Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất: ₪ Dân tộc Tày
Showing posts with label ₪ Dân tộc Tày. Show all posts
Showing posts with label ₪ Dân tộc Tày. Show all posts

Monday, May 8, 2017

Phong tục văn hóa của dân tộc Tày (Hoàng Thị Khuyên)

Hình ảnh Phong tục văn hóa của dân tộc Tày

Người Tày có mặt ở Việt Nam từ rất sớm, có thể từ nửa cuối thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Họ có truyền thống làm ruộng nước, từ lâu đời đã biết thâm canh và áp dụng các biện pháp thuỷ lợi như đào mương, bắc máng, đắp phai, làm cọn lấy nước tưới ruộng.

Sản phẩm nông nghiệp có đủ các loại như lúa, ngô, khoai, sắn và các loại rau... Các loại quả lê, táo, mận, quýt, hồng ngon nổi tiếng ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng. Đồng bào còn trồng các loại cây công nghiệp như thuốc lá, trẩu, hồi, chè.

Người Tày có nghề thủ công phong phú, đa dạng, nam nữ đều biết đan các đồ dùng bằng cót, bồ, sọt, rổ, nơm, đó… Nghề làm gạch, ngói, nung vôi có ở nhiều nơi. Nghề kéo dầu thực vật để ăn và thắp cũng khá phổ biến. Lạng Sơn có nghề chưng cất dầu hồi đã có truyền thống từ lâu. Người Tày tự túc được các loại vải để may váy áo, làm màn, khăn mặt, chăn… Nhiều vùng dệt thổ cẩm rất đẹp, nuôi tằm kéo tơ dệt lụa. Nghề rèn đã có mặt ở nhiều nơi để làm ra nông cụ như: Lưỡi cày, cuốc, xẻng, hái, các loại dao…

Từ lâu, người Tày đã cư trú tập chung thành bản, thường ở ven các thung lũng, triền núi thấp trên một miền thượng du. Mỗi bản có từ 15 đến 20 nóc nhà, nhiều bản có tới hàng trăm nóc nhà. Ngôi nhà truyền thống của người Tày là nhà sàn, họ thường chọn những loại gỗ quý để dựng nhà. Nhà có 2 hoặc 4 mái lợp ngói, tranh hoặc lá cọ. Xung quanh nhà thưng ván gỗ hoặc che bằng liếp nứa.

Theo phong tục truyền thống, hầu hết người Tày kết hôn trong cùng dòng họ. Gia đình người Tày theo chế độ gia đình hạt nhân, phụ hệ, một vợ một chồng. Thanh niên nam nữ được tự do tìm hiểu trước khi đi đến hôn nhân. Thế nhưng, có đi đến hôn nhân hay không lại do hai gia đình quyết định. Hôn lễ truyền thống của người Tày được tiến hành qua các nghi thức: Lễ dạm, lễ ăn hỏi, lễ sêu tết, lễ báo ngày cưới, lễ cưới, lễ đón dâu, đưa dâu…, thể hiện bản sắc văn hoá của một tộc người. Sau khi cưới, cô dâu ở nhà bố mẹ đẻ cho đến khi có mang sắp đến ngày sinh nở mới về ở hẳn bên nhà chồng. Gia đình người Tày thường quí con trai hơn và có qui định rõ ràng trong quan hệ giữa các thành viên trong nhà.

Người Tày quan niệm, người chết linh hồn tiếp tục sống ở thế giới bên kia. Nếu người chết bất đắc kỳ tử thì người Tày làm lán quàn quan tài, làm ma chôn tại chỗ. Trẻ em chết thì bó chiếu chôn rất xa nhà. Người già chết thì làm ma trên sân nhà ở. Khi bố mẹ qua đời, người con trai cả đeo dao, mang một gói muối đi mời thầy tào đến cúng làm đám tang. Người con đeo dao suốt những ngày diễn ra tang lễ. Hàng năm, người Tày chỉ đi tảo mộ người chết vào tết Thanh Minh (ngày 3/3 âm lịch) và chỉ cúng tổ tiên vào ngày rằm, mồng một, ngày Tết như cúng các thần linh khác.

Trang phục cổ truyền của người Tày được làm từ vải sợi bông tự dệt, nhuộm chàm đồng nhất trên trang phục nam và nữ, hầu như không có hoa văn trang trí. Nữ có áo cánh ngắn may cổ cao, năm thân, cài năm khuy ở cổ và sườn bên phải, quần dài, thắt lưng, khăn. Ngày lễ hội, mặc thêm áo cánh trắng bên trong. Trước kia, phụ nữ Tày nhiều vùng cũng mặc váy, gần đây chuyển sang mặc quần, dài chấm gót, quần chân què, đũng rộng, cạp lá tọa. Phụ nữ Tày còn có áo dài kiểu như áo ngắn, vạt buông dài quá đầu gối. Đồ trang sức có vòng cổ, vòng tay, vòng chân và dây xà tích bằng bạc.

 Hoàng Thị Khuyên

Tìm hiểu văn hoá của dân tộc Tày (Đàm Minh Phiếu)

Tìm hiểu truyền thống văn hóa dân tộc Tày

Dân tộc Tày có số dân đông thứ 2 chỉ sau người kinh, với các nhóm địa phương gồm có: Pa di, Thổ, Ngạn, Phén, Thu Lao đây là một trong số các dân tộc ít người ở Việt Nam. Cùng xem nét văn hóa truyền thống của dân tộc này ra sao nhé:

Độc đáo với trang phục truyền thống của dân tộc Tày
Người Tày chủ yếu sinh sống ở vùng núi thấp tại phía bắc Việt Nam, tiếng nói và chữ viết riêng gọi là tiếng Tày, đây là một ngôn ngữ thuộc ngữ chi Thái của hệ ngôn ngữ Tai-Kadai. Người Tày có mối quan hệ khá gần gũi với người Choang ở Trung Quốc.

Dân tộc Tày có mặt ở Việt Nam từ rất sớm. Theo một số tài liệu thu thập được thì có thể họ có mặt ở Việt Nam từ thiên niên kỉ thứ nhất trước công nguyên. Thời gian sinh sống lâu dài đã tạo ra một nền văn hóa dân tộc Tày vô cùng độc đáo, nó được thể hiện rõ nét thông qua lối sống hay chính trang phục cổ truyền cùng với những điệu múa đẹp và lạ mắt.

Lối sống của dân tộc Tày có gì đặc sắc?

Những đổi thay từ ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày Lạng Sơn

Người dân Tày thường sống tập trung thành bản. Mỗi bản có khoảng 20 hộ gia đình, nhiều bản lớn có tới hàng trăm hộ gia đình.

Họ thường sinh sống trong những ngôi nhà sàn được dựng bằng các loại gỗ quý. Mái nhà thường được lợp bằng ngói, tranh hoặc cây cọ. Xung quanh nhà được rào bằng ván gỗ hoặc liếp nứa. Dân Tộc Tày có nhiều nghề thủ công như đan đồ dùng bằng cót, kéo dầu thực vật, dệt vải, nghề rèn

Người Tày có phong tục kết hôn trong cùng một dòng họ, gia đình thường theo chế độ gia đình hạt nhân, phụ hệ trong đó người đàn ông là trụ cột của gia đình. Họ sống theo chế độ một vợ một chồng.

Trang phục của người dân tộc Tày với những nét hoa văn hấp dẫn

Thanh niên được tự do tìm hiểu đối tượng trước khi kết hôn. Hôn lễ truyền thống của người Tày gồm có các nghi thức như: dạm, ăn hỏi, sêu tết, đón dâu, đưa dâu,…mang đậm bản sắc văn hóa sapa.

Quan niệm của người Tày về người chết cũng vô cùng độc đáo. Theo họ, người chết thì linh hồn sẽ sống ở thế giới bên kia. Nếu người chết bất đắc kỳ tử thì phải làm ma và chôn tại chỗ. Trẻ em chết yểu thì bó chiếu và chôn cất ở nơi xa nhà. Người Tày không thờ cúng tổ tiên. Họ chỉ đi tảo mộ vào ngày thanh minh và cũng chỉ cúng tổ tiên vào ngày rằm, mồng một và ngày tết
  
Trang phục truyền thống của dân tộc Tày


Quần áo của phụ nữ dân tộc Tày thường là màu đen

Bộ trang phục truyền thống chính là minh  chứng rõ nét nhất cho đặc trưng văn hóa dân tộc Tày. Trang phục được dệt từ sợi bông và nhuộm màu chàm. Hầu như trang phục của người Tày đều không có hoa văn trang trí. Ngày thường, phụ nữ sẽ mặc áo cánh ngắn may cổ cao, năm thân có cài khuy ở cổ và sườn bên phải cùng với quần dài kèm thắt lưng và kahưn.

Trong những dịp lễ hội có thể mặc thêm áo cánh nagứn bên trong. Ngày nay, phụ nữ Tày thường mặc quần dài chấm gót hoặc quần chân què có đũng rộng, cạp lá tọa. Ngoài ra còn có thêm một kiểu áo dài kiểu như áo ngắn có vạt áo buông dài quá gối.

Đàn ông có quần chân què đũng quần rộng và cạp lá tọa. Áo ngắn cũng may năm thân, cổ đứng. Đàn ông cũng có kiểu áo dài như áo ngắn kéo vạt dài đến quá đầu gối

Văn nghệ cổ truyền của dân tộc Tày

Biểu diễn múa hát trong lễ hội của người Tày

Người Tày có nền văn nghệ vô cùng phong phú mang đậm nét văn hoá dân tộc Tày với một kho tàng đồ sộ các thể loại thơ, ca, truyện cổ tích, múa, nhạc, truyện cười dân gian,…Các điệu dân ca phổ biến nhất là hát ru con, hát đám cưới và hát lượn. Có nhiều điệu hát lượn phổ biến như: lượn Slương, lượn Then, lượn nàng Hai.

Ngoài ra còn có các điệu hát Then hay còn gọi là hát văn ca được hát trong các đám tang, điệu Cỏ lầu hát trong đám cưới hoặc trong các hội Lồng Tồng.

Tôn vinh trang phục truyền thống các dân tộc

Nếu có cơ hội bạn hãy tự mình đi khám phá những nét đặc sắc của dân tộc hay các khu resort sapa, cảnh đẹp, quà tặng… để biết thêm nữa nhé!
 Đàm Minh Phiếu

Pác Nặm: Vải chàm - nét duyên dệt nên trang phục dân tộc (Lan Anh)

Thiếu nữ Sán Chỉ duyên dáng trong tà áo chàm dệt thổ cẩm truyền thống

“Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu
Vợ hay không biết thêu lanh thành tồi”
Là con gái dân tộc ở huyện Pác Nặm, ngay từ khi còn bé đã được bà, được mẹ dạy cho cách trồng bông, dệt vải, thêu lanh, se sợi… Có con gái lớn trong nhà mà không biết khâu áo, may váy thì cũng không dễ lấy được chồng. Tuy nhiên đến nay, không còn nhiều thiếu nữ dân tộc biết trồng bông, dệt vải nữa. Làm sao để gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc? Đó là câu hỏi và cũng chính là nỗi niềm trăn trở của rất nhiều người muốn bảo tồn và phát huy nghề truyền thống quý giá này.

      Nghề thêu lanh, dệt vải đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ. Một vuông vải chàm có thể may váy, may áo, làm mặt gối, mặt chăn, làm khăn đội đầu, hay cũng có khi là dùng để thêu thùa, trang trí trong gia đình. Không biết từ bao giờ, vải chàm đã tạo nên nét duyên dáng trong trang phục của người con gái dân tộc, làm thăng hoa hương sắc thổ cẩm. Những họa tiết thổ cẩm với sắc màu rực rỡ, được khéo léo thêu trên nền sắc chàm dung dị đã tạo nên cái “hồn” của mỗi trang phục dân tộc; chỉ cần nhìn vào vuông vải cũng có thể nhận ra được nét tinh hoa văn hóa của từng dân tộc, từng vùng miền.


Thông thường, ở Pác Nặm, khi tiết trời đã sang xuân, các mẹ, các chị sẽ rủ nhau lên nương gieo hạt. Hạt bông được trồng đầu tháng 2 âm lịch, và phải đến khoảng tháng 7, tháng 8 mới được thu hoạch. Khi ấy, những vạt nương trắng xóa hoa bông, nằm vắt vẻo lưng chừng sườn núi, xen lẫn màu xám của đá và màu xanh của núi rừng đã tạo nên một bức tranh phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.
      Sau khi thu hoạch bông, bà con sẽ đem phơi nắng cho thật khô rồi mới mang về quay tơ, se sợi. Dưới đôi bàn tay kỳ diệu của người phụ nữ dân tộc đã biến những sợi bông trắng, mảnh thành những tấm vải vuông vức. Vải sau khi dệt xong sẽ được ngâm, nhuộm với lá cây chàm. Bí quyết để có một tấm vải chàm đều màu, bền đẹp là khi ngâm thuốc nhuộm người ta thường cho thêm vào chút vôi bột trắng. Vải chàm của bà con dân tộc không mượt mà, mềm mịn như lụa hàng Hà Đông, nhưng lại phục vụ hữu hiệu trong cuộc sống và lao động sản xuất của người dân nơi đây. Mùa đông, khi những cơn gió mùa thổi xuyên qua kẽ lá, cái rét sương núi tê buốt, lạnh cóng đôi bàn tay, một chiếc áo khoác bông làm từ vải chàm sẽ giúp bà con bớt thấy giá lạnh. Mùa hè, khi mọi người rủ nhau lên nương, lên rẫy tra ngô, gieo hạt; cái nắng, cái gió làm gương mặt ai cũng đen sạm, bỏng rát, chiếc áo chàm lại như tấm khăn mát lạnh, thấm từng giọt mồ hôi chát mặn, xua đi cái nóng nực, oi bức ngày hè.

Vải được nhuộm chàm và phơi nắng cho khô

Tấm vải chàm dung dị, mộc mạc là thế, nhưng muốn làm được một tấm vải chàm đẹp để thêu các họa tiết hoa văn thổ cẩm, quả không phải là chuyện đơn giản. Với thiếu nữ Mông, trước khi lấy chồng, họ muốn may cho mình những chiếc váy đẹp nhất, rực rỡ nhất. Kỹ thuật thêu trên vải bằng sáp ong của người Mông đã có từ hàng ngàn năm tuổi. Đó là cả một quá trình lao động, sáng tạo, đúc rút kinh nghiệm của bao thế hệ đi trước, truyền thụ lại cho con cháu đời sau.

Chị Nông Thị Bày bên khung quay sợi

Theo sự giới thiệu của bà con dân bản, chúng tôi tìm đến nhà chị Nông Thị Bày, người dân tộc Tày ở thôn Phai Khỉn, xã Nhạn Môn. Những ngày này, chị đang gấp rút chuẩn bị đồ cưới cho con gái út của mình. Theo phong tục người Tày, khi con gái đã đến tuổi lấy chồng, muốn về được nhà chồng cần chuẩn bị các vật dụng: chăn, màn, chiếu, gối… Và quần áo cưới cho cô dâu cũng phải theo đúng trang phục dân tộc.
      Chia sẻ với chúng tôi, chị Bày cho biết: “Các phong tục của dân tộc mình đã thay đổi nhiều, nhưng trong lễ cưới người Tày không thể thiếu tấm chăn, mặt gối, áo cưới cô dâu được thêu hoa văn từ vải chàm dân tộc. Con gái mình khác chúng mình ngày xưa nhiều lắm, giờ ít con gái trẻ biết làm lanh, thêu khăn, thêu áo. Đời con, đời cháu mình sau này không biết có ai còn giữ được nghề của ông bà, tổ tiên nữa”.

Vải chàm được bày bán ở các phiên chợ vùng cao

Đôi tay ai đã khéo chắt lọc nét hào hoa của sắc trời, hương núi, màu suối, vân mây, tình đất và hồn người để thêu dệt nên những vuông vải chàm thổ cẩm tuyệt vời, tinh tế nhất. Không có cái duyên, cái nợ của người trồng bông, kéo sợi, se tơ, dệt vải, thêu lanh, nhuộm thắm thì không thể tạo ra được những vuông vải chàm thổ cẩm rực rỡ sắc màu làm ngẩn ngơ, say đắm bước chân người du khách trong mỗi dịp phiên chợ vùng cao./.

 Lan Anh

Giản dị trang phục dân tộc Tày ở Hà Giang (Triệu Minh Bắc)

Giản dị trang phục dân tộc Tày ở Hà GiangNói đến nét đẹp văn hóa Hà Giang thì một trong những điều khiến nhiều người ta lưu luyến nhất, có lẽ là hình ảnh những trang phục đầy màu sắc của các dân tộc. Hình ảnh những buổi chợ phiên rực rỡ sắc màu từ trang phục của nhiều dân tộc anh em đổ về luôn luôn để lại ấn tượng đẹp, trong đó phải kể đến trang phục đặc trưng của người Tày.

Có dịp đi tour du lịch đến vùng Tây bắc, hẳn bạn sẽ bắt gặp những trang phục nhiều màu sắc khá đẹp của các dân tộc. Nhưng chắc chắn đến Hà Giang, tận mắt ngắm những trang phục của người Tày, hẳn bạn sẽ thấy ấn tượng hơn cả, bởi nét giản dị đặc trưng, nhưng tinh tế, có chút nền nã và có điểm nhấn rất riêng. Nhìn tổng thể, trang phục của người Tày thường là áo vải bong nhuộm màu chàm, phụ nữ có thêm khăn mỏ quạ, áo năm thân kèm thắt lưng, thêm trang sức vòng cổ, tay, chân bằng bạc.

Giản dị trang phục dân tộc Tày ở Hà Giang
Trang phục nữ giới dân tộc Tày
So với những trang phục của các dân tộc khác thì người Tày ăn mặc khá giản dị, họ không chọn màu sặc sỡ như người Mông, người Dao,…và rất ít hoa văn trang trí. Những bộ quần áo đều được dệt thủ công khéo léo, bền chắc.

Với nam giới, người Tày thường mặc quần chân què, phần đũng được may rộng, áo ngắn năm thân, cổ đứng. Bên cạnh đó cũng có một số người mặc áo dài có vạt áo dài quá đầu gối và loại áo tứ thân xẻ ngực, cổ tròn.

Với nữ giới, họ mặc áo cánh, áo dài năm thân, thắt lưng, quần váy, khăn đội đầu mỏ quạ, đi giày vải. Những ngày có lễ hội, những cô gái người Tày thường mặc áo có cánh màu trắng bên trong điều này để phân biệt với người Nùng mặc áo chàm.

Thêm một điều độc đáo nữa ở trang phục phụ nữ người Tày là nón được thiết kế độc đáo, được lợp từ tre vót nan có mái nóng rộng, đi kèm đó là nhiều đồ trang sức như vòng tay, cổ bằng bạc, có khi họ còn đeo túi vải bên mình.

Với người Tày họ cũng chú ý tới những họa tiết trong trang phục. Đó là những sự cách điệu khá giản dị gồm các hình họa, hình rau bầu, bí, hoặc nhiều cây khác. Vì trang phục chỉ màu chàm và trắng nên những họa tiết được họ tinh tế gài vào từng đoạn.

Ngày nay, khi ở cuộc sống lao động đời thường những người Tày đã mua và sử dụng nhiều quần áo may sẵn. Nhưng đến những lễ hội thì họ chọn trang phục truyền thống của mình, đó cũng chính là nét độc đáo trong văn hóa bao đời của dân tộc Tày.
 Triệu Minh Bắc

Giản dị sắc Chàm trong trang phục truyền thống dân tộc Tày (Bùi Kiểm)

Là một trong 54 dân tộc thuộc cộng đồng các dân tộc Việt Nam, dân tộc Tày sống tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc như: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái...Trong quá trình lao động, sản xuất và phát triển, đồng bào dân tộc Tày đã tạo cho mình một bản sắc riêng, thông qua những nét văn hóa như ẩm thực, trò chơi dân gian, tiếng nói và trang phục…Đặc biệt, trang phục của người Tày thường đơn giản, chủ đạo là sắc chàm.

Đàn ông Tày mặc loại áo cánh 4 thân, áo dài 5 thân, khăn đội đầu, quần và giày vải. Áo cánh 4 thân (slửa cỏm) là loại xẻ ngực, cổ tròn cao, không cầu vai, xẻ tà, cài cúc vải và hai túi nhỏ phía dưới 2 thân trước. Trong những dịp tết, ngày lễ hay ngày hội, nam giới mặc thêm loại áo dài 5 thân xẻ nách phải, đơm cúc vải hay cúc đồng. Quần cũng làm bằng vải sợi bông nhuộm chàm như áo, cắt theo kiểu quần đũng chéo có độ choãng vừa phải, dài tới mắt cá chân, cạp rộng khi mặc có dây buộc ngoài. Khăn đội đầu màu chàm có chiều rộng 30 cm dài 20 cm quấn trên đầu theo lối chữ nhân.
Cũng giống như trang phục của đàn ông Tày, mầu sắc chủ đạo trong trang phục của người phụ nữ Tày là sắc chàm. Trong những ngày tết, lễ...phụ nữ Tày tóc vấn ngang đầu, chùm khăn vuông mỏ quạ, mặc áo dài màu chàm, gài khuy đồng bên phải, ngang lưng thắt dải chàm, hai đuôi dải buông dài xuống đằng sau, chân đi hài vải. Áo cánh là loại 4 thân xẻ ngực, cổ tròn, có hai túi nhỏ phía dưới hai vạt trước, thường được cắt may bằng vải chàm hoặc trắng. Khi đi hội thường được mặc lót phía trong áo dài (đây là chi tiết để phân biệt với người Nùng chỉ dùng màu chàm). Áo dài của phụ nữ Tày cũng là loại 5 thân, xẻ nách phải cài cúc vải hoặc đồng, cổ tròn. Trước đây phụ nữ Tày mặc váy, nhưng gần đây phổ biến mặc quần; Nón của phụ nữ Tày được làm bằng nan tre lợp lá có mái nón bằng và rộng khá độc đáo. Trang sức có đủ các chủng loại cơ bản như vòng cổ, vòng tay, vòng chân, xà tích... làm tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ, thường thì phụ nữ Tày chỉ đeo vòng cổ (kiềng bạc) nổi bật trên nền chàm.

Trong cuộc sống hiện đại, ngày thường người Tày đã chuyển sang mặc trang phục gần như người Kinh với áo cánh, áo sơ mi nhưng đối với họ trang phục truyền thống vẫn không thể thiếu đặc biệt trong các ngày lễ, tết, cưới xin và những dịp sinh hoạt văn hóa như thi ẩm thực, hát then, lễ mừng cơm mới…Trang phục của người Tày đơn giản đi cùng điệu then làm nên nét đẹp rất riêng của văn hóa Tày.

Trang phục của người Tày Cao Bằng (Lê Chí Thanh)

Trang phục nam, nữ dân tộc Tày.
Dân tộc Tày ở Cao Bằng vốn có bề dày truyền thống văn hóa lâu đời. Trong văn hóa vật thể, không thể không nói tới trang phục của người Tày. Cũng như nhiều dân tộc khác trong cộng đồng dân tộc thiểu số ít người, người Tày tự làm ra trang phục đặc trưng, mang bản sắc văn hóa cho riêng mình.

Phụ nữ Tày vốn tần tảo chịu thương chịu khó, mỗi năm vãi hạt gieo bông, dày công chăm sóc để bông nở hoa, kết trái ra bông trắng ngà mang về gia công kéo sợi khéo léo dệt vải. Họ nhuộm vải trắng, dệt xong bằng thứ thuốc nhuộm tinh chế từ cây chàm, cây xỏm và vôi ngâm nước theo một quy trình kỹ thuật tốn khá nhiều thời gian để có được màu xanh tím óng ả. Từ đó làm ra trang phục nam và nữ của người Tày. Tất cả từ quần, áo, váy, thắt lưng, túi vải đeo, đôi giày đến chiếc khăn đội đầu, khăn trùm đều được làm bằng vải chàm thơm nồng. Về trang phục nam, thuở xưa người đàn ông Tày mặc áo dài chớm qua đầu gối, áo cổ tròn, rộng vừa khổ người, tay áo dài đến cổ tay, cài khuy nách bên phải; bên trong là một chiếc áo cánh màu xanh hoặc tối màu. Vào mùa đông, tiết trời lạnh giá thì mặc thêm áo cánh cho ấm người. Các chàng trai vận chiếc quần vải chàm ống rộng vừa tầm người dài đến chấm gót chân; quần thắt dải rút ngang hông. Người đàn ông Tày cổ xưa để tóc dài búi tó, trên đầu đội khăn xếp. Khăn xếp được làm từ vải chàm có chiều dài bằng sải tay rưỡi, khổ vải rộng chừng 40 cm được gấp nhỏ lại khoảng 8 cm rồi quấn quanh đầu. Lúc ở nhà là nhà trệt thì đi guốc tre, hay guốc mộc; còn nhà sàn thì đi hài sảo bện bằng mo nang. Khi ra ngoài đường, tới các lễ hội hay chợ phiên, chợ háng toán, thanh minh thì đi giày vải và không quên cầm theo ô che mưa, nắng. Đôi giày vải chàm mềm mại thấp cổ bằng mắt cá chân do phụ nữ may khâu từ đế đến thân giày. Theo năm tháng, nam giới Tày bỏ dần chiếc khăn quấn trên đầu. Đôi giày vải và các loại giày thô sơ cũng được thay bằng giày ba ta, giày tây...

Trang phục nữ cũng giản tiện, không cầu kỳ so với một số dân tộc khác như Mông, Dao. Chiếc áo chàm của phụ nữ Tày thuộc loại áo dài xẻ tà, vạt áo tha thướt trùm đến khoeo chân, tay áo và thân áo bó vừa khít người, cổ áo tròn cao khoảng 1 cm. Áo được cài khuy đồng ở nách bên phải. Chiếc quần vải chàm cũng do các chị tự khâu lấy. Quần ống rộng vừa tầm người, có thắt dải rút khi mặc. Bên trong tà áo dài là chiếc áo cánh màu trắng. Áo, quần không trang trí hoa văn cầu kỳ hoặc điểm xuyết là nét khác biệt với trang phục người Mông, Dao, Lô Lô và một số ngành Nùng ngay địa phương trong tỉnh. Ngang lưng thắt dải chàm khổ 30 cm, dài khoảng 2,5 m quấn thành vòng qua eo buộc thành hai dải buông xuống đằng sau. Nơi xẻ tà hai bên hông để lộ ra khoảng trắng của áo cánh màu trắng mặc bên trong, thêm phần yểu điệu duyên dáng. Trên đầu vấn tóc ngang, bên ngoài trùm khăn vuông hình mỏ quạ. Khi thời tiết giá lạnh, hoặc nắng gắt, chị em thường trùm thêm một chiếc khăn vuông che hai bên má buộc hai đầu khăn dưới cằm. Khi đi chợ phiên hay tới các lễ hội, nhất là vào tiết trời thu, đông và du xuân, phụ nữ Tày thường đi giày vải chàm thấp cổ, đế bằng, ấm êm, có dây khuy cài tự làm lấy. Trang sức của các chị em thường có đeo bông tai nhẹ nhàng và chiếc vòng cổ bằng bạc hình tròn. Bên hông đeo bộ xà tích cũng bằng bạc trắng ngà và dắt vào dải thắt lưng trước bụng một chiếc khăn tay nhỏ gấp vuông vắn phẳng phiu để lộ ra bên ngoài. Để che mưa, nắng hoặc làm duyên, chị em còn dùng chiếc nón đội đầu. Chiếc nón tha slưa rộng vành được đan bằng nan trúc chẻ nhỏ mềm mại hai mặt, bên trong lót lá và quang dầu màu vàng mật ong, nom rất đẹp hoặc là chiếc nón bấu nào nhỏ gọn không quang dầu, thô hơn mà bền lại tiện dụng trong lao động sản xuất. Phụ nữ Tày còn tự làm ra chiếc túi vải chàm đeo bên người để đựng đồ, mỗi khi đi chợ hoặc đi lễ làng.

Trang phục của phụ nữ Tày miền Đông và miền Tây của tỉnh Cao Bằng cơ bản giống nhau, chỉ khác nhau ở chỗ, chị em miền Đông vấn ngang bên trái, còn chị em miền Tây vấn ngang bên phải. Hằng năm, người phụ nữ Tày thường chuẩn bị khâu giày trong vụ thu, đông giá lạnh. Khi cưới hay về ở nhà chồng, họ tự mình trồng bông, chuẩn bị khăn áo và cả chăn bông vỏ bằng thổ cẩm nặng từ 3 - 5 kg, làm giày vải biếu cho cả bố mẹ, anh em bên nhà chồng. Các cô thôn nữ mới lớn đến tuổi cập kê cũng tự mình tập làm vải và học khâu may trang phục cho mình, làm giày thật đẹp tặng người yêu. Theo tục lệ lâu đời, khi đi làm dâu, mặc quần áo, thắt lưng mới..., những sản phẩm ấy đều phải do người con gái làm ra, không được phép đi vay mượn, hoặc thuê, làm xấu hổ cha mẹ, họ hàng, bản quán.

Lê Chí Thanh

Trình diễn trang phục Tày.(Đàm Thị Lượng)

Người phụ nữ Tày ở hầu khắp các tỉnh Tây Bắc đều rất coi trọng trang phục. Từ khi trở thành một thiếu nữ cho đến khi cao tuổi, bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình luôn đi liền với người phụ nữ. Trang phục truyền thống của phụ nữ Tày được thể hiện từ khăn vấn đầu cho đến yếm trên ngực, vòng đeo cổ và tà áo cũng như váy.

Phụ nữ Tày làm bánh trong ngày hội bản.
Khăn vấn đầu của người phụ nữ Tày được làm thành một vòng tròn vừa với đỉnh đầu. Chất liệu của khăn khi xưa được làm bằng vải lụa nhuộm chàm nhưng hiện nay, khăn được khâu bằng vải nhung tạo nên độ mềm, mượt và được độn bằng bông ở giữa. Như thế, người phụ nữ Tày búi tóc ra sau rồi đội khăn lên giữa đầu. Khăn vấn đầu có cài thêm những họa tiết như là những ngôi sao nhỏ có nhiều màu tạo cho khăn thêm rực rỡ và lấp lánh hơn. Nhiều thiếu nữ còn thêm vào một bên khăn một chùm tua rua được kết bởi những sợi chỉ nhiều màu. Ngoài vòng khăn tròn, người phụ nữ Tày còn đội khăn vuông. Khăn phụ nữ Tày là loại khăn vuông màu chàm khi đội gập chéo giống kiểu mỏ quạ của người Kinh.

Yếm ngực của phụ nữ Tày được may bằng mảnh vải trắng hoặc vải xanh tươi tùy theo độ tuổi. Yếm được may theo hình quả trám có đỉnh nhọn nhô lên ở giữa ngực chạm đến cổ để tạo nên sự kín đáo của cơ thể người phụ nữ. Yến có bốn dây, hai dây trên buộc vào sau cổ, hai dây dưới buộc vòng sau lưng tạo sự cân đối, chắc chắn.

Bộ áo của phụ nữ Tày ở các tỉnh vùng cao gồm áo cánh, áo dài năm thân, quần váy (chân váy). Áo cánh là loại bốn thân xẻ ngực, cổ tròn, có hai túi nhỏ phía dưới hai vạt trước, thường được cắt may bằng vải chàm hoặc trắng hay màu xanh sậm tùy thuộc vào độ tuổi của người phụ nữ Tày. Trên thân áo có trang trí những đường thổ cẩm nhỏ dọc theo đường cúc áo trước ngực hoặc ở khe xẻ tà hai bên và đầu cổ tay tạo cho tấm áo thêm rực rỡ trên nền chàm.

Áo dài là bộ trang phục truyền thống cũng là loại năm thân, xẻ nách phải cài cúc vải hoặc đồng, cổ tròn ống tay và thân hẹp có eo. Trước đây, áo dài của phụ nữ Tày thường được may bằng vải nhuộm chàm. Hiện nay, được cải tiến hơn bằng vải nhung mềm mại, ấm và bóng đẹp hơn. Ở giữa eo, người ta thiết kế thắt lưng bằng vải màu xanh tươi tạo sự cân đối cho áo và cơ thể đồng thời tạo sự nổi bật của màu xanh trên nền chàm.

Thiếu nữ Tày luôn mặc trang phục truyền thống trong ngày lễ hội và các hoạt động giới thiệu quảng bá du lịch.

Tôn lên vẻ đẹp của váy, áo của phụ nữ Tày còn nhờ vào sự độc đáo của những bộ trang sức. Trang sức phụ nữ Tày đơn giản song có đủ các chủng loại cơ bản như vòng cổ, vòng tay, vòng chân, xà tích... Có nơi còn đeo túi vải, túi đựng trầu bên hông. Quan trọng nhất là vòng cổ của người phụ nữ. Đó là một chiếc vòng bạc trắng to được đeo ở cổ, vòng rộng xuống 1/4 ngực làm cho cơ thể cân đối và màu trắng của vòng bạc nổi bật trên nền chàm.

Cái độc đáo đáng quan tâm của trang phục Tày là lối dùng màu chàm phổ biến, đồng nhất trên trang phục nam và nữ cũng như lối mặc áo lót trắng bên trong áo ngoài màu chàm. Nhiều tộc người cũng dùng màu chàm nhưng còn gia công trang trí các màu khác trên trang phục, ở người Tày hầu như các màu ngũ sắc được dùng trong hoa văn mặt chăn hay các tấm thổ cẩm.

Hài của phụ nữ Tày cũng đồng nhất màu với áo và váy. Trước kia giày được khâu bằng vải nhuộm chàm nhưng hiện nay được khâu bằng vải nhung có thêu lên hoa văn, đường thổ cẩm nhỏ và những ngôi sao nhỏ nhiều màu.

Trang phục truyền thống đã in sâu vào trong lối sống của người phụ nữ Tày. Dù cuộc sống hiện đại nhưng người phụ nữ sinh ra và lớn lên trong mỗi bản Tày phải may cho mình một bộ trang phục cổ truyền. Nhất là khi thiếu nữ Tày trưởng thành đi lấy chồng thì một bộ trang phục gồm khăn, vòng, giày và váy áo được cô gái tự tay chọn vải, thêu thùa, trang trí hoàn chỉnh.

Hiện nay, người phụ nữ Tày ở các địa phương vẫn giữ được nét riêng trong trang phục truyền thống của dân tộc mình. Hằng ngày, trang phục của họ chủ yếu là khăn vuông mỏ quạ, áo và váy ngắn màu chàm quá đầu gối. Còn áo dài là dành cho những ngày hội, lễ Tết, cưới xin và những dịp sinh hoạt văn hóa như thi ẩm thực, hát then, lễ mừng cơm mới…
Người phụ nữ Tày luôn duyên dáng, dịu dàng và đẹp trong sắc màu chàm.

Đàm Thị Lượng

Trang phục người dân tộc Tày (Minh Thắng)

Sinh sống ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai… đồng bào dân tộc Tày đã tạo cho mình một bản sắc riêng. Qua những nét văn hóa như ẩm thực, trò chơi dân gian, ngôn ngữ… đồng bào Tày đã có một kho tàng văn hóa truyền thống. Đặc biệt, trang phục truyền thống từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hóa cũng như nét đẹp bình dị và độc đáo của dân tộc Tày ở khắp các miền đất.

Trang phục cổ truyền của người Tày được làm từ vải sợi bông tự dệt, nhuộm chàm đồng nhất trên trang phục nam và nữ, hầu như không có hoa văn trang trí. Không ai rõ nghề dệt thổ cẩm của người dân tộc Tày có từ bao giờ, mà chỉ biết những tấm vải thổ cẩm do chính họ dệt ra từ lâu đã nổi tiếng với những hoa văn đẹp mắt, sặc sỡ, mang đậm sắc thái dân tộc. Nguyên liệu chính để dệt thổ cẩm là sợi bông nhuộm chàm và tơ tằm nhuộm màu. Tuy nhiên, do giá tơ tằm đắt nên ngày nay người dệt thổ cẩm dùng len có chi phí thấp hơn để thay thế. Quy trình dệt thổ cẩm hoàn toàn thủ công và chính đôi tay khéo léo và sự nhẫn nại của người phụ nữ Tày mà những tấm thổ cẩm nên hình nên dạng vô cùng đặc sắc. Từ những tấm thổ cẩm tự tạo ấy người phụ nữ Tày may thành mặt chăn, mặt địu, khăn trải giường và nhất là những bộ trang phục đặc sắc của dân tộc.


TRANG PHỤC NAM GIỚI
Trang phục nam giới người Tày có quần chân què, đũng rộng, cạp lá tọa, áo ngắn cũng may năm thân, cổ đứng. Nam cũng có áo dài như cái áo ngắn kéo dài vạt xuống quá đầu gối. Ngoài ra, họ còn có thêm áo 4 thân, đây là loại áo xẻ ngực, cổ tròn cao, không cầu vai, xẻ tà, cài cúc vải và có hai túi nhỏ ở phía trước.
Vào những ngày hội hè người ta mặc áo cánh trắng ở trong có lẽ vì vậy mà người Tày còn được gọi là người áo trắng để phân biệt với người Nùng thường chỉ mặc áo chàm. Ngoài ra, đàn ông Tày còn mặc thêm loại áo dài 5 thân xẻ nách phải, đơm cúc vải hay cúc đồng. Quần (khóa) cũng làm bằng vải sợi bông nhuộm chàm như áo, cắt theo kiễu quần đũng chéo, độ choãng vừa phải dài tới mắt cá chân. Quần có cạp rộng không luồn rút, khi mặc có dây buộc ngoài. Khăn đội đầu màu chàm (30cm x 200cm) quấn trên đầu theo lối chữ nhân.

TRANG PHỤC NỮ GIỚI
Trang phục nữ giới gồm áo cánh, áo dài năm thân, quần váy, thắt lưng, khăn đội đầu, hài vải. Phụ nữ Tày còn thắt lưng bằng những tấm vải chàm hay đũi dài khoảng hai sải tay làm tăng thêm vẻ duyên dáng nhất là với thanh nữ. Cũng như nam giới, phụ nữ Tày thường mặc thêm chiếc áo trắng ở bên trong vào những ngày lễ tết.
Trước đây phụ nữ Tày mặc váy, nhưng gần đây phổ biến mặc quần; nguyên tắc cắt may giống nam giới nhưng kích thước có phần hẹp hơn. Khăn phụ nữ Tày cũng là loại khăn vuông màu chàm khi đội gập chéo giống kiểu mỏ quạ của người Kinh.
Tôn lên vẻ đẹp của váy, áo của phụ nữ Tày còn nhờ vào sự độc đáo của những bộ trang sức. Trang sức phụ nữ Tày đơn giản song có đủ các chủng loại cơ bản như vòng cổ, vòng tay, vòng chân, xà tích... Có nơi còn đeo túi vải, túi đựng trầu bên hông. Quan trọng nhất là vòng cổ của người phụ nữ. Đó là một chiếc vòng bạc trắng to được đeo ở cổ, vòng rộng xuống 1/4 ngực làm cho cơ thể cân đối và màu trắng của vòng bạc nổi bật trên nền chàm.

Cái độc đáo đáng quan tâm của trang phục Tày là lối dùng màu chàm phổ biến, đồng nhất trên trang phục nam và nữ cũng như lối mặc áo lót trắng bên trong áo ngoài màu chàm. Nếu như nhiều dân tộc dùng màu chàm nhưng còn gia công trang trí các màu khác trên trang phục thì người Tày hầu như chỉ dùng các màu ngũ sắc để trang trí hoa văn mặt chăn hay các tấm thổ cẩm.

Ngày nay, trang phục truyền thống Tày vẫn phổ biến nhất là trong các ngày lễ cổ truyền, nhưng áo cánh, áo sơ mi vẫn được nhiều thanh niên mặc, còn trong ngày thường, họ mặc trang phục gần như người Kinh.

 Minh Thắng

Độc đáo trang phục dân tộc Tày Hà Giang (Minh Yên)

Trang phục dân tộc Tày có thể được coi là một trong những bộ trang phục đơn giản nhất của 54 dân tộc anh em. Bộ trang phục tuy đơn giản nhưng nó lại mang một ý nghĩa thật đặc biệt.

Trang phục dân tộc Tày cổ Hà Giang được làm từ vải sợi bông tự dệt, nhuộm chàm đồng nhất trên trang phục nam và nữ, hầu như không có hoa văn trang trí. Không ai rõ nghề dệt thổ cẩm của người dân tộc Tày có từ bao giờ, mà chỉ biết những tấm vải thổ cẩm do chính họ dệt ra từ lâu đã nổi tiếng với những hoa văn đẹp mắt, sặc sỡ, mang đậm sắc thái dân tộc.

Nguyên liệu chính để dệt thổ cẩm là sợi bông nhuộm chàm và tơ tằm nhuộm màu. Tuy nhiên, do giá tơ tằm đắt nên ngày nay người dệt thổ cẩm dùng len có chi phí thấp hơn để thay thế. Quy trình dệt thổ cẩm hoàn toàn thủ công và chính đôi tay khéo léo và sự nhẫn nại của người phụ nữ Tày mà những tấm thổ cẩm nên hình nên dạng vô cùng đặc sắc. Từ những tấm thổ cẩm tự tạo ấy người phụ nữ Tày may thành mặt chăn, mặt địu, khăn trải giường và nhất là những bộ trang phục đặc sắc của dân tộc.

Độc đáo trang phục dân tộc Tày Hà Giang

Trang phục nam giới người Tày có quần chân què, đũng rộng, cạp lá tọa, áo ngắn cũng may năm thân, cổ đứng. Nam cũng có áo dài như cái áo ngắn kéo dài vạt xuống quá đầu gối. Ngoài ra, họ còn có thêm áo 4 thân, đây là loại áo xẻ ngực, cổ tròn cao, không cầu vai, xẻ tà, cài cúc vải và có hai túi nhỏ ở phía trước.


Độc đáo trang phục dân tộc Tày Hà Giang

Về trang phục nữ giới, đó là mặc áo cánh, áo dài năm thân, quần váy, thắt lưng, khăn đội đầu, hài vải. Phụ nữ Tày còn thắt lưng bằng những tấm vải chàm hay đũi dài khoảng hai sải tay làm tăng thêm vẻ duyên dáng nhất là với thanh nữ. Trong những ngày lễ tết, họ mặc thêm chiếc áo trắng ở bên trong.

doc dao tieng noi cua nguoi tay o nghia do lao cai 001 Độc đáo trang phục dân tộc Tày Hà Giang

Nón của phụ nữ Tày khá độc đáo. Nón bằng nan tre lợp lá có mái nón bàng và rộng. Trang sức phụ nữ Tày đơn giản song có đủ các chủng loại cơ bản như vòng cổ, vòng tay, vòng chân, xà tích… Có nơi còn đeo túi vải.

Ngày nay, trang phục truyền thống dân tộc Tày vẫn phổ biến nhất là trong các ngày lễ cổ truyền, nhưng áo cánh, áo sơ mi vẫn được nhiều thanh niên mặc, còn trong ngày thường, họ mặc trang phục gần như người Kinh.

Minh Yên

Trang phục dân tộc Tày (Hồng Phượng)

Việt Nam, nơi quần tụ sinh sống của 54 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc đều có những sắc thái riêng, độc đáo. Và một trong những điểm nhấn tạo nên sắc thái riêng của mỗi dân tộc chính là bộ trang phục truyền thống của đồng bào. Bộ trang phục truyền thống của mỗi dân tộc có kiểu dáng, màu sắc và cách trang trí hoa văn khác nhau. Tuy dân số đông, địa bàn phân tán nhưng dân tộc Tày lại là một cộng đồng thuần nhất với một ý thức rõ rệt điều đó thể hiện qua bộ trang phục truyền thống với sắc màu chủ yếu là màu chàm.

Người Tày là một trong 54 dân tộc ở Việt Nam, nhóm địa phương Pa dí, Thổ, Ngạn, Phén, Thu Lao, thuộc hệ ngôn ngữ Thái-Kadai sinh sống chủ yếu ở vùng miền núi Đông Bắc nước ta. Người Tày trước đây hay được gọi là người Thổ (tuy nhiên tên gọi này hiện nay được dùng để chỉ một dân tộc khác. Người Tày có dân số đông thứ 2 ở Việt Nam sau dân tộc Kinh


Cái độc đáo đáng quan tâm của trang phục Tày không phải là lối tạo dáng mà là lối dùng màu chàm phổ biến, đồng nhất trên trang phục nam và nữ cũng như lối mặc áo lót trắng bên trong áo ngoài màu chàm. Nhiều tộc người cũng dùng màu chàm nhưng còn gia công trang trí các màu khác trên trang phục, ở người Tày hầu như các màu ngũ sắc được dùng trong hoa văn mặt chăn hay các tấm thổ cẩm.

Truyền thuyết dân gian của đồng bào Tày kể về sự tích cây chàm gắn liền với mối tình chung thủy của đôi trai gái: Thuở ấy có một cô gái con nhà nghèo, mồ côi cha từ nhỏ mà mẹ lại mù lòa. Nàng phải đi làm thuê, làm mướn tần tảo mới có bữa cơm, bữa cháo qua ngày. Khi nàng lớn lên thì người mẹ thân yêu cũng qua đời, để lại một mình nàng cô đơn giữa cuộc đời. Một hôm, có một chàng trai ăn mặc rách rưới đến nhà nàng xin ăn. Vì nhà nghèo không có gì cho kẻ ăn mày, nàng mời khách vào nhà ngồi đợi rồi ra đi cắt bộ tóc dài của mình để đổi lấy đồ ăn về cho kẻ ăn mày cùng ăn.

Thời gian trôi qua, bỗng một hôm có đám về hỏi nàng. Bà mối cho biết, người đến hỏi nàng làm vợ chính là chàng ăn mày nọ. Sau bữa cơm nàng cho ăn, chàng biết nàng đã cắt bộ tóc dài của mình để đổi lấy bữa ăn cho chàng, nên chàng cảm phục tình cảm của nàng. Nàng nhận lời và họ chung sống bên nhau hạnh phúc.

Bỗng đất nước bị giặc Hung nô xâm lược, là phận trai, chàng phải đeo gươm, giáo lên đường đánh giặc giữ nước, một mình nàng ở nhà quán xuyến mọi việc gia đình. Chiến tranh kéo dài, biết bao mùa hoa đã nở, biết bao mùa chim én đã làm tổ mà nàng vẫn mong ngóng chồng trở về trong sự cô đơn, mệt mỏi. Thế rồi nàng quyết định theo hướng chiến trận ra đi tìm chồng. Nàng đi không biết qua bao nhiêu bản, bao nhiêu núi, xuyên qua bao nhiêu rừng già… Sự nhớ nhung, mệt mỏi khiến nàng ngủ thiếp đi và ra đi mãi mãi.

Dân làng biết rất cảm phục tấm lòng chung thủy của nàng, định chôn cất nàng đến nơi nàng yên nghỉ thì thấy mọc lên một cây lạ với mùi thơm kì lạ. Dân làng hiểu rằng, cây lạ đó là hiện thân phần xác của nàng, mùi thơm từ cây đó tỏa ra là hiện thân của lòng chung thủy của nàng. Cây đó chính là cây chàm mà ngày nay đồng bào dùng để nhuộm quần áo mặc.

Bộ y phục cổ truyền của người Tày làm từ vải sợi bông tự dệt, nhuộm chàm, hầu như không thêu thùa, trang trí. Phụ nữ mặc váy hoặc quần, có áo cánh ngắn ở bên trong và áo dài ở bên ngoài. Nhóm Ngạn mặc áo ngắn hơn một chút, nhóm Phén mặc áo màu nâu, nhóm Thu Lao quấn khăn thành chóp nhọn trên đỉnh đầu, nhóm Pa Dí đội mũ hình mái nhà còn nhóm Thổ mặc như người Thái ở Mai Châu (Hoà Bình).

Y phục của nam giới Tày gồm loại áo cách 4 thân (slửa cỏm), áo dài 5 thân, khăn đội đầu, quần và giày vải. Áo cánh 4 thân là loại xẻ ngực, cổ tròn cao, không cầu vai, xẻ tà, cài cúc vải (7 cái) và hai túi nhỏ phía dưới 2 thân trước. Trong dịp tết, lễ, hội nam giới mặc thêm loại áo dài 5 thân xẻ nách phải, đơm cúc vải hay cúc đồng. Quần (khóa) cũng làm bằng vải sợi bông nhuộm chàm như áo, cắt theo kiễu quần đũng chéo, độ choãng vừa phải dài tới mắt cá chân. Quần có cạp rộng không luồn rút, khi mặc có dây buộc ngoài. Khăn đội đầu màu chàm (30cm x 200cm) Quấn trên đầu theo lối chữ nhân.


Y phục của nữ thường gồm áo cánh, áo dài năm thân, quần váy, thắt lưng, khăn đội đầu, hài vải. Áo cánh là loại 4 thân xẻ ngực, cổ tròn, có hai túi nhỏ phía dưới hai vạt trước, thường được cắt may bằng vải chàm hoặc trắng. Khi đi hội thường được mặt lót phía trong áo dài. Vì vậy người Tày còn được gọi là cần slửa khao (người áo trắng) để phân biệt với người Nùng chỉ dùng màu chàm. Áo dài cũng là loại 5 thân, xẻ nách phải cài cúc vải hoặc đồng, cổ tròn ống tay và thân hẹp có eo.

Bộ quần áo của dân tộc Tày bao gồm: khăn, áo, quần, dây lưng, tạp dề, guốc hoặc dép. Phụ nữ Tày thường để tóc dài, đội khăn. Khăn là loại khăn vuông gấp chéo kiểu “mỏ quạ”, đội lên đầu, thắt ở sau gáy, tương tự như kiểu đội khăn mỏ quạ của phụ nữ Kinh.

Áo của phụ nữ thường là loại áo năm thân, trong đó bốn thân dài và một thân hụt nằm ở phía ngực bên phải, xẻ chéo từ dưới cổ sang nách bên phải, áo phụ nữ Tày thường dài đến quá bắp chân, thân áo và tay bó hẹp lấy người.

Trước đây phụ nữ mặc váy, nhưng gần đây phổ biến mặc quần, là quần chân què, cát hình lá tọa, đũng rộng có thể cử động thoải mái trong mọi tư thế lao động. Đồng bào thường đeo thắt lưng được dệt bằng vải thủ công, rộng khoảng 40cm gấp làm tư, chiều dài đủ quấn quanh thân người hai vòng, buộc lại ở phía sau, để buông dải đuôi xuống sau lưng.

Nón của phụ nữ Tày khá độc đáo. Nón bằng nan tre lợp lá có mái nón bằng và rộng. Đồ trang sức được cả nam và nữ thích sử dụng đó là vòng cổ, chân, tay..., trẻ em đeo đồ trang sức bằng bạc để trừ tà ma và tránh gió.

Quần áo nam giới đơn giản hơn áo ngắn, xẻ ngực, cài cúc trước ngực và thường cài 5 cúc. Trang phục của nam giới có quần chân què, đũng rộng, cạp lá tọa, áo ngắn cũng may năm thân, cổ đứng. Nam cũng có áo dài như cái áo ngắn kéo dài vạt xuống quá đầu gối.

Nét đặc sắc trên trang phục người Tày lại được thể hiện ở những mẫu hoa văn trên vải. Sự pha trộn phối màu một cách tinh tế và hợp lí tạo đồ họa trên mặt vải khiến cho trang phục của người Tày trở nên sinh động và ấn tượng.

 Hồng Phượng

Trang phục của người dân tộc Tày với những nét hoa văn hấp dẫn (Mộng Lân)

Một bộ trang phục đơn gainr, nhưng cũng tạo ra nét riêng biệt của nó. Và mang lại cho người mặc vẻ đẹp thuần khiết. Trang Phục của người Tày đơn giản một sắc chàm, nét đặc sắc thể hiện ở những mẫu hoa văn trên vải của họ.

Nhìn chung nười Tày thường mặc quần áo vải bông nhuộm chàm nên trang phục của họ màu chủ đạo là màu chàm, phụ nữ thường chít khăn mỏ quạ, mặc áo năm thân có thắt lưng, đeo vòng cổ, tay, chân bằng bạc.
Loại vải dệt hoa văn mầu đen trên nền vải trắng là loại vải để may mặt chăn, loại hình trang trí này phổ biến trong các dân tộc nói ngôn ngữ Tày-Thái, mà người ta còn dùng một thuật ngữ để gọi đồ án trang trí hoa văn như thế này là lái ăm - có nghĩa là vằn đồ đan, giống như các vằn nổi trên đồ đan. Họa tiết được kỷ hà hóa là chính để thích hợp với việc dệt trên khung dệt.

 Trang phục cổ truyền của người Tày được làm từ vải sợi bông tự dệt, nhuộm chàm đồng nhất trên trang phục nam và nữ, hầu như không có hoa văn trang trí. Không ai rõ nghề dệt thổ cẩm của người dân tộc Tày có từ bao giờ, mà chỉ biết những tấm vải thổ cẩm do chính họ dệt ra từ lâu đã nổi tiếng với những hoa văn đẹp mắt, sặc sỡ, mang đậm sắc thái dân tộc.
Nguyên liệu chính để dệt thổ cẩm là sợi bông nhuộm chàm và tơ tằm nhuộm màu. Tuy nhiên, do giá tơ tằm đắt nên ngày nay người dệt thổ cẩm dùng len có chi phí thấp hơn để thay thế. Quy trình dệt thổ cẩm hoàn toàn thủ công và chính đôi tay khéo léo và sự nhẫn nại của người phụ nữ Tày mà những tấm thổ cẩm nên hình nên dạng vô cùng đặc sắc. Từ những tấm thổ cẩm tự tạo ấy người phụ nữ Tày may thành mặt chăn, mặt địu, khăn trải giường và nhất là những bộ trang phục đặc sắc của dân tộc.

Bố cục họa tiết theo phương pháp ô quả trám có các đường viền xung quanh tạo thành các đường diềm gãy khác. Trong các ô quả trám là họa tiết cách điệu hóa hình họa, hình ngọn rau bầu, bí, là loại cây có liên quan nhiều đến nền văn hóa cổ, tín ngưỡng cổ của nhiều cư dân nông nghiệp ở phía Bắc nước ta, trong đó có người Tày. Các dân tộc Thái, Lào, Lự ở nước ta phát triển loại hình trang trí này rất đa dạng, phong phú.

Trên cơ sở của loại bố cục hoa văn một mầu đen trên nền trắng như thế này, người Tày lại phát triển trang trí theo một hướng khác, gài mầu vào từng đoạn họa tiết, từng mảng họa tiết tùy trình độ thẩm mỹ, ý thích của người dệt trên khung dệt thủ công, có tên gọi là thổ cẩm, mang ý nghĩa là một loại gấm của địa phương.

Thổ cẩm có loại hình vuông để may mặt địu, có thể thức bố cục hoa văn đăng đối tuyệt đối, bao gồm những diềm và hoa văn bỏ ô ở khu vực trung tâm trang trí. Ngoài ô quả trám đã xuất hiện các biến thể như ô hình tám cạnh, hình vuông, hình chữ nhật, tạo cho đồ án trang trí có đường nét cấu tạo phong phú hơn, đa dạng hơn.

Có loại thổ cẩm bố cục hình chữ nhật để làm mặt chăn, màn che. Những tấm màn che mà vị trí là ở các nơi thờ cúng tổ tiên, người ta thể hiện các đề tài liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo, như thêm đường diềm ở phía trên - tương ứng với cõi Trời, có hình các vị thần linh, bảo hộ cho sự sống bình an của con người hoặc thêm đường diềm ở phía dưới - tương ứng với cõi Đất, có hình con ngựa, con chim là những hình tượng biểu trưng cho cuộc sống, cỏ cây, muông thú trên mặt đất như quan niệm về vũ trụ của dân gian.

Ngoài ra, còn có nhiều họa tiết khác nữa, như các chữ Hán-theo kiểu chữ triện, hồi văn phật giáo-chữ Vạn, Hoa đào, Hoa cúc cách điệu, hình mặt trời, ngôi sao tám cánh v.v.

Mầu sắc rực rỡ, sự phối hợp các màu nguyên sắc có độ tương phản cao bên nhau khá mạnh bạo. Có những hòa sắc trầm, dịu, hoặc sáng tươi, các sắc thái khác nhau cho thấy thổ cẩm Tày không gò bó trong quy thức hòa màu hạn chế nào, cho thấy sức sáng tạo phong phú và đa dạng của nghệ nhân nhiều thế hệ, đó cũng là những dấu ấn của sự phát triển trong trang trí dệt dân gian của người Tày để đáp ứng những nhu cầu của cuộc sống ngày một đa dạng phong phú, về các mặt văn hóa tinh thần và vật chất của dân tộc.

Bố cục hình vuông của thổ cẩm, bố cục hình chữ nhật của loại thổ cẩm làm mặt chăn hoặc màn che có quy định phía trên phía dưới - là những bố cục riêng có trong trang trí dệt của người Tày, mà các dân tộc anh em không có.

Họa tiết được kỷ hà hóa là chính để thích hợp với việc dệt trên khung dệt. Bố cục họa tiết theo phương pháp ô quả trám có các đường viền xung quanh tạo thành các đường diềm gãy khác. Trong các ô quả trám là họa tiết cách điệu hóa hình họa, hình ngọn rau bầu, bí, là loại cây có liên quan nhiều đến nền văn hóa cổ, tín ngưỡng cổ của nhiều cư dân nông nghiệp ở phía Bắc nước ta, trong đó có người Tày. Trên cơ sở của loại bố cục hoa văn một mầu đen trên nền trắng như thế này, người Tày lại phát triển trang trí theo một hướng khác, gài mầu vào từng đoạn họa tiết, từng mảng họa tiết tùy trình độ thẩm mỹ, ý thích của người dệt trên khung dệt thủ công, có tên gọi là thổ cẩm, mang ý nghĩa là một loại gấm của địa phương.

Trên mặt chăn hoặc màn che mà vị trí là ở các nơi thờ cúng tổ tiên, người ta thể hiện các đề tài liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo, như thêm đường diềm ở phía trên - tương ứng với cõi Trời, có hình các vị thần linh, bảo hộ cho sự sống bình an của con người hoặc thêm đường diềm ở phía dưới - tương ứng với cõi Đất, có hình con ngựa, con chim là những hình tượng biểu trưng cho cuộc sống, cỏ cây, muông thú trên mặt đất như quan niệm về vũ trụ của dân gian. Bố cục hình vuông của thổ cẩm, bố cục hình chữ nhật của loại thổ cẩm làm mặt chăn hoặc màn che có quy định phía trên phía dưới - là những bố cục riêng có trong trang trí dệt của người Tày, mà các dân tộc anh em không có.

Ngày nay, trang phục truyền thống Tày vẫn phổ biến nhất là trong các ngày lễ cổ truyền, nhưng áo cánh, áo sơ mi vẫn được nhiều thanh niên mặc, còn trong ngày thường, họ mặc trang phục gần như người Kinh.

Mộng Lân

Wednesday, May 3, 2017

Nhà sàn truyền thống của người Tày ở Đông Bắc Việt Nam (Sơn Anh)

Cuốn sách Nhà sàn truyền thống của người Tày ở Đông Bắc Việt Nam của tác giả Ma Ngọc Dung được Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành năm 2004 đã giới thiệu với độc giả những nét đặc trưng, nghệ thuật kiến trúc độc đáo nhà sàn của người Tày vùng Đông Bắc.
Tác giả đã mô tả khá chi tiết về nguồn nguyên liệu làm nhà, cấu trúc chung ngôi nhà sàn của người Tày, quy trình làm một ngôi nhà sàn, những điều kiêng kỵ liên quan đến ngôi nhà sàn... giúp người đọc hình dung khá rõ về tập quán sinh hoạt của người Tày trong ngôi nhà sàn.

Tác giả đã có sự đánh giá tương đối tổng quát về những đặc trưng văn hóa của người dân vùng Đông Bắc, trong đó nhà sàn của người Tày là một biểu tượng độc đáo gắn liền với đời sống sinh hoạt tín ngưỡng của người Tày. Người Tày rất coi trọng ngôi nhà sàn, không chỉ là nơi ở có khả năng chống thú dữ và tạo năng lượng sống cho con người mà đó còn là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng thiêng liêng. Do đó, người Tày thường có những kiêng kỵ liên quan đến ngôi nhà sàn. Những kiêng kỵ đó vừa mang tính tâm linh nhưng cũng rất khoa học, rất đúng về quan hệ đạo đức xã hội. Trong việc chọn cây làm nhà, người Tày luôn kiêng sử dụng các loại cây cụt ngọn, cây sâu gốc, cây có tổ kiến, nhất là chọn cây làm cột cái và chọn cây để chẻ lạt buộc dui mè lợp mái. Điều này được lý giải rằng, cây cụt ngọn, sâu gốc là cây yếu, gỗ không tốt khi làm nhà sẽ không bền  lâu, khó chống chọi được với thiên nhiên khắc nghiệt. Cây nứa, tre mà cụt ngọn sẽ rất giòn, làm lạt buộc không nên. Hơn nữa, cây mà cụt ngọt khác gì nhà không có nóc mà nhà không có nóc thì tôn ti trật tự còn đâu. Cây sâu gốc thì không vững bền, gia chủ khó bề làm ăn. Trong sinh hoạt hàng ngày do đã có sự phân chia khu vực riêng trong ngôi nhà sàn cho từng đối tượng, nhất là đối với phụ nữ nên không ai được vi phạm. Người Tày không cho phép đàn ông (trừ người chồng) được phép vào buồng của phụ nữ để tránh những điều tiếng không đáng có...

Người Tày thường rất kỹ lưỡng trong việc chọn hướng làm nhà. Nhà sàn bao giờ cũng tựa lưng vào núi, hướng ra sông, suối. Mỗi nhà sàn được cấu tạo khuôn viên riêng, trong khuôn viên có một nhà chính, có sàn phơi, nhà kho. Nhà sàn của người Tày thường lợp bằng cỏ gianh, nứa, lá cọ hoặc ngói tùy vào điều kiện của mỗi gia đình. Trong khuôn viên chỉ có một cổng duy nhất ở phía chái chính. Xét về cấu trúc chung, nhà sàn của người Tày thường có 5 gian, 3 gian hoặc 1 gian hai chái, mái chéo hình lưỡi rìu, thấp so với mặt sàn. Xung quanh sàn nhà bưng kín bằng tre, nứa hoặc ván gỗ, ít cửa sổ. Bộ vì kèo 3, 5, 7 cột kê hoặc những biến thể 2, 4, 6 cột. Cấu trúc mặt bằng chung được chia làm 5 phần chính, lấy bếp sinh hoạt giữa nhà làm trung tâm... Nhà sàn Tày ở huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang được chia theo chiều ngang, các khu vực sinh hoạt được bố trí theo nguyên tắc phía ngoài của nam giới, phía trong của nữ giới. Tuy nhiên, về cấu trúc khung nhà ở Chiêm Hóa có phần cải tiến, bộ vì kèo 6 cột cải biến từ 7 cột chốn 1, mái nhà cao, cửa sổ rộng, gầm sàn thoáng, không nhốt gia súc. Sự cải biến này khiến nhiều người cho đó là điển hình của ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày bởi có sự cách tân nhưng vẫn giữ được những nét cơ bản của ngôi nhà sàn truyền thống.

Cuốn sách thực sự hữu ích đối với việc bảo tồn giá trị kiến trúc nhà sàn của người Tày trong sự nghiệp đổi mới. Đặc biệt, hiện nay trước yêu cầu của công tác bảo vệ rừng thì phát triển nhà sàn của người Tày theo kết cấu bê tông là rất cần thiết nhưng vẫn giữ được nét truyền thống, tạo không gian sinh hoạt văn hóa bản sắc vẫn được người Tày ở các địa phương đón nhận.     
Sơn Anh

Độc đáo kiến trúc nhà sàn dân tộc Tày ở Lào Cai (Hồng Hải)

Xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên - Lào Cai) có trên 900 gia đình dân tộc Tày thì hiện nay vẫn còn đến 700 ngôi nhà sàn truyền thống. Nhà sàn thể hiện nét độc đáo trong văn hoá kiến trúc dân tộc Tày, là thước đo không chỉ đánh giá sự giàu có mà còn là căn cứ để xác định đâu là người Tày cư trú lâu đời nhất vùng.

Nằm ở vị trí Đông Bắc của huyện Bảo Yên, Nghĩa Đô cách trung tâm Phố Ràng 30km theo trục quốc lộ 279, nơi đây có 6 dân tộc cư trú gồm: Tày, Nùng, Kinh, Phù lá, Mông, Dao, trong đó dân tộc Tày là những cư dân đến định cư sớm nhất, có dân số đông và văn  hoá Tày cũng là văn hoá chủ đạo, mang đặc trưng của vùng đất Nghĩa Đô. Không giống với phương cách sống du canh du cư của nhiều dân tộc thiểu số khác, người Tày luôn có tư tưởng ổn định về nơi ở, từ đó mới tính chuyện làm nương trồng ngô lúa. Từ quan niệm đó đã hình thành nên nét độc đáo trong văn hoá kiến trúc nhà sàn. Ngôi nhà sàn không chỉ là nơi cư ngụ truyền đời của gia đình, dòng họ người Tày mà còn là cái nôi diễn ra các sinh hoạt văn hoá truyền thống như tục trọc sàn leo cột của những đôi nam nữ yêu nhau, các hình thức diễn xướng dân gian như hát giao duyên, múa dệt cửi, nhặt trám, hát nôm Tày, là nới trú ngụ và thờ cúng tổ tiên, v.v…

Nét độc đáo trong kiến trúc nhà sàn dân tộc Tày - Nghĩa Đô trước hết thể hiện ở những kiểu nhà. Hiện nay kiến trúc nhà sàn dân tộc Tày nơi đây tồn tại 4 kiểu khác nhau gồm: nhà Lều - là loại nhà có kết cấu đơn giản và sơ khai nhất của người Tày; nhà Quan ma là loại nhà sàn thường có 4 gian với đặc điểm cột được chôn sâu xuống đât, được biến thể từ kiểu nhà lều nhằm bảo vệ con người và vật nuôi khỏi thú dữ; nhà Cai tư là kiểu nhà biến thể tiếp của nhà Quan ma với đặc điểm thường có 5 gian (3 gian chính và 2 gian trái), cột nhà được kê bằng đá tảng; Nhà Con thong là loại nhà phổ biến nhất hiện nay. Ngôi nhà Con thong có tính năng vượt trội so với các kiểu nhà trước đó là không phải dùng nhiều cột gỗ to mà chỉ dùng 8 cột chính và 16 cột quân, diện tích sử dụng nhà rộng rãi hơn nhà Cai tư rất nhiều. Về kiểu dáng thì nhà Con thong cơ bản vẫn giống như nhà Cai tư, nhưng có thêm một hành lang chạy dọc theo sàn nhà, làm cho ngôi nhà bên cạnh sự vững chãi vẫn có vóc dáng mềm mại, có tính thẩm mỹ cao.

Cầu thang lên nhà sàn làm bằng gỗ và thường có 9 bậc, mỗi bậc tượng trưng cho một vía của người phụ nữ Tày. Khi đón khách quý, chủ nhà phải xuống tận chân cầu thang chào mời khách lên nhà, khi khách lên cầu thang chủ nhà cũng phải đi sau để bảo vệ và hướng dẫn cho khách.

Nghệ thuật bài trí trong nhà sàn cũng mang nhiều nét đặc trưng riêng cho văn hoá Tày - Nghĩa Đô. Nhà sàn người Tày thường đặt 3 bếp: một bếp đặt ở gian chính giữa ngôi nhà, đây là bếp chính dùng để tiếp khách và là nơi giữ lửa cho tất cả các bếp khác cũng như sưởi ấm cho cả gia đình; bếp thứ hai được đặt cạnh giường của người già với mục đích giữ ấm trong mùa đông; bếp cuối cùng dùng để chế biến thức ăn, bếp này thường được dựng ở một gian riêng. Bên cạnh đó, người Tày cũng thờ ma bếp ở ngay góc bếp hoặc cắm ống nhang vào bức vách thẳng khuôn bếp nhưng về vách phía sau gọi là “sỏi lội”.

Một nét độc đáo nữa trong cấu trúc ngôi nhà sàn người Tày nơi đây là phong tục dựng nhà theo thỏi (tức dòng dõi, nguồn gốc xuất xứ). Điều này liên quan đến nguồn gốc của người Tày - Nghĩa Đô từ xa xưa khi mới đến định cư sinh sống tại vùng đất này. Ông Ma Thanh Sợi - nghệ nhân dân gian dân tộc Tày ở Nghĩa Đô cho biết: Theo truyền thuyết, xưa kia khi nhóm người Tày từ phía Đông Bắc di cư đến đất Nghĩa Đô, họ muốn dừng lại để sinh sống nên phải lần theo ngọn cây về ở dưới gốc cây, sau chặt phá cây làm lều lán, dựng nhà cửa để ở. Về sau xây dựng thành thỏi, thỏi ấy có một tập quán là vào ngọn ở gốc. Họ đặt ra một quy định là nhà ở chỉ có một cửa ra vào ở đầu cầu thang lên xuống. Đi lên hết cầu thang bước vào cửa nhà, đi sâu vào trong nhà để ở. Từ đấy tất cả vật liệu để làm nhà bằng tre, nứa, gỗ... đều lấy đầu ngọn quay về cửa ra vào (vào ngọn, ở gốc). Những dân tộc khác đến sau cũng học cách là nhà sàn của dân tộc Tày nhưng các vật liệu để làm nhà lại quay gốc ra phía cầu thang để phân biệt mình là người đến sau. Đặc điểm này làm nên nét đặc trưng rất riêng biệt trong văn hoá dựng nhà của người Tày – Nghĩa Đô so với các dân tộc khác.

Trải qua sự phát triển hàng thế kỷ, người Tày - Nghĩa Đô vẫn không ngừng sáng tạo để cải tiến ngôi nhà của mình sao cho nó phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như cuộc sống lao động sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn không quên gìn giữ những nét đặc trưng truyền thống. Chính điều này đã tạo dựng nên một phong cách riêng của dân tộc Tày được thể hiện trước hết trong nghệ thuật kiến trúc nhà sàn.

 Hồng Hải

Kiến trúc nhà sàn của người Tày Đông hồ (Anh Thư)

Nhà sàn là loại hình kiến trúc độc đáo và chủ yếu của người Lạc Việt xưa. Qua bao đời truyền lại, ngôi nhà sàn vẫn luôn là người bạn gắn bó thân thiết trong đời sống của nhiều cộng đồng dân tộc như: Thái, Mường, Cao Lan, Khơ Mú, Tày, Nùng…

Cầu thang nhà sàn người Tày.
Sự ra đời của kiến trúc nhà sàn cũng rất đặc biệt. Nó bắt nguồn từ sự tích thần Rùa đã dạy cho con người cách dựa vào hình dáng của thần mà làm nhà. Yên Bái - nơi có tới 30 dân tộc cùng sinh sống nên cũng có rất nhiều kiểu kiến trúc nhà sàn khác nhau, tạo nên những sắc thái văn hóa đa dạng và phong phú, trong đó kiến trúc nhà sàn của người Tày vùng Đông hồ lại mang nét độc đáo riêng.

Đông hồ là vùng đất trù phú, giàu bản sắc văn hoá bên tả ngạn sông Chảy. Đây cũng là nơi sinh sống, quần tụ bao đời nay của nhiều cộng đồng dân tộc, trong đó đông nhất là dân tộc Tày.

Với kho tàng văn hoá dân gian phong phú và tập tục có nhiều nét đặc trưng còn lưu giữ được như trường ca Khảm hải, lễ hội Lồng tồng, những điệu xòe cổ, những bài khắp, cọi, lượn, si mượt mà, tình tứ…, trang phục với khăn, váy, áo nhuộm chàm…, người Tày đã chứng tỏ họ là những cư dân bản địa lâu đời và là một trong những dân tộc có mặt đầu tiên ở vùng sông Chảy. Giữa màu xanh thiên nhiên núi rừng, những nếp nhà sàn người Tày vẫn tồn tại như một minh chứng rõ nét nhất về sức sống lâu bền của văn hóa Tày Đông hồ truyền thống.

Nhà sàn của người Tày Đông hồ là một không gian văn hóa rất đặc biệt. Cầu thang giữ một vai trò quan trọng không thể thiếu. Trong đời sống tâm linh của người Tày Đông hồ, 7 hay 9 bậc cầu thang là sự thể hiện số lượng con vía. Vía chính là sợi dây nối sự sống và cái chết của con người. Bởi vậy, bậc cầu thang chính là cầu nối giữa hai thế giới bên trong và bên ngoài của ngôi nhà.

Số lượng bậc thang có thể khác nhau; vị trí cầu thang cũng có thể ở bên phải hoặc bên trái ngôi nhà (tuỳ theo thế đất, vị trí dựng nhà) nhưng số bậc cầu thang nhất định phải là số lẻ. Khi bước lên sàn ngôi nhà của người Tày Đông hồ, bạn sẽ thấy ngay một ban thờ nhỏ đặt trang trọng hướng ra phía trước ngôi nhà. Đó chính là ban thờ ông tổ bảy đời của người Tày Đông hồ và trong quan niệm tâm linh của họ thì những người đời trước khi mất đi sẽ trở thành người canh cửa, bảo vệ cho con cháu khỏi những điều xấu từ bên ngoài vào.

Chái ngoài gần cửa vào là nơi tiếp khách. Bao giờ chủ nhà cũng ngồi ở phía trên cùng, bên trong, vừa để tiện rót nước, vừa tiện bao quát cả không gian ngôi nhà. Nhà sàn của người Tày Đông hồ có rất nhiều cửa sổ. Thường là dãy cửa sổ nối tiếp nhau chạy bao quanh ngôi nhà. Những cửa sổ này vừa để đón gió, vừa mang ánh sáng vào khắp không gian.

Trước kia các cửa sổ thường làm bằng phên liếp (chống lên, hạ xuống) còn ngày nay, khi điều kiện vật chất đã khá hơn thì các cửa sổ được thay bằng khung gỗ. Hệ thống cửa sổ này cùng với các chấn song đã tạo thành vách nhà nên có thể nói ngôi nhà sàn của người Tày Đông hồ rất thoáng mát và chan hoà với thiên nhiên. Dát nhà cũng tạo nên sự thoáng mát bởi vật liệu được làm chủ yếu từ tre, bương, có khi làm bằng gỗ với những nhà có điều kiện.

Trong ngôi nhà sàn của người Tày Đông hồ, bốn cột ở gian chính giữa được gọi là cột cái bởi chúng là những cột to nhất và giữ vai trò trụ cột. Nhưng điều đặc biệt là bốn cột này không bao giờ được làm từ cùng một loại gỗ mà ít nhất là từ hai loại trở lên. Gian chính là nơi quan trọng nhất trong ngôi nhà sàn người Tày Đông hồ.

Ban thờ tổ tiên luôn có vị trí trang trọng nhất ở gian chính và lúc nào cũng phải đặt cùng phía với cầu thang lên nhà. Đây là một nét độc đáo riêng biệt so với kiến trúc nhà sàn của các dân tộc khác. Chính vì vị trí ban thờ như vậy nên người Tày Đông hồ không bao giờ bố trí buồng ngủ ở ngay gian chính.

Một nét độc đáo nữa là trên xà ở chái ngoài hoặc gian chính của bất cứ ngôi nhà sàn người Tày Đông hồ nào cũng có một bồ vía. Bồ vía trông giống như bồ đựng thóc thu nhỏ (chiều cao 20cm còn đường kính khoảng 15cm), trên đó có treo 7 hoặc 9 chiếc giỏ nhỏ xíu. Người Tày Đông hồ quan niệm rằng, nếu như bồ thóc nuôi sống thể xác thì bồ vía chính là nơi lưu giữ các con vía, nuôi vía cho khoẻ mạnh, không đi đâu xa… để những người sống trong ngôi nhà ấy luôn được dồi dào sức khỏe.

Gian chính còn là nơi cả gia đình quây quần tụ họp đông đủ, cùng ngồi trò chuyện hoặc sum vầy bên mâm cơm ấm cúng. Trước kia, giữa gian chính là một bếp lửa. Bếp lửa hồng giữa nhà như trái tim nuôi dưỡng và sưởi ấm cả về vật chất và tinh thần cho mọi người trong gia đình nhưng ngày nay, để tiện cho sinh hoạt thì bếp lửa đã có một vị trí mới ở khu bếp riêng ngay cạnh chái nhà trong cùng. Trước kia ngôi nhà sàn của người Tày Đông hồ còn có sạp nước và sạp phơi bên cạnh chái nhà hoặc cạnh mặt sau nhà nhưng hiện nay đa phần nhà nào cũng có khu sinh hoạt và sân phơi riêng biệt, không gắn liền với nhà chính như kiểu kiến trúc trước đây.

Hiện nay cũng không còn nhiều nhà giữ được máng nước ngay đầu hồi cầu thang lên sàn… nhưng ngôi nhà sàn của người Tày Đông hồ vẫn luôn là tài sản vô giá - một nét đẹp độc đáo cần được gìn giữ và phát huy. Trong sự đổi thay của cuộc sống ngày càng hiện đại hơn, những mái nhà sàn thấp thoáng, những bản làng không bao giờ ngớt lời khắp, cọi da diết… sẽ là nơi để mọi người tìm về với những nét đẹp vốn có bao đời nay của cha ông.

Anh Thư