Lễ hội Nàng Hai tại xã Tiên Thành (Phục Hòa.)
Lễ hội của Cao Bằng chủ yếu là lễ hội truyền thống được diễn ra ở hai dân tộc Tày và Nùng, đây là một hoạt động đầy tính nhân văn của văn hóa dân gian.
Thời gian tổ chức các lễ hội tập trung vào tháng 1 đến tháng 4 hằng năm. Cứ mỗi độ Tết đến, xuân về cùng với niềm hân hoan đón chào năm mới, bà con các dân tộc lại tưng bừng náo nức trong không khí lễ hội mùa xuân.
Tùy từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương mà lễ hội có quy mô khác nhau. Lễ hội có tới nghìn người, vài nghìn người trở lên đến tham dự, trong đó, có cả khách thập phương trong nước và nước ngoài, như: Lễ hội Kỳ Sầm, Đà Quận, Sùng Phúc, lễ hội Lồng Tổng Bản Khau xã Việt Chu (Hạ Lang), lễ hội Pháo Hoa, Thanh Minh ở Quảng Uyên. Lễ hội đã tạo nên tính cộng đồng, sự kết cấu cộng đồng cao. Mọi người đến lễ hội dù ở vị trí nào trong xã hội đều có chung mục đích, bình đẳng với nhau, cùng tham gia và thưởng ngoạn lễ hội, tạo nên sự hòa đồng đoàn kết trong giao lưu văn hóa giữa người với người, người với tự nhiên. Lễ hội còn là nơi gặp gỡ, hội tụ quảng giao của các vùng, miền, quốc gia với nhau. Đó là nhu cầu tinh thần của con người không thể thiếu mà người ta gửi gắm vào lễ hội, vì thế dòng người đến lễ hội ngày càng đông.
Cao Bằng có nhiều lễ hội, đa dạng, phong phú, nổi bật nhất các hình thức lễ hội: Lễ hội đền, chùa; Lễ hội Pháo hoa; Lễ hội Lồng Tồng; Lễ hội Nàng Hai và lễ hội Thanh Minh. Trong đó, lễ hội đền, chùa tập trung nhiều nhất ở huyện Hòa An, với các lễ hội: Đền Vua Lê ở xã Hoàng Tung, được tổ chức vào ngày 6 tháng Giêng âm lịch; Lễ hội Đền Đống Lân ở xã Hưng Đạo tổ chức ngày 7 tháng Giêng âm lịch; Lễ hội đền Kỳ Sầm ở xã Vĩnh Quang bắt đầu từ đêm mùng 9 và ngày 10 tháng Giêng âm lịch; Lễ hội chùa Đà Quận (chùa Viên Minh) thuộc xã Hưng Đạo diễn ra ngày 8 tháng Giêng âm lịch; Lễ hội chùa Sùng Phúc thuộc xã Thanh Nhật (Hạ Lang), được tổ chức từ đêm 14, ngày 15 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội Pháo Hoa (Tranh đầu pháo) còn gọi là lễ hội Linh Đền tổ chức vào ngày 2/2 âm lịch, tại thị trấn huyện Quảng Uyên. Các lễ hội Lồng Tồng diễn ra chủ yếu ở các huyện: Thạch An, Hạ Lang từ mùng 2 Tết đến cuối tháng Giêng âm lịch hằng năm. Lễ hội Nàng Hai (Nàng Trăng, Nguyệt Nga, Hằng Nga) ở Tiên Thành (Phục Hòa) và xã Kim Đồng (Thạch An), kéo dài từ tháng Giêng đến tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch mới kết thúc. Lễ hội Thanh Minh của người Nùng An ở Phúc Sen, Quốc Dân (Quảng Uyên), tổ chức vào tiết thanh minh hằng năm. Như vậy, trong vòng 4 tháng mùa xuân, hàng loạt các lễ hội liên tiếp diễn ra trên một số địa bàn các huyện của tỉnh.
Nhìn chung, các lễ hội đều thể hiện được hai phần khá rõ nét trong cấu trúc của nó. Phần “Lễ” gồm các nghi thức cúng bái, tế lễ, dâng hương, đó cũng chính là nội dung chủ yếu của lễ hội và là hạt nhân, cốt lõi của nghi thức lễ. Các lễ hội của Cao Bằng có thể phân chia theo các dạng chủ đề như sau:
Lễ hội đền, chùa, khắc ghi công lao các nhân vật có công với quê hương, đất nước, những người sáng lập, tu bổ, củng cố đền, chùa, lịch sử từng giai đoạn của đền, chùa. Điều đó được thể hiện khác nhau, mang đặc trưng riêng của từng đền, chùa. Khi nói về khu chùa Viên Minh (Đà Quận), phần lễ luôn nói tới sự khai sinh hình thành và công đức người đứng ra quyên góp làm chuông, điều này đã được ghi nhận bằng bia văn chữ Hán khắc trên chuông đồng: “Giúp chúa nhà Mạc/Có ông họ Lê/Vàng đồng cúng tiến/Công đức vô lường... ”. Trong khu chùa còn có nơi thờ tự nói lên công lao của vị Phò mã Đô úy Dương Tự Minh thời nhà Lý, Người có công lớn trong việc giữ gìn biên cương của Tổ quốc, là người con dân tộc Tày thông minh, trung nghĩa, hiếu lễ vẹn tròn, được nhân dân kính trọng. Đặc biệt, phần lễ của Đền Kỳ Sầm được thể hiện sâu sắc hơn cả trong các lễ hội. Đêm mùng 9 rạng ngày 10 tháng Giêng là phần nghi thức lễ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân làm lễ dâng hương, tế lễ với nội dung viết thành văn, nói lên thân thế, sự nghiệp, công đức, tài năng của vị dũng tướng thao lược Nùng Trí Cao trong sự nghiệp bảo vệ biên cương, củng cố núi sông, bờ cõi. Trong khi đó phần nội dung hương khói lễ nghi tại chùa Sùng Phúc lại nêu lên xuất xứ hình thành chùa từ thời nhà Mạc thế kỷ XVII, ca ngợi công đức bà tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ đã tu tại chùa 6 năm sau khi nhà Mạc tan rã và lấy hiệu là Diệu Huyền giảng kinh phật, tu nhân tích đức, nhân dân rất mến mộ, nên chùa còn có tên là Huyền Du (tên ghép của Nguyễn Thị Duệ). Tóm lại, phần lễ các đền, chùa khác nhau cũng đều có nội dung riêng, nhưng đều đi đến sự thành tâm chung là: cầu mong các vị tiên liệt, thần linh phù hộ độ trì cho Quốc thái, dân an, con cháu có cuộc sống bình yên, hạnh phúc, ăn nên, làm ra.
Lễ hội Lồng Tồng và Nàng Hai là lễ hội truyền thống nông nghiệp của nền văn minh lúa nước. Nội dung của hai lễ hội này trong nghi lễ đều nói lên sự cầu thị, xin thần nông, trời đất, Hằng Nga ban cho mưa thuận gió hòa, giống tốt, trừ diệt được sâu bọ, mùa màng bội thu, lúa trĩu bông, ngô to bắp, đỗ mẩy hạt, nhà nhà no ấm, yên vui.
Lễ hội mừng công, là lễ hội Pháo Hoa, nội dung của nghi lễ: Mừng các vị Vua, quan, tướng lĩnh đánh thắng quân xâm lược hoặc ăn mừng trước những sự kiện trọng đại của đất nước.
Lễ hội Thanh Minh là lễ hội mang tính chất giáo lý với hàm ý giáo dục con người sống có tình, nghĩa. Nội dung lễ nghi bày tỏ sự thương tiếc, quý trọng những người đã khuất. Đồng thời, lên án hành vi xấu xa, độc ác trong xã hội.
Phần thứ hai cấu thành lễ hội là phần “Hội”. Ở Cao Bằng, phần hội được tổ chức sôi nổi, phong phú các loại hình hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống và hiện đại. Bên cạnh các hoạt động văn hóa truyền thống: hát Sli, lượn giao duyên, tung còn, đánh đu, múa rồng, múa kỳ lân, đấu cờ, diễu võ, đẩy gậy, kéo co. Hiện còn được bổ sung các môn thể thao hiện đại như: chơi cầu lông, bóng bàn, bóng đá, các hoạt động văn nghệ biểu diễn nghệ thuật, ca nhạc, thi sắc đẹp.
Lễ hội truyền thống đã đóng góp những bông hoa rực rỡ, tô thắm thêm vườn xuân sắc hương của văn hóa dân gian Cao Bằng. Thông qua nội dung, hình thức hoạt động, lễ hội đã trở thành môi trường ưu việt giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc về lịch sử văn hóa, về lòng yêu nước, thương nòi, đạo lý làm người, biết ơn các bậc tiền bối, từ đó mà có hành động tự giác, đúng đắn cho mỗi người, nhất là thế hệ trẻ. Trở về cội nguồn là nhu cầu vĩnh hằng của con người, đó là cội nguồn tự nhiên, biết nâng niu quý trọng tự nhiên, nguồn gốc cộng đồng, gốc gác văn hóa, thể hiện rõ giá trị văn hóa cũng như tinh thần nhân văn trong lễ hội. Đến với lễ hội Cao Bằng ai cũng thấy rõ điều đó, vì thế dư âm của lễ hội luôn theo về từng du khách, còn đậm đà mãi với thời gian, ước hẹn ngày trở lại.
Đàm Minh Phượng