Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất: ₪ Dân tộc Hà Nhì
Showing posts with label ₪ Dân tộc Hà Nhì. Show all posts
Showing posts with label ₪ Dân tộc Hà Nhì. Show all posts

Sunday, April 9, 2017

Lễ hội trùm chăn của người Hà Nhì (Thùy Dung)

Lễ hội trùm chăn là một lễ hội đặc sắc của người Hà Nhì, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Đó là lễ hội cúng thần gió, thần đất, còn gọi là K'Hô Igià Igià. Lễ hội tổ chức vào tháng 6 âm lịch hàng năm trong 3 ngày, ngày Thìn là ngày khai hội.
Lễ hội này được người Hà Nhì đen tổ chức ở 2 địa điểm:
Địa điểm thứ nhất: lễ hội được tổ chức ở nhà và gia chủ sẽ phải chuẩn bị đồ cúng, bao gồm: 5 cái bánh dày, 1 bát thịt trâu luộc, 1 bát nước gừng pha nước và 4 cái bát con úp xuống đất trước bàn thờ (theo phong tục ở đây, các món đồ cúng sẽ do gia chủ - người vợ chế biến; nếu người vợ đi vắng phải do con gái cả làm và dù con gái cả đã đi lấy chồng rồi cũng vẫn phải về giúp đỡ gia đình lúc này); sau khi đồ cúng được chuẩn bị xong, gia chủ sẽ cúng đầu tiên, tiếp đó là tới các con - lần lượt từ con trai út cho đến con trai cả vào lễ.

Kết thúc lễ tạ, chủ nhà lấy bát nước gừng chia cho mỗi người trong gia đình uống một ngụm, ăn một ít thịt trâu luộc để hưởng lộc; bánh dày và gừng rượu được dành cho ông Táo, đặt ở bếp. 


Địa điểm thứ 2: lễ hội được tổ chức ở rừng cấm - nằm tại trung tâm bản mà ngày thường không ai được vào. Trong khu rừng này có nhiều cây gỗ quí lâu năm được mọi người cùng gìn giữ, có một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ quý, mái lợp gianh, rộng hơn chục m² do dân bản dựng để cho người già và con trẻ ngồi khi tham dự lễ hội.

Lễ cúng tiến hành vào ban đêm (vì làm như thế, các thần gió, thần đất sẽ được nghỉ ngơi yên tĩnh). Thầy cúng không nhất thiết phải là người chuyên nghiệp, chỉ cần là người 50 tuổi trở lên và không gặp điều rủi nào trong năm là được. Sau khi cúng, mọi người đều được mời ăn các lễ vật cúng và phải ăn cho hết, không được mang về.

Ngày hôm sau không khí lễ hội tưng bừng hơn: trai, gái trong bản rủ nhau vào rừng, mỗi người lấy sáu cành củi nhỏ về nộp cho lễ hội. Đến ngày thứ ba, tất cả dân bản tập trung lại để già làng - người cao tuổi nhất, cắt da trâu chia cho từng gia đình. Nếu số da trâu chia đủ cho mỗi gia đình hai chiếc thì năm đó làm ăn sẽ không thuận, còn số da trâu đã chia hết mà còn lẻ một, tức là năm đó dân bản được mùa.

Tại điểm trung tâm của lễ hội, già làng đánh đàn hoóttờơ, bà già nhảy múa còn thanh niên nam nữ hát đối nhau. Cùng với những điệu múa, trong ngày hội còn có một số trò chơi: trò đu dây, đu quay và hát giao duyên... đây là dịp để trai gái trong bản gặp gỡ và tìm hiểu nhau.

Bên cạnh các nghi thức tín ngưỡng và các trò chơi dân gian phổ biến, lễ hội còn có một phong tục lạ mắt và hết sức độc đáo, đó là tục trùm chăn. Trước khi đi hội “Khô già già”, bao giờ các chàng trai chưa vợ cũng đem theo một cái chăn chiên mới. Gần tới nơi, họ giấu cái chăn ở một hốc đá, bụi cây hoặc có khi ở... trong áo.

Tại lễ hội, chàng trai tham gia một cách hào hứng, chủ động, đặc biệt với các trò chơi đòi hỏi phải thể hiện hết năng lực và bản lĩnh đàn ông. Mục đích của họ nhằm thu hút sự chú ý của “phái đẹp”. Qua ánh mắt các cô gái, sự nhạy cảm của tuổi đang yêu sẽ “mách” cho các chàng trai biết cô gái nào có cảm tình với mình và cảm tình ở mức nào. Vào thời điểm thích hợp, chàng trai lặng lẽ tách khỏi cuộc chơi chung, tìm cách tiếp cận người đẹp. Những lời hỏi han, mời mọc, bông đùa và dĩ nhiên cả lời ướm thử, được các chàng trai thực hiện với mục đích thăm dò, xem phản ứng của “đối tác” ra sao. Khi “cá đã cắn câu”, chàng trai tiến thêm một bước táo bạo hơn, nắm lấy tay cô gái và... lôi đi. Dĩ nhiên cô gái sẽ chống cự, nhưng là sự chống cự cho “phải phép”; tay có vẻ nhùng nhằng nhưng miệng thì cười quyến rũ và chân lại... bước theo người ta. Chàng trai lập tức lấy cái chăn mà mình đã giấu sẵn, trùm lên đầu cô gái, rồi dẫn cô gái ra bìa rừng, bờ suối hoặc chỗ nào đó, hai người ngồi bên nhau tâm sự.

Qua tâm sự, nếu cảm thấy không thể tiếp tục tình yêu được, thì họ sẽ chia tay và không bao giờ lặp lại chuyện trùm chăn nữa. Trường hợp cả hai bên đều hài lòng về nhau, thì đợi lúc gần sáng chàng trai sẽ vác cô gái về “giấu” ở nhà mình. Sau đó ít ngày, nhà trai cử người sang nhà gái mối mai, xin với nhà gái cho đôi trẻ được tự do tìm hiểu trên quan điểm đi đến hôn nhân. Trùm chăn, thực ra là bước đầu tiên của tục “cướp vợ”, tương tự như tục “cướp vợ” của dân tộc Mông. Song chính động tác trùm chăn đã tạo nên sự khác biệt, độc đáo, phản ánh một nét văn hoá hôn nhân của người Hà Nhì, so với các dân tộc anh em nói chung và dân tộc Mông nói riêng.

Hiện nay ở nhiều vùng người Hà Nhì, tục trùm chăn vẫn còn duy trì trong cuộc sống đời thường, đặc biệt tại các lễ hội hoặc liên hoan văn hoá các dân tộc ít người. Đó là một nét văn hoá truyền thống mang bản sắc Hà Nhì, rất chung mà lại rất riêng...
Thùy Dung

Wednesday, June 15, 2016

Lễ cúng cây đu của dân tộc Hà Nhì ở Lai Châu ( Lý Văn Sùng)

Thầy cúng lấy thức ăn trên mâm cúng đặt lên ván đu.

Lễ cúng cây đu trong Tết mùa mưa, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, gia đình và bản làng ấm no, là một trong những lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo của người Hà Nhì, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Tết mùa mưa của người Hà Nhì được tổ chức định kỳ vào tháng 6 Âm lịch hàng năm. Để chuẩn bị cho Tết mùa mưa, người ta phải dựng 2 cây đu là đu lăng, đu quay và 2 cái bập bênh là bập bênh lên xuống, bập bênh quay. Theo quan niệm của người Hà Nhì, cái đu lăng vươn cao hàng chục mét với ngọn lá xum xuê thể hiện khát vọng của con người về một sự phát triển tốt đẹp. Còn cái đu quay trông như cái guồng nước to tròn phản ánh mong muốn về sự no đủ.

Để chuẩn bị cho lễ cúng, đồng bào lo dọn dẹp và chỉnh trang không gian dự định tổ chức lễ, dựng cây đu và chuẩn bị lễ. Trong lễ Giế Khừ Già, đồng bào tiến hành thịt lợn để làm lễ cúng, trong đó, thịt được để sống, gồm đầu lợn, thịt... Khi thịt lợn, phải chú ý để nguyên vẹn lá gan của con lợn được thịt, lá gan đó phải dính nguyên mật lợn và sẽ được đặt lên trên mâm cúng cho thầy cúng xem. Việc xem lá gan của con lợn sẽ báo cho thầy cúng biết điềm gở hay điềm lành đến với bản và gia đình trong năm.

Đồ lễ gồm: đầu lợn, thịt lợn, bánh dày, trứng gà luộc, rượu trắng, giỏ đựng bát, muối, gạo, đũa, chén rượu và một số vật dụng như mâm tre, ống tre, lá chuối, cây đu, trống...

Theo quan niệm của người Hà Nhì, vào lễ hội mùa mưa năm nay, nếu con lợn sau khi thịt nặng hơn con lợn thịt của năm cũ thì bản làng năm nay sẽ làm ăn phát triển hơn năm cũ. Nếu không được như ý thì người ta cũng vẫn nói là lợn thịt năm nay nặng hơn, để mong muốn mọi sự tốt lành, phát triển đến với cả bản và các gia đình.

Thầy cúng lễ phải là người do dân bản bầu ra, thường là người thầy cúng của năm trước đó đã cúng cho dân bản năm đó được khỏe mạnh, không ốm đau, bệnh tật, làm ăn, chăn nuôi phát triển, mùa màng bội thu. Khi đồ cúng lễ đã sửa soạn xong, thầy cúng hướng dẫn mọi người sắp mâm cúng dâng lên các thần linh. Mâm cúng được đặt cạnh cây đu. Thầy cúng sẽ tiến hành xem bói gan lợn, sau đó, thầy cúng khấn thần linh, lời khấn có nội dung rằng: “Hôm nay ngày lành tháng tốt, ngày con rắn đầu tiên của tháng 7, theo luật lý ông cha ta để lại cho chúng con có con lợn, quả trứng, xôi, bánh dầy, rượu ngon kính dâng lên các thần linh trên trời dưới đất, linh hồn của tổ tiên người Hà Nhì phù hộ cho con cháu người Hà Nhì trồng ngô, ngô có hạt, trồng lúa lúa có bông, bông to, hạt mẩy, trâu bò lợn gà biết sinh sôi, nảy nở, bà con trong bản khỏe mạnh để năm sau con cháu lại cúng tết mùa mưa năm sau to hơn năm trước”. Tất cả thành viên cúi lạy theo thầy cúng. Khấn xong thầy cúng tháo dây buộc ở tấm ván đu rồi lấy thức ăn trên mâm cúng đặt lên ván đu, mỗi loại một ít rồi đu đi đu lại ba lần bằng tay để cho điều xấu thì bị cuốn đi, điều lành thì được mang lại.

Dân bản uống rượu chúc phúc. Ảnh

Sau đó, thầy cúng lên ván của cây đu, thầy cúng vừa đặt lời khấn vừa đu. Thầy cúng và gia chủ uống rượu chúc phúc cho mình trước và sau đó là chúc phúc cho bà con dân bản. Cuối cùng, tất cả anh em, con cháu, mọi người trong bản cùng uống rượu, hát những bài dân ca để chúc nhau, cùng nhau đánh trống, múa hát, chơi đu và các trò chơi dân gian.

Vui chơi văn nghệ, đánh trống truyền thống.

Đây là một phong tục mang đậm nét văn hóa độc đáo của người Hà Nhì ở xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu thu hút sự quan tâm của du khách. Cần bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của người Hà Nhì nói riêng cũng như những bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Lý Văn Sùng (sưu tầm)

Tục cúng của người dân tộc Hà nhì (Lý Thào)

Nghi thức trong lễ cúng bản.

Điện Biên hiện đang sở hữu rất nhiều Lễ hội quan trọng: Hạn Khuống (Dân tộc Thái), Lễ mừng măng mọc, Pang Ả, Pang Phóong (Dân tộc Kháng), mừng cơm mới (Dân tộc Xinh Mun), Ma Khô (của người Mông Xanh), Tủ Cải (Dân tộc dao)… và một Lễ hội đặc sắc đó là Gạ Ma Thú - Lễ hội cúng bản - một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Hà Nhì ở xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Sinh sống ở vùng núi cao nên đặc điểm nổi bật trong lễ hội truyền thống của dân tộc Hà Nhì là sự gắn bó giữa con người với môi trường xung quanh, đó là tín ngưỡng sùng bái tự nhiên. Lễ hội là dịp con người giải tỏa, giãi bày phiền muộn lo âu với thần linh, mong được giúp đỡ che chở vượt qua khó khăn, thử thách trong cuộc sống hàng ngày.
Lễ cúng bản của người Hà Nhì ở Sín Thầu được tổ chức vào những ngày con hổ (Khà là), con trâu (Nhù no), con dê (Gió no) của tháng 2 âm lịch hằng năm; nhưng đặc biệt là vào ngày con Hổ được coi là ngày đẹp, khỏe, nhiều may mắn, đây cũng là khoảng thời gian dân bản phát nương làm rẫy chuẩn bị gieo trồng vụ mới. Đây là lễ hội được người Hà Nhì rất coi trọng.
 
Để lễ cúng bản được diễn ra suôn sẻ, trước ngày lễ diễn ra mọi người dân trong bản phải họp bàn, phân công chuẩn bị đồ lễ cúng, chọn thầy cúng, đó là những yếu tố quan trọng quyết định thành công cho buổi lễ.
Nghi lễ diễn ra trong vòng 01 ngày, phải có đủ 6 mâm cúng. 
Mâm cúng đầu bản:
Là mâm cúng chính, quan trọng hơn cả, lễ vật phải to hơn các mâm khác, do thầy cúng chính làm chủ lễ. Đây là mâm cúng chính cho cả bản nên vị trí đặt mâm cúng phải ở vị trí linh thiêng, phải ở đầu bản và là vị trí cố định không thay đổi, nơi đặt mâm cúng chính là vị trí gốc một cây Si cổ thụ, trên một quả đồi nằm ở phía Đông Bắc của bản. Vị trí này đã được dân bản lựa chọn cố định không thay đổi, được xem là nơi linh thiêng không cho phép bất kỳ một ai tùy tiện ra vào khu vực này. Chỉ khi nào dân bản tổ chức cúng bản thì mới được phép vào phát cỏ và dọn dẹp sạch sẽ để làm lễ cúng cho dân bản, với mong muốn cầu cho cả bản được tốt lành, cho đủ hoa màu, cho mọi người không bị ốm đau, gia súc gia cầm sinh sôi phát triển, tiền bạc nhiều.Mâm cúng cổng bản: 
Cổng bản là lối đi lại ra vào của người dân trong bản cũng như khách thập phương khi muốn vào bản. Người Hà Nhì quan niệm rằng cổng bản cũng là nơi mà những thế lực tà ma hay những cái xấu xa đen tối cũng theo đó mà vào bản quấy nhiễu cuộc sống của dân bản nên mỗi khi làm lễ cúng không thể không cúng cổng bản, từ đó nhằm ngăn chặn xua đuổi tà ma, các thế lực xấu xa đen tối không cho vào bản, đồng thời cầu mong hạnh phúc niềm vui và sự no đủ cho dân bản. Trong lễ cúng bản của người Hà Nhì có rất nhiều điều cấm kỵ, trong đó có tục cấm bản, khi cổng bản được dựng lên, lễ cúng bản bắt đầu thì việc cấm bản có hiệu lực, theo đó, mọi người trong bản không được phép ra ngoài, người ngoài bản cũng không được tự ý vào bản. Mâm cúng thần núi (Phía Tây)
Người Hà Nhì lâu nay sinh sống trong môi trường rừng núi cuộc sống hoàn toàn dựa vào thiên nhiên, kể cả những hoạt động sản xuất vì vậy người Hà Nhì gửi gắm vào thế lực siêu nhiên niềm tin và những ước nguyện của mình và trong đó có Thần núi. Mâm cúng có ý nghĩa cầu sức khỏe cho dân bản, cầu cho cây lúa, cây ngô tốt tươi.
Mâm Cúng thần lửa (Phía Nam)
Người ta thực hiện lễ cúng Thần lửa với ý nghĩa diệt lửa, cúng diệt lửa để cầu mong không gây hỏa hoạn cháy rừng, cháy nhà, cháy vật nuôi gia súc chăn thả trên rừng. Lửa sẽ sưởi ấm cho con người, cây trồng và vật nuôi khi đêm đông giá buốt; lửa cũng giúp cho linh hồn của những người chẳng may bị hỏa hoạn mà chết sẽ được siêu thoát.
Mâm Cúng thần đất (Phía Bắc)
Thần đất được người Hà Nhì gọi là Thủ Tý, nghi lễ cúng thần đất được diễn ra dưới gốc một cây Si cổ thụ (cây Si là cây sống lâu năm dẻo dai được xem như sự trường tồn, khỏe mạnh của dân bản). Lời cúng mang ý nghĩa mong thần phù hộ cho dân bản sống khỏe mạnh, không cho thú dữ phá hoại mùa màng, không nhiễu hại dân bản, bảo vệ ruộng nương.
Mâm Cúng thần Rừng (Phía Đông)
Sinh sống lâu đời trong môi trường tự nhiên có sự cân bằng sinh thái với đầy đủ các yếu tố cho cuộc sống con người, rừng lấy gỗ dựng nhà, làm chất đốt và đất để làm nương, rẫy lấy lương thực. Theo quan niệm của người Hà Nhì thì mọi thứ đều có người cai quản, việc thờ cúng Thần rừng để thần giữ rừng cho dân, theo họ, giữ được rừng là giữ chính cuộc sống của họ. Từ đó, giúp dân tộc Hà Nhì củng cố thêm luật tục của tổ tiên trong đó có luật tục bảo vệ cái cây, ngọn cỏ, muôn thú, tất cả những gì mà cha ông họ đã giữ gìn và truyền lại.
Trong ngày diễn ra lễ cúng bản, những hoạt động văn nghệ, các trò chơi dân gian cũng được diễn ra song song, nhưng trò chơi chủ yếu là đu quay, ném còn, đánh cù....ngoài ra còn có các điệu múa truyền thống của dân tộc Hà Nhì. Tất cả các thành viên trong bản không kể già trẻ, trai gái, mọi người đều tham gia.
Lễ cúng bản của dân tộc Hà Nhì là lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc cần được bảo tồn và phát huy giá trị, góp phần phát triển nền văn hóa tỉnh Điện Biên nói riêng và của Việt Nam nói chung "tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”./. 

Liên hoan sau lễ cúng
Lý  Thào  (sưu tầm)

Phong tục cưới truyền thống của người dân tộc Hà Nhì (Lý Văn Sùng)

Điệu múa trống chiêng của người dân tộc Hà nhì

Trong quan hệ hôn nhân, người Hà Nhì ít chịu sự ràng buộc của những lễ giáo phong kiến. Nam nữ thanh niên được tự do yêu đương, tìm hiểu nhau trước khi cưới. Người Hà Nhì có hai hình thức cưới: do bố mẹ đi hỏi và không qua lễ hỏi.

Cưới do bố mẹ đi hỏi: sau khi trai gái tìm hiểu nhau người con trai nói với bố mẹ ý định của mình và xin bố mẹ lo liệu việc cưới. Tùy từng vùng việc cưới xin có các phong tục tập quán khác nhau. Ở Bát Xát, lễ dạm hỏi gồm ba bước. Lần đầu người mối mang một chai rượu, quả trứng và hai gói cơm nếp sang nhà gái nói chuyện về việc cưới xin. Lần hai, ông mối mang thêm một đồng bạc trắng biếu cô dâu tương lai. Lần thứ ba, ông mối sang xin nhà gái định ngày cưới. Mỗi cặp vợ chồng đều trải qua hai lần cưới.
Cưới lần thứ nhất: Người con trai rủ vài người bạn đến nhà người yêu hay một nơi nào đấy đã hẹn sẵn. Khi gặp nhau, người con gái trả lại bạn trai một đồng bạc trắng mà người làm mối đã đưa sang hôm dạm. Họ đưa nhau về nhà trai chào bố mẹ và cúng tổ tiên. Hôm đó nhà trai cũng như nhà gái đều làm bữa cơm thân mật mời bà con hàng xóm mừng hạnh phúc cho hai con. Từ đó, cô dâu ở hẳn bên nhà chồng. Sáng hôm sau, nhà trai sang nhà gái với lễ vật gồm trai rượu, cơm nếp và một quả trứng để hỏi về đồ thách cưới trong lễ cưới lần hai.

Cưới lần thứ hai: Trước kia nghi lễ này khá tốn kém, nhà gái thường ăn uống tiếp khách trong một ngày, nhà trai hai ngày. Số lượng tiền gạo chi tiêu cho ngày cưới khá lớn. Vì tốn kém như thế nên người Hà Nhì chỉ tổ chức đám cưới khi gia đình làm ăn khám khá. Nhiều người 50, 60 năm sau khi đã có con cháu mới đủ khả năng tổ chức lễ cưới lần hai. Có người cho đến lúc chết vẫn chưa cưới xong. Với những trường hợp này lúc chết trước khi làm ma, người ta phải làm lễ cưới tượng trưng với lễ vật là một con gà và ba gói xôi.

Người dân tộc Hà Nhì còn có hình thức cưới không qua lễ hỏi. Trai gái yêu nhau tự định ngày cưới. Người con trai nói trước với bố mẹ mình điều đó, còn người con gái có thể không nói cho bố mẹ biết vì lễ cưới này thường xảy ra khi bố mẹ cô gái không đồng ý cuộc hôn nhân. Lễ cưới được tổ chức giống như lễ cưới lần thứ nhất của hình thức cưới có đi hỏi. Trong trường hợp này không cần tổ chức lễ cưới lần hai nữa.

Lý văn Sùng (sưu tầm)

Tuesday, June 14, 2016

Lễ tảo mộ của dân tộc Hà Nhì (Lý văn Sùng)

Xuân năm nay ở Y Tý đẹp và trong trẻo với nắng vàng rót mật cùng biển mây trắng xốp. Ngày xuân đẹp trời, người Hà Nhì trong thôn bản ở Y Tý đang nô nức chuẩn bị cho lễ tảo mộ của một vài nhà trong bản.
Từ sáng sớm, những người phụ nữ Hà Nhì đã thức dậy chuẩn bị chu đáo trang phục truyền thống để mặc trong lễ tảo mộ. Họ cũng sắm sửa đồ lễ như gà trống, gạo nếp, trứng luộc, vàng hương… và mang theo ra khu phần mộ để cúng tế.


Ngọn đồi cao giữa bốn bề núi non là nơi tập trung phần mộ của cả bản làng người Hà Nhì. Năm nay, trong làng có một vài phần mộ đã đủ ba năm để thực hiện lễ tảo mộ. Không chỉ riêng gia đình người đã khuất đến để sửa sang, làm sạch mộ phần mà cả bản làng ai ai cũng chung sức một tay đưa người đã khuất rời chuyển nhà mới.

Những người phụ nữ Hà Nhì cho biết, lễ tảo mộ là một trong những lễ chính của mùa xuân. Tảo mộ không có nghĩa là buồn đau, ma chay mất mát mà là vui vẻ sang mộ cho người thân đã khuất. Vì vậy, họ không quá đau buồn trong dịp lễ này mà nhận thấy đây là dịp để sửa sang, thăm viếng phần mộ cho người thân được êm ấm nơi bên kia thế giới.

Người mẹ trẻ cũng địu con đến tham gia lễ tảo mộ. Để con hiểu được từng tập tục nghi lễ khi con còn chưa biết nói, nhưng đã biết lắng nghe, biết quan sát những văn hóa truyền thống của cha ông để lại.


Có thể thấy rõ sự khác nhau trong trang phục truyền thống của người phụ nữ Hà Nhì. Cô gái chưa chồng có khăn đội đầu và áo được trang trí với nhiều cúc bạc, hạt cườm và tua rua bằng các loại chỉ nhiều màu sắc. Áo cài cúc bên nách phải có nẹp ngực được trang trí điểm một hàng đường thêu. 


Phụ nữ có chồng sẽ có vấn tóc tết quấn vòng trên đầu cùng những bông đen vấn chặt. Nhưng nét đặc trưng trong trang phục phụ nữ Hà Nhì chính là áo hình mai rùa và hai màu nổi bật xanh đen.


Lễ cúng đầu tiên bằng tiết gà trống trước cửa mộ. Đầu mộ được dựng cây nêu treo hình các con giống để mọi người cầu nguyện. Gà luộc chín sau khi cúng lễ sẽ được chuẩn bị cho bữa ăn hưởng lộc sau khi đã kết thúc việc cúng tế.


Trai tráng trong làng, người thì lo sửa sang phần mộ, làm sạch cỏ, gia cố, sơn trát trên mộ phần. Người lại làm thịt gà, giết mổ lợn để chuẩn bị cho lễ tế.


Gà chân đen được cắt tiết, luộc nguyên con để cúng trong phần lễ.


Cầu nguyện xong, đàn ông làm thịt lợn ở một góc rừng. Đàn bà làm bánh giày và chuẩn bị đãi tiệc.

Nghi thức chính mời người chết về dùng cỗ được tổ chức ngay tại cửa mộ. Khi tiến hành nghi thức, mọi người tham gia lạy tạ và rót rượu vào một cái tô lớn đặt trên mộ, sau đó những người thân lớn tuổi chia thức ăn vào lá chuối và đặt từng phần lên cửa mộ, họ đốt nhang và đồ giấy.

Sau khi lần lượt người trong bản thắp hương cho mộ phần và đốt vàng mã thì sẽ có bữa ăn hưởng lộc. Đây là bữa ăn thể hiện tình đoàn kết của dân bản với gia chủ.

Lễ tảo mộ không chỉ do gia đình người đã khuất tổ chức mà tất cả các gia đình trong bản đều đóng góp đồ cúng, tham gia dọn dẹp phần mộ. Đây không chỉ là một nét văn hóa truyền thống Hà Nhì mà còn thể hiện vẻ đẹp của tình người trong sự đoàn kết, chia sẻ khó khăn, ngọt bùi của dân tộc Hà Nhì.

Lý Văn Sùng (sưu tầm)

Điện Biên: Tết cổ truyền dân tộc Hà Nhì (Lý Thào)

Điệu xòe đặc trưng của người dân tộc Hà Nhì mang ý nghĩa gắn kết cộng đồng

Những ngày giữa tháng 12, tại xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé (Điện Biên). Mặc dù thời tiết đang trong những ngày mưa lạnh, nhưng vẫn cảm nhận rõ không khí đón Tết của đồng bào dân tộc Hà Nhì nơi đây.

Người dân tộc Hà Nhì đón năm mới vào ngày Rồng, tháng 12 dương lịch hàng năm và ăn Tết trong 3 ngày. Đây là dịp để mọi người trong gia đình, bạn bè, làng bản gặp gỡ, chuyện trò, ngồi bên nhau nâng ly rượu nồng và chúc nhau một năm mới no ấm, mạnh khỏe, mùa màng bội thu.

Phụ nữ dân tộc Hà Nhì chuẩn bị mâm cơm trong ngày tết cổ truyền.

Chuẩn bị cho những ngày Tết, mỗi gia đình người Hà Nhì mổ một con lợn do chính nhà mình nuôi để cúng năm mới và làm cỗ mời khách. Gan, lá lách lợn được đựng chung vào một đĩa để “làm lý”; những người lớn tuổi nhất trong nhà cùng nhau xem và đoán định một năm mới có thuận lợi và suôn sẻ. Tết của người Hà Nhì bắt đầu với nghi lễ cúng lạy tổ tiên, do người cao tuổi nhất trong gia đình đứng chân chủ lễ. Sau đó, mọi người cùng sum vầy bên mâm cơm, mời nhau những ly rượu thơm. Mâm cỗ tết của người Hà Nhì có những món ăn truyền thống như xôi nếp, lòng dồi, tiết canh, nước chấm mắc có, rau sống, bánh trôi, bánh dày.... Ngoài ra còn có các món luộc, món nướng, món canh... như các dân tộc khác.

Mọi người quây quần bên mâm cơm tết.

Sau bữa ăn, mọi người cùng thưởng thức các điệu múa dân gian của dân tộc như: Múa á mỳ sơ, múa nón Hà Nhì, múa vui sản xuất... và nắm tay nhau say trong điệu xòe đặc trưng của dân tộc. Điệu xòe của người Hà Nhì rất đặc biệt bởi có cả xòe đứng và xòe ngồi; trong tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng, náo nức. Ngoài ra, họ còn tổ chức các trò chơi truyền thống như tù lu, tung còn... nhằm mang lại không khí vui nhộn, lao động hăng say cho bà con trong năm mới.

Người cao tuổi trong gia đình xem gan, lá lách lợn, đoán định những điềm may rủi trong năm mới.

Phụ nữ Hà Nhì nặn bánh trôi, món bánh truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ đón năm mới.

Người dân tộc Hà Nhì, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé ăn Tết mộc mạc, giản dị nhưng ấm áp và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Những ai được một lần đón tết với đồng bào Hà Nhì nơi đây, hẳn sẽ không bao giờ quên sự hiếu khách, những món ăn độc đáo và nụ cười, điệu múa duyên dáng của các cô gái Hà Nhì.

Lý Thào (sưu tầm)

Giản dị sắc phục dân tộc Hà Nhì (Lý Thào)

Vẻ đẹp của những bộ trang phục dân tộc Hà Nhì nằm ở sự giản dị nhưng vẫn có những nét độc đáo tạo nên bản sắc riêng.
Ở Y Tý, Bát Xát, Lào Cai, những ngày này thời tiết giá lạnh. Người già Hà Nhì ở đây quanh năm ngồi bên bếp lửa, chỉ có người trẻ mới ra ngoài lao động. Giống như các dân tộc khác, trang phục nam giới Hà Nhì rất đơn giản. Cũng chiếc áo cánh, quần dài, cũng hàng cúc vải ngang nhưng bộ trang phục này rất thuận tiện trong lao động, sản xuất.

Bộ nữ phục người Hà Nhì gồm: quần, áo, yếm. Tất cả đều là một màu đen có trang trí họa tiết xanh. Nét đặc biệt nhất trên bộ nữ phục nằm ở mái tóc giả và chiếc khăn đội đầu. Tóc giả được tết bằng len tạo thành một búi lớn có tác dụng giữ ấm cho đầu giữa thời tiết quanh năm khắc nghiệt này. Ngoài tác dụng giữ ấm, việc đội tóc giả còn mang ý nghĩa riêng.

Lý Thào (sưu tầm)