Người Xơ Đăng biểu diễn trong bộ trang phục bằng vỏ cây.
Những bộ áo quần bằng vỏ cây được người Xơ Đăng (Kon Tum) xem như báu vật cổ truyền, biểu tượng linh thiêng. Họ ra sức giữ gìn và bảo vệ.
Làng Đăk Ôn (huyện Đăk Glei, Kon Tum) nằm ngay ngã ba Đông Dương, nơi đồng bào dân tộc thiểu số là tộc người Xơ Đăng định cư lâu đời trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Cũng chỉ nơi đây, 9 bộ trang phục bằng vỏ cây có tuổi hàng trăm năm vẫn được lưu giữ qua bao đời mang trong đó tinh thần, văn hóa riêng của người Xơ Đăng.
Những người già dân tộc Xơ Đăng ở làng hiện còn gìn giữ quần áo bằng vỏ cây. Áo quần bằng vỏ cây này được người Xơ Đăng gọi là Kong Kơ Pong. Theo già làng nơi đây kể lại, cách đây khoảng 10 năm, áo quần Kong Kơ Pong còn lưu giữ được khá nhiều nhưng do dân làng không biết, thấy ít sử dụng nên không được bảo quản kỹ dẫn tới hư hỏng. Thời gian gần đây, biết đây là đồ cổ truyền đang bị mai một nên dân làng đã tự nguyện đem những bộ áo quần bằng vỏ cây đến bàn giao cho trưởng thôn giữ gìn và bảo quản. Bởi vậy hiện nay làng Đăk Ôn vẫn còn lưu giữ được 9 bộ áo quần làm bằng vỏ cây nguyên vẹn. Những chiếc áo Kong Kơ Pong có màu vàng ươm rất độc đáo.
Ngày xưa để làm được một chiếc áo bằng vỏ cây, các thiếu nữ trong làng phải vào tận những cánh rừng già nguyên sinh giáp nước bạn Lào để tìm cây L’oongKaPoong (một loại cây giống cây mít rừng). Tìm được cây rồi họ đem về, đập giập lớp vỏ bên ngoài, lột lấy lớp vỏ phía trong rồi đem ngâm nước, rồi phơi khô. Tiếp tục lấy những lớp vỏ khô cho vào nước sôi, nấu lên, đập lại một lần nữa mới tách thành sợi để đan, dệt ra áo quần.
Tìm cây L’oongKaPoong để làm “vải” đã khó, tìm cây PaSănLaPần để làm chỉ khâu lại càng khó hơn vì loại cây này ít, lại mọc rải rác trong những cánh rừng già. Lấy cây về phải cặm cụi chẻ nhỏ ra, tách thành sợi dài rồi bỏ vào cây lồ ô đem nướng trên bếp, nướng càng lâu thì sợi chỉ càng bền. Được biết phải dùng đến 5 cây L’oongKaPoong và 1 cây PaSănLaPần mới làm được một bộ đồ có chiều dài từ 1,2-1,5m.
Thông thường áo được may theo kiểu dáng cổ tròn, không có tay, toàn bộ chiếc áo chỉ có hai đường khâu kín đáo ở hai bên nách, mặt trong rất láng vì được mài nhẵn còn mặt ngoài sần sùi hơn.
Bộ trang phục bằng vỏ cây của người Xơ Đăng.
Vì không còn ai làm được áo vỏ cây, hơn nữa sợ 9 chiếc áo bị hư hỏng nên phải đến những ngày lễ lớn như Tết Nguyên đán, lễ hội đâm trâu, các thành viên trong đội cồng chiêng của làng mới được vinh dự khoác những chiếc áo quý giá của dân tộc.
Cùng với các nhạc cụ như cồng chiêng, sử thi thì sự độc đáo của 12 bộ áo bằng vỏ cây mà tộc người Xơ Đăng đang gìn giữ, góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc dân tộc Việt Nam.
Đặng Ngọc Thanh (sưu tầm)