Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất: ₪ Dân tộc Xơ Đăng
Showing posts with label ₪ Dân tộc Xơ Đăng. Show all posts
Showing posts with label ₪ Dân tộc Xơ Đăng. Show all posts

Wednesday, August 3, 2016

Lễ ăn trâu của người Xơ Đăng (Đàm Minh Phiếu)

Lễ ăn trâu (Ting Ka Kpô), hay còn gọi là lễ đâm trâu, là phong tục rất phổ biến của đồng bào các dân tộc thiểu số ở đại ngàn Trường Sơn. Người Xơ Đăng ở vùng núi Quảng Nam đến nay vẫn duy trì lễ hội mang đậm nét văn hóa độc đáo này. Tuy nhiên, đằng sau lễ hội vẫn còn nhiều điều suy ngẫm…
Lễ ăn trâu của người Xơ Đăng có từ lâu đời, là lễ cúng thần linh bằng thịt và máu của con trâu, tạ ơn thần ban mùa màng bội thu, xua đuổi bệnh tật, đem lại sự may mắn cho người thân trong gia đình và dân bản. Trong thời gian diễn ra lễ hội, tất cả bà con dân tộc Xơ Đăng trong làng đều đến vui chơi, ca hát và ăn uống trong mấy ngày liền.

Chuyện của đại ngàn
Lễ ăn trâu là sinh hoạt văn hóa cộng đồng độc đáo, thu hút mọi tầng lớp dân làng Xơ Ðăng, nói lên trọn vẹn ước mơ về cuộc sống hạnh phúc, ấm no. Điều đó được thể hiện qua bài hát cúng trong lễ:
“Hỡi dân làng
Ta hãy vào hội làng làm lễ Ăn trâu
Nào các chàng trai
Ta lên rừng chặt cây
Nào các cô gái
Ta lên núi bứt dây
Cả làng góp sức chung tay
Ra công ta dựng cây Kang (cây nêu - PV) tuyệt vời”.

Không chỉ kêu gọi chàng trai, cô gái, mà trong lễ ăn trâu, cả các nàng tiên và ông trăng cũng được gọi về tham gia lễ:
“Chiêng ơi, trống hỡi
Hãy vang lên chín tầng mây biếc
Hãy rền xa đến chân trời xanh
Cho ông trăng xuống nhanh cùng dân làng uống rượu
Cho nàng tiên dưới biển cùng tề tựu ăn trâu
Tiết trâu đã xoa lên đầu
Cầu cho dân làng sống lâu mạnh khỏe
Hồn trâu đã ghé khắp nơi
Cầu cho đầy chòi lúa ngô...”.

Riêng ca từ bài hát cũng đủ cho thấy đây là lễ hội tổng hợp nhiều loại hình nghệ thuật như: âm nhạc, múa hát, cồng chiêng, nghệ thuật tạo hình..., gắn bó chặt chẽ với vòng đời con người và quy trình sản xuất theo mùa vụ. Ngoài việc mang bản sắc văn hóa truyền thống, lễ ăn trâu còn là môi trường quan trọng tạo ra sự gắn kết cộng đồng về mọi mặt trong đời sống của dân tộc Xơ Đăng.

Không như các dân tộc khác ở Trường Sơn - Tây Nguyên, người Xơ Đăng hiện ăn trâu không còn mang tính cộng đồng như trước (Cả làng đâm trâu hiến sinh nhân dịp chiến thắng kẻ thù, mừng nhà rông mới, mừng mùa màng bội thu). Giờ đây, mỗi gia đình trong làng tự đứng ra tổ chức. Đây là nét khác biệt rất lớn của người Xơ Đăng đối với các dân tộc khác ở Trường Sơn - Tây Nguyên.

Người Xơ Đăng có nhiều lý do để ăn trâu, lần này gia đình ông ăn trâu để cầu xin thần linh ban sự yên lành, may mắn và sức khỏe. Măng Tông là một trong những nóc nghèo nhất xã, có 7 hộ gia đình với gần 40 nhân khẩu sinh sống. Từ năm 1999 đến nay, đã có 6 lượt gia đình làm lễ ăn trâu. Mỗi lần làm một lễ ăn trâu rất tốn kém. Gia đình phải chuẩn bị trâu khỏe mạnh, rượu cần, heo, gà, vịt, lúa… đủ để đãi người dân trong bản, trong nóc và các nóc khác đến dự lễ. Năm nay, từ trước lễ vài tháng, gia đình phải chuẩn bị con trâu trị giá gần 20 triệu đồng, cùng 27 ché rượu cao bằng con nai rừng, mấy gùi nếp thơm và cả heo, gà, vịt...

Điều đáng nói là hiện người Xơ Đăng còn giữ những hũ tục như trước khi đâm trâu, các thành viên trong gia đình thay nhau nhổ nước bọt vào hậu môn con trâu để xua đuổi tà ma, bệnh tật. Bên cạnh đó, sau khi đâm chết, trâu được mổ ra, máu ứ trong tim của trâu và gan trâu được gia chủ lấy bôi lên tóc và khắp người các thành viên trong gia đình. Phần còn lại đem rải quanh nhà để cúng thần linh.

 Đàm Minh Phiếu (sưu tầm)

Trang phục trẻ em tộc người Xơ Đăng (Chu Văn Bàng)

Trang phục trẻ em tộc người Xơ Đăng

Trước kia trẻ em người Xơ Đăng khi còn nhỏ hầu như không có trang phục riêng. Khi được 9-10 tuổi các em trai cũng mặc không như người lớn, các em gái mặc áo, váy như người lớn cùng giới nhưng ít trang trí hoa văn hơn.

Khố trẻ em người Xơ Đăng được dệt bằng sợi bông, mịn, dài 388cm, rộng 29cm. Hai bên rìa khố trang trí mỗi bên 6 đường dệt màu trắng, đen chạy song song trên nền đỏ dọc theo chiều dài của khố.

Hai đầu khố dệt dải hoa văn ngang rộng 2,5cm với các kiểu hoa văn như: Hình con giun, hình hoa ngô cách điệu, tiếp đến là hoa văn chuỗi hạt cườm được đính hai hàng theo chiều thẳng đứng.

Cuối cùng là tua bằng các sợi chỉ xanh, đỏ, tím, vàng, đen dài l0cm.
Hiện nay trẻ em Xơ Đăng nói riêng và trẻ em các tộc người khác sinh sống ở miền Trung, Tây Nguyên ít mặc trang phục dân tộc.

 Chu Văn Bàng (sưu tầm)

Tín ngưỡng cúng Thần lúa của người Xơ Đăng, Quảng Nam (Hoàng Thị Vinh)

Tín ngưỡng về Thần lúa của ngưi Xơ Đăng luôn tồn tại cùng các lễ thức dân gian mang tính tâm linh trong các lễ hội cổ truyền, vừa phản ánh nhân sinh quan, thế giới quan của ngưi Xơ Đăng từ bao đời nay…
Đồng bào dân tộc Xơ Đăng vùng núi Quảng Nam sinh sống chủ yếu tại ba xã: Trà Cang, Trà Nam và Trà Linh thuộc huyện miền núi Nam Trà My. Cuộc sống của đồng bào Xơ Đăng nơi đây chủ yếu dựa vào các thung lũng ruộng bậc thang, trồng trọt và canh tác nương ry xung quanh plơi (làng).

Đời sống của đồng bào Xơ Đăng còn khó khăn, thiếu thốn về nhiều mặt nên những gì đồng bào không giải thích được, họ đều viện vào ở các đấng siêu nhiên, thần linh hoặc các lễ thức tín ngưỡng dân gian khác... để cầu mong các đấng siêu nhiên, thần linh... đó phù hộ và chở che cho cuộc sống ngưi Xơ Đăng luôn được yên lành, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt. Từ đó sinh ra nhiều nghi lễ, tín ngưỡng dân gian và đã ăn sâu vào tiềm thức để hôm nay vẫn còn in đậm dấu ấn và mãi trường tồn trong tâm thức của cộng đông dân tộc Xơ Đăng nơi đây.

Thần lúa đóng vai trò quan trọng nhất trong đời sống của đồng bào Xơ Đăng. Họ cho rằng: Mỗi mùa rẫy, việc sản xuất thuận lợi lúa, bắp đầy kho đều do Thần lúa ban tặng hoặc gặp phải thất thu cây lúa, cây bắp cho ít hạt là do Thần lúa giận hờn hay trách vì dân làng có những lời xấu đối với Thần Sơri. Nên vào mùa lúa trĩu hạt, đồng bào Xơ Đăng nơi đây có tục ăn mừng lúa mới với nghi thức rước hồn lúa diễn ra khá long trọng. 

Mỗ
i làng đng bào Xơ Đăng thường có từ 15 đến 20 nóc và mỗi nóc thường có từ 8 đến 10 gia đình cùng sinh sống. Họ ở nhà sàn, mái thấp, lợp bằng lá nón. Nhà ở thường xúm xít gần nhau, xen vào giữa là những kho thóc của từng gia đình. Theo truyền thống, bà chủNóc là người duy nhất được săn sóc đến các lễ thức liên quan đến hồn lúa. Cũng có những nơi, công việc đó do ông chủ Nóc hay những người già có kinh nghiệm mà sức khỏe còn tốt am hiểu phong tục tập quán đảm nhận. Các cây chọc lỗ dùng xong được dựng lại đó để bảo vệ hồn lúa. Lúa giống được để vào một chiếc gùi dưới chân một cây nêu mà trên ngọn có cắm bông lau, tưng trưng cho hoa lúa. Các gia đình trong nóc được phân phát dần thứ lúa đó để trỉa trên rẫy. Bao giờ người ta cũng để một ít giống nhằm tổ chức một bữa ăn mời bạn bè đến dự và trong bữa ăn đó, họ tổ chức lễ đầu mùa để mời người sống, các vong hồn, các thần linh về tham dự, và tiễn đưa hồn lúa lên rẫy để hồn tác động đến cây trồng.

Kho thóc của người Xê Đăng nằm biệt lập, xa làng và khu dân cư nhưng không bao giờ mất cắp.

Khi thu hoạch, lễ đưa hồn lúa về kho cũng được coi trọng. Tục căng dây đưa hồn lúa về kho của đồng bào Xơ Đăng được tổ chức chu đáo. Những nơi qua suối đều phải bắc cầu (cầu tượng trưng cho hồn lúa đi). Ở những ngã ba phải cắm hoa làm dấu chỉ đường cho hồn lúa, khi đến kho, cũng phải bắc cầu cho hồn lúa lên, sau khi sửa soạn chỗ nghỉ chu đáo cho hồn lúa trong kho thóc. Họ phải bảo vệ không cho lúa dính nước khi tiến hành các nghi lễ. Có nơi còn giữ không động chạm tới nước trong thời gian tuốt lúa. 
Mùa thu hoạch xong, sau lễ ăn cơm mới người Xơ Đăng chuẩn bị cho những tháng nghỉ ngơi. Trong những tháng nghỉ ngơi đó, người Xơ Đăng đỏ lửa lò rèn tranh thủ rèn các công cụ phục vụ sản xuất. Hoặc nay ở nhà này, mai ở nhà khác, ngày ở làng này, đêm sang làng khác, dự lễ ở mọi nhà, ở nhiều làng. Mọi người vui say và quên đi những ngày lao động mệt nhọc. Họ hò reo, ca hát, đánh cồng đánh chiêng cầu mong mùa màng sang năm được tốt tươi, lương thực sẽ thừa thãi…

Hoàng Thị Vinh (sưu tầm)

Khố trang phục truyền thống của cư dân bản địa KonTum (Dương Tường)

Trang phục truyền thống của người Xơ Đăng

Khố là một trong những loại trang phục cổ xưa của các dân tộc bản địa Kon Tum nói riêng và cộng đồng các dân tộc thiểu số khu vực Trường Sơn-Tây Nguyên nói chung. Nó là một tấm vải dài, khổ hẹp dùng để bọc và che vùng hạ bộ bằng cách luồn qua háng, quấn quanh thắt lưng, thả mành mành hai đầu buông dài trước và sau đến gần cổ chân.

Chiếc khố gắn với lịch sử, tập quán ăn mặc, trang phục của nhiều dân tộc. Khố là “cội nguồn” của quần. Trước khi biết đến “mặc quần”, đàn ông các dân tộc bản địa Kon Tum và các dân tộc thiểu số khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên đều một thời mặc khố. Cùng với thời gian và sự phát triển kinh tế - xã hội, nên khố không còn sử dụng trong cuộc sống đời thường mà nó chỉ sử dụng trong các dịp lễ hội của gia đình cũng như cộng đồng làng hoặc được gìn giữ, bảo tồn thành một di sản văn hóa của tỉnh hay văn hóa vùng.

Mặc dù vậy, đôi khi chúng ta cũng bắt gặp những ông già trong những chiếc khố truyền thống giữa đời thường ở một số bản làng xa xôi, nơi còn giữ được những nét hoang sơ truyền thống của núi rừng Kon Tum.

Chiếc khố là hiện tượng văn hóa phổ biến, đồng nhất trong đời sống các dân tộc nơi đây. Khố là thuật ngữ mà người Kinh dùng để chỉ một loại trang phục của cư dân bản địa. Về loại hình thì đều giống nhau, nhưng mỗi dân tộc đều có tên gọi (K’pen, Toi, Sa Lai, P’neo,...), bố cục và trang trí hoàn toàn khác, thể hiện rõ những nét đặc trưng và sắc thái văn hóa riêng của mỗi tộc người. Khố có nhiều loại dài – ngắn khác nhau, trung bình dài từ 3 – 4,5m và rộng từ 20 – 35cm.

Chiếc khố là một phần quan trọng trong tập quán ăn mặc của các dân tộc bản địa Kon Tum. Trước đây, khi chưa biết trồng bông dệt vải, cư dân bản địa đã dùng vỏ cây làm trang phục phục vụ nhu cầu mặc của mình. Đồng bào thường lấy vỏ các loại cây Tơ nưng, Loong roong, cây gió, cây nhai…làm nguyên liệu chế tác. Vỏ cây sau khi bóc về, được đập dập rồi đem ngâm nước vài ngày, sau đó vò và rũ kỹ để lấy sợi, đem giặt sạch phơi khô để chế tác thành sợi dệt nên những bộ trang phục vỏ cây. Khố vỏ cây dệt đơn giản và không cầu kỳ như khố dệt bằng sợi bông. Khố làm bằng sợi vỏ cây thường thô ráp, phần lớn để trơn (màu sợi), chỉ trang trí hai đường chỉ màu đỏ, đen kết hợp với màu nền ở hai bên mép dọc theo thân khố, hai đầu để thừa sợi tạo thành tua một cách rất tự nhiên.

Sau này, khố mới được chải chuốt, thêm thắt bởi sợi bông với các màu sắc khác nhau cùng với các họa tiết hoa văn để làm cho khố chắc hơn, đẹp hơn. Người dân nơi đây đã biết lấy chất liệu bông để chế biến thành sợi và dệt thành vải. Bông sau khi thu hoạch về đem phơi nắng khoảng 2-3 ngày. Sau đó, đem vào dùng dụng cụ cán bông để tách hạt ra rồi dùng sa quay sợi để se thành sợi dệt. Đặc biệt họ lấy mật ong làm một thứ sáp để bôi trơn sợi vải. Quan niệm như vậy là để tạo cho những bộ trang phục sau khi dệt sẽ bền đẹp hơn và có màu sắc rất đặc trưng, mùi thơm của vải cũng rất khác lạ. Chính điều đó tạo nên sự khác biệt rõ nét trên trang phục của các tộc người. Và từ đây mới hình thành các loại khố khác nhau như khố trắng (Khố trắng có 2 loại: khố dệt bằng sợi vỏ cây; khố dệt bằng chỉ trắng), khố đen hay chàm sẫm và loại khố thường (không trang trí hoặc trang trí ít hoa văn), khố lễ (trang trí nhiều màu sắc và các họa tiết hoa văn khác nhau).

Khố vỏ cây

Dù là loại khố nào thì cũng đòi hỏi dệt, may rất công phu và tỉ mỉ. Trước tiên là việc chọn sợi, sợi phải là loại tốt, mịn, đều nhau. Cách nhuộm màu (sợi) còn tỉ mỉ hơn, đồng bào không dùng màu hóa chất mà phải giã rễ, vỏ và lá cây rừng nấu sôi âm ỉ cả một buổi mới lọc bỏ bã rồi để khoảng 30 ngày mới cho sợi vào nhuộm. Sợi ngâm xong thì vớt ra phơi khô rồi lấy vào giặt thử, nếu ra mầu thì phải nhuộm lại, thường phải nhuộm từ 2 -3 lần.

Khố thường

Là loại khố được sử dụng trong các sinh hoạt hàng ngày cũng như khi đi rừng, đi rẫy. Khố dệt với màu đen hay chàm sẫm là màu chủ đạo (màu nền), chạy dài hai mép khố là hai dải trang trí nền đỏ, mỗi dải rộng khoảng 2- 3cm, trên đó phân bố đều 3 dải trắng chạy song hành ở giữa hoặc các dải đỏ trắng xen kẽ nhau. Phía hai đầu để trống hoặc có dệt mộ dải hoa văn nằm ngang, cũng là nền đỏ. Đầu cùng để trơn hoặc có một hàng hạt cườm sáng trắng. Từ đấy buông ra là tua chỉ - đầu cùng của hàng sợi dọc, dài khoảng 25 – 35cm, không có gia cố gì.

Khố lễ

Là loại khố đẹp và quý thường được sử dụng trong các dịp lễ hội. Được dệt với kỹ thuật rất cầu kỳ và tinh xảo. Với các sợi chỉ màu khác nhau trắng, đỏ, đen (chàm sẫm) kết hợp với hạt cườm đã tạo cho khố toát lên một vẻ đẹp rực rỡ. Loại khố này được dệt các đường diềm màu đỏ ở hai bên mép và chính giữa chạy dọc theo thân khố, ở hai đầu khố (dài khoảng 50cm) được dệt các dải băng màu đỏ sặc sỡ ngang thân khố, mỗi dải rộng từ 2 – 3cm và để thừa sợi khoảng 10 - 20cm để tạo thành các tua chỉ. Giữa các dải băng này được để trơn (màu nền) hoặc được đính thêm các hạt cườm màu trắng, đỏ, xanh chàm tạo nên các họa tiết họa văn khác nhau, như đường thẳng và vạch đứng song song, hình thoi, tam giác, ngôi sao cách điệu, rau dớn, gấp khúc, trám lồng...Các hạt cườm ở đây được đính một cách rất khéo léo và trang trí rất hài hòa và nó trở thành một phần không thể thiếu trên chiếc khố. Cuối hai đầu khố để sợi, hoặc đính hạt cườm rồi buông ra là tua chỉ - đầu cùng của hàng sợi dọc, dài khoảng 20 – 25cm, không có gia cố thêm gì.

Chiếc khố không chỉ là vật để che thân, mà nó còn là vật trang trí, làm đẹp cho con người. Quấn chiếc khố này khi đi dự lễ hội được mọi người kính trọng và mến phục, làm rạng rỡ cho gia đình. Khi người chồng đóng loại khố này đi tham gia lễ hội bà con ai ai cũng khen vợ nhà biết dệt, biết thêu, khéo tay kết những hạt cườm thành hoa văn…Bên cạnh giá trị về tinh thần, chiếc khố còn có giá trị lớn về mặt vật chất. Người ta làm ra khố để đổi lấy những vật ngang giá khác. Người phụ nữ giỏi giang, cả nhà không chỉ được mặc đẹp mà còn có cuộc sống ấm no. Nếu chiếc khố thường chỉ đổi được mấy con gà, con heo, thì chiếc khố lễ đẹp nhất đổi được con trâu to, chiếc khố lễ đẹp vừa đổi được 3 ché nhỏ hoặc 3-4 con heo.

Khố - một di sản văn hóa vật chất từ xưa còn tồn tại đến ngày nay là hiện vật sống của mảnh đất Kon Tum hùng vĩ. Khố là bộ phận của văn hóa trang phục. Trong nền xanh của núi, nền xanh của chàm cùng với những sắc màu thổ cẩm rực rỡ và hoa văn tinh tế, phụ nữ nơi đây đã dệt nên những chiếc khố tôn lên vẻ đẹp của con người trước thiên nhiên. Họ đã sử dụng biện pháp gắn hạt cườm lên khố mang vẻ đẹp độc đáo nhưng đầy tính biểu tượng. Nền thổ cẩm rực rỡ ở đầu khố được sáng lấp loáng nhờ những hạt cườm trắng với hoa văn tinh xảo càng làm tăng thêm vẻ đẹp của chiếc khố. Bằng sự khéo léo của đôi bàn tay và những bí quyết đời trước để lại, phụ nữ các dân tộc bản địa đã “vẽ” lên những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình trên từng chiếc khố.

Dù vậy, đã có lúc chiếc khố bị xem là hình ảnh của sự nghèo nàn, lạc hậu, vì thế loại hình trang phục này dần mất đi. Cũng may, hầu hết các dân tộc bản địa Kon Tum còn bảo lưu chiếc khố truyền thống của mình, nhưng nó không còn sử dụng trong cuộc sống đời thường nữa, mà chỉ sử dụng trong các dịp lễ hội của gia đình, cộng đồng làng, thậm chí diễu hành trên phố, biểu diễn trên sân khấu, trong các lễ nghi trang trọng,…của tỉnh và đất nước. Khi xã hội xuất hiện các kiểu trang phục “nửa dơi nửa chuột” (áo dân tộc, quần tây) hay chế tác ra những chiếc “khố văn công”… thì việc giữ gìn, trân trọng chiếc khố truyền thống như một di sản mang dấu ấn cổ xưa nhất của tiền nhân là việc làm cần thiết và cấp bách. Để cứ mỗi độ xuân về, mùa lễ hội, các già làng, trai tráng các dân tộc bản địa lại hãnh diện trong những chiếc khố làm rực rỡ thêm sắc màu văn hóa cổ truyền Kon Tum.

 Dương Tường(sưu tầm)

Rượu Cần của dân tộc Xơ Đăng (Nông Minh Lý)


Đồng bào các dân tộc Bana, Jẻ - Triêng, Brâu, nhất là người Xơ Đăng ở Kon Tum đều uống rượu cần. Có thể nói, rượu cần là sản vật, nghi vật, lễ vật có mặt trong đời sống sinh hoạt, tình cảm và tâm linh của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên núi rừng đại ngàn Tây Nguyên.

Rượu cần được làm thường xuyên, liên tục trong năm, nhưng thường chỉ sử dụng trong những ngày có sự kiện của gia đình hay cộng đồng như: lễ cúng Yàng (thần mặt trời), lễ cưới, lễ tang, lễ cúng bến nước, lễ mừng nhà rông mới... Khi đó, các gia đình trong buôn đều mang theo ghè rượu to nhất, ngon nhất của gia đình mình đến cùng chung vui, tạo nên không khí đầm ấm, kết đoàn của cả cộng đồng. Để có những ghè rượu ngon, người ta phải tiến hành nhiều công đoạn, tính toán cẩn thận từ khâu chuẩn bị nguyên vật liệu đến cách thức nấu, ủ, sao cho rượu đủ chín vào đúng dịp lễ hội.

Trước hết là khâu làm men, người Xơ Đăng có cách thức làm men riêng và chỉ làm men một lần duy nhất vào một ngày trong năm. Ngày đó gọi là "Hăi Pro Ploo". Khi mùa thu hoạch lúa đã xong (vào khoảng tháng 11, 12 dương lịch), người ta chọn ngày tốt (gọi là "Hăi Pro Sơ H'la") làm lễ cúng rồi vào rừng tìm cây, củ rừng về làm men rượu.

Phụ nữ Xơ Đăng đến tuổi trưởng thành ai cũng biết làm men, ủ rượu, nhưng mỗi người có bí quyết riêng để rượu có hương vị độc đáo. Đặc biệt, người Xơ Đăng quan niệm người làm men phải giữ cho thân thể sạch sẽ, không được ngủ chung với vợ (chồng) trong thời gian làm men hay ủ rượu, nhằm tránh tạp uế, ảnh hưởng xấu đến hương vị, chất lượng của men, rượu.

Rượu ngon nhất được làm từ nếp hoặc kê, sau đến sắn, bắp (ngô), tuỳ theo khả năng của từng gia đình. Ngày làm rượu được gọi là "Hăi Pe drô". Công đoạn đầu tiên là nấu chín cơm (kê, bắp, sắn), bới ra nong (nia) cho nguội bớt, giã nhỏ men và trộn đều vào cơm. Sau đó, người ta ủ cơm rượu trong gùi khoảng 4 - 5 ngày cho dậy mùi thơm đặc trưng của rượu. Lúc này mới bỏ cơm rượu vào ghè, có lót lớp trấu dưới đáy, phía trên phủ kín một lớp trấu nữa, rồi dùng lá chuối bịt kín miệng ghè, tránh bay mất mùi, rượu sẽ không ngon. Công việc đến đây coi như hoàn tất, khoảng 5 - 7 ngày sau có thể dùng được, để lâu hơn rượu sẽ càng ngon.

Người Xơ Đăng uống rượu cần không theo sở thích mà đều gắn với nghi lễ nhất định. Vì thế, rượu cần đã trở thành một thành tố quan trọng, một lễ vật trong quy trình của các lễ hội.

Cách uống rượu cần cũng đầy tính nghệ thuật. Từ cách ngồi cũng phải học, làm sao vừa trông hướng, vừa để người khác thưởng thức, chứng kiến sự hiện diện và cách ứng xử văn hóa với mọi người, đồng thời tạo sự thuận tiện cho người phục vụ.

Trong khi uống rượu cần, mối quan hệ giữa các cá nhân và cộng đồng được củng cố chặt chẽ. Nếu có khách phương xa đến chung vui, người Xơ Đăng sẽ thể hiện tình cảm quý trọng và đề cao vị khách của mình bằng cách mời khách uống trước.

Uống rượu cần, ít ai say khướt đến mềm người, nồng độ rượu chỉ đủ làm lâng lâng trong cảm xúc. Nếu thường ngày mối quan hệ của cá nhân nào đó có mâu thuẫn thì trong bầu không khí vui tươi, gần gũi, đoàn kết bên ghè rượu cần, họ sẵn sàng cảm thông và bỏ qua tất cả.

Người Xơ Đăng còn có tục lệ phạt vạ bằng rượu khi ai đó có lỗi lầm, rượu phạt ở nhiều mức khác nhau, tuỳ lỗi. Những ghè rượu nộp phạt sau khi được già làng (chủ lễ) làm lễ tạ tội với Yàng sẽ được mọi người cùng nhau uống vui vẻ.

Sự xuất hiện của rượu cần thể hiện sức mạnh tinh thần. Trong tiệc cưới, rượu cần là biểu trưng cho sợi dây tình nghĩa. Trong lễ tang, rượu cần lại bày tỏ niềm tiếc thương giữa người sống và người chết.

Rượu cần gắn bó và theo suốt cuộc đời mỗi con người và cả cộng đồng. Rượu cần có trong lễ công nhận đứa trẻ là thành viên chính thức của cộng đồng, đến rượu cần trong ngày cưới và rồi rượu cần tưới xuống mồ tiễn biệt người quá cố. Rượu cần là sợi dây liên kết dòng thời gian, lan tỏa trong các thành viên cộng đồng.

Không ai biết rượu cần có từ bao giờ, nhưng bao thế hệ người Tây Nguyên trong đó có người Xơ Đăng đã coi rượu cần là lễ vật không thể thiếu trong đời sống tinh thần và tâm linh. Rượu cần đã làm nên nét văn hóa độc đáo cho vùng đất này.

Nông Minh Lý (sưu tầm)

Bộ trang phục bằng vỏ cây của người Xơ Đăng xưa (Đặng Ngọc Thanh)

Người Xơ Đăng biểu diễn trong bộ trang phục bằng vỏ cây.

Những bộ áo quần bằng vỏ cây được người Xơ Đăng (Kon Tum) xem như báu vật cổ truyền, biểu tượng linh thiêng. Họ ra sức giữ gìn và bảo vệ.
Làng Đăk Ôn (huyện Đăk Glei, Kon Tum) nằm ngay ngã ba Đông Dương, nơi đồng bào dân tộc thiểu số là tộc người Xơ Đăng định cư lâu đời trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Cũng chỉ nơi đây, 9 bộ trang phục bằng vỏ cây có tuổi hàng trăm năm vẫn được lưu giữ qua bao đời mang trong đó tinh thần, văn hóa riêng của người Xơ Đăng.

Những người già dân tộc Xơ Đăng ở làng hiện còn gìn giữ quần áo bằng vỏ cây. Áo quần bằng vỏ cây này được người Xơ Đăng gọi là Kong Kơ Pong. Theo già làng nơi đây kể lại, cách đây khoảng 10 năm, áo quần Kong Kơ Pong còn lưu giữ được khá nhiều nhưng do dân làng không biết, thấy ít sử dụng nên không được bảo quản kỹ dẫn tới hư hỏng. Thời gian gần đây, biết đây là đồ cổ truyền đang bị mai một nên dân làng đã tự nguyện đem những bộ áo quần bằng vỏ cây đến bàn giao cho trưởng thôn giữ gìn và bảo quản. Bởi vậy hiện nay làng Đăk Ôn vẫn còn lưu giữ được 9 bộ áo quần làm bằng vỏ cây nguyên vẹn. Những chiếc áo Kong Kơ Pong có màu vàng ươm rất độc đáo.

Ngày xưa để làm được một chiếc áo bằng vỏ cây, các thiếu nữ trong làng phải vào tận những cánh rừng già nguyên sinh giáp nước bạn Lào để tìm cây L’oongKaPoong (một loại cây giống cây mít rừng). Tìm được cây rồi họ đem về, đập giập lớp vỏ bên ngoài, lột lấy lớp vỏ phía trong rồi đem ngâm nước, rồi phơi khô. Tiếp tục lấy những lớp vỏ khô cho vào nước sôi, nấu lên, đập lại một lần nữa mới tách thành sợi để đan, dệt ra áo quần.

Tìm cây L’oongKaPoong để làm “vải” đã khó, tìm cây PaSănLaPần để làm chỉ khâu lại càng khó hơn vì loại cây này ít, lại mọc rải rác trong những cánh rừng già. Lấy cây về phải cặm cụi chẻ nhỏ ra, tách thành sợi dài rồi bỏ vào cây lồ ô đem nướng trên bếp, nướng càng lâu thì sợi chỉ càng bền. Được biết phải dùng đến 5 cây L’oongKaPoong và 1 cây PaSănLaPần mới làm được một bộ đồ có chiều dài từ 1,2-1,5m.

Thông thường áo được may theo kiểu dáng cổ tròn, không có tay, toàn bộ chiếc áo chỉ có hai đường khâu kín đáo ở hai bên nách, mặt trong rất láng vì được mài nhẵn còn mặt ngoài sần sùi hơn.

Bộ trang phục bằng vỏ cây của người Xơ Đăng.

Vì không còn ai làm được áo vỏ cây, hơn nữa sợ 9 chiếc áo bị hư hỏng nên phải đến những ngày lễ lớn như Tết Nguyên đán, lễ hội đâm trâu, các thành viên trong đội cồng chiêng của làng mới được vinh dự khoác những chiếc áo quý giá của dân tộc.

Cùng với các nhạc cụ như cồng chiêng, sử thi thì sự độc đáo của 12 bộ áo bằng vỏ cây mà tộc người Xơ Đăng đang gìn giữ, góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc dân tộc Việt Nam.

 Đặng Ngọc Thanh (sưu tầm)

Bí quyết rèn truyền thống của người Xơ Đăng, Kon Tum (Mạc Quang Khải)

Người Xơ Đăng ở xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông (Kon Tum) vẫn lưu giữ nghề rèn thủ công truyền thống, độc đáo của dân tộc mình. Với những bí quyết rèn gia truyền, bà con đã chế tác những nông cụ chất lượng, được dân làng ưa chuộng.

Cũng như cộng đồng các cư dân nông nghiệp khác, đồng bào dân tộc Xơ Đăng, xã Ngọc Tem có nghề truyền thống mang đậm nét văn hóa độc đáo đặc trưng cho dân tộc mình, đó là nghề Rèn.

Không biết cái nghề rèn của người Xơ Đăng nơi đây có từ bao giờ, chỉ biết rằng ngày xưa cái nghề này thịnh hành lắm. Nhất là thời kháng chiến, người Xơ Đăng thường rèn các mũi giáo để dân làng đánh giặc. Qua chiến tranh, từ những mảnh bom, mảnh đạn, người Xơ Đăng mình lại chế tác, rèn ra rựa, ra dao để làm rẫy, làm ruộng.

Lò rèn của người Xơ Đăng đơn giản nhưng lại rất độc đáo. Họ dùng đất sét chịu nhiệt tốt đắp dạng hình vòm, làm thành bễ lộ thiên. Nếu người Kinh dùng hai ống bễ bằng gỗ, thụt hơi bằng pít-tông thì bễ thụt của người Xơ Đăng dùng dạ dày con mang đem phơi khô rồi gắn vào ống dẫn hơi, qua lực quay của thợ rèn, túi da phồng lên xẹp xuống sinh ra hơi rồi đẩy thẳng vào bể lộ thiên.

Bể lộ thiên này kín, giữ được nhiệt tốt, hơn nữa lại không để thoát hơi ra ngoài nên sử dụng rất hiệu quả, nó có thể làm than cháy đỏ và rất đều. Theo lời những người thợ rèn nơi đây, ngày trước, người Xơ Đăng rèn dụng cụ từ quặng nhưng nay đa số đều rèn từ sắt có sẵn. Từ một cục sắt, người Xơ Đăng nung cho đỏ rực rồi đem nhúng vào nước để nhiệt độ giảm đột ngột làm cho sắt non hơn để dễ đập thành sản phẩm. Sau đó, người thợ phải hình dung được hình dạng của công cụ rồi dùng đột và búa cắt thành hình công cụ cần rèn. Họ tiếp tục bỏ vào lửa nung rồi lại đập cho đến khi nào thành hình như ý.

Rèn xong, người Xơ Đăng tiếp tục sử dụng dũa (hoặc lá rừng) dũa những đoạn bị mẻ, sứt hoặc chưa đều. Khi lưỡi của vật dụng đã nhẵn, họ tiếp tục lấy đá để mài, mài thật kĩ cho đến khi đầu lưỡi sắc hơn và bong ra một lớp trắng ở đầu lưỡi thì mới thôi. Công đoạn mài không hề đơn gian, phải mài thật nhanh, thật tỉ mỉ và khéo léo thì dụng cụ mới bén như ý muốn.

Sau khi vật dụng đã có độ bén nhất định, người Xơ Đăng bắt đầu lấy máu con mang bôi đều lên lưỡi vật dụng. Đây là bí quyết riêng của người Xơ Đăng. Họ quan niệm, bôi máu con mang lên sẽ làm cho lưỡi dao, rựa, rìu... rất bén và bền, khó sứt mẻ.

Vì không dễ bắt được con mang nên khi có máu con mang người dân Ngọc Tem thường để dành sử dụng nhiều lần. Để bảo quản máu con mang được lâu, từ kinh nghiệm của cha ông truyền lại, người Xơ Đăng lấy ống nứa cạo sạch lớp ruột bên trong, sau đó đổ máu mang vô ống nứa rồi giã lá trầu và muối trộn chung vào máu. Bôi máu con mang xong, các thợ rèn tiếp tục đưa vật dụng vào đống than cho đến khi đỏ rực lên mới lấy ra, nhúng vào nước rồi lấy giẻ lau là đã hoàn thành. Mặc dù các công đoạn đều được thực hiện bằng thủ công nhưng mỗi ngày những thợ rèn lành nghề vẫn làm được từ 10-15 cái dao, Knoa...

Trong bối cảnh của một nền công nghiệp hiện đại, hàng loạt các công cụ được sản xuất bằng máy móc ra đời với đầy đủ các tính năng nhưng đối với người Xơ Đăng ở xã Ngọc Tem, các sản phẩm đó vẫn không thể thay thế được chỗ đứng của các sản phẩm thủ công chất lượng, độc đáo do chính các thợ rèn Xơ Đăng làm ra.
Mạc Quang Khải (sưu tầm)

Một vài đặc điểm khác biệt giữa các Nhà Rông dân tộc thiểu số ở Kon Tum (Trần Quang Đạo)


Nhà Rông luôn là biểu tượng, niềm tự hào Tây Nguyên và sẽ còn tồn tại lâu dài trong đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng.
Các nhà nghiên cứu văn hóa đều thống nhất rằng, mật độ Nhà Rông ở Bắc Tây Nguyên, cụ thể là các dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum là dày đặc nhất, phong phú nhất. Do vậy, để cung cấp thêm tư liệu cho những người quan tâm tham khảo và góp phần phục vụ công tác nghiên cứu văn hóa các dân tộc thiểu số Bắc Tây Nguyên, ở bài viết này, tôi xin nêu những đặc điểm tương đồng cũng như sự khác biệt tương đối trong kiến trúc Nhà Rông một số DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Nói đến nhà Rông, có thể mọi người đều hình dung ngay một ngôi nhà làng cao vút, bề thế, với mái nhọn ngạo nghễ chọc thẳng lên trời xanh. Không hẳn thế. Mỗi dân tộc có kiểu Nhà Rông riêng mà những hình ảnh đi kèm bài viết này là minh chứng. Thậm chí, có làng nhóm Jẻ (dân tộc Jẻ - Triêng) ở vùng sâu của huyện Đăk Glei, Nhà Rông của làng không to hơn cái Nhà lúa (kho lúa) trên rẫy là mấy, chỉ 5 - 10 m2. Ở những nhà Rông này, nó chỉ đảm nhiệm chức năng chính là để thờ cúng, lưu giữ những vật thiêng của làng mà chỉ Chủ làng (xưa) và các Già làng (nay) mới được bước vào hành lễ chứ không diễn ra các hoạt động cộng đồng khác.

Ngoài ngoại lệ như đã nói trên, một điểm chung nhất, Nhà Rông bao giờ cũng là ngôi nhà to, lớn, cao, rộng nhất so với những nhà ở của dân làng để thực hiện công năng của nó, và do điều kiện lịch sử, tự nhiên, ngôi Nhà Rông truyền thống của đồng bào Tây Nguyên đều được làm từ những vật liệu lấy từ rừng: Cột gỗ, rui mè, dây buộc, mái lợp…và được tạo tác qua đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân bằng những công cụ hết sức thô sơ, chủ yếu là cái Rìu!

Nhà Rông Bar Nar Kon Klor, P. Thắng lợi, TP Kon Tum.

Nhà Rông Bar Nar Kon Jơ Ri, xã Đăk JơWa,TP Kon Tum.
 
Nhà Rông to cao, bề thế nhất ở Kon Tum phải kể đến Nhà Rông dân tộc Ba Nar Rơ Ngao (Bar Nar ở thấp) như Nhà Rông Kon Klor (phường Thắng Lợi, TP Kon Tum), Nhà Rông Kon Kow Tu, Kon Jơ Ri (xã Đăk Rơ Wa, TP Kon Tum). Nhà Rông Kon Rơ Ri làm năm 1997 cao đến 16 m, chiều ngang (nhìn chính diện) 12 m, mặt sàn chỗ rộng nhất ở gian giữa là 6,5 m, bóp lại ở hai đầu hồi còn 6m. Phần giáp đỉnh mái tranh có đan liếp bằng tre, hoa văn rất sinh động, vừa để trang trí vừa có tác dụng giữ mái tranh cao vút luôn chịu sức gió lớn thường xuyên. Đáng tiếc, do sự bất cẩn của một người dân, Nhà Rông này đã bị cháy rụi năm 2002. Nhà Rông hiện đang tồn tại trên nền cũ là do dân làm lại năm 2004 sau hỏa hoạn. Nhà Rông làng Kon Gung (Bar Nar Rơ Ngao), xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà xây dựng tháng 02/1999 rộng 6m, ngang 12 m, cao 14 m.

Nhà Rông Bah Bar Rơ Ngao làng Kon Gung, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà (ảnh trái);

Nhà Rông Bah Nar Plei Rơ Hai 2, phường Lê Lợi, TP Kon Tum (ảnh phải).

Nhà Rông dân tộc Ja Rai ở Kon Tum (Nhà Rông làng Rắc, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy, Nhà Rông làng Jơ Drơp xã Ya Chim, TP Kon Tum…)  thường nhỏ hơn về quy mô, kích cỡ so với Nhà Rông Bah Nar (cũng xin lưu ý là số lượng người Ja Rai cư trú ở Kon Tum ít hơn ở Gia Lai nhiều). Nhưng về tổng thể, dáng vẻ bên ngoài Nhà Rông Bah Nar và Ja Rai khá giống nhau, hầu hết có sàn gỗ ở phía trước cửa chính, là nơi thường đặt cối giã lúa, chỗ khách để giày dép, rửa chân trước khi bước vào trong, nhưng Nhà Rông JaRai thường có mái che phần này (Gọi là nhà Chồ) còn Nhà Rông Bah Nar thì  không có mái che. Cầu thang lên bằng các cây gỗ đơn độc có chặt thành các bậc, có thể từ hướng chính diện cửa hay từ hai bên hông nhà Chồ.

Dân tộc Bah Nar (nhóm Ji Lâng - Bar Nar ở cao) vùng Kon rẫy lại làm Nhà Rông rất dài theo chiều ngang, còn chiều cao không hơn nhà ở là mấy, tiêu biểu là Nhà Rông làng Cheo Leo, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy dài 25m nhưng chỉ cao 8m.Tương tự, Nhà Rông của dân tộc Xơ Đăng (nhóm Tơ Đrá) làng Kon Keng, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy cũng có chiều dài 20m, rộng 6m nhưng chiều cao cũng chỉ 8m.Hai dân tộc, nhưng có lối làm Nhà Rông khá giống nhau, bởi khu vực cư trú của họ gần nhau, sự ảnh hưởng lẫn nhau về kiểu dáng, kiến trúc Nhà Rông âu cũng là điều dễ hiểu.  

Nhà Rông Xơ Đăng TơDrá làng Kon Keng xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy.

Nhà Rông Bah Nar Ji Lâng làng Cheo Leo thị trấn huyện Kon Rẫy.

Độ cao gầm sàn của Nhà Rông Bah Nar, Ja Rai là cao nhất, thường từ 1,6 đến 2,2m, còn đối với dân tộc Xơ Đăng huyện Đăk Tô, dân tộc Jẻ - Triêng huyện Đăk Glei, Bah Nar Ji Lâng huyện Kon Rẫy, sàn Nhà Rông luôn chỉ cao hơn mặt đất 0,5 - 0,8m.

Vách và sàn Nhà Rông truyền thống đều đan bằng tre, hoặc ken các thân tre bổ đôi liền sát nhau (sau này nhiều Nhà Rông thay thế bằng ván gỗ). Nhà Rông Bah Nar, JaRai vách kín lên giáp mái, bên trong không nhìn ra ngoài được, còn nhà Rông Jẻ - Triêng vách chỉ cao tầm 0.8 - 1m theo kiểu thượng thách hạ thu và có khoảng trống với mái nhà, người đứng bên trong nhìn được ra bên ngoài qua vách nhà.

Nhà Rông JaRai Aráp làng Kleng thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy).

Nhà Rông JaRai Plei Sar, xã Ia Chiêm, TP Kon Tum có nhà Chồ phía trước.

Mái Nhà Rông được lợp bằng tranh, có những Nhà Rông các tấm tranh được đan rất cầu kỳ, nhìn từ bên trong lên rất đẹp, không đơn thuần chỉ là các tấm tranh xếp lớp lên nhau (nay đã có nhiều Nhà Rông thay thế bằng tấm lợp khác, nhưng đây là nội dung sẽ bàn trong bài viết khác).Mái nhà Rông đều là 4 mái, gồm hai mái chính và hai mái đầu hồi (trừ Nhà Rông nhóm Jẻ dân tộc Jẻ - Triêng là loại một mái tròn, uốn cong theo hình quả trứng - Ô van).

Bếp lửa là điều không thể thiếu trong Nhà Rông, dù là bất cứ dân tộc nào. Thường bố trí 2 hoặc 4 bếp cân đối ở hai gian đầu Nhà Rông (chia ra chủ - khách, nam – nữ). Bếp là các khung vuông bằng gỗ, trong đổ đất để không gây cháy sàn nhà.Nhà Rông nhóm Bah Nar Ji Lâng vùng Kon Rẫy thường có một dãy cột chạy dọc chính giữa Nhà Rông, dùng để cột các ghè rượu và có giỏ để đồ ăn của các gia đình mang lên chung vui trong dịp lễ hội. Các dân tộc khác thì để ghè rượu bám theo bốn vách Nhà Rông để chủ làng (già làng) mời khách lần lượt đi vòng tròn thưởng thức rượu của mọi nhà.

Cửa chính của Nhà Rông luôn quay về hướng Đông, trừ trường hợp bất khả dĩ do thế đất (nhà Rông Đăk Wâk, huyện Đăk Glei hướng Bắc). Riêng Nhà Rông nhóm Jẻ (dân tộc Jẻ - Triêng) cửa lại được mở ở hai đầu hồi, đây là điều riêng biệt của Nhà Rông nhóm dân tộc này.

Nhà Rông Xơ Đăng (Hà Lăng) làng Rờ Kơi, xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy).

Nhà Rông Xơ Đăng Xơ Teng làng Đăk Chờ xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô.

Trong nhà Rông nào cũng có Nơi Thiêng lưu giữ những vật thiêng là thần bản mệnh của làng, lưu giữ những sừng trâu, thú rừng, những bảo vật sở hữu chung của làng (chiêng, trống).

Trang trí trên các cột gỗ, xà Nhà Rông thì phải nói Nhà Rông dân tộc Jẻ - Triêng là phong phú và sinh động nhất.     
 
Nhà Rông Xơ Đăng Ka Dong vùng Sa Thầy và Xơ Đăng Xơ Teng một số vùng của huyện Đăk Tô lại tương tự, còn một số nơi lại có sự giao thoa với Nhà Rông dân tộc J ẻ - Triêng thuộc huyện Đăk Glei. 

Nhà Rông Xơ Đăng (Xơ Teng) làng Đăk Jô Gia xã Đăk Trâm, huyện Đăk Tô (ảnh trái);

Nhà Rông làng Long Năng (nhóm Triêng)x ã Đăk Pét huyện Đăk Glei (ảnh phải).
Tuy nhiên, Nhà Rông cùng của dân tộc Xơ Đăng ở hai xã Đăk Sao, Đăk Na của huyện Tu Mơ Rông lại cũng khác nhau, cái thì có nhà Chồ lợp mái phía trước (tương tự nhà Rông Ja Rai), cái chỉ có sàn phía trước cửa chính bằng những tấm ván bắc ngang, từ thấp đến cao dần về phía sát cửa (xem ảnh minh họa trong bài). Dáng vẻ bên ngoài Nhà Rông dân tộc Xơ Đăng một số làng vùng Đăk Tô lại khá giống Nhà Rông nhóm Triêng (dân tộc Jẻ - Triêng). Điều này chỉ có thể giải thích bằng sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc và tính ngẫu hứng của người chỉ đạo làm Nhà Rông (việc làm Nhà Rông do các bậc trưởng lão trong làng chỉ huy, hoàn toàn theo tri thức dân gian chứ không có bản vẽ thiết kế nào). Tôi nhấn mạnh tính ngẫu hứng trong việc thiết kế, xây dựng Nhà Rông, bởi xem hình tư liệu chúng tôi chụp được về Nhà Rông dân tộc Xơ Đăng làng Đăk Mốt, thị trấn PleiKần thì hoàn toàn “lạ”, có một không hai, chưa từng thấy ở dân tộc nào. Ngôi nhà gần như hình vuông, bốn mái đều nhau theo theo kiểu nhọn, cao vút có lẽ là do ảnh hưởng kiến trúc chùa chiền Lào? Tiếc rằng, Nhà Rông này nay không còn nữa, bởi nếu còn, nó sẽ góp phần làm phong phú thêm về kiểu dáng Nhà Rông Tây Nguyên. Khi xây dựng Nhà Rông mới năm 2006, cũng ở chính địa điểm Nhà Rông cũ, người ta đã thay thế bằng ngôi Nhà Rông theo mô – tip chung của Nhà Rông dân tộc Xơ Đăng.

Cùng là dân tộc Xơ Đăng, nhưng Nhà Rông ở xã Đăk Sao

và xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông lại có kiểu dáng bên ngoài hoàn toàn khác nhau

Nhà Rông nhóm Jẻ (dân tộc Jẻ - Triêng) vùng Đăk Dục (các làng Dục Nhày, Nông Nội, Chả Nội, Đăk Răng…huyện Ngọc Hồi) và làng Nú Vai xã Đăk KRoong, làng Măng Lon xã Đăk Môn của huyện Đăk GLei lại có hình Ô – van, tương tự Nhà Rông (Nhà Gươl) dân tộc Cơ Ho, Kà Tu ở các huyện Tây Quảng Nam. Điển hình là Nhà Rông làng Đăk Tum nhóm Jẻ (dân tộc Jẻ – Triêng) xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei cũng hình Ô-van, rộng 6,6m, dài 8,75m, cao 8 m, trổ cửa lên xuống ở hai đầu, hai bên hông mỗi bên có 2 cửa sổ. Nhà Rông làng Đăk Wâk xã Đăk Kroong, nhóm Triêng (dân tộc Jẻ - Triêng) rất đẹp, có dáng vẻ bề thế, vững chãi nhưng rất mềm mại, Nhà Rông này có bề rộng 7m, ngang 14 m, cao 12 m, khá gần gũi với Nhà Rông Xơ Đăng.

Nhà Rông Jẻ-Triêng (nhóm Triêng) làng Đăk Wâk, xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei (ảnh trái);

Nhà Rông Xơ Đăng làng Đăk Mốt, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi năm 1994 (ảnh phải).
                            
Như vậy, xin lưu ý, đối với dân tộc Jẻ - Triêng, Nhà Rông của nhóm Jẻ khác hẳn nhóm Triêng. Nhà Rông nhóm Jẻ có nét tương đồng với Nhà Gươl của người Kơ Tu, còn Nhà Rông nhóm Triêng gần gũi với kiểu dáng Nhà Rông Xơ Đăng.

Nhà Rông Jẻ-Triêng (nhóm Jẻ) làng Đăk Tum, xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei.

Nhà Gươl của dân tộc Cơ Tu tỉnh Quảng Nam - Ảnh: Internet.
 
Dân tộc Kơ Tu cư trú nhiều ở các huyện miền núi phía Tây tỉnh Quảng Nam (Nam giang, Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Hiệp Đức…) tiếp giáp địa vực cư trú của người Jẻ - Triêng thuộc tỉnh Kon Tum, nên dáng dấp bên ngoài của Nhà Rông khá giống nhau, đó là hệ quả của giao thoa văn hóa, tiếp thu và học hỏi lẫn nhau. Nhà Rông, tiếng Jẻ - Triêng là Ưng hoặc Nhia String, còn người Kơ Tu goi là Gươl. Đó cùng là kiểu một mái tròn (uốn cong theo hình Ô-van). Có khác chăng là ở độ cao của Nhà Gươl Kơ Tu thường cao hơn và hầu hết cửa được trổ ở phía trước chứ không trổ ở hai đầu hồi.

Trong khuôn khổ một bài viết, không thể chi tiết và tường tận hết được. Đây chỉ là ghi chép, nhìn nhận của tác giả, người đã trực tiếp tham gia công trình khảo cứu toàn diện về Nhà Rông Kon Tum do Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Kon Tum thực hiện những năm 1999 - 2002. Hy vọng rằng nó có ý nghĩa với những người yêu quý và trân trọng một di sản văn hóa qúy báu, độc đáo của Tây Nguyên.
 Trần Quang Đạo (sưu tầm)

Lễ hội mừng lúa mới của người Xơ Đăng tại Đắk Lắk (Đàm Ngân)

Chuẩn bị rượu và các lễ vật cho lễ hội “mừng lúa mới”

Vào mỗi dịp đầu năm, người Xơ Đăng ở buôn H’ring (xã Ea H’ding, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) lại tưng bừng mở hội “mừng lúa mới”. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào Xơ Đăng ở Tây Nguyên nhằm cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, buôn làng ấm no, hạnh phúc.

Theo quan niệm của người Xơ Đăng, sự phù hộ của đất trời, các vị thần linh cai quản ruộng đồng... góp phần quan trọng để hình thành 1mùa vụ bội thu. Vậy nên khi lúa ngoài đồng đã chín, bà con sẽ thu hoạch về và làm lễ cúng nhằm bày tỏ sự biết ơn với tổ tiên, trời đất.
Thông thường, già làng sẽ dâng lễ vật và cúng cảm tạ tổ tiên, trời đất, thần linh... để mở đầu cho lễ “mừng lúa mới”. Tiếp đó sẽ là phần hội với các chương trình văn nghệ truyền thống, các trò chơi dân gian và thưởng thức các món ăn đặc trưng của dân tộc mình.
Được biết, cộng đồng người Xơ Đăng sinh sống chủ yếu tại các khu vực đồi núi thuộc dãy Trường Sơn và Tây Nguyên. Ngoài ra, một số ít sống rải rác trên các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Đưa lễ vật về cây nêu, chuẩn bị làm lễ cúng

Đưa lễ vật về cây nêu, chuẩn bị làm lễ cúng

Già làng kiểm tra lễ vật và cúng cảm tạ tổ tiên, trời đất, thần linh

Già làng kiểm tra lễ vật và cúng cảm tạ tổ tiên, trời đất, thần linh

Già làng kiểm tra lễ vật và cúng cảm tạ tổ tiên, trời đất, thần linh

Già làng kiểm tra lễ vật và cúng cảm tạ tổ tiên, trời đất, thần linh

Sinh hoạt văn nghệ truyền thống


Người Xơ Đăng cùng tham gia văn nghệ

Người Xơ Đăng cùng du khách uống rượu cần và thưởng thức các món ăn đặc sắc


Đàm Ngân (sưu tầm)