Đồng bào các dân tộc Bana, Jẻ - Triêng, Brâu, nhất là người Xơ Đăng ở Kon Tum đều uống rượu cần. Có thể nói, rượu cần là sản vật, nghi vật, lễ vật có mặt trong đời sống sinh hoạt, tình cảm và tâm linh của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên núi rừng đại ngàn Tây Nguyên.
Rượu cần được làm thường xuyên, liên tục trong năm, nhưng thường chỉ sử dụng trong những ngày có sự kiện của gia đình hay cộng đồng như: lễ cúng Yàng (thần mặt trời), lễ cưới, lễ tang, lễ cúng bến nước, lễ mừng nhà rông mới... Khi đó, các gia đình trong buôn đều mang theo ghè rượu to nhất, ngon nhất của gia đình mình đến cùng chung vui, tạo nên không khí đầm ấm, kết đoàn của cả cộng đồng. Để có những ghè rượu ngon, người ta phải tiến hành nhiều công đoạn, tính toán cẩn thận từ khâu chuẩn bị nguyên vật liệu đến cách thức nấu, ủ, sao cho rượu đủ chín vào đúng dịp lễ hội.
Trước hết là khâu làm men, người Xơ Đăng có cách thức làm men riêng và chỉ làm men một lần duy nhất vào một ngày trong năm. Ngày đó gọi là "Hăi Pro Ploo". Khi mùa thu hoạch lúa đã xong (vào khoảng tháng 11, 12 dương lịch), người ta chọn ngày tốt (gọi là "Hăi Pro Sơ H'la") làm lễ cúng rồi vào rừng tìm cây, củ rừng về làm men rượu.
Phụ nữ Xơ Đăng đến tuổi trưởng thành ai cũng biết làm men, ủ rượu, nhưng mỗi người có bí quyết riêng để rượu có hương vị độc đáo. Đặc biệt, người Xơ Đăng quan niệm người làm men phải giữ cho thân thể sạch sẽ, không được ngủ chung với vợ (chồng) trong thời gian làm men hay ủ rượu, nhằm tránh tạp uế, ảnh hưởng xấu đến hương vị, chất lượng của men, rượu.
Rượu ngon nhất được làm từ nếp hoặc kê, sau đến sắn, bắp (ngô), tuỳ theo khả năng của từng gia đình. Ngày làm rượu được gọi là "Hăi Pe drô". Công đoạn đầu tiên là nấu chín cơm (kê, bắp, sắn), bới ra nong (nia) cho nguội bớt, giã nhỏ men và trộn đều vào cơm. Sau đó, người ta ủ cơm rượu trong gùi khoảng 4 - 5 ngày cho dậy mùi thơm đặc trưng của rượu. Lúc này mới bỏ cơm rượu vào ghè, có lót lớp trấu dưới đáy, phía trên phủ kín một lớp trấu nữa, rồi dùng lá chuối bịt kín miệng ghè, tránh bay mất mùi, rượu sẽ không ngon. Công việc đến đây coi như hoàn tất, khoảng 5 - 7 ngày sau có thể dùng được, để lâu hơn rượu sẽ càng ngon.
Người Xơ Đăng uống rượu cần không theo sở thích mà đều gắn với nghi lễ nhất định. Vì thế, rượu cần đã trở thành một thành tố quan trọng, một lễ vật trong quy trình của các lễ hội.
Cách uống rượu cần cũng đầy tính nghệ thuật. Từ cách ngồi cũng phải học, làm sao vừa trông hướng, vừa để người khác thưởng thức, chứng kiến sự hiện diện và cách ứng xử văn hóa với mọi người, đồng thời tạo sự thuận tiện cho người phục vụ.
Trong khi uống rượu cần, mối quan hệ giữa các cá nhân và cộng đồng được củng cố chặt chẽ. Nếu có khách phương xa đến chung vui, người Xơ Đăng sẽ thể hiện tình cảm quý trọng và đề cao vị khách của mình bằng cách mời khách uống trước.
Uống rượu cần, ít ai say khướt đến mềm người, nồng độ rượu chỉ đủ làm lâng lâng trong cảm xúc. Nếu thường ngày mối quan hệ của cá nhân nào đó có mâu thuẫn thì trong bầu không khí vui tươi, gần gũi, đoàn kết bên ghè rượu cần, họ sẵn sàng cảm thông và bỏ qua tất cả.
Người Xơ Đăng còn có tục lệ phạt vạ bằng rượu khi ai đó có lỗi lầm, rượu phạt ở nhiều mức khác nhau, tuỳ lỗi. Những ghè rượu nộp phạt sau khi được già làng (chủ lễ) làm lễ tạ tội với Yàng sẽ được mọi người cùng nhau uống vui vẻ.
Sự xuất hiện của rượu cần thể hiện sức mạnh tinh thần. Trong tiệc cưới, rượu cần là biểu trưng cho sợi dây tình nghĩa. Trong lễ tang, rượu cần lại bày tỏ niềm tiếc thương giữa người sống và người chết.
Rượu cần gắn bó và theo suốt cuộc đời mỗi con người và cả cộng đồng. Rượu cần có trong lễ công nhận đứa trẻ là thành viên chính thức của cộng đồng, đến rượu cần trong ngày cưới và rồi rượu cần tưới xuống mồ tiễn biệt người quá cố. Rượu cần là sợi dây liên kết dòng thời gian, lan tỏa trong các thành viên cộng đồng.
Không ai biết rượu cần có từ bao giờ, nhưng bao thế hệ người Tây Nguyên trong đó có người Xơ Đăng đã coi rượu cần là lễ vật không thể thiếu trong đời sống tinh thần và tâm linh. Rượu cần đã làm nên nét văn hóa độc đáo cho vùng đất này.
Nông Minh Lý (sưu tầm)