chỉ mắc 3 góc, kiểu mắc màn này để phân biệt giữa người chết và người sống.
Cũng như dân tộc Kinh, giờ nhập quan được người Nùng rất coi trọng, vì người Nùng quan niệm giờ nhập quan không chỉ liên quan đến người chết mà còn liên quan đến cả người sống.
Vì thế người nào không may chết phải giờ xấu thì có khi vài ngày mới chọn được giờ nhập quan. Trước khi đưa xác vào quan tài thì áo quan đã được lót bằng gạo rang hoặc chè khô để hút chống mùi hôi thối.
Khi đưa xác vào áo quan thì thầy tào đọc một tờ giấy gọi là tờ “phan”, tờ giấy đó được ghi rõ thân thế của người đã chết, trước khi nắp quan tài được đóng lại tờ giấy đó được bỏ vào trong coi như biên bản bàn giao của người sống và người chết.
Nghi lễ dâng đèn hoa cho người chết được gọi là Lễ tâng khay lò, có lễ này người chết mới nhìn rõ đường về thế giới bên kia. Trước khi mặc áo tang con cháu phải cầm áo tang đến bên linh cữu của người chết để lạy.
Sau khi đã nhập quan, con cháu phải kiêng không được ngủ trên giường, không cắt tóc, không ăn thịt mỡ... trong 40 ngày đầu để tỏ lòng báo hiếu với người đã chết. Đó là trước kia , còn ngày nay hầu như những thủ tục cổ hủ này đã được xóa bỏ, tình trạng người chết để lâu ngày trong nhà hầu hết đã không còn.
Lễ dâng cơm được thực hiện ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều. Người Nùng quan niệm sống thế nào thì chết như vậy, ngày dâng cơm cho người chết vào 2 bữa là thể hiện lòng thành kính.
Lễ cây tiền, cây bạc được mỗi người con rể làm bằng giấy xanh, đỏ, vàng, trắng cao thấp tùy tâm để bố mẹ mang về thế giới bên kia.
Lễ cây tiền, cây bạc được mỗi người con rể làm bằng giấy xanh, đỏ, vàng, trắng cao thấp tùy tâm để bố mẹ mang về thế giới bên kia.
Khi đưa ma cây tiền, cây bạc mang theo để đốt tại mộ. Lễ qua lửa được thực hiện trước khi đưa lĩnh cữu đi đồ đạc của người chết được đốt hết hoặc hơ lửa để không còn hồn vía của người qúa cố.
Khi đưa quan tài khỏi ra cửa thầy tào làm phép để hồn không còn luẩn quẩn trong nhà quấy phá người sống. Lễ hạ huyệt được người Nùng chọn đất rất kỹ, chọn nơi đất phát và chọn giờ tốt mới hạ huyệt .
Sau khi chôn cất được 3 hôm, con cháu sẽ mời thầy tào đến nơi chôn cất để tiến hành nghi lễ mở cửa mộ để báo cho sơn thần biết và đón nhận người chết về cõi âm.
Người Nùng thường để tang bố 2 năm, tang mẹ 3 năm, trong thời gian này không đựơc tổ chức cưới hỏi, làm nhà.
Nghi lễ ma chay của người Nùng ngày nay đã tiến bộ hơn trước đây rất nhiều, tuy nhiên ở một số nơi vùng sâu, vùng xa vẫn còn nặng nề cần được dần dần loại bỏ.
Thụy Lân