Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất: ₪ Dân tộc H’Mông
Showing posts with label ₪ Dân tộc H’Mông. Show all posts
Showing posts with label ₪ Dân tộc H’Mông. Show all posts

Sunday, April 9, 2017

Một số lưu ý về phong tục tập quán của người dân tộc ở Sapa (Đàm Thị Lượng)

Đi một tour du lịch Sapa để tìm hiểu về phong tục tập quán của người dân tộc ở Sapa cũng khá thú vị. Theo tập tục, người Tày người Giáy ở Sapa thường lập bản ở dưới lòng thung bên bờ suối lớn có đồng ruộng bằng phẳng như bản Thanh phú, Nạm Sài, Bản Hồ, Tả Van, Lao Chải. Người Dao thích sống ven các cánh rừng nơi có nhiều cây thuốc quý như: Tả Phìn,
Trung Chải, Nậm Cang, Thanh Kim. Người Mông xưa thích sống rải rác trên các sườn cao cheo leo nay đã về San Sả Hồ, Sa Pả, Lao Chải, Hầu Thào, Tả Giàng Phìn. Còn người Xa Phó sống bên các nương ngô gần các cánh rừng thưa ở Nậm Sài. Dưới đây là một số lưu ý để quý khách dùng làm hành trang đi Sapa của mình khi đi du lịch Sapa.

Phong tục tập quán của người dân tộc ở Sapa

Phong tục tập quán của người dân tộc ở Sapa
Ngày nay, nhiều con đường đã và đang được mở, nối liền các bản làng xa xôi và dẫn về thị trấn để mọi người dễ dàng giao lưu đi lại. Điện lưới quốc gia đang mở rộng đến nhiều xã còn những nơi xa xôi đều có máy thủy điện nhỏ chạy bằng dòng nước suối. Rất nhiều gia đình có vô tuyến nhận được song từ đài truyền hình đặt trên đỉnh núi Hàm Rồng. Xe gắn máy đã thành phương tiện thông dụng của đa số gia đình và có nhà đã mua được ô tô, cuộc sống của dân bản Sapa đang ngày càng đổi mới.

Khi các bạn đi du lịch Sapa Lào Cai cần phải hiểu một chút về phong tục tập quán của người dân tộc ở Sapa đều có ngôn ngữ riêng và đến nay vẫn dùng trong đời sống hàng ngày. Để tiện giao tiếp giữa các dân tộc, trước kia người ta dùng tiếng quan hoả là thứ tiếng Hán đã bị biến đổi của người dân vùng biên giới.
Các dân tộc Tày, Giáy, Dao có chữ viết riêng giống chữ Hán nôm. Chữ viết cỗ của người Mông đã bị thất truyền sau nhiều thế kỉ du canh du cư. Hiện nay mỗi dân tộc đều có chữ viết latinh hoá theo kí tự abc.

Phong tục tập quán của người dân tộc ở Sapa

Ngày nay tiếng Việt là tiếng phổ thông, đa số mọi người đều biết. Nhà nào ở SaPa cũng có đài, nhiều nhà có vô tuyến, video. Khi giao tiếp, du khách chỉ nên dùng các tên dân tộc chính thức là Mông, Dao, Tày, Dáy, Xa Phó. Không dùng các cách gọi khác làm đồng bào phật ý. Các dân tộc ở Sa Pa luôn tuân thủ và giữ gìn những phong tục tập quán lâu đời. Giữa các dân tộc có sự tôn trọng tập quán của dân tộc khác. Phong tục tập quán của người dân tộc ở Sapa có những kiêng kỵ riêng.
Ví dụ, người Dao nam nữ tìm hiểu, tình yêu đôi lứa là một phần rất quan trọng trong đời sống của làng bản, được mọi người trân trọng. Thanh niên tìm bạn tại các phiên chợ, đi đến các bản xa vào các đêm trăng sáng để hát hò, thổi kèn, sáo, ca múa. Đám cưới được mọi người tham dự như một ngày hội. Ma chay của mỗi dân tộc có quy cách riêng đã có từ lâu đời.

Đồng bào các dân tộc Sapa Lào Cai rất hiếu khách, nhưng du khách khi đến thăm làng bản nên chú ý lắng nghe những chỉ dẫn của hướng dẫn viên để không phạm phải các điều kiêng kị của đồng bào các dân tộc như nơi ngủ, chỗ ngồi uống nước, ngồi ăn cơm, vị trí để đồ dùng, cách đi lại, sử dụng các đồ vật trong nhà….bởi mỗi dân tộc có những kiêng kị riêng. Các bạn có thể tham khảo tour du lịch Hạ Long – Sapa để khám phá nét độc đáo trong văn hóa và thiên nhiên vùng biển Hạ Long cũng như phố núi Sapa.

Đàm Thị Lương

Tục đeo vòng vía của người H'Mông (Đặng Thị Loan)

Tục đeo vòng vía của người H'Mông.
Việc trẻ ốm yếu cúng giải hạn hoặc gửi cửa theo số của nó đều không được thì thầy cúng sẽ xem số và đeo vòng vía cho trẻ. Nghi lễ đeo vòng vía cho trẻ của người H'Mông hoa ở Cát Cát tương tự như nghi lễ đeo vòng vía cho trẻ của nhóm người Mông trắng ở Bảo Phố - Bắc Hà. Gia đình phải chuẩn bị 3 chiếc vòng cuốn bằng tre có đường kính 1,5m. Họ dựng ngoài cửa 1 vòng, giữa nhà 1 vòng và phần giáp bàn thờ 1 vòng. Họ dùng một tấm vải trắng dài 12m đặt lên trên vòng tre từ cửa chính vào tới bàn thờ.
Mâm cúng đặt ở góc phải, phía dưới bàn thờ bao gồm: 3 đôi đũa, 3 bát cơm, 3 chén rượu, 3 chén nước, 1 con gà luộc, 1 gói muối. Trên bàn còn có chiêng, kiếm của thầy cúng. Người nhà còn mời, nhờ một người trung tuổi, con cái khoẻ mạnh đến bế đứa trẻ để tiến hành nghi lễ đeo vòng vía.
Khi thầy cúng bắt đầu việc cúng thì đứa trẻ đứng ở ngoài cửa trên mép vải đặt từ giữa cửa đến bàn thờ. Đầu tiên, thầy cúng cho mời tổ tiên của gia đình về chứng kiến việc làm tốt của thầy cúng cho đứa trẻ. Sau đó thầy cúng mời sư tổ của mình về và xin cho phép mầu để trừ tà diệt ma. Tiếp đó, thầy cúng gõ một hồi chiêng dồn dập, vừa gõ vừa gọi các âm binh đến. Thầy cúng uống một hớp rượu sau đó múa xung quanh nhà. Mỗi khi rú lên một tiếng, thầy cúng lại đâm thẳng kiếm xuống đất, tượng trưng cho việc trừ ma xấu làm hại trẻ. Khi thầy cúng đi ra cửa và đâm thẳng kiếm ra ngoài tức là ma đã bỏ ra khỏi nhà, khỏi đứa trẻ.

Người phụ cúng sẽ cho đứa trẻ bước vào qua vòng tre thứ nhất. Khi đứa trẻ bước vào trong vòng (qua cửa) thầy cúng bước ra ngoài và chém kiếm xuống đất chỗ đứa trẻ vừa đứng với ý nghĩa là chém ma xấu. Sau đó, thầy cúng đi vào trước bàn cúng, đặt kiếm xuống bàn và cầm chai rượu đổ ra tay tung vào đứa trẻ, tượng trưng nước phép vừa trừ ma, vừa rửa hồn vía đã bị ma xấu làm ô uế. Sau đó, đứa trẻ được người phụ cúng cho bước qua vòng thứ hai. Thầy cúng ngậm một ngụm rượu phun mạnh vào nơi đứa trẻ vừa đứng. Tiếp đến, thầy cúng đọc lời dồn hồn vía cho trẻ từ nay vía không được theo ma xấu. Một tiếng thét của thầy cúng tức là ma đã bỏ chạy và vía đã nhập vào đứa trẻ. Người phụ cúng hai tay đỡ hai vai trẻ và trẻ nhảy qua vòng tre cuối cùng, thầy cúng lập tức cầm vòng vía (cổ, tay, tai) đeo ngay cho trẻ với ý nghĩa là rào vía cho trẻ. Từ nay, hồn vía trẻ sẽ không bỏ đi chơi và ma xấu cũng sẽ không dám bén mảng đến vì đã có vòng vía là thứ vũ khí để trừ tà diệt ma.
Sau phần làm lễ, thầy cúng, phụ cúng và gia đình cùng ăn cơm, uống rượu bình thường. Khi ra về, thầy cúng được bắt một con gà trống và một lít rượu.
Vòng vía được đeo suốt đến lúc già. Trường hợp vòng vía đã đeo tự nhiên rơi hoặc bị mất thì được. Còn nếu người đeo tự tháo ra thì rất có thể họ sẽ bị ốm trở lại.
Đặng Thị Loan

Phong tục tang ma của người dân tộc H'Mông (Triệu Văn Thạch)

Phong tục tang ma của người H'Mông.
Cũng như nhiều đồng bào dân tộc vùng cao khác, người H'Mông ở Sa Pa vẫn còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán truyền thống, trong đó tang ma là một nghi lễ thể hiện truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, là sự tri ân giữa người sống với người đã mất.
Khi con người từ bỏ cõi trần gian để về với tổ tiên, người H'Mông gọi là "tùa" hay "ninh tùa" (người chết) là thuận theo quy luật của tự nhiên. Dựa trên đối tượng và nguyên nhân của người chết mà người H'Mông có những nghi lễ tổ chức tang ma khác nhau.

Đối với những đứa trẻ chết dưới ba tháng tuổi thì gia đình không tổ chức lễ tang và khi đưa đi chôn cũng phải đưa qua vách nhà, không được đưa qua cửa nhà. Bố mẹ có thương con đến mấy cũng không được khóc sợ ma nhà, ma cửa biết sẽ quở trách gia đình. 
Còn những trường hợp chết ngoài nhà như: do tai nạn, tự tử, ngã sông, ngã suối… thì người Mông kiêng không bao giờ mang vào trong nhà tổ chức lễ tang. Gia đình sẽ dựng một chiếc lán ở ngoài bãi làm địa điểm tổ chức lễ tang, vì người Mông quan niệm rằng, những người chết ngoài nhà, phần lớn là do các loại ma ác làm hại, nên khi mang vào nhà sợ con ma này lại theo vào nhà để làm hại những người khác trong gia đình. Những người chết trẻ, chết ngoài nhà, chết do tai nạn đều được coi là những cái chết không bình thường, bởi vậy mà lễ tang cũng được tổ chức gọn nhẹ hơn các lễ tang của người chết già.
Theo phong tục truyền thống, lễ tang của người H'Mông bao gồm rất nhiều nghi lễ khác nhau. Khi gia đình có người thân qua đời, việc đầu tiên là con cháu sẽ mang súng kíp ra ngoài nhà bắn ba phát để báo hiệu với bà con trong bản biết là gia đình có người qua đời. Con cháu, bà con thôn, bản nghe thấy tiếng súng ở khu vực nào sẽ đổ về gia đình đó để chia buồn, đồng thời xem có việc gì cùng giúp đỡ. Người chết được con cháu lau mặt, mũi, chân tay, thay quần áo mới cho sạch sẽ trước khi về với tổ tiên. Theo tập tục của người Mông, khi rửa mặt xong, nước rửa mặt cho người chết được đem đổ vào gầm giường nằm của người chết, còn mảnh vải rửa mặt được đem phơi khô để đốt. Sau khi tắm rửa cho người chết xong, họ dùng một chiếc ván gỗ đem thi thể người chết đặt giữa nhà rồi người con trai trưởng nhanh chóng đi mời Dở mủ (thầy cúng chỉ đường) về làm lễ "khai kế" đưa đường chỉ lối cho linh hồn người chết về với tổ tiên. Đây là nghi lễ không thể thiếu được trong bất cứ đám tang nào của người Mông. Gia đình sẽ chuẩn bị một cây nỏ "nỉnh", một con dao và một con gà để làm lễ với ý nghĩa con dao là dụng cụ phát đường, cây nỏ là vũ khí để bảo người chết trên đường đi, con gà là người chỉ đường. Thầy Dờ mủ làm lễ xong, tiếng trống, tiếng khèn lại tiếp tục thổi các bài khèn "khai kế" (chỉ đường) để chỉ đường đưa người chết về với tổ tiên.
Trước đây, người H'Mông thường đưa thi thể người chết lên treo ở gian giữa nhà, hay còn được gọi là đưa lên ngựa "nỉnh đăng" để thồ linh hồn người chết về với tổ tiên. Ngày nay, phần lớn các dòng họ đã đưa thi thể người chết vào áo quan. Sau khi làm lễ nhập quan, họ hàng anh em, con cháu đến làm lễ phúng viếng. Theo lý của người H'Mông, khi bố mẹ qua đời, mỗi người con trai, con gái đều phải cho bố mẹ một bộ quần áo mới, một con lợn làm của cải mang về dưới âm để làm ăn. Người con trai cả bao giờ cũng là người giao lợn cho bố mẹ đầu tiên, tiếp đó là đến các con thứ trong gia đình, rồi sau đó đến lễ phúng viếng lần lượt của những người thân thiết trong gia đình và bà con trong bản. Trong lễ tang của người Mông, ông cậu và ông anh rể là hai người quan trọng nhất, bởi vậy mà trước khi về chịu tang, ông cậu và anh rể bao giờ cũng phải thuê một người làm chủ hát "chí sùng sình" để thay mặt gia đình bên ngoại cùng gia đình tổ chức lễ tang cho người chết theo đúng truyền thống. Ngoài ra, phái đoàn nhà cậu còn mang theo một con lợn, một thồ thóc, 10 lít rượu, 3 quả trứng luộc, một cây tiền để làm lễ phúng viếng cho người chết mang đi. Còn bà con làng xóm mỗi người đều mang sang một thồ thóc, một chai rượu, một bó hương để làm lễ phúng viếng cho người chết. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của gia đình mà họ tổ chức lễ tang cho người chết to hay nhỏ.
Những lễ tang làm to có mổ trâu thường kéo dài từ 3 - 4 ngày với rất nhiều nghi lễ khác nhau như: lễ "treo sáng đù" (giao lễ vật), "Nùng chàn gì" (lễ hỏi đáp), "Tiu rìa kềnh", "Gẩu trùng"… mọi người thổi khèn, đánh trống hát thâu đêm để tiễn biệt người chết. Đến khi trời gần sáng, con cháu làm lễ đưa người chết ra khỏi nhà và khiêng ra ngoài bãi làm lễ mổ trâu. Trước khi mang thi thể người chết ra khỏi nhà, gia đình phải nhờ một người thầy cúng làm lễ đuổi ma ngựa ra khỏi nhà, với ý nghĩa người chết rồi phải đuổi hồn ra khỏi nhà để sau này con cháu yên ổn làm ăn. Ngoài thầy cúng, gia đình còn phải nhờ hai người thanh niên cầm cành đào, cành mận đập xung quanh nhà với ý nghĩa đuổi ma ra khỏi nhà. Thi thể người chết được khiêng ra ngoài bãi mổ trâu, người con trai cả bao giờ cũng là người dắt trâu ra giao cho người chết. Trước khi làm lễ, ông chủ ma làm lễ điểm, sau đó ông chủ ma, lấy một sợi dây lanh buộc vào dây thừng trâu rồi làm lễ giao trâu cho người chết mang đi. Người cậu hoặc người anh rể sẽ thay mặt cho bên ngoại là người giết trâu với ý nghĩa người cậu là người đại diện cho bên ngoại nhận lễ vật thay cho người chết. Trâu giết xong được mọi người mang đi mổ, rồi chế biến thành đồ lễ chín để thầy cúng làm lễ cúng chín cho người chết và đem chế biến làm các món ăn trong lễ tang, phần còn lại họ chia thành các miếng nhỏ đem chia cho những gia đình có lễ vật đến phúng viếng để cảm ơn.Sau bữa cơm trưa, đến khoảng hai ba giờ, con cháu khiêng người chết đi an táng, sau đó mọi người quay về nhà. Trong ba ngày đầu vào buổi sáng sớm và lúc chiều tối, ông chủ ma phải mang cơm, lửa giao cho người chết ăn với ý nghĩa người mới chết tựa như đứa trẻ chưa biết làm ăn, nên những ngày đầu con cháu phải mang cơm giao cho người chết. Chôn được ba ngày, con cháu tập trung mang cuốc, mang xẻng đi sửa sang và rào mộ cho người chết được mồ yên mả đẹp. Người chết được 12 ngày, con cháu ra mộ đón linh hồn người chết về thăm lại nhà. Sau một hai năm, con cháu lại tổ chức lễ cúng "ùa plì" để hồn người chết ra đi được thanh thản, sau một vài năm, gia đình tiếp tục tổ chức lễ cúng "nhù đăng" (lễ mổ trâu) là lễ cúng cuối cùng trong lễ tang của người H'Mông. Sau lễ cúng "nhù đăng", con cháu không tổ chức bất cứ lễ cúng nào khác. Chỉ đến các ngày lễ tết, con cháu tổ chức lễ cúng thì họ mới gọi linh hồn người chết về thăm lại nhà.
Triệu Văn Thạch

Thursday, April 6, 2017

Nét văn hóa đặc sắc tại Ngày hội văn hóa dân tộc H'Mông ở Thái Nguyên (Thu Hằng)

Đồng bào dân tộc Mông nô nức đi hội.

Khi sương sớm vẫn còn chưa kịp tan trên mỗi hàng cây, ngọn cỏ, vậy mà trên mỗi ngả đường dẫn đến Nhà văn hóa xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đã thấy rộn ràng tiếng cười nói, tiếng khèn của đồng bào dân tộc H'Mông gọi nhau đến với Ngày hội văn hóa của dân tộc mình. 

Khoảng 8h sáng, khi ánh nắng mặt trời bắt dầu xen qua những tán cây là thời điểm ngày hội giao lưu văn hóa dân tộc Mông bắt đầu diễn ra. Ngày hội được mở đầu với những tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông do chính đồng bào dân tộc Mông từ khắp các xã trong huyện trình bày. Tiếng khèn Mông, sáo Mông vang lên khiến cho không khí của núi rừng Việt Bắc dường như bừng lên rộn rã. Sau phần giao lưu văn nghệ là phần thi tài ở những trò chơi dân gian đặc sắc, mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông như: Trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Mông; thi đánh cù, kéo co, đẩy gậy, chọi chim họa mi… 

Làm mèn mén

Và nấu thắng cố

Đặc biệt, tại Ngày hội, các xóm bản người Mông còn có dịp trổ tài trong phần thi văn hóa ẩm thực dân tộc với những món ăn độc đáo như: nấu thắng cố, làm mèn mén, đây là hai món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông. Chị Lý Thị Mai ở xóm Lân Quan, xã Quang Sơn vui vẻ cho biết: “Đây là năm thứ 3 mình tham gia thi văn nghệ, hai lần trước đều có giải thưởng mang về, lần này mình cũng sẽ cố gắng hết mình có đạt được giải thưởng cao, mang niềm vui về cho dân bản mình”.

Phần thi kéo co

Phần thi đánh cù trong khuôn khổ ngày hội.

Ngày hội văn hóa dân tộc Mông được tổ chức là sự kiện văn hóa lớn của địa phương, nhằm phát huy tình đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc, khơi dậy niềm tự hào về bản sắc văn hóa, đồng thời tạo không khí vui mừng, phấn khởi, cổ vũ động viên đồng bào tích cực tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021để ngày bầu cử thực sự trở thành Ngày hội lớn của dân tộc. Em Lý Thị Đăng, năm nay 19 tuổi ở xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn cho biết: “Năm nay em sẽ được đi bầu cử ở 4 cấp, đến với Ngày hội này, em được nghe và hiểu hơn về ý nghĩa của việc đi bầu cử, đây cũng là quyền lợi và trách nhiệm của em và em sẽ tích cực vận động bạn bè, người thân cùng bà con trong xóm đi bầu cử vào ngày 22/5 tới để bầu ra những người tài giúp cho dân, cho nước”.

Bà con dân tộc xem lịch trình sinh hoạt

Ông Đàm Thế Nhàn, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Hỷ cho biết: Trên địa bàn huyện có 8 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc Mông chiếm 2% dân số, tập trung ở 9 xóm, bản thuộc 3 xã Tân Long, Văn Lăng, Quang Sơn. Trong đó có xóm 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống như Lân Đăm, Bản Tèn, Mỏ Nước… Đồng bào Mông ở Đồng Hỷ có nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Tuy nhiên, một số nét văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán hiện đang bị mai một dần như: Lễ hội Gầu tào, mừng lúa mới... Hiện, người Mông trên địa bàn chỉ còn lưu giữ được trong đời sống hàng ngày tiếng nói của dân tộc; cách nấu món mèn mén, thắng cố; nuôi chim họa mi... Do vậy, việc tổ chức Ngày Hội văn hóa - thể thao dân tộc Mông trên địa bàn huyện Đồng Hỷ nhằm góp phần giữ gìn, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc Mông./.

Thu Hằng 

Wednesday, April 5, 2017

Người dân tộc H'Mông ở Hà Giang (Triệu Sính Lầy)

Hà Giang- một bức tranh đẹp nhiều màu sắc được dệt lên bởi nhiều dân tộc thiểu số, cùng  tìm hiểu một số nét đẹp các dân tộc thiểu số nơi đây.
Những ai có đến Hà Giang tìm hiểu người Dân tộc H'Mông còn có tên gọi khác gọi khác là Mẹo, Mèo, Miếu Hạ, Mán Trắng. Nhóm địa phương: H'Mông Trắng, H'Mông Hoa, H'Mông Ðỏ, H'Mông Ðen, H'Mông Xanh, Na Miẻo. Người H'Mông ở Hà Giang có gần 200.000 người, là dân tộc có số dân đông nhất chiếm trên 31% các dân tộc trong tỉnh, với 2 nhóm chính là H'Mông trắng
và H'Mông hoa sinh sống chủ yếu ở các huyện phía Bắc: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc và hai huyện phía tây Hoàng su Phì và Xí Mần. Người H'Mông cư trú xen kẽ với các dân tộc: Dao, Lô Lô, Pe Péo, Tày,Nùng… . Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc ngôn ngữ hệ Mông – Dao, Hoạt động sản xuất: Nguồn sống chính là làm nương định canh hoặc nương du canh trồng ngô, lúa, lúa mạch. 
Nông dân có truyền thống trồng xen canh trên nương cùng với cây trồng chính là các cây ý dĩ, khoai, rau, lạc, vừng, đậu... Chiếc cày của người Hmông rất nổi tiếng về độ bền cũng như tính hiệu quả. Trồng lanh, thuốc phiện (trước đây), các cây ăn quả như táo, lê, đào, mận, dệt vải lanh là những hoạt động sản xuất đặc sắc của người Hmông..
Người Mông chăn nuôi chủ yếu trâu, bò, lợn, gà, ngựa. Ngựa thồ là phương tiện vận chuyển rất có hiệu quả trên vùng cao núi đá. Con ngựa rất gần gũi và thân thiết với từng gia đình H'Mông.
Họ phát triển đa dạng các nghề thủ công như đan lát, rèn, làm yên cương ngựa, đồ gỗ, nhất là các đồ đựng, làm giấy bản, đồ trang sức bằng bạc phục vụ nhu cầu và thị hiếu của người dân. Các thợ thủ công Mông phần lớn là thợ bán chuyên nghiệp làm ra những sản phẩm nổi tiếng như lưỡi cày, nòng súng, các đồ đựng bằng gỗ ghép.


Chợ ở vùng H'Mông thoả mãn vừa nhu cầu trao đổi hàng hoá vừa nhu cầu giao lưu tình cảm, sinh hoạt.
Ăn: Người Mông thường ăn ngày hai bữa, ngày mùa ăn ba bữa. Bữa ăn với các thực phẩm truyền thống có mèn mén (bột ngô đồ) hay cơm, rau xào mỡ và canh. Bột ngô được xúc ăn bằng thìa gỗ. Phụ nữ khéo léo làm các loại bánh bằng bột ngô, gạo vào những ngày tết, ngày lễ. Người Mông quen uống rượu ngô, rượu gạo, hút thuốc bằng điếu cày. Ðưa mời khách chiếc điếu do tự tay mình nạp thuốc là biểu hiện tình cảm quý trọng. Trước kia, tục hút thuốc phiện tương đối phổ biến với họ.


Mặc: Trang phục của người H'Mông rất sặc sỡ, đa dạng giữa các nhóm.
Chợ phiên, nơi giao lưu trao đổi hàng hoá, gặp gỡ của anh em, bạn bè trai gái, là một sinh hoạt đặc trưng của người Mông ở vùng cao biên giới. Người ta thồ trên lưng ngựa đến chợ đủ mọi thứ hàng hoá như: ngô, rau, củi... Ðàn ngựa thồ được quần tụ trên bãi để ngựa ở chợ Bắc Hà (Lao Cai), Ðồng Văn (Hà Giang) là nét văn hoá đẹp ở vùng cao.
Phụ nữ Mông Trắng trồng lanh, dệt vải lanh, váy màu trắng, áo xẻ ngực, thêu hoa văn ở cánh tay, yếm sau. Cạo tóc, để chỏm, đội khăn rộng vành.
Phụ nữ Mông Hoa mặc váy màu chàm có thêu hoặc in hoa văn bằng sáp ong, áo xẻ nách, trên vai và ngực đắp vải màu và thêu. Ðể tóc dài, vấn tóc cùng tóc giả.
Phụ nữ H'Mông Ðen mặc váy bằng vải chàm, in hoa văn bằng sáp ong, áo xẻ ngực.
Phụ nữ Mông Xanh mặc váy ống. Phụ nữ Mông Xanh đã có chồng cuốn tóc lên đỉnh đầu, cài bằng lược móng ngựa, đội khăn ra ngoài tạo thành hình như hai cái sừng.
Trang trí trên y phục chủ yếu bằng đắp ghép vải màu, hoa văn thêu chủ yếu hình con ốc, hình vuông, hình quả trám, hình chữ thập.
Nhà: Nhà của người H'Mông làm bằng đất, có 3 gian, gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên. Các cửa chính và cửa phụ đều mở về phía trong. Văn hóa truyền thống của người Mông là một kho tàng hết sức phong phú với những phong tục tập quán, lễ nghi, tín ngưỡng. Các dòng họ người H'Mông có cách thờ cúng tổ tiên không giống nhau. Một số lễ cúng chính như cúng ma cửa (xia mình), ma lớn mụ (đa trung) với số lượng, nội dung các bài cúng, bài trí, sắp xếp nơi cúng, nới ăn uống đa dạng và phức tạp.


Phương tiện vận chuyển: Người H'Mông quen dùng ngựa thồ, gùi có hai quai đeo vai.
Quan hệ xã hội: Bản thường có nhiều họ, trong đó một hoặc hai họ giữ vị trí chủ đạo, có ảnh hưởng chính tới các quan hệ trong bản. Người đứng đầu bản điều chỉnh các quan hệ trong bản, trước kia, cả bằng hình thức phạt vạ lẫn dư luận xã hội. Dân mỗi bản tự nguyện cam kết và tuân thủ quy ước chung của bản về sản xuất, chăn nuôi, bảo vệ rừng và việc giúp đỡ lẫn nhau. Quan hệ trong bản càng gắn bó chặt chẽ hơn thông qua việc thờ cúng chung thổ thần của bản.
Mỗi gia đình Mông đều có bàn thờ ở gian giữa nhà. Biểu trưng cho nơi thờ là vài tờ giấy bản có tráng kim ở giữa đóng trên vách được thay vào dịp Tết hàng năm. Mỗi khi cúng người ta lấy lông gà chấm vào tiết rồi dán lên tờ giấy bản đó.
Người H'Mông rất coi trọng dòng họ bao gồm những người có chung tổ tiên. Các đặc trưng riêng với mỗi họ thể hiện ở những nghi lễ cúng tổ tiên, ma cửa, ma mụ... như số lượng và cách bày bát cúng, bài cúng, nơi cúng, ở các nghi lễ ma chay như cách quàn người chết trong nhà, cách để xác ngoài trời trước khi chôn, cách bố trí mộ... Người cùng họ dù không biết nhau, dù cách xa bao đời nhưng qua cách trao đổi các đặc trưng trên có thể nhận ra họ của mình. Phong tục cấm ngặt những người cùng họ lấy nhau. Tình cảm gắn bó giữa những người trong họ sâu sắc. Trưởng họ là người có uy tín, được dòng họ tôn trọng, tin nghe.
Gia đình nhỏ, phụ hệ. Cô dâu đã qua lễ nhập môn, bước qua cửa nhà trai, coi như đã thuộc vào dòng họ của chồng. Vợ chồng rất gắn bó, luôn ở bên nhau khi đi chợ, đi nương, thăm hỏi họ hàng. Phổ biến tục cướp vợ.
Thờ cúng: Trong nhà có nhiều nơi linh thiêng dành riêng cho việc thờ cúng như nơi thờ tổ tiên, ma nhà, ma cửa, ma bếp. Những người biết nghề thuốc, biết làm thầy còn lập bàn thờ cúng những vị tổ sư nghề của mình. Nhiều lễ cúng kiêng cấm người lạ vào nhà, vào bản. Sau khi cúng ma cầu xin ai thường đeo bùa để lấy khước.
Học: Chữ H'Mông tuy được soạn thảo theo bộ vần chữ quốc ngữ từ những năm sáu mươi nhưng cho đến nay vẫn chưa thực sự phổ biến.
Ngày Tết, trai gái Mông vui chơi ca hát, múa khèn, tung còn, đánh cầu lông gà, đánh quay. Chơi quay là một trò chơi phổ biến ở hầu hết các dân tộc ở miền Bắc, nhưng mỗi dân tộc có cách đánh quay riêng.
Lễ tết: Trong khi người Việt đang hối hả kết thúc tháng cuối cùng trong năm thì người Mông đã bước vào Tết năm mới truyền thống từ đầu tháng 12 âm lịch, sớm hơn tết Nguyên đán một tháng theo cách tính lịch cổ truyền của người Mông, phù hợp với nông lịch truyền thống. Ngày Tết, dân làng thường chơi còn, đu, thổi khèn, ca hát ở những bãi rộng quanh làng. Tết lớn thứ hai là Tết 5 tháng năm (âm lịch). Ngoài hai tết chính, tuỳ từng nơi còn có các Tết vào các ngày 3 tháng 3, 13 tháng 6, 7 tháng 7 (âm lịch).
 Văn nghệ: Thanh niên thích chơi khèn, vừa thổi vừa múa. Khèn, trống còn được sử dụng trong đám ma, lúc viếng, trong các lễ cúng cơm. Kèn lá, đàn môi là phương tiện để thanh niên trao đổi tâm tình.


Văn học nghệ thuật H'Mông thể hiện tâm lý, ý thức của cộng đồng, các vấn đề tự nhiên, xã hội và lịch sử. Nổi bật trong đó là những khúc hát về tình yêu, được thể hiện bằng khèn, sáo, đàn môi, kèn lá.
Tập quán hôn nhân:
 Hôn nhân của dân tộc H'Mông cũng giống như các dân tộc khác trong nước về cơ bản là một vợ một chồng. Tình yêu trai gái từ bao đời đã được thể hiện trong ca dao, dân ca với khát vọng yêu đương và tự do lựa chọn bạn đời, Song hôn nhân của người Mông lại lệ thuộc vào nhiều nghi lễ, nhiều tập tục từ xưa để lại. Trong tập tục ấy có nhiều nét đẹp, song cũng có nhiều hạn chế. Hôn nhân của người Mông tiến hành theo 3 bước: Dạm ngõ; Lễ hỏi; Lễ cưới.


Giữ gìn bản sắc văn hóa người H'Mông trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa
 Văn hóa người H'Mông rất đa dạng và phong phú với những làn điệu dân ca cổ truyền, những truyện cổ dân gian, những nhạc cụ truyền thống và các lễ hội độc đáo như: đón Tết, cưới xin, hát giao duyên, chợ tình... Với các trang phục váy, áo sặc sỡ đó là nền văn hóa tiêu biểu trong 54 loại hình văn hóa dân tộc Việt Nam.
 Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước chúng ta khuyến khích các dân tộc nói chung và dân tộc H'Mông nói riêng phát triển kinh tế, đưa đời sống của các dân tộc ngày càng đi lên, song chúng ta không quên việc bảo tồn các giá trị văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của các dân tộc.
Triệu Sính Lầy

Sunday, April 2, 2017

Lên non chơi tết độc lập dân tộc H'Mông Sơn La (Ngô Thìn)

Sơn La: Lên non chơi tết độc lập người Mông

Ngày Tết là dịp người H'Mông thể hiện sâu đậm nhất truyền thống đoàn kết, bản sắc văn hóa, đời sống tâm linh. Trong số các dân tộc anh em thì người H'Mông ở Mộc Châu (Sơn La), là dân tộc đón Tết độc lập to hơn cả. Trong ngày Tết thường diễn ra hàng loạt các hoạt động vui chơi, giải trí. Đây được xem là cái tết to thứ hai sau tết truyền thống của người H'Mông.

Tết này thường diễn ra suốt tháng chạp hàng năm, những ngày này bản làng người mông trở nên náo nhiệt khác thường bởi sự góp mặt của hàng trăm trẻ em, thanh thiếu niên quần áo mới toanh, ô xòe khoác vai nhau dạo chơi, chạy nhảy nô đùa.
Dọc đường đi, du khách không khỏi xao xuyến khi bắt gặp những tốp bà mẹ đưa con đi chơi hội, những cặp đôi phóng xe máy vun vút trên đường. Đám trẻ con hồn nhiên nhí nhảnh, cánh phụ nữ tụm năm tụm ba xòe ô che nắng ngồi chuyện trò trên những đống đá ven đường... Tất cả khăn áo xúng xính, rực lên sắc tím hồng chủ đạo.
Và lẫn giữa những váy áo rực rỡ đất trời của người H'Mông, thật dễ dàng bắt gặp một vài gương mặt khách du lịch dưới xuôi, kẻ ngỡ ngàng, phấn khởi, người tất bật hai tay hai chiếc máy ảnh chụp hình một cách mê say. “Dân đi” gặp nhau, chia sẻ niềm vui qua nụ cười, vài câu thăm hỏi rồi mỗi người mỗi cung đường, nhưng ấn tượng về một Tết độc lập ở Mộc Châu trong họ nhất định sẽ có chung một mẫu số: rực rỡ và hồn nhiên.
Trên kia, từ trên núi cao, những ngọn gió Hua Tát như thể đang hát, nguyện cầu cho cuộc sống của người H'Mông ngày một ấm êm, no đủ hơn...
Tết của cộng đồng người H'Mông ở Mộc Châu đã phô diễn một cuộc sống văn hóa hết sức phong phú, làm giàu thêm sự đa dạng về bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam. Các sinh hoạt trong ngày Tết của người H'Mông mở ra hướng khai thác du lịch văn hóa hấp dẫn cho vùng đất Mộc Châu./.
 Ngô Thìn

Tuesday, March 28, 2017

Dân tộc H'Mông ở Việt Nam: Nguồn gốc tộc người và dân số (By Văn Thoa)

Người H’mông là một trong những dân tộc thiểu số có dân số đông ở miền Bắc Việt Nam. Cùng với 53 dân tộc anh em, người H’mông luôn luôn là một phần của sự thống nhất khối đại đoàn kết dân tộc và góp phần làm phong phú cho nền văn hoá các dân tộc Việt Nam.

1. Quá trình di cư của người H’mông vào Việt NamNgười H’mông ở Việt Nam hiện nay đều có nguồn gốc từ phương Bắc. Theo các truyền thuyết của Trung Quốc thì người H’mông xuất hiện sớm nhất ở khu vực trung và hạ lưu sông Trường Giang.
Cách đây 5000 năm đã có liên minh bộ lạc do tù trưởng Suy Vưu làm thủ lĩnh. Suy Vưu tức là Vua của Cửu Lê. Cũng trong thời kỳ này có liên minh bộ lạc khác do Hiên Viên đứng đầu, nổi lên ở thượng nguồn sông Hoàng Hà. Hai liên minh bộ lạc này luôn xung đột với nhau, cuối cùng Cửu Lê bị bại trận, Hiên Viên xưng Hoàng đế (vào khoảng 2.700 năm TCN).Ở thời kỳ của vua Nghiêu, Thuấn, Vũ (theo truyền thuyết) lại xuất hiện liên minh mới là “Tam Miêu”, “Hữu Miêu” hoặc “Miêu Dân” và khá hùng mạnh. Họ đã đứng lên chiến đấu rất kiên cường chống lại các thế lực nhà nước do các Vua đứng đầu.


Trong các thế kỷ 16 đến 11 T.Cn, phần lớn người dân “Tam Miêu” cùng các tộc người khác ở miền trung lưu Trường Giang được gọi là “Kinh Sở”, có thời kỳ còn gọi là “Nam Man”, đời sống kinh tế khá phát đạt, có một bộ phận được gọi là “Kinh man” rất cường thịnh. Đến các triều Ân, Chu, nhà nước Trung Quốc vẫn coi Kinh Man là thù địch. Từ đó trở đi, sự đối địch giữa Nam Man và Bắc Địch ngày một gia tăng, làm cho tình hình Trung Quốc không lúc nào được yên ổn.Như vậy từ Cử Lê đến Tam Miêu, Nam Man, Kinh Sở đều có mối liên hệ về nguồn gốc với nhau. Có thể coi đó là tổ tiên của người H’mông hiện nay. Lúc đầu người H’mông cư trú ở phía bắc sông Hoàng Hà, giai đoạn phát triển nhất của họ là Tam Miêu, về sau do sự phát triển và mở rộng lãnh thổ của người Hán, họ lui dần xuống phía nam của con sông này. Sau nhiều cuộc chiến diễn ra rất khốc liệt giữa người Hán với người H’mông, người H’mông luôn thua trận và phải rút về lưu vực sông Dương Tử, rồi vượt qua con sông này đi về phía Nam và Tây Nam, khu vực giáp giới với 5 tỉnh của Trung Quốc hiện nay là Hồ Nam (Tương), Quý Châu (Kiềm), Tứ Xuyên (Xuyên), Hồ Bắc (Ngạc) và Quảng Tây (Quế), lấy Nguyên Giang làm trung tâm.


Theo các nhà dân tộc học Việt Nam thì phần lớn những người H’mông ở các tỉnh miền núi phía Bắc đều di cư trực tiếp từ Quý Châu, Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) sang. Riêng một số nhóm ở Thanh Hoá, Nghệ An di cư đến Việt Nam qua Lào. Người H’mông đến Việt Nam bằng các con đường khác nhau và chia thành nhiều đợt, trong đó có 3 đợt chính:

– Đợt thứ nhất, khoảng 100 hộ, thuộc các họ Lù, Giàng từ Quý Châu đến khu vực các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, thời gian vào quãng cuối đời Minh, đầu đời Thanh của lịch sử Trung Quốc, tương đương với những năm có phong trào của người Miêu ở Quý Châu chống lại chính sách “cải tổ quy lưu” và bị thất bại, cách đây trên 300 năm. Từ đây, họ bắt đầu tiếp tục di cư vào sâu hơn đến các tỉnh thuộc Đông Bắc Việt Nam

– Đợt thứ hai, khoảng trên 100 hộ, trong đó có những hộ thuộc họ Vàng, họ Lý cũng vào khu vực Đồng Văn. Còn một nhóm khác số người ít hơn, thuộc các họ Vàng, Lù, Chấu, Sùng, Hoàng, Vừ vào khu vực Si Ma Cai, Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Sau đó có khoảng 30 hộ gồm các họ Vừ, Sùng chuyển sang phía Tây Bắc Việt Nam. Thời gian của đợt di chuyển này cách đây trên 200 năm. Một số hộ người H’mông này sau đó tiếp tục di cư rải rác đến các tỉnh của Tây Bắc Việt Nam

– Đợt thứ ba, số người Hmông di cư vào Việt Nam đông nhất, gồm khoảng trên 10 ngàn người. Phần lớn họ từ Quý Châu, có một số từ Quảng Tây và Vân Nam sang, chủ yếu vào các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái… Thời gian của đợt di cư này tương đương với thời kỳ của phong trào “Thái Bình Thiên Quốc”, trong đó có người Miêu tham gia, chống lại nhà Mãn Thanh từ năm 1840 đến 1868. Về sau, họ tiếp tục di cư đến các huyện của các tỉnh thuộc Đông Bắc và Tây Bắc Việt Nam.

Về sau hàng năm vẫn có người H’mông di cư lẻ tẻ sang Việt Nam. Các con đường di chuyển của đồng bào là vào Đồng Văn rồi xuống Tuyên Quang. Riêng các nhóm H’mông cư trú ở hai tỉnh Thanh Hoá và Nghệ An và các huyện giáp biên giới Lào của Sơn La như Mai Sơn, Mộc Châu, Sốp Cộp, Sông Mã cũng từ Lào và các tỉnh miền núi miền Bắc vào trên dưới 100 năm trở lại đây.

Từ sau ngày đất nước ta thực hiện công cuộc đổi mới (1986), tình hình di chuyển của người H’mông luôn gia tăng, theo hai hướng Bắc – Nam và Đông – Tây. Vì vậy, số địa phương có người H’mông sinh sống ngày càng tăng lên đáng kể.

2. Vài nét về dân số người H’mông ở Việt Nam
Trước năm 1960, dù có một số tài liệu được công bố về dân tộc H’mông, vẫn chưa có một công trình nào xác định được chính xác dân tộc H’mông ở Việt Nam có bao nhiêu người. Chỉ đến ngày 1 – 3 – 1960, với cuộc Tổng điều tra dân số toàn miền Bắc, người ta mới biết được người H’mông có 105.521 người. Đến cuộc tổng điều tra dân số toàn miền Bắc lần thứ hai ngày 1 – 4 – 1974, người H'mông có 348.722 người.

Như vậy, sau 14 năm dân số người H’mông tăng thêm 243.201 người. Tại cuộc Tổng điều tra dân số toàn quốc lần thứ nhất (1 – 10 – 1979), dân số H’mông là 411.074 người. Ở cuộc Tổng điều tra dân số toàn quốc lần thứ hai (1 – 4 – 1989), dân số H’mông là 558.053 người, vậy là sau khoảng 10 năm, dân số H’mông tăng thêm 146.979 người, bình quân hàng năm trong giai đoạn này tăng 3.2%. Đến cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam lần thứ ba (1 – 4 – 1999), dân số H’mông là 787.604 người, sau 10 năm tăng thêm 229.551 người, bình quân tăng hằng năm là 3.4%. So với các dân tộc ở Việt Nam, tốc độ tăng dân số bình quân của người H’mông thuộc loại cao.


Người H’mông không những có tỉ lệ phát triển dân số cao mà còn có tốc độ di chuyển dân cư khá lớn. Nếu như năm 1960 họ chỉ có mặt ở 398 xã, năm 1979 có mặt ở 677 xã, thì năm 1989 họ đã có mặt ở 802 xã và năm 1999 có mặt ở trên 1.000 xã. Chỉ tính ở cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999, họ đã có mặt ở tất cả các vùng trong cả nước, đông nhất là khu vực Đông Bắc 445.782 người (56.60%), tiếp đến là Tây Bắc 289.000 người (36.69%), Bắc Trung Bộ 39.373 người (4.99%), Tây Nguyên 12.392 người (1.57%), đồng bằng Sông Hồng 533 người, Đông Nam Bộ 431 người và đồng bằng sông Cửu Long 53 người.

H’mông là một dân tộc có dân số tương đối đông (trên 9 triệu người), cư trú ở nhiều nước khác nhau trên thế giới, trong đó đông nhất là ở Trung Quốc (khoảng 7,5 triệu người). Ở Việt Nam, người H’mông có trên 80 vạn, ở Lào – khoảng 25 vạn, ở Thái Lan – 15 vạn… Trong vài ba thập niên gần đây, người H’mông còn có mặt ở một số nước ngoài châu Á như: Pháp, Mỹ, Canada, Ốtxtrây lia …

Ở nước ta, người H’mông nằm trong nhóm các dân tộc nói ngôn ngữ H’mông – Dao (gồm ba dân tộc: H’mông, Dao và Pà Thẻn). Trước năm 1979, họ được gọi là người Mèo. Ở Trung Quốc, người H’mông được gọi là người Miêu. Ở Lào gọi là người Mẹo. Hiện nay, ngoài Trung Quốc, còn ở hầu hết các nước trên thế giới, họ đều được gọi là H’mông.

Gần đây có người cho rằng, nên gọi dân tộc này là Mông, thay cho H’mông, nhưng cũng có những ý kiến khác không tán thành và cho rằng bản thân trong chữ viết của họ, người H’mông viết tên dân tộc mình là Hmôngz; lại có ý kiến cho rằng Mông là một tục từ không được đẹp và ảnh hưởng đến tinh thần tự tôn của dân tộc này. Một số nhà khoa học nước ngoài có lưu ý, nếu viết là Mông thì có thể nhầm với dân tộc Mông ở Mông Cổ và Trung Quốc… Vì vậy, theo chúng tôi viết tên dân tộc này là H’mông, đó là cách viết chính xác nhất. Hiện nay ở nước ta có các nhóm H’mông như sau:

1. H'mông Đơ hoặc H'mông Đâu (H'mông trắng).
2. H'mông Đu (H'mông Đen).
3. H'mông Si (H'mông Đỏ).
4. H'mông Dua (H'mông Xanh).
5. H'mông Lềnh (H'mông Hoa).
6. H'mông Xúa (H'mông Lai).
7. Ná Mẻo (H'mông Nước).

Riêng nhóm Ná Mẻo, cho đến nay cũng có các ý kiến khác nhau, vì sống tách biệt với cộng đồng H’mông nói chung và sống kề cận với các dân tộc nói ngôn ngữ Tày – Thái, Việt – Mường nên hiện có những đặc điểm riêng, có thể là một nhóm dân tộc H’mông hoặc là một nhóm của dân tộc khác, cần được nghiên cứu tiếp.

H’mông Đơ hoặc H’mông Đâu (H’mông trắng)

Tộc người H’Mông sinh sống chủ yếu ở Sa Pa là người H’Mông Đen do quần áo của họ toàn màu đen nhưng trang phục của họ lại khác hẳn người H’Mông Đen ở nơi khác, vì thế thường được gọi là người H’Mông Sa Pa. Người đàn ông thường mặc quần màu đen hoặc xanh đen (màu chàm) giống nhau, áo cánh ngắn tay bên ngoài khoác áo không tay kiểu như áo gilê có vạt dài quá mông. Trên đầu đội một cái mũ bé tí, tròn, nông, ôm lấy đỉnh đầu trông như cái mũ của Giáo hoàng, có chiếc đen tuyền, có chiếc còn viền một vòng thêu thổ cẩm. Mũ của đám con trai còn được khâu thêm vào các dải vải màu hoặc các đồng tiền lủng lẳng. Người phụ nữ cũng mặc đồ đen, trên đầu cũng đội một chiếc khăn đen, vành thẳng đứng như một cuộn giấy cao vượt đỉnh đầu. Bên ngoài là một chiếc áo khoác không có tay, vạt dài gần tới gối như của đàn ông. Chiếc áo khoác này được lăn ép bằng sáp ong vì thế có màu đen ánh bạc. Để giữ gìn, nhiều khi người ta mặc lộn mặt trái có màu trắng ra ngoài. Đặc biệt nhất là phụ nữ H’Mông Sa Pa lại mặc quần ngắn ngang đầu gối chứ không mặc váy. Họ cuốn xà cạp quanh bắp chân rất khéo bằng một băng vải hẹp.

H’mông Đu (H’mông Đen)

Trang phục truyền thống của phụ nữ H'Mông Đỏ ngày xưa


Phong tục văn hoá của dân tộc H’mông.
Đồng bào có câu "Lửa cháy đến đâu người Mông theo đến đó" hay "Người chạy theo nương" để nói về cuộc sống du canh nương rẫy. Sản phẩm nông nghiệp chính là ngô, lúa nương, khoai, mạch ba góc, ý dĩ, lạc, vừng, đậu và các loại rau… ở một vài nơi có ruộng bậc thang. Các loại quả táo, đào, mận, lê cũng rất nổi tiếng và đồng bào còn trồng cả các loại cây thuốc như tam thất, xuyên khung, đảm xâm…

Nghề dệt vải lanh là một trong những hoạt động sản xuất đặc sắc của người H’mông. Họ phát triển đa dạng các nghề thủ công như đan lát, rèn, làm yên cương ngựa, đồ gỗ, nhất là các đồ đựng; làm giấy bản, đồ trang sức bằng bạc phục vụ nhu cầu và thị hiếu của người dân. Các thợ thủ công H’mông phần lớn là thợ bán chuyên nghiệp, làm ra những sản phẩm nổi tiếng như lưỡi cày, dao, cuốc, xẻng, nòng súng đạt trình độ kỹ thuật cao.

Người H’mông sống quần tụ trong từng bản có vài chục nóc nhà, họ thường thích sống khép kín, nhiều nơi đồng bào xây tường đá ngang đầu quanh nhà ở. Nhà cửa là loại nhà trệt, ba gian hai chái, có từ hai đến ba cửa. Phổ biến là nhà bưng ván hay vách nứa, mái tranh. Quanh làng vẫn còn lại đến ngày nay những ngôi nhà của người H’mông giàu có, trình tường xung quanh, cột gỗ thông kê trên đá tảng hình đèn lồng hay quả bí, mái lợp ngói âm dương có gác lát ván.

Các vùng người H’mông sinh sống thường có chợ phiên, vừa là nơi trao đổi hàng hoá, vừa là nơi thể hiện nhu cầu giao lưu tình cảm, sinh hoạt. Người H’mông quen dùng ngựa thồ hàng và cưỡi đi chợ, gùi có hai quai đeo vai. Con ngựa rất gần gũi và thân thiết với từng gia đình người H’mông. Chợ tình được tổ chức mỗi năm một lần (chợ tình Sa Pa) là một nét văn hoá đẹp đặc sắc của người H’mông.

Người H’mông rất coi trọng dòng họ, họ quan niệm: người cùng dòng họ là những người anh em có cùng tổ tiên, có thể đẻ và chết trong nhà nhau, phải luôn luôn giúp đỡ nhau, cưu mang nhau. Mỗi dòng họ cư trú quây quần thành một cụm, có một trưởng họ đảm nhiệm công việc chung. Phong tục cấm ngặt những người cùng họ lấy nhau. Tình cảm gắn bó giữa những người trong họ sâu sắc. Trưởng họ là người có uy tín, được dòng họ tôn trọng, tin nghe.

Người H’mông cũng như nhiều dân tộc ít người khác tồn tại tín ngưỡng đa nguyên. Thờ cúng tổ tiên là thờ những người trong gia đình đã chết ba đời trở lại. Thờ cúng tổ tiên ở tất cả gia đình những người con trai đã tách ra ở riêng chứ không phải chỉ con trưởng. Bên cạnh thờ cúng tổ tiên, người H’mông còn tồn tại một hệ thống ma nhà với những lễ thức cúng bái riêng biệt.

Hôn nhân gia đình của người H’mông theo tập quán tự do kén chọn bạn đời. Những người cùng dòng họ không lấy nhau. Thanh niên nam nữ được lựa chọn bạn đời. Việc lựa chọn bạn đời được biểu hiện ở tục “cướp vợ” trước đây. Người thanh niên cùng bạn bè cướp người con gái yêu thích về ở nhà mình vài hôm rồi thông báo cho gia đình nhà gái biết. Vợ chồng người H’mông rất ít bỏ nhau, họ sống với nhau hòa thuận, cùng làm ăn, cùng lên nương, xuống chợ…


Trang phục của người phụ nữ H’mông rất sặc sỡ, đa dạng giữa các nhóm dân tộc, gồm: váy, áo xẻ ngực có yếm lưng, tấm xiêm che trước bụng, thắt lưng, khăn quấn đầu, xà cạp quấn hai bụng chân. Váy hình nón cụt, xếp nếp xòe rộng chữ thập trong các hình vuông, nhưng váy mang hình ống, khi mặc mới xếp nếp thắt lưng ngoài cạp; Áo mở chếch ngực về phía bên trái, cài một khuy, cánh tay, cổ áo, gấu áo đều thêu hoa văn…Đồ trang sức bao gồm khuyên tai, vòng cổ, vòng tay, vòng chân, nhẫn.

Trang phục của đàn ông H’mông giống như đàn ông Nùng: quần dài, đũng chân què cạp lá tọa, áo ngắn ống rộng cổ đứng mổ bụng khuy cài, quần áo đều màu chàm.

– Dân tộc H’mông hay Mông, Na Miẻo còn có các tên gọi khác là Mẹo, Mèo, Miếu Hạ, Mán Trắng.- Nhóm địa phương: Mông Đơ (Mông Trắng), Mông Lềnh (Mông Hoa), Mông Sí (Mông Đỏ), Mông Đú (Mông Đen), Mông Súa (Mông Mán), Mông Xanh.- Tiếng nói thuộc ngôn ngữ hệ Mông – Dao- Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Mông ở Việt Nam có 1.068.189 người, cư trú tập trung tại các tỉnh Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng …

Người H’mông có đời sống văn nghệ khá phong phú, đặc biệt là văn học truyền miệng có rất nhiều thể loại, như Truyện thần thoại về anh hùng văn hóa tìm ra loại giống và dạy người H’mông cách trồng ngô, lúa, trồng lanh làm vải mặc … Truyện cổ tích về các con vật chiếm khá nhiều, đặc biệt là truyện về hổ…

Người H’mông say đắm dân ca dân tộc mình, đó là Tiếng hát tình yêu (gầu plềnh), Tiếng hát cưới xin (gầu xuống)… mà họ thường hát khi lao động nương rẫy, trong lúc se sợi dệt vải, trong khi đi chợ, đi hội.

Trong những dịp lễ hội, đặc biệt là hội Gầu tào (đón năm mới), những bài hát dân ca này không chỉ thể hiện bằng lời mà còn có thể giãi bày thông qua những nhạc cụ dân tộc (sáo, khèn, kèn lá, đàn môi…). Thanh niên thích chơi khèn, vừa thổi vừa múa. Kèn lá, đàn môi là phương tiện để thanh niên trao đổi tâm tình. Sau một ngày lao động mệt mỏi, thanh niên dùng khèn, đàn môi gửi gắm và thể hiện tiếng lòng mình với bạn tình, ca ngợi vẻ đẹp của cuộc sống, của quê hương, đất nước.

Trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, dân tộc H’mông là một trong những dân tộc ít bị mai một hơn về bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế như hiện nay, để phát triển mà không bị hoà tan, mất bản sắc, thì việc bảo tồn văn hoá dân tộc đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, tâm huyết, bền bỉ, lâu dài. Có như thế những giá trị văn hoá sẽ mãi mãi được gìn giữ và phát huy./.

Tài liệu tham khảo:
1. Lã Văn Lô (1973): Bước đầu tìm hiểu các dân tộc thiểu số ở Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
2. Người Hmông ở Việt Nam. Nxb Thông tấn, Hà Nội, 2005.
3. Lò Giàng Páo (1997): Tìm hiểu văn hoá vùng các dân tộc thiểu số. Nxb Văn hoá, Hà Nội.

Trang phục của người H’mông
Người H’mông có nhiều chi: H’mông Đơ (trắng), H’mông Lềnh (vàng), H’mông Sy (Đỏ), H’mông Súa (Hoa), H’mông Đu (Đen). Một bộ trang phục cổ truyền của phụ nữ gồm váy hình nón cụt, xếp nếp, phần mông bó chặt, phần thân váy xòe rộng. Áo có cổ lật ra phía sau gáy. Thắt lưng buông hai dải dài phía sau. Tấm vải che đằng trước váy. Vuông vải che ở phía mông. Khăn quấn đầu. Xà cạp và tấm áo khoác ngoài không có tay, có cổ lật ra phía sau gáy. Tất cả các chi trong dân tộc H’mông đều có kỹ thuật thêu khá tinh vi và có truyền thống giỏi trong trang trí bằng hình chắp vải mầu, vẽ sáp ong trên vải để lấy họa tiết mầu trắng trên nền mầu chàm. Hầu hết các họa tiết được thêu, vẽ, chắp vải trên nền vải lanh trắng hoặc vải đỏ, có định hình sẵn là các bộ phận của áo, váy. Sau khi hoàn thiện đồ án trang trí từng bộ phận riêng lẻ, người ta mới may ráp, hoàn chỉnh váy, áo… Đó là cách làm riêng của người H’mông, khác các dân tộc anh em đã thể hiện trang trí ngay trên thành phẩm của mình.


Quần áo của người Mông chủ yếu may bằng vải tự dệt, đậm đà tính cách tộc người trong tạo hình và trang trí với kỹ thuật đa dạng. Chỉ với 4 màu chủ đạo xanh, đỏ, trắng, vàng của chỉ tơ tằm mà họa tiết của trang phục đã tỏa ra muôn sắc màu, tạo cảm giác trầm ấm. Trang phục của phụ nữ Mông có họa tiết hoa văn đẹp từ khăn đội đầu đến xà cạp quấn chân. Phụ nữ Mông trắng trang phục có họa tiết tập trung ở cổ áo, nẹp áo, thắt lưng, bồ giáo phía trước. Phụ nữ H’Mông Hoa trang trí họa tiết ở trang phục phong phú hơn, ở cả khăn đội đầu, cổ áo, nẹp áo, thắt lưng, bồ giáo, thân váy, xà cạp… kỹ thuật thêu hoa văn của người H’Mông rất phức tạp và vì thế, nó thể hiện sự tinh tế của người phụ nữ H’Mông. Cách bố cục và họa tiết trên trang phục của người Mông còn thể hiện sức sống, bản lĩnh của người Mông trước thiên nhiên…
Trang phục của người H'mông rất sặc sỡ, đa dạng giữa các nhóm.
Phụ nữ H'mông Trắng trồng lanh, dệt vải lanh, váy màu trắng, áo xẻ ngực, thêu hoa văn ở cánh tay, yếm sau. Cạo tóc, để chỏm, đội khăn rộng vành.

Phụ nữ H'mông Hoa mặc váy màu chàm có thêu hoặc in hoa văn bằng sáp ong, áo xẻ nách, trên vai và ngực đắp vải màu và thêu. Ðể tóc dài, vấn tóc cùng tóc giả.
Phụ nữ H'mông Ðen mặc váy bằng vải chàm, in hoa văn bằng sáp ong, áo xẻ ngực.

Phụ nữ H'mông Xanh mặc váy ống. Phụ nữ H'mông Xanh đã có chồng cuốn tóc lên đỉnh đầu, cài bằng lược móng ngựa, đội khăn ra ngoài tạo thành hình như hai cái sừng.

Trang trí trên y phục chủ yếu bằng đắp ghép vải màu, hoa văn thêu chủ yếu hình con ốc, hình vuông, hình quả trám, hình chữ thập.


Trang phục nam: Nam thường mặc áo cánh ngắn ngang hoặc dưới thắt lưng, thân hẹp, ống tay hơi rộng. Áo nam có hai loại: năm thân và bốn thân. Quần nam giới là loại chân què ống rất rộng so với các tộc trong khu vực. Đầu thường chít khăn, có nhóm đội mũ xung quanh có đính những hình tròn bạc chạm khắc hoa văn, có khi mang vòng bạc cổ, có khi không mang.

Trang phục nữ: Phụ nữ H’Mông thường mặc áo bốn thân, xẻ ngực không cài nút, gấu áo không khâu hoặc cho vào trong váy. Váy là loại váy kín, nhiều nếp gấp, rộng, khi xòe ra có hình tròn. Váy được mang trên người với chiếc thắt lưng vải được thêu trang trí ở đoạn giữa. Khi mặc váy thường mang theo tạp dề. Tạp dề mang trước bụng phủ xuống chân là ‘giao thoa’ giữa miếng vải hình tam giác và chữ nhật; phần trang trí hoa văn là miếng vải hình tam giác cân phía trên, miếng hình chữ nhật là màu chàm đen, kích thước tùy từng bộ phận người H’mông. Phụ nữ thường để tóc dài quấn quanh đầu, có một số nhóm đội khăn quấn thành khối cao trên đầu. Đồ trang sức bao gồm khuyên tai, vòng cổ, vòng tay, vòng chân, nhẫn.
Vifash (tổng hợp)

Sunday, March 19, 2017

Các lễ hội đặc sắc tại Điện Biên (Đặng Hải Quân)

Lễ Tủ Cải của dân tộc Dao Quần chẹt

Lễ Tủ Cải thường được tổ chức sau thu hoạch vụ mùa vào cuối năm cũ hay đầu năm mới là thời gian nông nhàn. Lễ không diễn ra theo thời gian nhất định mà phụ thuộc vào điều kiện của từng gia đình. Theo nghĩa Nôm Dao, Tủ là báo cáo, Cải là đặt tên, Tủ Cải tức là lễ báo cáo với các thần linh, tổ tiên về việc đặt tên thứ hai (tên âm) cho người con trai trong dòng tộc, bởi khi cúng lễ xưng tên với tổ tiên họ kiêng dùng tên thật.

Tủ Cải là lễ quan trọng nhất trong tập tục vòng đời người con trai Dao, đánh dấu sự trưởng thành như lễ thành đinh của người Kinh trong xã hội cổ truyền. Đồng bào quan niệm ai đã thụ lễ mới được coi là người đủ tư cách làm các công việc trong dòng tộc, cộng đồng và tất cả những người làm thầy mo đều phải trải qua nghi lễ này.Thường bé trai từ 8 tuổi trở lên, khi điều kiện kinh tế gia đình cho phép đều được làm lễ Tủ Cải.
Trước ngày diễn ra lễ từ 10 đến 15, gia chủ chuẩn bị các lễ vật, thực phẩm tùy theo nhu cầu, quy mô lễ lớn, nhỏ đồng thời mang lễ vật đến mời các thầy cúng có uy tín trong bản chọn ngày lành tháng tốt và tổ chức lễ.
Trước khi tổ chức lễ một ngày, các thầy cúng, họ hàng thân tộc đã có mặt đầy đủ. Thầy cả phân công các thầy cúng, những người giúp việc, họ hàng, dân bản cùng dựng đàn lễ trong nhà (nơi ngự của tổ tiên), đàn lễ ngoài trời (nơi ngự của các thần linh), dán sớ điệp và viết sớ báo cáo để trình báo với tổ tiên, thần linh.
Khi công việc chuẩn bị đã hoàn tất, lễ Tủ Cải bắt đầu được tổ chức. Trong vòng từ 2 đến 4 ngày đêm, tất cả mọi người dự lễ đều cùng ăn chay. Lễ Tủ Cải tổ chức lớn trong vùng gồm 7 ông thầy cúng với quyền hạn và nhiệm vụ khác nhau. Thầy cả và thầy hai là linh hồn và là người điều khiển chính trong các lễ thức. Các thầy đọc thông viết thạo chữ Nôm Dao thuộc các quyển sách cúng, các bài diễn ca hay các bài tế các vị thánh thần.
Mở đầu, thầy cả đọc lời tuyên bố lý do tổ chức lễ Tủ Cải. Nội dung nghi lễ này thầy cả đề cập đến lịch sử người Dao, ai là con trai cũng phải làm cái lý này và xướng tên những người sẽ được thụ lễ. Tiến trình lễ diễn ra qua nhiều lễ thức khác nhau như: Lễ nhập tổ tiên, lễ báo cáo với các vị thần linh, lễ khai đàn, lễ đặt tên âm, mời tổ tiên trong đàn lễ nghe báo cáo, nghi thức cầu xin tổ tiên phù hộ cho gia đình người được thụ lễ (sư mới) làm ăn phát đạt, lễ quá tăng, nghi lễ thụ đèn, lễ cấp âm binh, nghi lễ cấp cầu, lễ cấp bằng sắc, lễ cấp đạo sắc, lễ thăm thiên đình, lễ tạ Thánh, lễ trình diện Ngọc Hoàng, nghi lễ ngã đàn hóa kiếp, nghi lễ cúng Ngọc Hoàng, Thần Nông, lễ tiễn Bàn Vương, nghi lễ tạ ơn và tiễn đưa tổ tiên.
Diễn trình lễ đặc biệt sinh động ở phần những người giúp việc nhập vai tổ tiên, thần linh về nghe báo cáo, nhảy múa, ăn cỗ sum vầy cùng con cháu và chia tay bịn rịn lưu luyến không muốn rời khi phải về trời. Hay cảnh ma ngoài rừng vào phá lễ, bị bắt nhốt và phần kết được thả ra nhảy múa vui mừng. Lễ thành công khiến cho người ta có thể tưởng tượng quanh ta luôn tồn tại song hành một thế giới vô hình bên thế giới thực tại với nền tảng là lấy cội nguồn tiên tổ, thần linh làm điểm tựa vững chắc đểvươn tới tương lai tươi sáng.
Trong phần lễ xen lẫn hội, phối hợp nhịp nhàng và có mối quan hệ khăng khít với nhau, tạo nên không khí linh thiêng mà ấm áp tình người, tràn đầy sự hứng khởi. Lời khấn cầu, những lời răn dạy của tổ tiên, thần linh thông qua các thầy cúng tới sư mới hòa trong âm thanh phụ họa của tiếng chiêng, tiếng trống không ngoài mục đích để tính thiêng của cõi tâm linh thâm nhập vào cõi trần gian. Tất cả được diễn ra sinh động theo một quy trình khá lôgic từ khâu chuẩn bị đến việc tiến hành các nghi lễ. Các lễ thức và cách trình diễn, bày tỏ tình cảm ước nguyện của mình với tổ tiên thông qua các thầy cúng và người giúp việc.
Các lễ thức diễn trình theo quy định kéo dài cho đến ngày cuối cùng của buổi lễ vừa mang ý nghĩa giáo huấn vừa mang màu sắc tâm linh huyền ảo, đồng thời phản ánh những ước mơ, khát vọng của con người lấy cội nguồn tiên tổ làm nền tảng để rèn tâm, dưỡng đức.
Lễ thức quan trọng nhất trong lễ Tủ Cải là thầy cả cấp cho người được thụ lễ một bản đạo sắc viết bằng chữ Nôm Dao, ghi về lý lịch của sư mới, nguyên do thụ lễ và các điều răn dạy. Đạo sắc được coi là bằng chứng để sư mới được phép thực hiện các nghi lễ trong xã hội người Dao. Tên của chàng trai được ghi trong gia phả, sử dụng khi cúng lễ và lúc qua đời con cháu sẽ cúng theo tên âm này.
Kết thúc các nghi lễ, thầy thư ký đọc tổng kết báo cáo trước đàn lễ tổ tiên, báo cáo kết quả thành công của lễ, tạ ơn tổ tiên, thần linh, thỉnh cầu cho sư mới những điều tốt đẹp. Cuối cùng gia chủ cám ơn và mời mọi người dự bữa cơm đoàn kết, cùng nâng cốc chúc mừng sư mới.
Trải qua bao biến thiên lịch sử cùng, lễ Tủ Cải của đồng bào đến nay vẫn giữ được bản sắc riêng luôn hiện hữu trong đời sống cộng đồng. Lễ có tác động tích cực đến việc giáo dục thế hệ trẻ, góp phần xây đắp nên sự gắn kết cộng đồng, bảo tồn những tinh hoa văn hóa dân tộc.
Lễ Bó khoăn khoai
Với quan niệm vạn vật đều có linh hồn, cơ thể sống chỉ là vật biểu hiện ra bên ngoài của một tâm hồn bên trong nên người Thái trắng sau khi kết thúc vụ mùa phải làm lễ Bó khoăn khoai (cúng vía trâu) – một lễ cảm ơn con trâu sau khi mùa vụ đã hoàn thành, nhờ có sức kéo của trâu mà mùa vụ mới được hoàn thành nhanh chóng, con người mới thóc lúa đầy bồ, sung túc, đủ ăn.
Con trâu có vị trí, ý nghĩa đặc biệt đối với cuộc sống của cư dân nông nghiệp. Là cư dân nông nghiệp miền núi nhưng các cư dân Thái (Điện Biên) sinh sống chủ yếu ở các thung lũng gần sông, suối  “người Xá ăn theo lửa, người Thái ăn theo nước”,  đã tạo cho nhân dân bản địa thói quen và điều kiện sản xuất lúa nước từ lâu đời. Câu tục ngữ “Làm nương ủ lá cây, làm ruộng thả nước ngập luống cày”, “Làm ruộng phải lo gianh, làm ruộng phải lo giống” thể hiện trình độ sản xuất khá cao của dân tộc Thái, do vậy để đảm bảo sức kéo cho ruộng, nương, con trâu đối với họ có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Lễ được tổ chức như sau:
Trước hôm cúng, trâu được tắm rửa sạch sẽ, Lễ tạ ơn được tiến hành với từng con, bắt đầu từ con trâu đầu đàn, tiếng Thái gọi là khoai tổn lang (trâu chủ gầm), sau đó lần lượt theo thứ tự con nhiều tuổi trước, con ít tuổi sau. Tạ ơn con nào thì kéo con trâu trước mâm cỗ cúng. Người cúng cầm sẹo mũi con trâu và đọc bài cúng.
Đồ cúng trong lễ bó khoăn khoai gồm có: cỏ nhưng phải là cỏ gianh hoặc cỏ lau và muối được gói trong lá chuối và được đặt lên chiếc mâm có rải lá chuối. Lễ vật đã được bày sẵn trong mâm gồm có 1 con gà, 1 chai rượu, 4 chén rượu, 4 đôi đũa, 2 cuộn dây thừng. Mâm cúng được gia chủ mang ra sàn bên mâng hẩ là sàn thường được dùng để làm công việc sinh hoạt hằng ngày trong gia đình.
Sau đó con trâu được dắt từ gầm sàn ra dưới gian mang hẩ và được buộc lại bằng dây thừng. Gia chủ cúng đại ý rằng con trâu nuôi của mình, mình để làm ruộng, nương cho nhà mình. Có những lúc mình bảo nó không nghe, nó làm không đúng yêu cầu của mình, lúc đó tao tức giận đã đánh đập mày, tao biết linh hồn mày biết sẽ không vui. Hôm nay đã hết công việc đồng áng, vụ mùa đã bội thu, tao có rượu, thịt, cỏ cho mày ăn no và mày xí xóa cho tao vì có những lúc tao bực mà đánh mày.
Lời lẽ, ngôn từ trong lời khấn rất giản dị, mộc mạc như chính lối sống của người nông dân miền núi, công tội rất rõ ràng. Tất cả vì mục tiêu công việc đặt lên hàng đầu nhưng đồng thời cũng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đề cao vai trò của lao động ngay cả đối với loài vật vô tri.
Sau khi cúng xong, trâu được cho ăn cỏ và xát muối vào mồm trâu vì sau khi làm lễ bó khoăn khoai, gia chủ sẽ đưa trâu lên rừng để trâu tự kiếm ăn, đỡ công phải chăm sóc trong lúc nông nhàn. Việc xát muối vào mồm để trâu nhớ đường mà về nhà, không được đi lạc vào nhà khác. Việc chỉ cho ăn cỏ lau và cỏ gianh vì khi vào rừng có rất nhiều loại cỏ khác nhau và trong đó không thiếu những loài cỏ độc. Cho ăn 2 loại cỏ này để trâu nhớ mà ăn.
Sau đó gia chủ thắp nến sáp ong và gắn lên sừng trâu với ý nghĩa sẽ soi sáng đường cho trâu, trên đường đi không gặp phải hổ dữ và vướng vào vực sâu. Điều này phản ánh nỗi sợ hãi sâu xa của người nông dân miền núi do trước kia rừng thiêng, nước độc, các loài thú dữ nhiều vô kể. Một điều khác so với việc cúng vía trâu ở các nơi khác là trâu hôm sau mới được thả vào rừng còn ở thị xã Mường Lay, sau khi cúng xong  trâu được gia chủ dắt ngay vào rừng để tự kiếm ăn. Một tuần một lần gia chủ phải vào rừng để kiểm tra trâu nhà mình…

Lễ mừng cơm mới dân tộc Si la


Lễ mừng cơm mới của đồng bào Si La thường được tổ chức từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 (khoảng tháng 8 âm lịch) là thời gian vụ lúa đầu mùa bắt đầu chín và được tổ chức vào ngày Thìn hoặc ngày Tỵ. Theo quan niệm của người Si La, trong suốt quá trình sản xuất của gia đình và dòng họ luôn có sự che chở của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Vì vậy, khi con cháu trong dòng họ dùng những nông sản đó không được quên ơn những người lớp trước đã truyền đạt lại kinh nghiệm sản xuất. Người Si La sẽ lấy những hạt lúa chín đầu tiên của vụ mùa về cúng tổ tiên trước khi thu hoạch.
Lễ mừng cơm mới là một trong những nghi lễ đặc trưng tiêu biểu không chỉ được tổ chức tại mỗi gia đình trưởng dòng họ riêng, mà tất cả các dòng họ trong bản đều tổ chức. Người Si La tổ chức lễ mừng cơm mới trong một ngày tại gia đình trưởng mỗi dòng họ. Gia đình trưởng dòng họ có bàn thờ và trưởng họ thường là người thay mặt cho cả dòng họ làm các thủ tục trong các nghi lễ cúng bái. Sau các nghi lễ cúng mời tổ tiên, các gia đình trong họ sẽ đến dự bữa cơm mừng cơm mới tại nhà trưởng dòng họ.


Sáng hôm tổ chức làm lễ, tất cả các gia đình trong bản cử người tổng vệ sinh chung cho cả bản, sau đó các gia đình quét dọn nhà cửa, rửa bát đũa, lau chùi các đồ dùng sinh hoạt trong nhà. Trong đó mâm cúng phải rửa sạch và sửa sang nơi thờ cúng để bầy các đồ cúng. Vì người Si La quan niệm rằng khi tổ tiên, ông bà thế giới bên kia đến hưởng thụ đồ lễ mà thấy nhà cửa, đồ dùng không vệ sinh sạch sẽ khiến tổ tiên không thích và sẽ không phù hộ bảo vệ mùa màng nữa.
Sau khi mọi thứ được chuẩn bị xong, đến chiều tối gia chủ bắt đầu nấu cơm mới và chế biến các đồ lễ như con cá, con cua, con sóc, củ mài, củ khoai… hấp cho chín, bầy lên mâm đợi khi mặt trời lặn hẳn, gia chủ (trưởng dòng họ) tiến hành phần lễ cúng mời tổ tiên về hưởng thụ. Người Si La quan niệm khi mặt trời lặn, đêm tối buông xuống là lúc tổ tiên trở về gần con cháu. Mâm lễ được bày đầy đủ đồ lễ và đặt dưới bàn thờ, gia chủ (trưởng họ) thay mặt cho con cháu cả dòng họ cúng mời tổ tiên, ông bà, cha mẹ những người đã khuất về hưởng đồ lễ cơm mới.
Lễ cúng dưới bàn thờ xong, gia chủ cử người chuyển nguyên mâm lễ đó đặt cạnh bếp chính bên giường gia chủ (Với người Si La chỉ có những gia đình trưởng họ mới được làm bếp này. Bếp làm ở trong nhà, ngay cạnh cột chính của nhà, là nơi giữ lửa ấm cho cả họ, bảo vệ che chở mọi người và là nơi chủ họ sưởi ấm, hút thuốc). Mâm cúng có đặt thêm bát nước trắng và một ống tre cao 15cm, có đường kính miệng khoảng 8cm, bên trong ống có men rượu, trên miệng phủ lá chuối và cắm 3 que tre, tượng trưng cho bình rượu cần.
Lúc này gia chủ bắt đầu cúng tổ tiên lần hai. Sau mỗi lần cúng của gia chủ (trưởng họ) sẽ cho một người con cháu trong nhà cầm thìa múc lấy lần đầu 3 thìa nước trắng vào ống, hai lần sau mỗi lần múc lấy một thìa. Khi xướng cúng đủ ba lần là xong lễ cúng mời tổ tiên. Các đồ lễ đó có thể mang ra cho mọi người dùng, nhưng riêng cơm mới làm đồ cúng đó phải đổ một bát riêng dành cho con chó trong nhà ăn trước thì mọi thành viên trong nhà mới được ăn.
Sau nghi lễ cúng mời tổ tiên về hưởng cơm mới xong, tại gia đình tổ chức lễ (trưởng họ), con cháu trong nhà cũng bắt đầu bầy mâm mời anh em họ hàng, khách khứa trong bản đến dự bữa cơm mới và chúc may mắn cho gia đình và dòng họ. Lễ mừng cơm mới của người Si La kết thúc trong tiếng nói cười và những lời chúc tụng nhau trong bữa cơm liên hoan của gia chủ. Mọi người ai cũng vui mừng trước thành quả của một vụ mùa bội thu và tin tưởng rằng sẽ rồi đây cuộc sống của họ sẽ còn rất nhiều cuộc vui như thế.  Lễ Mừng cơm mới là một nghi thức nông nghiệp chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa tích cực và là một phần quan trọng trong ý thức của đồng bào Si La.

Lễ hội Thành Bản Phủ

Lễ hội Thành Bàn Phủ được tổ chức hàng năm vào các ngày 24 và 25/2 Âm lịch, tại xã Noọng Hẹt, huyện Điện Biên nhằm tưởng nhớ anh hùng Hoàng Công Chất.
Năm 1754, thủ lĩnh Hoàng Công Chất cùng 2 vị tướng người dân tộc thiểu số là Lò Ngải và Lò Khanh phất cờ khởi nghĩa đánh tan giặc Phẻ và tàn quân Thái Bình Thiên Quốc do chậu Phạ Tin Tòng cầm đầu, giải phóng xứ Mường Thanh (Điện Biên), chấn ải biên cương Tổ quốc.
Lễ hội thành Bản Phủ được tổ chức hằng năm vào ngày giỗ tướng quân Hoàng Công Chất, là dịp để tăng cường tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc; khơi dậy tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, tình nghĩa miền ngược với miền xuôi. Lễ hội kêu gọi nhân dân các dân tộc phát huy truyền thống, tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Thông qua lễ hội giới thiệu nhằm quảng bá đến du khách trong nước và quốc tế về hình ảnh, truyền thống nghìn năm hội tụ đất và người Mường Thanh – Điện Biên.

Lễ hội gồm hai phần:
Mở đầu phần lễ, âm vang tiếng trống oai hùng, trang nghiêm nổi lên trong không khí tưng bừng của ngày hội. Sau nghi thức chào cờ là một phút mặc niệm, tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh bảo vệ Tổ quốc. Chúc văn giỗ tướng quân gồm 3 phần: nhạc đệm hùng tráng, anh linh, tiếp đến là nghi lễ rước, dâng lễ vật và màn tái hiện lịch sử bằng sân khấu hóa.
Chỉ huy đoàn lễ rước là người đứng tuổi, trang phục uy nghiêm, bước đi oai phong, thể hiện tình cảm quý trọng, biết ơn sâu sắc của đồng bào các dân tộc đối với người nông dân áo vải Hoàng Công Chất và 2 vị tướng Ngải, Khanh đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm. Đoàn lễ rước gồm đội múa lân, múa rồng, đội rước kiệu mặc trang phục lễ hội. Đoàn tế lính nghĩa quân mặc trang phục lính trận, tay cầm giáo mác chĩa lên trời. Các lực lượng tham gia cầm cờ, lực lượng quần chúng nghiêm trang.
Màn tái hiện lịch sử bằng sân khấu hoá gồm 3 phần: bối cảnh lịch sử, tướng quân lãnh đạo nhân dân đánh giặc, Mường Thanh được giải phóng; với sự tham gia của các diễn viên tỉnh nhà làm nổi bật vai trò, tôn vinh người thủ lĩnh miền xuôi cứu dân miền ngược, tinh thần đoàn kết của đồng bào Tây Bắc, diễn tả hình ảnh đồng bào nô nức ủng hộ đánh giặc. Dàn trống, cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc, âm thanh hoành tráng, rộn ràng, trầm hùng và linh thiêng; cầu cho quốc thái dân an…
Bên cạnh văn hoá tín ngưỡng truyền thống, phần hội là sân chơi lành mạnh, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho đồng bào trên địa bàn với đa dạng các hoạt động văn hoá, văn nghệ; trưng bày triển lãm tranh, ảnh “các di vật của nghĩa quân Hoàng Công Chất”, thi trò chơi dân gian như: đua ngựa giết Phẻ, kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy, đi cà kheo, tung còn truyền thống, thi nấu ăn nuôi quân, ẩm thực văn hoá dân tộc; Liên hoan văn nghệ với sự tham gia biểu diễn của các đoàn nghệ thuật quần chúng. Những thiếu nữ dân tộc Thái duyên dáng, dịu dàng trong trang phục váy đen dài chấm gót, áo cóm với hàng cúc bướm lóng lánh ánh bạc, trên tay cầm chiếc quạt sặc sỡ, nhịp nhàng trong điều múa uyển chuyển, đằm thắm, tạo sự lôi cuốn đối với khán giả. Vòng xoè đoàn kết là đặc trưng của dân tộc Thái trong lễ hội.

Lễ hội Hạn Khuống


Hạn khuống là một hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Thái, Điện Biên. Lễ hội thường được tổ chức sau vụ thu hoạch vào tháng 11 hàng năm. Lễ Hạn Khuống do bên gái tổ chức thực ra là một cuộc vui để tìm hiểu bạn đời sau đó chia tay về nhà chồng. Chính vì vậy, Hạn Khuống đã để lại biết bao kỷ niệm và ấn tượng đẹp của một thời trẻ trung sôi nổi.
Khi nói đến Hạn Khuống, người Thái nghĩ ngay đến nơi hò hẹn – giao duyên bằng những lời ca thắm tình của nam nữ thanh niên Thái, một nét sinh hoạt văn hóa cổ xưa của người Thái. Hạn Khuống làm cho trai mường, gái bản Thái thêm yêu cuộc sống, yêu lao động sản xuất, gần gũi với thiên nhiên, vì văn hóa của người Thái cũng bắt đầu từ tình yêu cuộc sống, bắt đầu từ phong tục, tập quán sinh hoạt của một tộc người luôn gắn bó với núi rừng. Có thể nói, lửa sàn Hạn Khuống sẽ thêm thắm đượm tình người khi du khách, bạn bè gần xa đến giao duyên trên sàn Hạn Khuống vào ngày lễ hội, dịp tết đến xuân sang.
Ngoài căn nhà sàn thân quen của mình, khi tiết trời sang xuân, khi bản mường bước vào mùa lễ hội, nam nữ thanh niên Thái cùng nhau vào rừng đốn chặt lấy vài cây rừng về dựng một sàn ở khu đất trống giữa bản, sàn có thể dựng bằng tre hoặc gỗ, sàn đó được gọi là Hạn Khuống nơi để nam nữ thanh niên Thái đến khắp (hát) đối đáp. Trên sàn Hạn Khuống chuẩn bị dụng cụ cho nam thanh, nữ tú hội tụ giao duyên; con gái Thái thì quay sợi, cán bông, dệt vải, thêu thùa bằng chỉ màu các loại, có bếp củi để đốt lửa. Dụng cụ cho trai Thái gồm có lạt xanh, lạt đỏ, lạt trắng để đan hom, đan giỏ, đan ớp, hoặc đan các con vật để tặng bạn gái, người mà trai Thái có ý tỏ tình trong đêm khắp đối giao duyên. Ống điếu và bó đóm bằng tre ngâm khô và thuốc lào. Ngoài ra còn một số vật dụng khác để đan chải, đan vợt xúc… và các loại nhạc cụ như khèn bè, pí pặp, pí thiu, sáo trúc, đàn tính…
Sàn Hạn Khuống dựng cao khoảng 1,2m – 1,5m, rộng chừng 0,6m, dài chừng 5m, xung quanh có lan can được trang trí hoa văn mang bản sắc dân tộc. Giữa sàn Hạn Khuống có cây nêu bằng tre to, dài để cả phần ngọn còn nguyên lá và trang trí các con giống đủ màu sắc gọi là “Lắc xáy chính”. Cây “Lắc xáy chính” này mang bóng dáng của cây vũ trụ. Bốn góc sàn Hạn Khuống có 4 cây nhỏ trang trí đẹp mắt gọi là “Lắc xáy”. 4 góc sàn đều có cầu thang lên xuống, được gọi là “San bó Han Khuông” (Sàn hoa Hạn Khuống). Chủ thể Hạn Khuống thường chọn những thiếu nữ Thái xinh đẹp của bản mường, có đức – tài hát đối ứng gọi là “Xao tỏn khuống”. Bốn cô gái ngồi ở bốn góc gọi là “Xao lắc xáy”. Khi bếp lửa trên sàn bắt đầu nhóm lên, ngọn lửa cháy rực sáng cả một góc bản mường cũng là lúc các cô chủ Hạn Khuống rút thang lên, quay guồng xa của mình kéo sợi giăng ngang lối lên – xuống sàn Hạn Khuống và cuộc thi tài bắt đầu. Lúc này, các chàng trai Thái muốn lên sàn hoa thì phải thắng trong cuộc hát đối với các cô chủ sàn Hạn Khuống. Lời các bài hát đối thường lấy trong truyện thơ Thái “Xống chụ xon xao”, “Tản chụ xiết xương”. Khi đã vào cuộc, ngoài khắp đối ra là lời ứng tác giữa một bên là trai Thái, một bên là các cô chủ Hạn Khuống. Lời ứng tác tinh tế, sắc sảo thể hiện sự thông minh, tài ba của những chàng trai, cô gái Thái.
Khi đã cảm phục tài ứng tác của các chàng trai trong hát đối, các cô gái thả thang xuống chạm đất đưa tay níu mời các chàng trai lên sàn Hạn Khuống. Sau khi lên Hạn Khuống, bên gái tiếp tục thử sức tài ba, lòng kiên trì, đối đáp của bên trai là không cho ghế, bên trai lại khắp xin ghế ngồi. Cứ thế, xin được ghế ngồi rồi lại khắp đối xin ống điếu thuốc lào… Sau một loạt các bài khắp, các chàng trai đã vượt qua thử thách và được các cô gái đồng ý cho dự cuộc vui đến thâu đêm. Khi chàng trai và cô gái nào để ý đến nhau, có tình cảm riêng với nhau thì tự đến bên nhau để tỏ tình bằng những lời khắp đối ân tình, sâu lắng. Cứ như thế, cuộc vui cuốn hút các cô gái Thái thể hiện sự kéo tay bằng việc thêu dệt, xe sợi, cán bông không biết mỏi mệt; còn các chàng trai người thi đan giỏ, đan hom, thi thổi sáo, đàn tính bằng những làn điệu níu kéo lòng người, tình người.
Đêm càng về khuya, Hạn Khuống càng say nồng bởi những lời khắp đối, bởi sự nhanh tay xe sợi, thêu, đan hom, đan giỏ của các chàng trai cô gái Thái. Đến lúc này, những người có tuổi và trẻ em tuy vương vấn sàn Hạn Khuống nhưng cùng lần lượt ra về vì đêm sắp tàn canh. Chỉ còn lại trên sàn Hạn Khuống là các chàng trai, cô gái Thái vai kề vai bên bếp lửa rực hồng, lan tỏa làm cho đôi má tuổi mười tám đôi mươi các cô chủ Hạn Khuống thêm xinh. Hạn Khuống có thể diễn ra trong nhiều ngày, hình thức vui chơi phong phú, đa dạng như: tung còn, múa xòe, tó má lẹ, chơi cù… Khi hoàng hôn buông xuống, sinh hoạt trên sàn Hạn Khuống lại trở nên thắm nồng và trầm lắng lời khắp giao duyên của trai gái Thái. Cùng với khắp đối, người đến xem có thể cất lên giọng phụ họa làm cho không khí trong đêm Hạn Khuống càng trở lên say đắm lòng người. Hạn Khuống tan là lúc cô chủ sàn Hạn Khuống khắp lời chia tay. Đến lúc này, không ai bảo ai, mỗi người một tay, trai dọn đồ nặng, gái dọn đồ nhẹ và bắt đầu thổi tắt bếp lửa sánh vai cùng nhau ra về là lúc rặng núi phía đông bắt đầu hửng sáng, Lúc đó, cô chủ Hạn Khuống cất thang Hạn Khuống dừng cuộc vui, nhưng dư âm đêm Hạn Khuống còn mãi với thời gian.

Sinh hoạt Hạn Khuống như có sức hút kỳ lạ nếu ta để tâm nghe những lời khắp đối bằng những câu thơ nổi tiếng của người Thái trong tác phẩm “Xống chụ xon xao” được người Thái Tây Bắc lưu truyền, diễn xướng qua nhiều thế hệ và đón nhận trường ca đó bằng cả tình cảm nồng thắm, thiết tha. Chính vì lẽ đó, Hạn Khuống là nét văn hóa mang đậm giá trị tinh thần trong đời sống thường nhật, biểu trưng tình cảm của người Thái. Khắp đối giao duyên trên sàn Hạn Khuống là sự kết tụ văn hóa Thái Tây Bắc, mà ở đó khởi nguồn từ cuộc sống và được biểu hiện nét sinh hoạt văn hóa tinh thần đầy cảm xúc của người Thái. Sinh hoạt văn hóa trên sàn Hạn Khuống làm con người thêm yêu cuộc sống, nhìn cuộc sống tốt đẹp hơn, cuộc sống tràn ngập tình nghĩa, tính bao dung và lòng nhân ái.

Hội mừng mưa rơi của dân tộc Khơ Mú


Người Khơ Mú gọi hội mừng mưa rơi của dân tộc mình là lễ hội “Om đin om đang”, tức lễ hội mừng nước hay hội mừng mùa măng mọc. Theo các cụ già ở bản Pá Bon, xã Mường Luân, Điện Biên Đông, gọi như vậy bởi mở đầu phần hội bao giờ cũng là điệu múa “Om đin om đang”. Hội mừng mưa rơi được tổ chức vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 âm lịch, trước hoặc sau những cơn mưa đầu mùa.Trong lễ hội, người ta hát những bài ca mừng nương rẫy khi được đón những cơn mưa đầu mùa. Lễ hội thường được tổ chức trên nhà sàn và thầy cúng là người chủ trì phần lễ.
Để chuẩn bị cho lễ hội, người trong bản ốp bẹ chuối vào cột nhà để làm cây hoa chủ. Cây hoa chủ gồm 3 – 5 lớp. Các lớp cành đều treo hình chim, thú, hoa quả được đan bằng lạt giang hoặc mua ở các chợ. Bàn thờ cúng thần linh được đặt ngay dưới cây hoa. Trên bàn thờ bày các lễ vật gồm: đĩa gà luộc, bánh chưng, bánh dày, xôi nhuộm phẩm đỏ, trứng, mía, gạo, muối… Tiếp đến, thầy cúng mặc trang phục dân tộc gồm: áo đen, chít khăn đen, thắt lưng đỏ (ngày nay chỉ còn mặc áo đen) đọc lời cầu cho người trong bản có sức khoẻ tốt, gặp nhiều may mắn; cầu xin thần linh cho mưa thuận gió hòa, xua đuổi chim thú phá hoại mùa màng… Vừa đọc lời cúng, thầy vừa lấy nhúm gạo, muối, rượu tung ra xung quanh và thả xuống sàn.


Sau phần lễ, phần hội diễn ra sôi nổi với những điệu múa truyền thống của dân tộc Khơ Mú. Từ lễ hội mừng mưa rơi, nhiều lời ca của dân tộc Khơ Mú đã được các nhạc sỹ chép lại, phổ biến rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
“Mưa rơi cho cây tốt tươi
Búp chen lá chen cành
Rừng đẹp trăm hoa rung rinh theo gió
Trên nương hương thơm nếp vàng
Măng cười hé vươn lên cùng
Ngọt ngào hương thơm bay bay theo gió
Những chim nướng cùng bếp thơm
Nhìn mà no…
Đặng Hải Quân