Việc thờ cúng tổ tiên trước hết xuất phát từ sự ghi nhớ công ơn nguồn cội có gắn với quan niệm về sự bất diệt của linh hồn con người sau khi chết. Người Nùng quan niệm về sự tồn tại của linh hồn bên trong thể xác con người mà họ gọi là “khoăn” (tạm hiểu là vía). Khi con người ta chết đi - không còn thể xác cho vía trú ngụ nữa thì vía sẽ chuyển hóa từ khoăn sang “phi” (phi là ma), tức là chuyển từ vía sang ma.
Trong bộ ba linh hồn của người chết (ma nhà, ma mồ mả, ma mường trời) thì ma nhà (phirườn) là tổ tiên trực tiếp của gia đình, do đó, con cháu phải lập bàn thờ để thờ cúng trong nhà vào những dịp lễ tết và những ngày quy định.
Nơi thờ cúng tổ tiên ở trong nhà của người Nùng là nơi trang nghiêm nhất. Gian thờ trong nhà người Nùng có đặt bàn thờ là Choòng cai (bàn kiêng). Đó là nơi linh thiêng, chỉ bày đặt đồ thờ cúng, không được để lẫn các thứ đồ vật khác. Chính giữa Choòng cai người ta đặt bát hương thờ tổ tiên, ngoài ra còn có thờ Phật bà Quan Âm và thờ Bà Mụ (va).
Người Nùng tuân thủ tục thờ cúng tổ tiên theo hệ chín đời (cửu tộc). Trên bản thân người thờ cúng là bốn đời: Pò – Mè, Cung me, Chơ, Chung (bố mẹ, ông bà, cụ, kỵ). Còn bốn đời thế hệ sau: Lục, Lản, Lỉn, Pẩn thang nghiều (con, cháu, chắt, chút). Bốn đời trên mình được thờ chung trên bàn thờ tổ tiên. Tuy nhiên, trên thực tế, người Nùng chỉ cúng giỗ đến đời thứ ba: Cha mẹ, ông bà và cụ, còn đời thứ tư là kỵ thì tổ tiên biến thành vị thần coi giữ gia súc, có bàn thờ đặt ở ngoài trời, cúng vào dịp tết Nguyên đán.
Nghi lễ thờ cúng trong gia đình người Nùng ở Thái Nguyên gồm có hai loại là nghi lễ thường kỳ và nghi lễ bất thường.
Nghi lễ thường kỳ là các nghi lễ mang tính chất truyền thống theo lịch tiết quy định hàng năm. Trong các ngày lễ tết, thắp hương bàn thờ mời tổ tiên hưởng lễ là việc làm không thể thiếu của mỗi gia đình. Tính theo năm Âm lịch, người Nùng cúng tổ tiên ở ba tết lớn, đó là: tết Nguyên đán, tết Tảo mộ 3/3 và tết 14/7. Vào những ngày này, các gia đình thường mổ lợn, gà, vịt, làm các món ăn ngon để cúng tổ tiên.
Nếu như người Tày, người Kinh cúng tổ tiên vào ngày giỗ (tức ngày mất), thì một số nhóm người Nùng ở Thái Nguyên lại cúng tổ tiên vào dịp sinh nhật. Họ quan niệm: Sống 60 tuổi là hết một vòng đời. Tuổi này “hồn vía” yếu, hay gặp rủi ro. Nếu muốn sống tiếp vòng đời thứ hai phải làm lễ sinh nhật báo hiếu, chúc thọ cha mẹ. Lễ sinh nhật bao gồm có: bánh đúc ngô “pẻng bưa”, bánh dày “pẻng chuầy”, với ý nghĩa thêm da thịt cho cha mẹ. Ngoài ra còn có trứng luộc, gà luộc, lợn quay, gạo, cây “kuông” (đèn phương quang) bằng khung tre, dán giấy màu....
Nghi lễ bất thường có nhiều loại. Trong đó, đặc biệt có nghi lễ tạ tổ. Khi gia đình gặp hoạn nạn hoặc có người ốm đau, hoặc có gia súc chết... gia chủ xem bói, nếu thầy phán rằng tổ tiên quở trách, họ phải sắm lễ vật nhờ thầy làm lễ cúng tạ tổ tiên tại nhà hoặc tại mộ. Ngoài ra, vì tổ tiên được coi là vị thần bản mệnh, có vai trò quan trọng đối với sự hưng thịnh của gia đình nên mỗi khi các gia đình có việc lớn như cưới xin, ma chay, làm nhà, thậm chí có con cháu đi làm ăn hoặc học tập ở xa... họ đều phải sắm lễ vật hoặc thắp hương trình báo, xin phép tổ tiên, cầu xin tổ tiên phù hộ.
Ngoài thờ cúng tổ tiên trong gia đình ra, ở một số dòng họ Nùng còn có tục thờ dòng họ, nơi thờ dòng họ của các gia đình Nùng được chọn tương đối đa dạng, có thể là một gốc cây, một góc rừng, một hòn đá hay một nhà thờ họ. Nhìn chung, so với việc thờ cúng tổ tiên gia tộc, việc thờ cúng dòng họ của người Nùng ở Thái Nguyên không phổ biến. Bởi không phải bất cứ dòng họ nào, bất cứ địa phương người Nùng nào trong tỉnh Thái Nguyên cũng có tục thờ cúng dòng họ.
Đối với những người làm nghề thầy cúng Nùng, ngoài thờ cúng tổ tiên gia tộc như các gia đình khác ra, họ còn thờ tổ sư là những người truyền nghề thầy cúng cho tổ tiên gia đình. Những gia đình làm nghề cúng bái (Tào, Then, Pụt), hái thuốc, chữa bệnh, săn bắn... cũng có riêng một bát hương (thờ tổ sư nghề) được đặt cùng với gian thờ tổ tiên nhưng ở vị trí cao hơn và đặt chính giữa để phù hộ cho các công việc hành nghề. Vào các dịp lễ tết có mâm cúng đồ chay, đối với các thầy Tào, Then, Pụt sau mỗi lần đi làm lễ cho gia đình nào đó, thì thường lấy về con gà, gạo, tiền đã cúng, lễ này khi mang về đến nhà để làm lễ cúng thắp hương, niệm vài câu thần chú và trịnh trọng đặt lên bàn thờ tổ sư nghề với hàm ý tạ ơn thần thánh đã giúp thầy hoàn thành công việc, nếu các thầy không có gà mang về, thì phải tự bắt gà nhà làm thịt để cúng và trả ơn các thánh thần.
Đồng bào Nùng ở Thái Nguyên còn có tục thờ thần Thổ công. Nhìn chung, việc thờ thổ công ở mỗi làng bản của người Nùng đều có ý nghĩa là thờ người có công khai làng, lập bản hoặc thờ người có công với dân bản được dân bản coi là tổ tiên của bản. Ngoài ra, ở nhiều địa phương Nùng có quan niệm tổ tiên sau ba đời trở lên có thể hóa thành thần Thổ công trông coi làng bản. Vì vậy, có thể nói, Thổ công cũng chính là thần tổ tiên xa của các gia đình và cũng có nghĩa là những người đã từng có thời gian ở lâu trong bản.
Trong quan niệm của người Nùng, Thổ công được hình dung như một vị trưởng lão đáng kính của bản, các công việc lớn bé trong nhà, ngoài bản đều phải hỏi ý kiến của ông. Vì vậy, ở nhiều khu vực người Nùng có tục ngày 30 Tết các gia đình làm cỗ mang ra cúng mời Thổ công ăn tết trước với ý nghĩa tôn kính. Chỉ sau khi mời Thổ công ăn tết rồi cả bản mới chính thức được ăn tết.
Nông Minh Hằng