Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất: ₪ Dân tộc Ơ Đu
Showing posts with label ₪ Dân tộc Ơ Đu. Show all posts
Showing posts with label ₪ Dân tộc Ơ Đu. Show all posts

Sunday, July 24, 2016

Pá mọc và lậu sả thổ - Sự kết hợp tuyệt vời trong ẩm thực của người Ơ Đu, Nghệ An (Nông Thị Hằng)

Nếu có dịp lên dự một đám cưới của người Ơ Đu (Nghệ An), bạn sẽ có cơ hội được thưởng thức một món ăn truyền thống của bà con là pá mọc và lậu sả thổ.
Không phải cao lương mỹ vị, cũng không đắt tiền, món ăn không thể thiếu trong ngày lễ tết của người Ơ Đu là thịt rừng cá suối, được chế biến rất kì công.

Người Ơ Đu không lấy người cùng dân tộc, vì cho rằng tất cả người Ơ Đu đều mang họ Lo, đều là anh em nên không được lấy nhau. Người Ơ Đu chỉ kết hôn với người Thái, người Khơ Mú, người Kinh. Nhưng dù kết hôn với người dân tộc khác thì trong lễ cưới cũng không thể thiếu món ăn truyền thống của dân tộc là món pá mọc và rượu lậu sả thô.

Món pá mọc thường được đựng trong những ống nứa. Pá mọc là món cá làm mọc. Người Ơ Đu lấy tấm gạo trộn với gia vị, cá, đơm vào ống nứa, để qua đêm cho chua rồi hun lên.

Còn Lậu sả thô là thứ rượu có màu nâu, sánh như mật ong, uống vào ngọt lừ nơi cuống họng và ấm nồng ở cổ. Người Ơ Đu còn gọi loại rượu này là “rượu cô dâu chú rể”. Rượu ủ bằng nếp đen. Khi cơm rượu có nước thì vắt lấy nước uống. Người Ơ Đu cho rằng pá mọc uống cùng rượu lậu sả thô thì mới gọi là đám hỏi, đám cưới.

Ngày trước, trong đám cưới của người Ơ Đu, bên cạnh món pá mọc còn bắt buộc phải có món chim khô, chuột khô. Nếu người Kinh, con cái đến tuổi dựng vợ gả chồng, bố mẹ nuôi lợn, thì đối với người Ơ Đu, gia đình nào cũng phải lên rừng bẫy con chim, con chuột, về phơi khô, để chuẩn bị làm đám cưới. Bây giờ, chim, chuột đã trở thành đặc sản, khó kiếm. Nhà nào không chuẩn bị được nhiều thì cũng phải kiếm một ít để cúng tổ tiên và bày trong mâm cỗ mời những người lớn tuổi trong dòng họ. Có khi phải chuẩn bị cả năm trời mới có món thịt chim khô, chuột khô.

Người Ơ Đu không chỉ có món mọc pá làm bằng cá, mà còn làm mọc thịt trâu, thịt bò, thịt lợn... Bất cứ nguyên liệu gì, họ cũng có thể làm mọc.

Người Ơ Đu ngày trước rất khó khăn, đám cưới mà mổ trâu, mổ lợn là chuyện hầu như không có. Cuộc sống của bà con lại gắn liền với rừng sâu, khe núi. Đặc biệt, trước khi về bản Văng Môn, người Ơ Đu ở ven sông Nậm Nơn, Nậm Mộ, vì thế, cá, chim, sóc, chuột là những món ăn gắn liền với bà con, dễ kiếm tìm. Bây giờ, dù những thứ này đã khan hiếm, nhưng người Ơ Đu vẫn giữ truyền thống ẩm thực của cha ông.
 Nông Thị Hằng (sưu tầm)

Trang phục của phụ nữ Ơ Đu (Hải Ninh)

Ơ Đu là một trong những tộc người có dân số ít nhất trong các dân tộc thiểu số ở nước ta (theo thống kê năm 1999 chỉ có 301 nhân khẩu). Trước đây họ cư trú tập trung ở xã Kim Đa huyên Tương Dương tỉnh Nghệ An. Ngày nay do xây dựng thuỷ điện, cự dân ơ Đu đã chuyển khỏi vùng lòng hồ, sinh sống tại xã Nga Mi huyện Tương Dương tỉnh Nghệ An.

Trang phục của phụ nữ Ơ Đu
Trước đây do nền kinh tế thấp kém, người ơ Đu không chỉ phụ thuộc vào người Thải về kinh tế, xã hội mà trong cách ăn mặc thường ngày cũng bị lệ thuộc vào người Thái. Theo quy định của chúa đất người Thái trước đâyngười ơ Đu không đượcăn mặc khác và đẹp hơn người Thái mà phải đổi hoặc mua lai những bộ y phục cũ của người Thái để mặc. Mãi sau người ơ Đu có sử dụng sản phẩm của mình để trao đổi  lấy sợi vải của người Thái và tự dệt lấy vải mặc, nhưng chủ yếu vẫn là họ đổi lấy vải của người Thái hoặc mua vải ở cửa hàng mậu địch của nhà nước về cắt may, ít ai dệt vải để may trang phục cho mình.

TRANG PHỤC PHỤ NỮ Ơ ĐU
Trang phục phụ nữ người ơ Đu đơn giản, chỉ có: áo, váy và túi đeo.
Áo, may bàng vải sợibông tự dệt, màu trắng. Áo may kiểu 3 thân (một thân sau bằng hai thân trước), cổ tròn. Áo có xẻ tà, ống tay áo khá rộng và nối làm hai đoạn. Cúc áobằng nhôm công nghiệp mua ngoài thị trường, Đổng bào ơ Đu cho biết, loại áo kiểu này là áo truyền thống của dân tộc, hiện nay vẫn còn được sử dụng phổ biến.
Trước kia đồng bào ơ Đu ở Kim Hoà, Kim Đa (Huyện Tương Dương tỉnh Nghệ An) chỉ dung hàng trao đổi lấy hàng hoặc quần áo, váy của các dân tộc khác trong vùng để mặc. Hiện nay họ đổi lấy lụa của dân tộc khác về tự dệt vải hoặc mua vải trắng của nhà nước về may y phục.
Thời gian gần  đây tầng lớp thanh niên nam nữ đã mặc theo kiểu người Kinh với nhiều màu sắc khác nhau còn tầng lớp trung niên và  các cụ già vẫn mặc áo màu trắng tự tay cắt may.
-   Váy, họ đã tiếp thu bộ váy của người Thái thông qua hình thức trao đổi hàng hoá, mua bán mà có. Loại váy thời xa xưa của phụ nữ ơ Đu hầu như không ai còn nhớ. Hiên tại chỉ có loại váy thêu hoa văn giống như váy của phụ nữ Thái (nhóm Hàng Tổng) ở Nghệ An. Váy gồm có ba phần: Cạp váy màu trắng, cao 20cm bằng vải sợi bông dệt thủ công. Thân váy may bằng vải bông nhuộm màu chàm. Phần gấu váy dệt trang trí các đường chỉ màu đỏ, xanh, tím, vàng , tạo thành các vạch màu chạy song song với thân váy. Phần khoang giữa chân váy được khâu trang trí bằng 4 con hổ xen lẫn các hoa văn hình sóng nước, hình răng cưa, phía dưới chân con hổ là hoa văn theo hình chân nhái.
-   Túi đeo: Khi đi ra khỏi nhà, phụ nữ người ơ Đu thường đeo trên vai chiếc túi vải. Túi đeo của họ cũng giống như túi đeo của nam giới.

Hải Ninh (sưu tầm)

Tộc người Ơ Đu đang biến mất (Hoàng Thị Khuyên)

Lễ cột chỉ cổ tay cho trai gái của người Ơ Đu.

Miền tây xứ Nghệ chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó có tộc người Ơ Đu. Do biến thiên của lịch sử và xu thế kinh tế hội nhập đã làm cho bản sắc văn hóa tộc người này có nguy cơ biến mất.

Dấu lặng giữa đại ngàn...
Ơ Đu là tộc người cổ xưa nhất nhưng lại ít người nhất ở Việt Nam (hơn 600 người). Trên đất nước ta chỉ Tương Dương (Nghệ An) có tộc người Ơ Đu. Xưa kia người Ơ Đu cư trú rải rác xen lẫn với người Thái, người Khơ Mú dọc theo con sông Nậm Nơn ở các bản Xốp Pột và Kim Hòa, xã Kim Đa. Họ sống lầm lũi bám rừng chặt nứa, chăn nuôi, thỉnh thoảng lại xuôi dòng ra trung tâm xã trao đổi hàng hóa
Dân tộc Ơ Đu có chữ viết và tiếng nói riêng, tiếng nói theo ngữ hệ Môn-Khmer, có pha trộn nhiều yếu tố Việt-Mường. Do biến thiên của lịnh sử, tộc người này đã đánh mất tiếng nói và chữ viết. Hiện, chỉ còn 4 cụ già người Ơ Đu biết nói và am hiểu tiếng mẹ đẻ của mình, những người Ơ Đu còn lại đều sử dụng tiếng Thái, Khơmú và tiếng phổ thông làm ngôn ngữ giao tiếp.

Tộc người Ơ Đu lại có một cuộc thiên di lịch sử đến khu tái định cư mới ở bản Văng Môn xã Nga My để nhường chỗ cho Thuỷ điện Bản Vẽ - công trình thủy điện quan trọng của đất nước. Thế nhưng hiện ở Nga My chẳng còn vết tích gì của người tộc người Ơ Đu. Những ngôi nhà tái định cư giả sàn càng làm cho nét văn hóa nơi đây trở nên dị hợm. Cụ Lo Văn Nghệ, người còn biết tiếng Ơ Đu, ngồi nơi bậu cửa mắt nhìn xa xăm: "Bây giờ đến nơi ở mới, các phong tục người Ơ Đu ta cũng chả còn

Báo động đỏ
Thống kê trên toàn tỉnh Nghệ An chỉ còn 54 bản của các dân tộc thiểu số lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống (bản làng cổ). Ngần ấy bản làng còn lại so với một vùng văn hóa rộng lớn của hơn 11 huyện, thị xã miền tây xứ Nghệ quả là một con số đáng báo động.
Huyện đã tổ chức mời 4 cụ cao niên biết nói tiếng Ơ Đu xây dựng, biên soạn giáo trình tiếng Ơ Đu dạy về cách gọi tên từng người, từng đồ vật, lễ hội, phong tục, bài hát... Đến nay huyện Tương Dương đã mở 5 lớp dạy tiếng Ơ Đu cho gần 300 lượt người. Kết thúc lớp học chỉ có 30-40% học viên biết nói nhưng không thành thạo, sau một thời gian không sử dụng là quên hết. .

Nhìn từ góc độ người dân thì tốc độ đô thị hóa, thủy điện hóa, bê tông hóa đang lấn dần các nếp nhà sàn. Việc di dời các làng bản để thực hiện các dự án thủy điện đang làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào các dân tộc trong vùng. làm nhạt phai những nét bản sắc vốn có nơi đây. Vì vậy, cần có một nghiên cứu hệ thống để gìn giữ các tộc người - trong đó có người Ơ Đu và bản sắc văn hóa của họ nơi miền tây xứ Nghệ.

Để bảo tồn và chấn hưng bản sắc văn hóa miền tây xứ Nghệ, trong đó có văn hóa của tộc người Ơ Đu thì cần phải có chiến lược phát triển kinh tế cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Hiện nay, nhiều bản làng đang đói ăn, đói mặc thì khó có thể làm được công việc này. Thứ hai là cần phải có tiền, với ngân sách ít ỏi hàng năm sẽ không thể ngăn nổi sự xuống cấp, mai một các giá trị văn hóa hoặc để hâm nóng được những bầu nhiệt huyết lưu giữ cho cả một di sản đồ sộ nói trên.

 Hoàng Thị Khuyên (sưu tầm)

Lạ kỳ tộc người đếm thời gian theo tiếng sấm (Hoàng Thị Vinh)

Bản Văng Môn (xã Nga My, huyện Tương Dương, Nghệ An) là nơi sinh sống của cộng đồng dân tộc ít người nhất xứ Nghệ - tộc người Ơ Đu cùng bao biến cố thăng trầm đã phải mưu sinh mòn mỏi để bảo tồn nòi giống, tập tục văn hoá. Nơi thâm sơn cùng cốc này còn bao câu chuyện huyền thoại mà nhiều người chưa biết.

Từ thị trấn Hòa Bình (huyện Tương Dương), vượt chặng đường dài gần 70km chúng tôi đến bản Văng Môn - nơi duy nhất còn lại vỏn vẹn khoảng gần 600 nhân khẩu dân tộc Ơ Đu. Theo lịch sử ghi lại, khoảng thế kỷ XIV, tộc người Ơ Đu (ở khu vực phía Tây của Nghệ An, giáp Lào) có một xã hội khá phát triển, họ sống bằng nghề làm ruộng, chài lưới, phát nương làm rẫy, đào đãi vàng và buôn bán trên sông.

Cụ Lo Văn Bằng nhớ về bản cũ. Ảnh: H.H

Trải qua nhiều biến cố lịch sử, họ mới quy tụ về sinh sống ở bản Xốp Pột, Kim Hòa, xã Kim Đa. Một vài hộ thì sinh sống rải rác ở bản Tạ Xiêng (xã Kim Tiến), bản Xiêng Hương (xã Xá Lượng), thuộc huyện Tương Dương.

Tính thời gian theo tiếng sấm
Ơ Đu, theo tiếng Thái có nghĩa là: thương lắm. Người Ơ Đu còn có tên gọi khác là Tày Hạt (nghĩa là: đói rách). Mặc dù cuộc sống của người Ơ Đu khắc nghiệt, nhưng tộc người này đã có những nét văn hóa đặc sắc… với quan niệm về vũ trụ, tín ngưỡng, cách tính thời gian riêng…

Cách tính thời gian của người Ơ Đu không theo lịch thông thường mà theo tiếng sấm. Đối với người Ơ Đu, bắt đầu năm mới, bắt đầu vụ gieo trồng là khi có tiếng sấm đầu tiên vang rền trên bầu trời. Sấm nghĩa là năm mới đến. Sấm nghĩa là mùa gieo trồng bắt đầu... Tiếng sấm có mặt trong tất cả mọi sinh hoạt, nghi lễ thiêng liêng… và theo suốt cuộc đời người Ơ Đu từ lúc sinh ra cho đến  lúc chết đi.

Trong những tập tục cổ xưa nhất của người Ơ Đu, lễ mừng tiếng sấm năm mới là lễ hội thiêng liêng nhất trong năm. Lúc này, người dân Ơ Đu tề tựu tại bản làng mổ trâu, giết lợn cúng tế thần linh, mong cho một năm mới an lành, no đủ... Nghi lễ đầu tiên trong ngày có tiếng sấm là phong sắc, phong tước cho các chức sắc trong bản như trưởng họ, già làng, các chức sắc trong giới thày mo và đổi tên cho những người đàn ông đã trưởng thành. Khi trẻ em sinh ra phải đợi cho đến khi nghe tiếng sấm đầu đời mới được đặt tên, bắt đầu tính tuổi.

Lạ kỳ tộc người đếm thời gian theo tiếng sấm - 2
 khi có khách lạ đến chơi thì thủ tục đầu tiên là phải đến nhà trưởng bản để “thưa chuyện và báo cáo”. Người lạ mặt sẽ không được ở qua đêm, hay qua trưa khi không có sự đồng ý của trưởng bản. Món ăn đặc sản của người Ơ Đu đãi khách quý là món “pá pọc” và hũ rượu “lậu sả thô”. Món “pá pọc”  được đựng trong ống nứa có hoa văn bên ngoài, bên trong chứa rau, cà, hoa chuối, thịt heo, thịt chuột… Còn “lậu sả thô” là loại rượu được làm từ  gạo nếp, đựng ủ lên men như rượu cần.

Mỗi khi có dịp vui, họ lại dùng ống bưng đập xuống sàn nhà thay nhịp rồi cùng nhau múa hát: “Nào chúng ta bên nhau, mời hỡi ai say sưa”. Tuy nhiên hiện nay, lễ hội tiếng sấm cũng như nhiều tập tục khác của người Ơ Đu đã bị đánh mất. Bao nhiêu năm, nó chỉ có thể tồn tại trong nỗi nhớ, trong ý thức tự nhiên, bền bỉ truyền đời.

Câu hỏi “đi tìm thời gian đã mất”?
Trước sự mai một và nguy cơ biến mất những giá trị văn hoá độc đáo của tộc người ít nhất này, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ dân tộc Ơ Đu. “Dự án hỗ trợ, phát triển dân tộc Ơ Đu” với nhiều chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đời sống, văn hoá, giáo dục, công tác khuyến nông, khuyến lâm… đã được triển khai trong nhiều năm qua.

Trong bản, người biết nói tiếng Ơ Đu chỉ đếm đầu ngón tay thôi, nhưng cũng không nói với nhau nhiều, vì các con các cháu đều nói tiếng Thái, tiếng Khơ Mú. Mình nói tiếng Ơ Đu chúng không hiểu. Ngôn ngữ của người Ơ Đu đang mất dần trong đời sống sinh hoạt.
Hoàng Thị Vinh (sưu tầm)

Độc đáo với Tết mừng tiếng sấm của đồng bào Ơ Đu ở Nghệ An (Lý Thị Ninh)

Để tiến hành nghi lễ nông nghiệp quan trọng nhất trong năm, đồng bào thành kính, trang trọng chuẩn bị các vật phẩm cần thiết cho buổi lễ

Tết mừng tiếng sấm hay còn gọi là Tết Chăm phtrong là tập tục cổ xưa duy nhất được người Ơ Đu còn lưu giữ đến ngày nay, với mong muốn một năm mới mưa thuận gió hòa, thuận lợi cho việc trồng trọt, săn bắt.
Người Ơ Đu là một trong những dân tộc ít người nhất của Việt Nam. Hiện nay, dân số của bộ tộc này chỉ còn khoảng hơn 600 người. Trước đây, họ sống độc lập, ít tiếp xúc với các dân tộc bên ngoài, chủ yếu chỉ giao du với người Thái, Khơ Mú khi có nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa.

Dân tộc Ơ Đu có nền văn hóa đậm bản sắc dân tộc với ngôn ngữ, chữ viết, trang phục và những phong tục, tập quán riêng.

Tuy nhiên, những biến cố trong lịch sử, sự tác động về mặt kinh tế thị trường và sự thay đổi của môi trường, việc sống xen kẽ với các cộng đồng dân tộc khác khiến phong tục người Ơ Đu đang bị mai một dần. Đời sống đồng bào khá lệ thuộc vào điều kiện tự nhiên, do vậy nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng với họ.

Tết mừng tiếng sấm hay Tết Chăm phtrong được xem là phong tục hiếm hoi còn sót lại của đồng bào Ơ Đu ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.

Theo tìm hiểu thì người Ơ Đu xưa kia thường dựa theo tiếng sấm để xác định thời gian, do không có đồng hồ, lịch sử như bây giờ. Khi nghe tiếng sấm đầu tiên vang lên cũng đồng nghĩa với việc đồng bào sẽ đón mừng năm mới.

Mâm lễ vật dâng cúng tổ tiên, thần Sấm

Với người Ơ Đu, lễ mừng tiếng sấm năm mới là ngày tết lớn nhất, được tổ chức long trọng. Trong dịp Tết đặc biệt này, họ sẽ mổ trâu, mổ lợn dâng cúng tổ tiên cũng như cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, thuận lợi trong việc trồng trọt, săn bắn và tùy thuộc vào điều kiện mà mổ lợn, trâu to hay nhỏ, ăn uống linh đình.

Đồng bào Ơ Đu đang chuẩn bị lễ cúng mừng tiếng sấm

Anh Lo Văn Thái – Trưởng bản Văng Môn cho biết: “Trong ngày tết Chăm phtrong, trên bàn thờ gia đình của người Ơ Đu được trang trí rất cầu kỳ với các loại giấy ngũ sắc rực rỡ. Nhưng màu đỏ lại không được xuất hiện trong ngày Tết, bởi bà con rất sợ lửa”.

Khi mổ lợn, các gia đình Ơ Đu đều mời dân làng tới dự và uống rượu để ăn Tết cùng nhau. Đây được xem là dịp gia chủ cảm ơn bà con, hàng xóm trong bản làng đã giúp đỡ gia đình trong năm qua.

Chủ lễ đọc lời khấn cầu thần Sấm đem đến nguồn nước cho bà con sinh sống và trồng trọt, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, con người khỏe mạnh và may mắn

Mỗi gia đình đều phải chuẩn bị 1 con gà trống thiến – con gà này sẽ được mang ra làm thịt để làm lễ cúng, cặp chân được giữ cẩn thận và nhờ thầy mo làm lễ thăm chân gà.

Theo quan niệm xưa, việc xem chân gà đầu năm là để dự đoán năm mới được no ấm, hạnh phúc? Người Ơ Đu cho rằng, sau tiếng sấm đầu tiên trong năm, con vật cất tiếng kêu đầu tiên là con gà, vì vậy gà là linh vật mà thần Sấm gửi gắm thông điệp ngày đầu năm.


Độc đáo với Tết mừng tiếng sấm của đồng bào Ơ Đu ở Nghệ AnSau buổi lễ bà con Ơ Đu và khách mời múa hát mừng xung quanh chum rượu cần

Tiếp đó sẽ đến phần hội, với tiếng cồng chiêng, trống và nhạc cụ làm từ ống nứa. Chủ và khách cùng thưởng thức lễ vật và nhảy múa theo những giai điệu truyền thống.

Thường lễ Tết Chăm phtrong kéo dài 5 – 7 ngày, cho đến khi mọi thủ tục cúng thần Sấm trong bản làng hoàn tất thì ngày Tết cũng mới kết thúc, nhưng hiện nay đồng bào Ơ Đu chỉ tổ chức 1 ngày và thu hút khá đông khách du lịch tới tham dự.

Không gian náo nhiệt trong âm thanh rộn rã, vui tươi của cồng chiêng, trống và những nhạc cụ được làm từ ống nứa

Những âm thanh nguyên sơ của núi rừng, gợi đưa người xem về một không gian săn bắn, không gian làm rẫy, giữ làng, giữ đất của tộc người Ơ Đu

Du khách trải nghiệm văn hóa của đồng bào Ơ Đu với những nghi lễ nguyên sơ, nghệ thuật ẩm thực, diễn xướng truyền thống đậm bản sắc dân tộc Ơ Đu

Tết mừng tiếng sấm đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ, thẩm thấu phong tục, tập quán, vẻ đẹp và bản sắc dân tộc Ơ Đu. Những giá trị đó cùng góp phần cho bức tranh văn hóa cộng đồng 54 dân tộc anh em thêm rực rỡ sắc màu.

Lý Thị Ninh (sưu tầm)

Dân tộc Ơ Đu Nghệ An (Đàm Thị Lượng)

Chuẩn bị mâm cúng

Dân tộc Ơ Đu là một trong 5 dân tộc ít người nhất của Việt Nam (Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La, Ơ Đu), với số dân khoảng 400 người. Trước đây, đồng bào cũng có văn hóa đặc trưng, phong tục tập quán độc đáo, song do biến cố lịch sử, sự tác động khi sống xen kẽ với dân tộc Thái, Khơ Mú nên văn hóa truyền thống bị mai một nhiều.

Tết Mừng tiếng sấm còn được gọi là lễ cúng Tết Chăm Phtrong. Theo quan niệm của đồng bào, mọi việc quan trọng trong đời đều bắt đầu từ tiếng sấm đầu tiên. Nó báo hiệu một mùa gieo trồng mới bắt đầu và một nguồn năng lượng mới do thượng đế bạn tặng cho đồng bào Ơ Đu. Thông thường, Tết Chăm Phtrong của người Ơ Đu kéo dài từ 5 đến 7 ngày cho đến khi mọi thủ tục cúng lễ thần sấm trong bản làng hoàn tất thì ngày tết Chăm Phtrong mới kết thúc.

Lễ vật được đồng bào chuẩn bị gồm, 1 con lợn khoảng 20 kg được luộc chín; 1 con gà luộc; mọc cá, muối, sả, tiêu rừng gói trong lá chuối và hông chín trên bếp củi); cá nướng; Nhooc chuột (được làm từ thịt chuột đồng phơi khô cùng với rau rừng, hoa chuối, lá môn…); cơm lam; bánh chưng; rượu cần; rượu siêu (từ nếp rẫy và men lá cây rừng); rượu cẩm.. Những lễ vật được đồng bào đặt trên 2 chiếc mâm mây, đưa từ trên nhà sàn xuống dưới sân trước nhà sàn.
Sau khi chọn giờ tốt sau khi có tiếng sấm đầu tiên, thầy cúng đứng trước 2 mâm lễ để thực hiện những nghi thức cúng với sự chứng kiến của bà con dân tộc Ơ Đu và các cộng đồng tham gia các hoạt động tại “Làng” cùng du khách tham quan. Thầy cúng đọc lời khấn cầu thần sấm đem đến nguồn nước cho bà con sinh sống và trồng trọt, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, con người khỏe mạnh và may mắn. Sau lời khấn, thầy cúng tiến hành ăn một ít đồ ăn và uống một chút rượu trên mâm cúng kết thúc phần nghi lễ quan trọng.


Thầy cúng làm lễ

Phần hội được mở ra với âm thanh vui tươi, rộn ràng của nhạc cụ cồng chiêng, trống và những nhạc cụ được làm từ ống nứa. Chủ thể của lễ hội cùng với khách tham dự cùng thưởng thức lễ vật và nhảy múa theo những giai điệu truyền thống của người Ơ Đu.


Hoạt động vui hội, giới thiệu ẩm thực với du khách

Đàm Thị Lượng (sưu tầm)

Dân tộc Ơ Đu (Hoàng Lê)

Tên gọi khác: Tày Hạt
Nhóm ngôn ngữ: Môn - Khmer
Dân số: 94 người.
Cư trú
Tập trung ở hai bản Kim Hòa, Xốp Pột ( xã Kim Đa ) và một số cư trú lẻ tẻ ở các bản các xã kế cận, thuộc huyện Tương Dương tỉnh Nghệ An .

Đặc điểm kinh tế
Người Ơ Đu sinh sống bằng nương rẫy, lúa là nguồn lương thực chính, ngô, sắn, kê là lương thực phụ. Hái lượm và săn bắn vẫn quan trọng trong đời sống kinh tế của họ. Đồng bào nuôi bò với số lượng không đáng kể nhằm lấy sức kéo. Gà, lợn nuôi thường để sử dụng vào mục đích nghi lễ, cúng bái và cải thiện bữa ăn, nhất là dịp có khách.

Nghề phụ gia đình hầu như chỉ có đan lát đồ gia dụng, gần đây đã có một số gia đình có khung dệt vải. Xưa kia người Ơ Đu không có tên họ, nay lấy tên họ giống của người Lào hoặc Thái.

Hôn nhân gia đình
Người Ơ Đu sống trong gia đình nhỏ, trong hôn nhân có tục ở rể, sau một thời gian chàng rể mới đưa vợ, con về nhà mình.

Văn hóa
Hiện nay đồng bào Ơ Đu chỉ còn giữ được ý thức tự giác về tộc người, còn ngôn ngữ thì hầu như đã mất (chỉ còn một vài người biết tiếng mẹ đẻ). Đồng bào sử dụng thông thạo tiếng Thái và tiếng Khơ Mú. Bản sắc văn hóa của người Ơ Đu mờ nhạt vì chịu ảnh hưởng của người Thái và người Khơ Mú. Trong lần tổng điều tra dân số toàn quốc năm 89, nhiều người Ơ Đu tự khai là người Thái hay người Khơ Mú.
Đồng bào có lịch tính năm riêng, tiếng sâổm đầu xuân cũng là thời điểm bắt đầu năm mới.

Nhà cửa
Họ còn bảo lưu một số nét văn hóa... như kiểu nhà đầu quay vào núi hay đôi được gọi là dinh luông tặng mà khi dựng cột phải theo một thứ tự nhất định.

Trang phục
Không có cá tính tộc người mà chịu ảnh hưởng khá mạnh mẽ của cư dân Việt - Mường và Thái.
Cư trú: Tập trung ở hai bản Kim Hòa, Xốp Pột (xã Kim Đa) và một số cư trú lẻ tẻ ở các bản các xã kế cận, thuộc huyện Tương Dương tỉnh Nghệ An

Đặc điểm kinh tế: Người Ơ Đu sinh sống bằng nương rẫy, lúa là nguồn lương thực chính; ngô, sắn, kê là lương thực phụ. Hái lượm và săn bắn vẫn quan trọng trong đời sống kinh tế của họ. Đồng bào nuôi bò với số lượng không đáng kể nhằm lấy sức kéo. Gà, lợn nuôi thường để sử dụng vào mục đích nghi lễ, cúng bái và cải thiện bữa ăn, nhất là dịp có khách.

Bộ khung dệt lâu đời nhất của người Ơ -đu còn lưu giữ được.

Nghề phụ gia đình hầu như chỉ có đan lát đồ gia dụng, gần đây đã có một số gia đình có khung dệt vải. Xưa kia người Ơ Đu không có tên họ, nay lấy tên họ giống của người Lào hoặc Thái.

Ơ Đu, theo tiếng của người Thái ở các huyện miền Tây xa xôi của Nghệ An có nghĩa là “Thương lắm”. Một dân tộc có thể coi là nhỏ bé nhất trong cộng đồng 54 dân tộc anh em này đã phải để cho một bộ phận người dân tộc khác, từ thời đói kém xa xưa phải thốt lên rằng: “thương lắm” thì cũng đủ để cho người ta hình dung ra cuộc sống của họ. Và lần tìm vào với bộ phận người Ơ Đu nhỏ bé trong 5 thành phần dân tộc hiện có của Nghệ An, tôi cũng đã có rất nhiều những ngậm ngùi.

Ra chỗ ở mới nhưng người Ơ Đu vẫn còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa mới vượt qua được những khó khăn.

Dân tộc phụ thuộc vào... sấm trời!
Giờ, đường để tìm vào với người Ơ Đu không còn phải ngược dòng sông Nậm Nơn đầy thác gềnh nữa. Tôi không có may mắn được đặt chân tới miền đất thuở khai thiên lập địa của họ tại bản Kim Hòa, Xốp Pột (Kim Đa, Tương Dương). Hiện tại, vì quốc kế dân sinh, hy sinh cho nguồn điện bao đời thiếu thốn của dân tộc nên người Ơ Đu đã phải dành cái miền đất bao đời làm nơi cư trú và bảo lưu cộng đồng mình để làm thủy điện Bản Vẽ. Họ đã di dời ra bản Văng My, Tăng Kho xã Nga My.

Xưa, người Ơ Đu sống ở ven sông Nậm Mộ, Nậm Nơn. Ngày ấy cùng với các dân tộc như Việt, Mường, Thái họ cũng là một dân tộc phát triển. Ngoài trình độ canh tác họ còn rất phát triển về buôn bán. Thế nhưng cái ngày xa vắng ấy, do đất đai hạn hẹp, để giành quyền sinh sống với người Thái nên tộc trưởng người Ơ Đu và tộc trưởng người Thái đã giao ước rằng: Hai dân tộc này sẽ dùng tên bắn vào vách đá. Tên của dân tộc nào cắm được vào vách đá thì dân tộc ấy sẽ được ở lại, còn không thì bắt buộc phải ra đi để nhường đất lại.
Cuộc tỷ thí được tổ chức. Người Thái khôn hơn, đã dùng tên tre, đầu có đính sáp ong để bắn vào vách đá nên tên của họ đã cắm được. Còn người Ơ Đu không mẹo mực, đã dùng tên sắt truyền thống của mình để bắn vào vách đá. Và kết cục tên sắt đã không cắm được vào vách đá. Thua cuộc, họ đành ngậm ngùi bồng bế nhau chạy vào tận Kim Hòa, Xốp Pột, nơi có những cánh rừng già bít bùng của hai dẫy núi Pù Lũng, Pù Huống để náu thân.
Trong các cuộc chiến, bao giờ kẻ thắng thế cũng chèn ép kẻ yếu thế. Vào chốn thâm sơn cùng cốc, cuộc sống khó khăn, bệnh tật vây hãm nên người Ơ Đu cứ “thoái hóa” dần. Thảm hại nhất vào năm 1934, cộng đồng người Ơ Đu chỉ còn 34 người. Nay, nhờ nhiều chính sách quan tâm của Nhà nước nên họ mới có được trên 600 nhân khẩu.


Vì cuộc sống trốn chạy và vô vàng khó khăn vây quanh nên người Ơ Đu đã bị mất gần như hoàn toàn bản sắc của dân tộc mình. Người Ơ Đu nguyên gốc có tiếng nói theo hệ Môn – Khơmer. Nhưng do việc phải “tự đồng hóa” để sinh tồn nên ngôn ngữ chính của họ đến nay gần như bị mai một. Họ chủ yếu dùng ngôn ngữ lai tạp của hai hệ thống ngôn ngữ là Khơ Mú – Thái. Ngày xưa, người Ơ Đu có trang phục riêng, nhưng cũng do sự lai tạp và sự “tự đồng hóa” để tồn tại kia nên hiện họ cũng không có trang phục riêng. Trang phục lại cũng là sự lai tạp giữa trang phục của 3 dân tộc là Việt, Mường, Thái để làm nên “trang phục” Ơ Đu.


Ngoài một số điểm đặc biệt trên, người Ơ Đu là tộc người duy nhất có cuộc sống phụ thuộc vào sấm trời. Mọi việc trọng, việc lớn của gia đình, dòng họ, kể cả cộng đồng đều... được bắt đầu từ tiếng sấm trời. Người Ơ Đu bắt đầu năm mới, bắt đầu vụ gieo trồng là khi có tiếng sấm đầu tiên vang rền trên bầu trời. Sấm nghĩa là năm mới đến. Sấm nghĩa là mùa gieo trồng bắt đầu...
Phụ nữ người Ơ Đu rất vất vả. Trong sinh sản, phụ nữ người Ơ Đu phải tuân theo tục đẻ ngồi. Khi trở dạ, phụ nữ được người nhà đưa vào góc nhà, dù đau đớn, dù mệt nhọc thế nào đi chăng nữa họ cũng không được nằm, mà phải ngồi để đẻ. Sau khi sinh xong, nhau thai được người nhà đút vào ông nứa, đem ra góc nhà chôn. Nếu chưa có sấm, đứa trẻ Ơ Đu vẫn chưa được thành người. Nó cứ được chăm sóc như vậy để chờ khi trời đất rền vang tiếng sấm đầu mùa, lúc này gia đình đứa trẻ mới tổ chức lễ để đặt tên, cho trẻ thành người và tuổi của đứa trẻ bắt đầu được tính từ đây trở đi.

Trong hôn nhân, người Ơ Đu cũng phụ thuộc vào tiếng sấm, cho đến lúc chết đi rồi họ cũng phải chờ tiếng sấm. Người Ơ Đu quan niệm khi người ta chết đi chỉ lúc có tiếng sấm thì linh hồn họ mới được siêu thoát. Trong gia đình người Ơ Đu, khi người vợ hay người chồng chết, họ phải làm lễ chia của và khóc cho người chết thì họ cũng thường thuê người Thái để khóc. Ngoài các lễ vật, quan trọng nhất là phải có 1 đồng xu chia làm đôi nửa. Nửa người sống giữ lại còn nửa kia chôn theo người quá cố. Nếu vợ hay chồng của người quá cố muốn đi bước nữa thì họ cũng phải chờ tới tiếng sấm đầu năm. Có sấm, mới bắt đầu lễ cúng, để xin phép ma người quá cố cho đi bước nữa.

Lối nào cho tới ngày mai?
Hiện nay ở nước ta, người Ơ Đu chỉ sinh sống tại huyện Tương Dương của tỉnh Nghệ An. Để nhường đất cho thủy điện Bản Vẽ, người Ơ Đu hiện đã được di cư ra hai bản mới là Văng Môn, Tăng Kho xã Nga My. Ra nơi ở mới, được Nhà nước đầu tư nhà ở, đất đai canh tác nhưng do trình độ canh tác và luật tục lạc hậu chi phối nên cuộc sống hiện tại của người Ơ Đu còn hết sức khó khăn. Tỷ lệ người Ơ Đu đói nghèo còn cao và lối để dẫn tới con đường phát triển cho ngày mai của người Ơ Đu còn dài dặc.

Do cuộc sống trốn tránh từ thời xa vắng, đã ăn sâu vào tâm lý và tập quán nên người Ơ Đu hết sức ngại giao tiếp với người lạ nếu như người ấy chưa qua nhà trưởng bản để xuất trình tư cách của mình. Ngay tại nhà ông trưởng bản Lò Hồng Phong mà chúng tôi đã vào “trình diện” theo thủ tục để xâm nhập bản người Ơ Đu cũng vậy thôi. Nhìn những món ăn mà ông đã đem ra tiếp chúng tôi được xem như khách quý cũng đã nhận ra trình độ và giao lưu xã hội còn hết sức thấp kém của họ.

Người Ơ Đu có tục lệ, khách đến nhà, nếu là khách quý bao giờ họ cũng đem món “pá poọc” ra để chiêu đãi. Món ăn này gồm rau, cà, hoa chuối, lá khoai đem trộn với lòng cá đã ươn cùng thịt chuột, thịt lợn rồi nhồi nhét vào trong một ống nứa để góc bếp. Khi nào nhà có giỗ chạp hay khách quý đến thì họ đem ra dằm, chọc cho nhừ, có thể ăn sống hoặc đem nướng qua trên bếp. Thú thực, để được lòng gia chủ tôi cũng đã phải nếm món này cho có gọi là. Thế nhưng ăn món “đặc sản” này của người Ơ Đu, hệ thống tiêu hoá của tôi đã phải “vận hành” cả đêm và ngày hôm sau.

Tuy ra chỗ ở mới, được sự quan tâm và có sự hướng dẫn của các cấp ngành, có tiếp xúc nhưng tập tục từ những năm tháng hoang sơ vẫn còn là gánh nặng, đè nên cuộc sống người Ơ Đu. Ốm đau, người Ơ Đu vẫn tổ chức cúng tế ma của người đã khuất, vì họ tin rằng mình đã làm gì đó không đúng với linh hồn những người quá cố. Người Ơ Đu vẫn tin rằng con người ta dù chết đi nhưng linh hồn vẫn luẩn khuất trong nhà, chi phối toàn bộ cuộc sống của họ.
Người Ơ Đu vẫn giữ tục ở rể và thách treo khá tốn kém. Con trai Ơ Đu khi đi lấy vợ vẫn giữ nguyên tục Klay Glây, nghĩa là nộp bạc thách cưới cho nhà gái. Thông thường, nếu nhà trai nghèo quá không hoàn thành được thủ tục này thì phải ở rể, theo kiểu “bán sức” cho nhà gái từ 4 – 5 năm. Nếu hoàn thành đủ thủ tục Klay Glây thì họ chỉ phải ở rể nhà gái có 1 năm.
Họ và tên của Người Ơ Đu gần giống với các họ của người Thái, người Lào. Người Ơ Đu thường lấy các tên đệm là Lò Khăm, Lò May, Lò Văn. Cũng do tập quán từ việc náu mình của một tộc người yếu thế nên để chủ động có sự “đồng hóa”. Phụ nữ người Ơ Đu thường tìm đến các kết hôn với con trai người Thái và Người Khơ Mú. Vậy nên cộng đồng dân tộc nhỏ bé này luôn đứng trước nguy cơ mai một giới tính và bé mãi đi. Hiện nay, do tuyên truyền mạnh từ các cấp chính quyền nên nhiều phụ nữ người Ơ Đu quay về kết hôn với trai người Ơ Đu. Mong thời gian không xa nữa, cộng đồng dân tộc được coi là nhỏ bé này sẽ nhanh chóng được nhân lên về số nhân khẩu.

Chỗ ở mới, người Ơ Đu ở tập trung nhiều nhất Văng Sơn. Về đây, họ được giao nhận 1 nhà và 1000m2 đất canh tác. Ngoài ra, để đảm bảo nguồn lương thực, chính quyền cũng đã tập trung cải tạo 25ha ruộng để họ sản xuất. Nhưng do tập quán canh tác lạc hậu, người Ơ Đu vẫn duy trì nề thói canh tác năm 1 vụ. Vậy nên vượt qua cái đói, cái nghèo theo mong muốn vẫn là cái đích hết sức xa xôi với người Ơ Đu.

Trăng thượng tuần chênh chếch soi qua những tán rừng thưa thớt lá, tôi rời bản Ơ Đu, vượt qua gần 70km đường để ra thị tứ Tương Dương. Đau đáu với những gì đã tận mắt chứng kiến ở bản Ơ Đu chưa nguôi ngoai thì người bạn đường lại thẽ thọt: Ông biết không, ngoài cái tên Ơ Đu – Thương lắm thì người Ơ Đu ở đây còn có một tên gọi khác. Ấy là tên “Tày Hạt”, nghĩa là “đói rách”. Lời giải thích và lý giải thêm này như thêm một gánh nặng, tỳ miết tôi trên con đường trở về!

 Hoàng Lê (sưu tầm)