Phong tục dựng nhà mới của người Tày - Mường Bo huyện Sa Pa
Ngôi nhà không đơn thuần chỉ là nơi cư trú mà còn là nơi chứng kiến sự ra đời, trưởng thành và mất đi của mỗi người. Cũng bởi sự gắn bó khăng khít của ngôi nhà với chu kỳ đời người cho nên việc chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng trước khi xây dựng là một việc quan trọng, nhiều ý nghĩa; quyết định nhiều mặt của đời sống gia đình sau này. Phong tục dựng nhà mới phản ánh kinh nghiệm quý báu cũng như những nét văn hóa độc đáo của người Tày ở xã Mường Bo huyện Sa Pa.
a, Quá trình chuẩn bị
- Chọn tuổi làm nhà:
Người Tày dựa vào ngày, tháng, năm, giờ sinh của chủ nhà để biết được những ngày, tháng, năm, giờ nào thì nên xây dựng nhà cửa cho thuận lợi, suôn sẻ, cầu mong sau này có được sự hưng thịnh vững bền. Năm dựng nhà là năm hợp tuổi hay được tuổi của chủ gia đình. Tức là năm chủ nhà có nhiều may mắn, nhiều quý nhân phù trợ, ít gặp khó khăn hay sự ngăn cản. Những năm tuổi hạn là: 33; 49; 52 (tuổi chồng), kiêng kỵ không bao giờ dựng nhà để tránh đi vận hạn kẻo sau này gia đình hao tiền, tốn của, người ốm yếu, súc vật nuôi hay bị bệnh dịch ốm chết.
- Chọn đất làm nhà “hà đin”:
Khu đất được chọn phải tương đối bằng phẳng, đất chắc không sụt lở, đặc biệt là phải ở gần con suối, có nguồn nước tiện sinh hoạt và cung cấp nguồn thực phẩm nuôi sống con người: cá, tôm, cua…Vì vậy, ta dễ dàng nhận thấy bản người Tày quây quần trong những lòng chảo gần nguồn nước ngọt, khác hẳn với bản người Hmông hay người Dao ở một địa thế cao, không lấy con suối làm nơi quần tụ, tiêu chí xây dựng bản.
- Chọn hướng nhà:
Trước hết hướng nhà phải thuận theo tuổi của chủ nhà, dựa vào tuổi của chủ nhà để chọn, quyết định việc này hầu như phụ thuộc vào thầy mo. Theo họ, tuổi chủ nhà hợp đi hướng nào thì mở cửa nhà đi theo hướng đó làm ăn sẽ phát tài, thuận lợi. Thứ hai, hướng nhà tuỳ thuộc vào địa hình xunh quanh gian giữa của ngôi nhà không bị núi, đồi che khuất, chỗ đó phải lõm xuống hoặc thấp hẳn xuống thì mới dựng. Vì vậy, nhà sàn phải quay lưng vào dãy núi to “pú luông”, mở cửa nhìn ra dãy núi, đồi thấp, bé “pú noọi”. Thứ ba, gian giữa của ngôi nhà dựng sau không được trùng với gian giữa của nhà dựng trước, phải dựng lệch kẻo họ che khuất làm ăn sẽ lụi bại, khó khăn.
- San nền nhà “bác ten hướng” dịch là “cuốc nền nhà”:
Đúng theo giờ, ngày, tháng, năm tốt đã nhờ thầy mo xem trước, chủ nhà đặt mâm lễ gồm có: một con gà, bốn bát xôi trắng, bốn chén rượu, vàng hương, cúng thần thổ công, thổ địa. Nội dung cầu cúng đại ý cầu xin thần chứng giám, phù hộ làm nhà cây mọc tốt, cấy lúa đầy bồ, người và lợn gà khoẻ mạnh. Gia đình mời các anh em đến giúp san nền, người cuốc nhát cuốc đầu tiên lấy giờ tốt có thể là chủ nhà hoặc một người khác. Người này phải tốt tính, khoẻ mạnh, tính vui vẻ, hoà thuận với mọi người, biết làm ăn kinh tế, nhiều con đông cháu.
- Chọn gỗ “hà mậy”:
Trong quan niệm của người Tày bốn cột cái “xí xâu cải” là bốn cột trụ của gia đình, vì vậy phải chọn gỗ thật kỹ lưỡng, tránh lấy những cây bị kiêng kỵ để khi dựng – trồng cây thì nó sẽ tốt tươi và đem lại sự phát triển cho gia đình không bị tàn lụi. Cây bị sâu mọt không lấy vì dễ bị hỏng, cây cụt ngọn không chọn vì làm ăn không phát tài, cây bị nghiêng nhà sẽ bị đổ, cây có mấu, chạng không lấy vì khó xẻ, ẩn chứa những điềm dữ, ma quỷ quấy phá, không chặt cây có dây leo quấn quanh thân vì bị thắt chặt, ngăn cản người nhà làm ăn, sinh đẻ. Tháng 9 tháng 10, tháng 11 âm lịch, chủ nhà hoặc nhờ thêm một hai người khác vào rừng chọn gỗ làm nhà. Tre vầu, nứa chặt vào quãng tháng 7, tháng 8 âm lịch sau đó ngâm, không lấy cây bị sâu, bị cụt ngọn.
b, Quá trình dựng nhà sàn:
- Lễ động thổ “dắt thổ công”:
Theo đúng giờ tốt đã chọn, thầy mo được gia đình mời về từ hôm trước đứng ra khấn bái thần linh, thổ công, đánh thức ông bà tổ tiên dậy để cùng con cháu xây dựng nhà cửa, dùng sức mạnh của tổ tông để chống lại các thế lực ngăn cản, quấy nhiễu khi xây dựng. Mâm lễ gồm có: một con gà luộc cùng với bộ lòng mề, năm chén rượu, vàng mã bày trong cái mẹt đặt ở giữa nhà, khấn xong hoá vàng mã. Giờ tốt để khởi công thường diễn ra rất sớm khoảng 3 – 4 giờ sáng, việc xây dựng nhà phải tiến hành thật nhanh, càng sớm càng tốt trước khi mặt trời mọc để cho mọi việc xuôn sẻ, mát mẻ.
- Quá trình xây dựng:
Người Tày chỉ làm nhà cột kê không dùng cột chôn như người Mường; họ kê cột trên những tảng đá “hin” chống ẩm, mối mọt, tăng độ bền chắc cho các cột. Cấu trúc khung nhà gồm có: cột, xà, kèo, phang. Hệ thống các cột trong nhà sàn người Tày gồm có: “xâu đẳng”, “xâu cải” là cột cái, “xâu luỳ” cột quân, “xâu quý” cột hiên. Trong đó có 6 cột cái không chỉ đóng vai trò quan trọng nhất mà còn mang quan niệm tín ngưỡng dân tộc. Hai cột “xâu đẳng” tượng trưng cho người chồng và người vợ cùng xây dựng gia đình, làm nhà cửa sinh con và nuôi dạy chúng khôn lớn. Cột nằm ở phía mặt trời mọc “ta vên khẩn” đó là cột chồng, cột nằm phía mặt trời lặn “ta vên túc”đó là cột vợ, ở gần bếp. Còn bốn cột cái “xí xâu cải” tựng trưng cho người chủ gia đình, nam giới đứng ra làm trụ cột, người chèo lái con thuyền gia đình. Trước khi dựng chọn một người trong số anh em thân thiết, gia đình sung túc, thuận hoà, ai cũng khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, cầm cái ô đứng gõ vào mỗi cột cái 5 – 6 lần sau đó mới kéo. Lúc kéo cột phải có cả con trai, đàn ông; con gái, phụ nữ trong gia đình và thôn bản cùng kéo như vậy làm ăn sẽ phát triển thuận lợi. Đặt phang luồn nóc “pàng sản lèng”, sau khi kéo vì kèo lên thì họ luồn phang ngang này để giữ vì kèo cố định. Thanh ngang này có treo tấm vải đỏ hình chữ nhật do thầy mo viết chữ nho ghi ngày tháng năm dựng nhà đánh dấu thời khắc quan trọng lên nhà mới. Trên đó còn ghi tên chủ nhà và dòng chữ trấn áp tà ma. Tấm vải đỏ này được treo ở chính giữa của ngôi nhà.
Thanh đòn nóc được bỏ ngay sau đó và phải đúng giờ tốt đã chọn. Thanh đòn nóc “tòn tu hươn” còn tượng trưng cho chủ nhà, nhà có nóc tức là nhà có cha cai quản và nuôi dạy con cái nên người, được coi là nhà có phúc đức, người ngoài sẽ trọng nể. Do đó, phải chọn người tốt bụng, gia đình khấm khá, con cháu đông đủ hoà thuận nhờ họ đặt để cầu mong mái ấm gia đình tương tự. Người được chủ nhà nhờ tự tay cầm thanh đòn nóc lên bỏ dù có nặng cũng không ai được phép giúp.
c, Các nghi lễ lên nhà mới:
Nghi lễ lên nhà mới của người Tày với nhiều lễ nghi mang đậm bản sắc văn hoá tộc người, quan trọng nhất phải kể đến một số nghi lễ sau:
- Mang nước lên nhà: Theo tập quán của người Tày thì bà ngoại “nai”, bà nội “gia” hoặc người vợ “mi” sẽ là người đầu tiên xông nhà mới và mang ống nước lên dội vào bốn cột cái để cầu cho sau này làm ăn sinh sống sẽ mát mẻ, thuận lợi.
- Mang lửa lên nhà: Ông nội “pú” hoặc chồng “pù” cầm bó đuốc, cầm củi lửa lên đốt ở gian giữa nhà dưới tấm vải đỏ. Họ còn cầm theo bốn gói muối đặt ở bốn góc của đống lửa, dúm thóc đặt vào 8 góc của ngôi nhà. Ý nghĩa của việc mang thóc lên nhà mới với hàm ý no đủ, mùa màng tốt tươi, nó còn là nơi giữ “vía” của chủ gia đình khi đặt lên các cột. Lửa được đốt liên tục trong ba ngày ba đêm không để tắt, giữ cái đỏ may mắn trong nhà.
- Đốt pháo ăn mừng và dán giấy đỏ: Dựng xong nhà mới, người Tày có phong tục đốt pháo ăn mừng nhà mới, thể hiện sự vui sướng, phấn khởi của tất cả mọi người. Họ còn treo vải đỏ ở cửa ra vào và dán giấy đỏ ở hai bên cửa thể hiện sự may mắn, vui mừng của gia chủ.
- Rước bát hương lên bàn thờ nhà mới: Thời gian rước bát hương phải diễn ra trước khi mặt trời lặn thì sẽ không bị mất hết những may mắn, phát tài, phát lộc. Mâm lễ gồm có: 1 thủ lợn, 4 chân, đuôi, các bộ phận của nội tạng đều có đủ; 1 đôi gà vịt; 4 bát xôi trắng; 10 cái bánh dày; 6 cái bát; 6 đôi đũa; 6 cái chén; 1 bát muối; tiền giấy; nhang. Người cúng đốt bó hương đứng trước cửa khấn “nay làm bàn thờ mới, tổ tiên nhận đủ số bộ lễ vật mời ông bà dùng cơm, không thiếu món gì, tất cả đều ngon hãy phù hộ cho con cháu khoẻ mạnh, gà lợn đầy chuồng, trâu bò không bị bệnh dịch, mùa màng tốt tươi”. Khấn xong mang bát hương đặt lên bàn thờ mới thì các thủ tục lên nhà mới của người Tày đã xong.
Sau khi các nghi lễ lên nhà mới kết thúc, gia chủ mời anh em, họ hàng cùng vào mâm ăn cỗ mừng nhà mới. Những ai biết hát thì vừa uống rượu vừa hát các bài hát dân ca kể về quá trình dựng nhà mới: từ khi đeo bao dao đi tìm cây gỗ về dựng nhà, đi lên rừng tìm rau về làm món ăn.... Không khí đón mừng nhà mới đông vui náo nhiệt lan ra khắp cả bản, những anh em ở xa cùng về dự đông đủ.
Hoàng Thị Vinh