Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất: ₪ Tiểu thủ công nghiệp
Showing posts with label ₪ Tiểu thủ công nghiệp. Show all posts
Showing posts with label ₪ Tiểu thủ công nghiệp. Show all posts

Friday, April 22, 2016

Màu sắc trong đời sống của dân tộc Thái Đen (Huỳnh Tâm)

Huyện Thuận Châu là nơi dân tộc Thái đen sống quần cư đã lâu đời, cũng là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Thái sâu đậm. Đặc biệt trang phục truyền thống một trong những giá trị văn hóa vật chất quan trọng của người Thái đen. Về bộ nữ phục không chỉ mang nét đẹp, sự duyên dáng mà còn thấm nhuần giá trị văn hóa truyền thống, đạt tới trình độ mỹ thuật và có giá trị nhiều mặt trong cuộc sống.
Từ xa xưa, chiếc xửa cỏm của người phụ nữ Thái đen đã đi vào thơ ca và ăn học luôn được ca ngợi bởi sự đơn giản, duyên dáng, thanh lịch. Tục ngữ Thái có câu:

"Cáy đì pưa khồn
Côn đì pưa chương"
Nghĩa là:
"Gà đẹp nhờ bộ lông
Người đẹp nhờ quần hồng áo hoa".
Đối với người Thái đen, trang phục không chỉ để che thân mà còn chứa đựng yếu tố thẩm mỹ và trang phục là một trong những nét tiêu biểu nhất của sắc thái độc đáo trong văn hoá Thái.

Từ ngàn đời xưa, họ đã chú trọng một phần màu sắc trong đời sống không thể thiếu của các cộng đồng dân tộc Thái Đen. Người cổ đại từ hàng ngàn năm trước đã biết sử dụng nguyên liệu tự nhiên để vẽ lên đá các bức tranh mô tả lại cuộc sống thường nhật và cả mơ ước. Ngoài ra họ còn dùng nguyên liệu tự nhiên để vẽ lên cơ thể, vẽ mặt trong các buổi lễ, nhuộm vải cho quần áo và cao hơn đó là nhuộm màu cho các món ăn làm chúng hấp dẫn hơn, cũng như mang các ý nghĩa biểu tượng cao.

Dân tộc Thái Đen Tây Bắc sử dụng 62 chất liệu cây nhuộm màu vải, tạo màu lên món ăn, nước uống. Nguồn tài nguyên và tri thức của đồng bào thiểu số khá dồi dào. Nếu chúng ta tận dụng và phát triển được nguồn cây nhuộm màu vào sản xuất thì giải quyết được khâu nhập khẩu chất nhuộm, cũng như tận dụng được nguồn tài nguyên nước nhà cung cấp cho người dân.

Tây Bắc có trên 30 dân tộc thiểu số sinh sống và trải trên 5 tỉnh thành theo đơn vị hành chính. Trong đó nhóm người Thái Đen đứng thứ hai sau người Tày về số dân, khi nhắc đến Tây Bắc.

Từ mười thế kỷ trở lại đây, với vai trò phát triển của vùng, văn hóa Thái-kadai nổi lên như một sắc thái đại diện cho văn hóa Tây Bắc. Tuy nhiên hiện nay, những bản sắc và tập tục truyền thống của người Thái ở Sơn La cũng như ở một số địa phương khác đang dần bị xói mòn. Các tri thức truyền thống trong việc sử dụng thực vật là việc làm cần thiết và cần được tiến hành thường xuyên, có thể trong vòng 10 năm nữa nếu không có các chính sách kịp thời và cần thiết thì các tri thức bản địa này sẽ mất đi vĩnh viễn khi thế hệ già lùi bước về bên kia thế giới, để lại thế hệ trẻ trống vắng kinh nghiệm và cuộc sống trong xã hội ngày một đổi thay, việc trồng hỏm, nhuộm chàm của đồng bào Thái vùng Tây Bắc sẽ không còn phổ biến như xưa.

Nói đến trang phục phụ nữ Thái đen thường ngày mặc xửa cỏm là chiếc áo ngắn bó sát người kết hợp với chiếc váy dài chấm gót. Còn nam giới mặc áo chàm toọng tẽ, quần dài, đầu đội mũ hoặc khăn pau. Người Thái đen rất ưa dùng gam màu tối nên hầu hết trang phục của họ thường dùng màu chàm. Chính vì vậy, cả trang phục ngày thường và lễ hội đều được làm bằng vải màu chàm. Nét đẹp văn hoá của áo chàm không chỉ ở bên ngoài, nó ẩn chứa bên trong sự thùy mị và khéo léo của người phụ nữ. Màu chàm là màu nằm giữa màu xanh lam và màu tím. Tên gọi của nó có xuất xứ tự nhiên, người Thái thường lấy lá hay vỏ cây chàm để nhuộm quần áo. Ngoài nhuộm chàm, người Thái cũng rất ưa nhuộm hỏm, màu lá chàm và lá hỏm này rất giống nhau.

Người Thái Đen đi hái chàm với cái giỏ đựng truyền thống

Lá hỏm hay chàm ngâm trong chum 2 đến 3 ngày thì cho vôi trắng vào rồi sục nước cho bọt nổi lên trên. Khi bọt đã nổi lên nhiều thì cho nước vo gạo vào để làm tan bọt rồi đậy nắp chum lại. Khi nước nhuộm đã lắng xuống thì mở chum đổ nước ở phần trên ra chỉ lấy nước đục ở dưới đáy chum. Phần nước này được đổ vào "tung nin" là chum chứa nước cây nát để 2 ngày sau là có thể nhuộm vải được. Khi nhuộm phải nhúng từ từ đầu cuộn vải vào nước hỏm, vắt khô rồi đập để vải đều màu. Khác với các loại vải nhuộm công nghiệp thường dễ bị phai, vải nhuộm chàm càng dùng thì sắc chàm càng đượm.

Trang phục truyền thống của người Thái đen, đặc biệt là bộ nữ phục là sắc thái nổi bật nhất, góp phần quan trọng trong việc tạo nên diện mạo, cá tính riêng của dân tộc. Nếu nhìn thoáng qua, xửa cỏm tưởng chừng như rất đơn giản, nếu quan sát kỹ ta mới thấy sự gia công đúng mực về kỹ thuật và nghệ thuật. Điều đó làm cho xửa cỏm Thái nổi bật bởi sự hài hoà giữa cái che lại và cái phô ra, giữa cái giản dị và sự hài hòa, tinh tế. Không những vậy, nó còn bảo lưu khá nhiều giá trị văn hóa truyền thống thể hiện rõ trong kỹ thuật tạo dáng trang phục, đó là sự kết nối tinh tế giữa xửa cỏm và xỉn bằng xài èo. Xửa cỏm được may bó sát người, gấu áo vừa chấm cạp váy làm tôn thêm những đường nét trên cơ thể của người phụ nữ. Xỉn là chiếc váy dài từ thắt lưng đến chấm gót chân để cùng với xửa cỏm tạo nên đường cong "yều kíu meng pu" thắt đáy lưng ong duyên dáng. Thêm vào đó là chiếc xài èo làm bằng vải tơ tằm nhuộm màu xanh lam hoặc tím sẫm, giữ cho cạp váy quấn chặt lấy eo bụng.

Nhuộm - phơi nhiều lần mới được tấm vải bền. Ảnh: Tân Thu

Để làm chiếc xửa cỏm không khó nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo và hoa tay của người làm. Xửa cỏm thường được cắt theo chiều dọc của khổ vải. Phần nách được can thêm một mảnh như cắt theo kiểu xẻ chéo mảnh vải nhỏ 2 hình tam giác gọi là tó bửa. Bởi vậy, tuy áo bó sát người nhưng người mặc vẫn thoải mái khi cử động. Mỗi bên mép nẹp áo được trang trí từ một đến hai hàng chỉ màu hồng xanh hoặc tím đan xen gọi là săm nạp sửa, để làm cho nẹp áo thêm phần sinh động và tôn thêm vẻ đẹp của hàng khuy bướm trắng. Theo tập tục của người Thái đen nẹp áo bao giờ cũng là màu đen. Đây cũng là nét đặc trưng xửa cỏm, tạo nên sắc thái riêng biệt và độc đáo của Thái đen.

Phía trước hai nẹp là 2 hàng khuy bướm được cài đan xen vào nhau tạo thành một đường thẳng trông rất đẹp, nổi bật trên nền chàm. Khuy bướm thường có 13 đôi, có hình con bướm, khau cút, con ve hay hình lá cây... Khuy bướm hay mạk pém thường được người Thái nhắc đến trong câu chuyện tình 2 hàng khuy bướm bạc.

Từ xa xưa, truyện tình kể lại rằng: Có một đôi trai gái tài sắc, xứng đôi phải lứa yêu nhau hết mực. Song do nhà chàng trai nghèo quá không môn đăng hộ đối nên nhà gái nhất quyết không gả con gái. Rồi chàng quyết chí ra đi xa làm ăn, kiếm cho đủ bạc nén để về cưới nàng. Trong lúc ấy, mẹ chàng và người yêu mòn mỏi ngóng trông mà chẳng có tin tức gì. Rồi cả 2 cùng lâm bệnh và qua đời. Khi chàng trai trở về thì dân bản đang tổ chức đám tang cho 2 người. Chàng vô cùng đau xót, 1 bên tay nắm vạt áo mẹ, 1 bên tay nắm vạt áo người yêu khóc than thảm thiết. Đến khi 2 nắp quan tài đóng sập xuống mà chàng vẫn không buông tay nên mỗi bên bị xén 1 vạt áo nhỏ. 2 vạt áo bỗng nhiên biến thành 2 hàng bướm trắng chắp liền nhau tung cánh bay đi. Ghi nhận mối tình thủy chung, trong trắng, dân bản đã chắp 2 cánh bướm lại và đính ép nó lên trước ngực, nơi có trái tim của mình từ thuở xa xưa cho đến ngày nay.

Xửa cỏm được kết hợp với xỉn làm nổi bật lên đường cong tinh tế của người phụ nữ. Xỉn được tạo thành bởi 4 mảnh vải khâu khép kín lại theo chiều dài. Phần được nối vào cạp váy gọi là "hùa xỉn" đầu váy. Đầu váy luôn ở phía trên để phân biệt với chân váy phía dưới. Phía dưới chân váy được phụ nữ Thái viền hoặc đáp thêm miếng vải khác màu vừa cho cứng vừa tạo nên một giá trị thẩm mỹ riêng. Theo cổ truyền người Thái đen thường dùng cạp màu trắng, chân váy màu đỏ phía bên trong. Mỗi bước đi chân váy thấp thoáng màu sắc, lượn sóng kín đáo làm tăng vẻ đẹp rất duyên dáng.

Phụ nữ Thái đen thường mặc xửa cỏm (chiếc áo ngắn bó sát người) kết hợp với chiếc váy dài chấm gót.

Nếu chiếc xửa cỏm của nữ giới đòi hỏi sự khéo léo thì xửa toọng tẽ của nam giới lại đòi hỏi kỹ thuật khá phức tạp. Xửa toọng tẽ thường được những người vợ, người mẹ tự làm cho chồng, cho con mình. Vải chàm được gập 4 để cắt eo sườn rồi khâu sống lưng trước. Phần vải bên trong bả vai gọi là "lốp hứa" là phần làm khó nhất.

Người Thái thường làm xửa toọng tẽ 7 cúc, gọi là cúc đầu ruồi. Bên cúc có đầu gọi là "tồ po", bên có lỗ gọi là "tồ me". Để làm cúc đầu ruồi họ cắt 1 miếng vải dài khoảng 40cm, rộng khoảng 2cm, gập nhỏ, khâu chắc tay rồi quấn chặt lại. Làm cúc đầu ruồi rất khó, đòi hỏi người làm phải có kỹ thuật tốt, bởi nếu làm lỏng tay cúc rất dễ tuột, nếu chặt quá thì sẽ khó cài cúc.

Màu chàm-màu đặc trưng của trang phục bắt nguồn từ cỏ cây trong thiên nhiên. Hai hàng khuy bướm bạc được bắt nguồn từ truyền thuyết xa xưa với ý nghĩa nhân sinh tinh tế. Một bên là hàng khuy bướm đực, một bên là hàng khuy bướm cái được cài đan xen vào nhau mang ý nghĩa về sự trường tồn của giống nòi. Có thể thấy rằng, trang phục của người Thái không chỉ là đơn thuần để che thân, bảo vệ con người trước tác hại của môi trường xung quanh mà nó còn chứa những dung lượng tín hiệu văn hoá Thái. Ẩn sâu bên trong chính là sự gần gũi với thiên nhiên, nó thể hiện sự quan sát tinh tế và quan niệm về cái đẹp của người Thái trong cuộc sống.

Người Thái Đen thường lấy lá hay vỏ cây chàm dùng để nhuộm quần áo. Chàm không biết nhuộm không lên màu.

Phân tích thành phần những loài cây được người Thái Đen sử dụng tại huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.
Chúng tôi đã xác định được 30 loài thực vật được đồng bào Thái đen tại Sơn La sử dụng nhuộm màu. Do thời gian có hạn, nên chắc chắn số loài cây nêu ở đây chưa phải là con số cuối cùng. Theo thống kê, 30 loài cây nhuộm được sử dụng thuộc 22 họ thực vật. Về đa dạng bộ phận sử dụng, chủ yếu cành lá là bộ phận được dùng nhiều với 9 loài, ngoài ra còn có các bộ phận khác như vỏ thân 1 loài, rễ, củ 6 loài, vỏ quả 2 loài, vỏ hạt 3 loài, thân 6 loài. Cách sử dụng chủ yếu là chế biến tươi, bằng cách đun sôi nguyên liệu trong nước, sau đó nhúng vật liệu nhuộm vào để tạo màu. Với tạo màu cho nước uống, nguyên liệu được ngâm trong rượu, cách này màu sắc đẹp và dung dịch tương đối bền màu. Chỉ có duy nhất một loài là sử dụng than của vỏ hạt làm bánh chưng đen (Oryza sativa var. glutinosa).


Người Thái được đánh giá cao về sự tinh tế và khéo léo thể hiện trên những họa đồ trang trí cho Piêu, Khít và một số sản phẩm thổ cẩm. Nghề dệt của người Thái khá nổi tiếng ở Tây Bắc,
phụ nữ Thái ai cũng được mẹ dạy từ nhỏ cách trồng bông dệt vải và làm Piêu. Có lẽ vì vậy mà
tri thức và kinh nghiệm trong việc nhuộm vải rất đặc sắc. Chúng tôi ghi nhận tại bản người Thái đen, của huyện Thuận Châu (xã Chiềng Bôm, Chiềng Ly, Chiềng Pấc) biết cách sử dụng từ 3-4 loài thực vật cho màu chàm. Điều này rất đặc biệt trong nghiên cứu tri thức về cây nhuộm ở Việt Nam. Theo các ghi nhận trước đây thì chủ yếu người dân tộc thiểu số tại Việt Nam mới chỉ biết tới hai loài cây nhuộm chàm truyền thống đó là Chàm mèo (Strobilanthes cusia) và Đậu chàm (Indigofera tinctoria), mỗi dân tộc thì chỉ biết dùng một trong hai loài cây cho màu chàm. Sự phối chế và tạo màu chàm với 3-4 loài tạo màu là điều rất có giá trị và chưa có nhóm dân tộc nào ở Việt Nam có đặc điểm này và cần được nghiên cứu làm rõ hơn. Ngoài ra, chúng tôi còn ghi nhận thêm sự đặc sắc của tri thức nhuộm người Thái trong việc kết hợp giữa nhựa cánh kiến đỏ và các loài cây để tạo màu đỏ cho chỉ thêu khăn Piêu.

So sánh với các nhóm dân tộc khác trong các ghi nhận trước đây chúng tôi đánh giá rằng nhóm Thái đen tại Thuận Châu nắm giữ khá tốt kinh nghiệm và cách sử dụng cây nhuộm, đặc biệt là kinh nghiệm và tri thức trong việc nhuộm vải sợi.


Tình trạng sử dụng cây nhuộm màu trong đời sống cộng đồng người Thái đen tại Sơn La.
Người Thái đen và người Thái nói chung vẫn giữ và duy trì rất tốt các phong tục tập quán của mình như để tẳng cẩu, mặc váy truyền thống, duy trì các món ăn theo phong cách Thái trong cuộc sống thường nhật và cả trong lễ hội.
Về ẩm thực, với người Thái thì các lễ cúng được coi trọng và chuẩn bị rất tỉ mỉ. Ngoài các lễ vật như lợn hay gà thì phần không thể thiếu đó là xôi nếp. Xôi nếp của người Thái thường là xôi ngũ sắc hoặc đơn sắc. Xôi ngũ sắc thì chỉ những ngày rất quan trọng, còn xôi đơn sắc thì họ làm thường xuyên hàng tháng, mỗi khi nhà có khách hay thăm anh em họ hàng, đi viếng mộ.
Nếu ngày vui hay có khách thì họ sẽ nhuộm gạo có màu vàng hay màu tím để đãi khách, anh em, bạn bè để tỏ lòng mến khách của mình. Mùa nào thức nấy, người Thái lựa chọn nguyên liệu tươi ngon cho món xôi màu của mình. Vào mùa xuân thì món xôi vàng được làm từ nguyên liệu là hoa của cây Booc phon, hoa cây Phặng. Vào mùa đông, khi nguyên liệu khan hiếm thì họ dùng nghệ để tạo màu vàng cho xôi.

Về trang phục, phụ nữ Thái vẫn duy trì trang phục truyền thống trong cuộc sống thường nhật. Phụ nữ Thái đen dễ dàng được nhận ra bởi tằng cẩu và Piêu đội trên đầu vào ngày lễ hay đám cưới hỏi. Ngoài ra, Piêu còn theo người Thái đến lúc về thế giới bên kia. Khi chết con cháu sẽ bỏ vào mộ người đàn ông một Piêu và mộ phụ nữ hai Piêu. Có thể thấy, chiếc khăn Piêu là hình ảnh biểu trưng của người Thái đen, đi theo họ trong suốt cuộc đời.

Người Thái khác với người Dao, H'mông là trong trang phục không xuất hiện màu chàm. Vải chàm vẫn được nhuộm, nhưng sau đó sẽ thêm một công đoạn nữa đó là nhuộm đen vải. Quy trình dệt vải và nhuộm của người Thái đen cũng rất cầu kỳ. Bông được trồng trên các nương ngô, sau đó xe thành sợi và dệt thành vải. Vải sau khi dệt xong thì được đun với ngô hoặc gạo trong nhiều giờ. Theo người Thái thì thời gian đun càng lâu, vải càng dai, càng cứng, mặc càng bền. Vải này sau đó mới dùng để nhuộm chàm, sau 10-12 lần nhuộm chàm vải có màu xanh thẫm là đạt. Tiếp đến là công đoạn làm đen vải, củ nâu sẽ được giã ra cho nước vào, ngâm vải trong đó 1-2 ngày, rồi phơi nắng. Vải sẽ có màu đen và cứng, phong tục của người Thái mặc quần áo có màu đen, khác với người Dao, người H'mông là mặc quần áo có màu chàm, xanh, ánh lên sắc đỏ dưới nắng. Ngoài mục đích sử dụng cây nhuộm màu để nhuộm vải và thức ăn trong những dịp đặc biệt thì người Thái còn sử dụng cây nhuộm màu để nhuộm đồ dùng, vật dụng hàng ngày như đũa ăn, giỏ xôi, giỏ đựng. Màu sắc thường dùng để trang trí các vật dụng là màu đen, màu đỏ.

Tuy nhiên hiện nay, chủ yếu người Thái chỉ còn duy trì nhuộm đũa ăn. Các vật dụng khác thường được mua ngoài chợ, rất hiếm trường hợp tự làm và nhuộm nguyên liệu để trang trí. Do tác động cuộc sống hiện đại hóa cho nên nguyên liệu làm quần áo Thái đã có nhiều thay đổi. Họ mua và mặc quần áo truyền thống bán ngoài chợ. Trong các làng bản hiện nay rất khó gặp được cảnh các cô gái Thái đến tuổi cập kê ngồi thêu khăn Piêu, dệt Khít để chuẩn bị sính lễ về nhà chồng, mọi thứ đều được mua bán hoặc đặt người trong bản làm. Trong mỗi bản người Thái đen tại Thuận Châu vẫn còn một vài phụ nữ cao tuổi nhận nhuộm vải, thêu khăn Piêu và quần áo theo yêu cầu cho các gia đình có con gái. Những phụ nữ này thường là người cao tuổi, giỏi trong việc nhuộm và sức khỏe yếu không còn làm nương rẫy, ở nhà làm vườn, nhận nhuộm cho họ hàng, người thân quen trong bản. So với trước đây, phụ nữ cả bản đều biết nhuộm và thường xuyên làm lấy tất cả quần áo, chăn đệm thì ngày nay, trong bản chỉ còn 2-3 người duy trì nhuộm cho gia đình họ hàng. Ai có nhu cầu có thể đặt hàng, nên những người trẻ thường chọn phương thức này để làm quần áo và đồ cưới. Vào lúc này, trong nhà người Thái không còn những chum ngâm vải chàm, người Thái trẻ không còn biết cách làm nữa, thường chỉ nghe bà và mẹ kể lại. Ước tính chỉ sau 10-15 năm nữa, những hoạt động thủ công truyền thống sẽ không còn tồn tại trước sức ép của hiện đại hóa của đô thị hóa.
Ngoài ra, nguyên nhân thứ hai khiến xói mòn tri thức đó là nhiều loài cây đã trở nên khan hiếm và rất khó để kiếm đủ số lượng cho một lần nhuộm như (Fibraurea, Gmelina,...), thường
khi cần đến họ phải đi vào rừng, rẫy xa bản. Vì vậy đồng bào phải dùng nguyên liệu khác thay
thế hoặc mua sản phẩm từ chợ.

Chúng tôi nhận được thành phần loài cây nhuộm màu tại huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La là 30 loài. Trong đó, các cây chủ yếu được sử dụng với mục đích chính: Nhuộm thức ăn, vải sợi. Về tình hình tri thức sử dụng thực vật tại địa phương: Thái đen là một trong những nhóm dân tộc tích lũy nhiều tri thức và kinh nghiệm độc đáo trong việc sử dụng thực vật để nhuộm màu, phối hợp nhiều loài trong quá trình nhuộm vải chàm. Nhìn chung, người Thái đen tại Thuận Châu, Sơn La vẫn duy trì được các phong tục tập quán và bản sắc của dân tộc mình. Song trước tác động của hiện đại hóa làm xói mòn và lãng quên tri thức là điều tất yếu. Bởi vậy, để các tri thức này được duy trì và bảo tồn thì biện pháp duy nhất đó là dùng chính các tri thức đó để tăng thu nhập cho người dân, tạo các sản phẩm địa phương để phục vụ quần chúng Sơn La, Tây Bắc.

Trong những năm gần đây, do sự giao lưu, thông thương hàng hóa giữa các vùng miền tăng lên, vải công nghiệp rẻ, đẹp, đa sắc màu đã dần thay thế vải nhuộm chàm thủ công. Tuy chất liệu có thay đổi nhưng kỹ thuật cắt may trang phục của người Thái đen vẫn mang kiểu dáng và phong cách truyền thống. Đó là độ dài áo chỉ chấm thắt lưng, 2 hàng khuy bướm trước ngực và cái dáng thắt đáy lưng ong của người phụ nữ trải qua năm tháng vẫn không thay đổi. Trang phục của người Thái đen tuy không phong phú về chủng loại nhưng khá đa dạng về hình thức thể hiện.

Ngày nay, không khó để bắt gặp hình ảnh người phụ nữ Thái đen mặc xửa cỏm cổ cao, hay người Thái trắng cổ chữ V, còn váy đôi khi xẻ tà theo người Kinh, tay áo ngắn, lửng hay vai bồng... Điều đó thể hiện sự chồng chập theo thời trang, tiếp biến trong phong cách trang phục của người Thái đen. Đây cũng là tất yếu khách quan không thể tránh khỏi trong tiến trình giao lưu hội nhập của xã hội. Mặc dù có biến đổi nhưng trang phục của người Thái đen vẫn giữ được cái cốt cách, cái nền tảng ban đầu của truyền thống văn hóa dân tộc. Đó cũng chính là quy luật kết hợp giữa truyền thống-hiện tại và đổi mới của văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa trang phục nói riêng. Trang phục và những giá trị thẩm mỹ của nó đã và đang góp phần đáng kể làm rạng rỡ thêm sắc thái văn hóa của dân tộc Thái đen tại Thuận Châu.
Huỳnh Tâm

Thursday, April 21, 2016

Sản phẩm gốm Mường Chanh (HuỳnhTâm)

Gốm Mường Chanh, có một vị trí trong đời sống của dân tộc Thái Đen tại Sơn La, chính nơi đây có vai trò bảo tốn giá trị gốm cổ. Được xem một xứ mạng đặc biệt không thể thiếu trong nền văn hóa hiện tại.

Mường Chanh là một xã nhỏ thuộc huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La có diện tích khoản 3.000 ha, với dân số 1674 người (237 hộ) toàn thể dân cư người Thái Đen, đây là toàn xã người Thái Đen duy nhất còn tồn tại nghề làm gốm. Trong khi đó hầu hết người Thái Đen ở các nơi khác trong tỉnh Sơn La hay toàn vùng Tây Bắc đều để nghề gốm mai một. Thậm chí người Thái Trắng ở đây cũng không làm nghề gốm. Vậy phải chăng chỉ một nhóm Thái Đen còn lưu được nghề gốm? Tiêu biểu nghề gốm tại Mường Chanh.


Nhìn chung, sản phẩm gốm ở Mường Chanh còn nghèo nàn, đên điệu, theo công thức sinh hoạt hình dạng cổ, những sản phẩm chính: Chum, vại và chậu gốm.
- Chum (tiếng Thái gọi là hay). Người Thái Đen ở Mường Chanh làm chum các cỡ, to nhất có kích thước 55x35cm. Loại nhỏ nhất chỉ bằng chiếc điếu bát, gọi là lọ (hay vò).
- Vại (pại) cũng gồm các cỡ to nhỏ khác nhau.
- Chậu (áng) từ chậu tắm, chậu đựng cám lợn đến chậu nhỏ xíu đựng thức ăn, nước chấm.

Tuy vậy các sản phẩm được đồng bào địa phương dùng với nhiều công dụng đựng nước, xách nước, ngâm chàm, nhuộm vải, làm măng chua, đựng muối, mắm cá, mỡ, chứa hạt giống, đựng thóc và sắn khô.
Người ta dùng chậu sành làm công cụ chăn nuôi gà, lợn. Ngoài ra, một vài đồ gốm ở đây còn dùng đựng hài cốt hay tro hài cốt hỏa táng.
Xưa nay những nhà gốm Mường Chanh ít quan tâm đến các loại nồi đất. Đó là đặc điểm khác hẳn các làng gốm của Ngũ kinh trước đây.
Gốm Mường Chanh vẫn chỉ phát triển ở mức sản xuất quy mô nhỏ, là một nghề phụ của gia đình. Sản phẩm làm ra đều đem trao đổi, một phương thức "mua bán" giản đơn cổ xưa theo kiểu đổi chác lấy các vật phẩm khác. Gốm đổi lấy nông sản, bông, vải, hoa quả, thóc gạo, cá, gà, vịt. Trước đây và cả hiện nay vẫn có lưu truyền, người Thái Đen ở Mường Chanh quan niệm giá trị hàng hóa trao đổi rất đặc biệt. Theo họ hàng đem đổi càng xa, giá trị càng cao. Điều này không phụ thuộc vào chất lượng mà chỉ dựa trên kích cỡ sản phẩm. Chẳng hạn, cùng một sản phẩm, nếu đem đe xa 2-3 ngày đường, sẽ đổi gấp đôi số nông sản so với đổi tại chỗ (nơi sản xuất). Hoặc giá trị đồ gốm căm cứ theo độ lớn nhỏ. Đổi chum lấy thóc, người ta lấy lượng thóc đổ đầy chiếc chum đó...Có thể thấy đây là sự bảo lưu dai dẳng quan niệm thời tiền sử về giá trị hàng hóa của đồng bào Thái Đen tại làng nghề gốm này. Nhưng đồ gốm ở đây còn thô, rất gần với các loại gốm tối cổ mà chúng ta đã phát hiện ở các di chỉ khảo cổ tiền Phùng Nguyên. Theo chúng tôi, Mường Chanh là một làng nghề gốm rất lâu đời, thậm chí là trung tâm gốm cổ của đồng bào Thái Đen tại Sơn La. Nhận định của chúng tôi dựa trên cơ sở khảo sát dân tộc học nói trên, đồng thời dựa trên kết quả nghiên cứu về kỹ thuật sản xuất hiện nay của thợ gốm Mường Chanh.


1 . Kỹ thuật sản xuất.
Nghề gốm ở Mường Chanh, cũng như các làng nghề gốm khác ở Việt Nam, đã sử dụng những nguyên vật liệu và các phương tiện kỹ thuật chủ yếu nhất để tạo ra sản phẩm. Như ta đã biết, sản phẩm Mường Chanh hấu hết còn thô sơ, bởi trình độ tay nghề và công cụ tạo hình, lò nung chưa có bước phát triển cao.
Đất gốm Mường Chanh chỉ được khai thác ở Lồng Báp, một bản trong xã này. Nhưng sau đó người ta khám phá cánh đồng lúa nước, phát hiện hấu hết ruộng trong toàn xã đều là đất sét làm được gốm. Đồng bào đào lấy đất gốm xong lấp lại và tiếp tục cấy lúa bình thường. Có chỗ đất làm gốm dày 2x3m, dưới lớp đất màu (đất pha hay đất thịt). Chất đất làm gốm tại Mương Chanh gồm nhiều màu sắc. Vàng, hanh đỏ, xanh xám và đen. Chất đất hanh đỏ một loại kết dính cao nhất của gốm.
Sau khi, khai thác đem lên mặt đất, được bảo quản nơi kín gió để sản xuất dần hay người ta bảo quản dưới lòng đất, khi dùng thì lấy lên, ngâm nước, nhào kỹ rồi sản xuất.


2 . Kỹ thuật sản xuất gốm.
Thợ gốm Mường Chanh làm gốm quá thô sơ, nên kỹ thuật sản xuất không phức tạp.
- Tạo hình. Dùng bàn xoay, nhưng khi làm thì phải có người khác xoay bàn xoay giúp. Ngoài ra, còn dùng phương pháp khác, tạo hình bằng giải cuộn trên xương gốm và trên sản phẩm đã nung, dấu vết giải cuộn khá rõ nét, có vẽ rất gần với sự tạo hình thô sơ trên đồ gốm tối cổ.
Người Thái Đen Mường Chanh không dùng bàn đạp khi tạo hình như một số nơi khác.
- Nung gốm: lò gốm ở Mường Chanh là loại lò hầm.
Đấy là lò hình nón cụt, được đào vào sườn đồi, có cửa lò và "ống khói", kích thước trung bình mỗi lò chừng 2m x 2.5 x 1m. Mỗi mẻ xếp lò được khoản 30-40 chum vại các loại. Và mỗi lò cũng chỉ hoạt động 3-5 mẻ gốm trong năm.
Nhiên liệu nung ở đây chủ yếu là củi, khoảng 3m² củi cho một lò, mà hầu như tận dụng cây, cành khi đi phát nương rẫy. Nếu không có nguồn than để thay thế, hàng năm nhu cầu củi lò rất lớn.
Khi vào lò, người thợ cả xếp củi lò để đun gốm, thời gian nung một mẻ gốm mất 10-12 giờ, lúc đầu dun to lửa, sau đó cho cháy đều và nhỏ lửa dần, giữ cho gốm chín đều. Theo kinh nghiệm của thở gốm Mường Chanh, khi xương gốm nung sẽ co lại chừng hai ngón tay đường kính cỡ lớn (như chum, kiệu) là được. Lúc ấy phải lấp kín cửa của lò và ống khói, rồi cứ để 3-5 ngày sau, khi nguội hẳn mới dỡ lò.


Tuy kỹ thuật còn đơn giản, sản phẩm đơn điệu nhưng gốm Mường Chanh của đồng bào dân tộc Thái Đen đã từ lâu có tiếng vang và tín nhiệm cả miền Tây Bắc. Sự tồn tại lâu đời và đang phát triển, nghề gốm ở đây đã chứng tỏ sức sống mạnh mẽ của nó, cũng như nó khẳng định vị trí của mình trong đời sống xã hội của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tuesday, April 19, 2016

Gốm Mường Chanh một sản phẩm văn hóa (Văn Hóa Tây Bắc)

Sơn La là vùng đất có nhiều nét văn hóa của vùng Tây Bắc trong đó có văn hóa Thái đặc sắc góp phần làm phong phú, đa dạng văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa các dân tộc Tây Bắc nói riêng.

Người Thái ở Sơn La được biết đến với nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa, lao động, sáng tạo văn hóa qua một số nghề thủ công truyền thống trên địa bàn sinh sống. Tuy nhiên, trải qua thời gian, điều kiện cuộc sống thay đổi nghề truyền thống cũng dần mai một, cho tới nay chỉ còn nghề làm gốm, nghề rèn, nghề dệt, đan lát được giữ gìn và phát triển.
Xã Mường Tranh huyện Mai Sơn tỉnh Sơn La, có vị trí ở phía Bắc của huyện, cách huyện lỵ 50km, cách trung tâm thành phố Sơn La 22km, phía Đông giáp xã Chiềng Chung huyện Mai Sơn; Phía Tây giáp xã Bản Lầm huyện Thuận Châu; Phía Bắc giáp xã Hua La thành phố Sơn La.

Nghề làm gốm ở Mường Tranh có từ lâu đời do nhu cầu của người dân địa phương và các vùng lân cận. Nghề truyền thống này đóng một vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế của người dân. Gốm đã trở thành hàng hóa trao đổi gần như toàn bộ khu vực Tây Bắc, đem lại thu nhập có ý nghĩa quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. 
Kỹ thuật sản xuất gốm khá hoàn thiện, người thợ gốm đã biết sử dụng bàn xoay một trong những dụng cụ quyết định đến chất lượng sản phẩm thô, bàn xoay được chôn cố định xuống đất, mặt bàn xoay tương đương với mặt đất, trong quá trình tạo hình gốm người thợ có thể tự mình xoay bàn xoay bằng ngón chân cái của bàn chân nhưng cần có người giúp xoay bàn xoay để sản phẩm có chất lượng tốt hơn. Các sản phẩm gốm như: Chum to (hay ham), chum nhỏ (hay bắc), chum nhỡ (ụ), om, ống nấu thịt, chố pi, bát to, bát nhỏ, chậu (áng), cối giã chéo, pại…Nguyên liệu làm gốm đóng vai trò rất quan trọng, đó là loại đất sét màu trắng nhạt, vàng rất mịn không phải qua công đoạn xử lý hoặc pha trộn thêm cao lanh. Đất được lấy từ ruộng lên đem về ủ rồi dùng chày hoặc cối giã đất thật nhuyễn. Dùng một lượng đất vừa đủ cho kích cỡ sản phẩm để tạo đáy của sản phẩm đó, tạo đáy xong đến khâu tạo thân sản phẩm, tiếp đến là làm cổ và cuối cùng tạo hoa văn trên sản phẩm. Hoa văn chủ yếu là những đường sóng nước, hình kỉ hà và hình trên các sản phẩm thổ cẩm có cả hoa văn hình vảy cá rất mộc mạc, gần gũi trên cổ và vai của sản phẩm. 
Bộ dụng cụ tạo hình gốm tương đối hoàn chỉnh với bàn xoay, chậu đựng nước, chậu đựng tro bếp, rìu tre cắt đất, vải nhúng nước, lược gọt đất, dây cắt đất, ống xít đất, ống tre dàn đất, dùi lỗ bằng tre, kiếm tre cắt đất, sọt đựng và ủ đất, chày giã đất, sọt gánh chum. Với những dụng cụ có chức năng riêng khá đơn giản và thô sơ nhưng người Mường Tranh đã tạo nên những sản phẩm gốm được nhiều nơi ưa chuộng. Đấy là một nghề cổ truyền và cơ bản là vì nguyên liệu sản xuất.

Gốm được tạo hình với những mẫu khác nhau được xếp ngay ngắn dưới gầm sàn cho tới khi nào khô mới xếp vào lò nung gốm, gốm được nung liên lục trong vòng 24h bằng củi. Nung gốm là khâu cuối cùng để tạo ra sản phẩm hoàn thiện, có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của mẻ gốm. Vì thế trước khi xếp gốm vào lò nung người thợ gốm thường làm một lễ cúng nhỏ cầu mong thần linh phù hộ cho mẻ gốm chín đều, sản phẩm không bị méo mó, biến dạng, nứt vỡ. Lò nung gốm ở Mường Tranh thuộc loại lò hầm, trung bình mỗi mẻ gốm cho ra lò khoảng 30 sản phẩm các loại. Các sản phẩm sau đó được mang trao đổi tại chỗ hoặc các vùng lân cận. Gốm Mường Tranh có đặc trưng đó là màu ghi đen, xám tạo thành sản phẩm độc đáo.
Gốm Mường Tranh được nhân dân Tây Bắc đánh giá cao và rất ưa chuộng bởi nguyên liệu làm gốm chứ không phải kỹ thuật sản xuất gốm.

Mường Tranh được coi như một “bảo tàng” lưu giữ, duy trì nghề gốm của người Thái mang đậm bản sắc văn hóa của một miền đất giầu truyền thống cách mạng .

Sắc Gốm Mường Chanh (Phan Thanh Sơn)

Một số sản phẩm gốm Mường Chanh
Cư trú lâu đời ở Mường Chanh (tỉnh Sơn La) nên đồng bào Thái có nền nông nghiệp khá phát triển, họ trồng được một loại lúa nếp ngon nổi tiếng trong vùng gọi là nếp tan nhe. Đặc biệt người Thái ở Mường Chanh còn có một nghề thủ công đặc sắc,
đó là nghề gốm. Bề dày phát triển của các làng gốm đã cho thấy những nét giao thoa văn hóa tương đồng cũng như khác biệt mang tính vùng miền khá thú vị trong kỹ thuật chế tác, trang trí gốm... giữa các làng nghề, từ miền núi đến đồng bằng tới ven biển. Mường Chanh là một đại diện tiêu biểu cho đặc thù gốm thuộc văn hóa miền núi phía Bắc. Hơi thở của núi rừng, của con người Thái đen in dấu cả vào gốm. Bởi vậy, chất gốm Mường Chanh có một vẻ đẹp rất riêng.
Người Thái bắt đầu công việc của mình từ khá sớm, cứ mặt trời lên núi cũng là lúc các nhà bắt tay vào công việc. Ở Mường Chanh, tất cả các thành viên trong gia đình từ già đến trẻ, đều có thể tham gia làm gốm. Phụ nữ và trẻ em tham gia gia công nguyên liệu, quay bàn xoay... đàn ông phụ trách các khâu quan trọng như: thành hình sản phẩm mộc, xếp gốm vào lò, nung gốm. Công cụ chủ yếu nhất trong việc tạo hình gốm của người Thái là bàn xoay bằng thớt gỗ tròn được bà con gọi là cái khiên, đường kính 39 đến 40 cm, cao 19 đến 20 cm, úp trên một trụ gỗ chôn chặt xuống nền nhà. Hầu hết mặt khiên được làm từ gỗ cây sồi. Còn trụ gỗ để xoay thường được làm từ lõi cây tô hợp hay cây mận trồng trong rừng.

Chiếc ấm từ gốm Mường Chanh

Như bao làng gốm truyền thống khác, khi tạo hình sản phẩm, người Thái thường xem thời tiết, tránh những ngày mưa, nồm, độ ẩm không khí cao để khi nặn, tạo hình thành sản phẩm không bị sụt xuống. Trường hợp đang nặn gốm gặp trời mưa, họ phải đốt lửa hơ cho khô bớt rồi mới nặn tiếp. Việc dựng hình sản phẩm gốm ở Mường Chanh theo thể tự do, tính quy chuẩn được ước lệ theo mục đích sử dụng, song nhất thiết phải tuân thủ quy trình tạo hình, bắt đầu từ làm đáy, dựng thành, chuốt miệng rồi mới trang trí hoa văn và làm thể phụ. Để làm đáy, người ta rắc một lớp tro mịn chống dính lên bàn xoay, đặt miếng đất sét lên mặt, miết xung quanh cho đất dính chặt vào bàn, dùng gậy gỗ dát mỏng, làm nhẵn mặt đáy, lấy dao tre cắt đáy kết hợp quay bàn xoay thành một vòng tròn quanh đáy sản phẩm.
Hoàn chỉnh phần đáy, người Thái mới chuyển sang dựng thành sản phẩm theo kỹ thuật đắp nặn, dùng 2 tay vê đất thành thỏi dài từ 20 - 30 cm. Tay phải cầm thỏi đất, vừa xoay vừa be đất tạo vòng thành đầu tiên, dùng dụng cụ hình trăng khuyết để miết kỹ chỗ tiếp giáp giữa thành và đáy, tiếp tục làm các vòng thành khác theo lối đắp trạch. Dùng hai dụng cụ uốn cong, một cái trong và một cái ngoài, kết hợp chân quay bàn xoay để miết, làm cho thành sản phẩm cong theo ý muốn. Các loại dụng cụ cơ bản trong tạo hình gốm Mường Chanh là Vi kiểng (các mảnh gỗ hình bán nguyệt, hình liềm); Vi tra (mảnh gỗ hình rìu, có vai), dụng cụ tạo hình cổ chum, lọ gọi là vi. Trong tiếng Thái, vi là tay, tên gọi có gắn chữ vi là các dụng cụ làm tay. Dụng cụ để cắt và khắc là mạy láp (que bằng tre, nứa cắt vát sắc, một đầu nhọn, đầu kia bằng có răng cưa).

Dấu ấn riêng của gốm Mường Chanh

Tạo hình xong, muốn cho sản phẩm đều và nhẵn, người ta dùng 4 mảnh tre, gỗ mỏng để chỉnh hình và chuốt, sau đó dùng một ống thụt có cấu tạo đơn giản như xi lanh gọi là còng sít dùng để nén đất thành sợi, dao tre chạm hoa văn, móc để xén lợi, cắt miệng. Trong quá trình nặn gốm, để chống dính, người ta thường nhúng tay vào chậu nước hay tro bếp. Cuối cùng, dùng sợi móc cắt miệng, lấy giẻ ướt vén đất tạo thành miệng sản phẩm. Tạo hình hoàn chỉnh, người Thái bắt đầu bước sang công đoạn tạo hoa văn. Tùy theo từng loại sản phẩm mà người Thái Mường Chanh trang trí một loại hoa văn hình sóng nước, hình dải chỉ nổi hay cả hai loại hoa văn cùng lúc. Cách trang trí của người Thái đen theo những diễn biến văn hóa tự nhiên, gắn liền với thiên nhiên cuộc sống của con người vùng Tây Bắc.
Trong lịch sử chung của người Việt cổ, đồ đựng bằng gốm được xem là đồ quí bởi độ bền và tính an toàn trong bảo quản lương thực, thực phẩm, đồ uống... Có lẽ đó chính là nguyên do nảy sinh đồ gốm và hình thành nghề gốm, trong những buổi đầu chỉ là vấn đề tự cung, tự cấp. Với người Thái đen Mường Chanh, dùng đồ gốm để đổi ra vật khác như là dấu hiệu sơ khai của hoạt động thương mại, giá trị sản phẩm được tính lũy tiến theo quãng đường mà họ phải đi tới nơi trao đổi, đường càng dài, giá trị sản phẩm càng cao, bởi vậy, theo lời kể của người già, thủa xa xưa, người Thái đen Mường Chanh chủ yếu sống bằng nghề gốm này một cách dễ dàng. 

Một số công cụ làm gốm ở Mường Chanh

Một trong những yếu tố làm nên vẻ đẹp của gốm Mường Chanh là chất đất. Đất Mường Chanh là loại đất dẻo, đất sét pha cao lanh có chất lượng tốt. Đất được khai thác trên mỗi thửa ruộng của gia đình và được chuyển về nhà bằng những đôi sọt nan hoặc được nặn thành từng viên tròn gánh về nhà. Khai thác đất lên, đem sản xuất ngay hoặc bảo quản nơi kín gió để dùng dần. Chất đất làm gốm tại Mường Chanh gồm nhiều màu sắc: vàng, hanh đỏ, xanh xám và đen. Trong đó, chất đất kết dính cao nhất trong số loại chất này là loại hanh đỏ. Ở Việt Nam mỗi vùng gốm đều có 1 đặc trưng riêng từ nguyên liệu cho đến phương phức làm. Không sử dụng những phương pháp lọc đất như những vùng gốm khác, những người thợ Mường Chanh dùng cối giã đất...
Nung gốm là khâu then chốt nhất trong quá trình sản xuất gốm của người Thái ở Mường Chanh vì nó quyết định chất lượng sản phẩm. Mỗi gia đình ở Mường Chanh đều tự làm lấy lò nung gốm. Người ta chọn chỗ đất cứng hay những chỗ đá đang phong hóa đào lò để tiết kiệm củi đốt, sản phẩm chín tốt hơn và vào mùa mưa không bị sập. Người Thái đen sử dụng kiểu lò hầm, hình dáng mu rùa (cao ở giữa và thấp dần ra quanh). Đáy lò không bằng mà dốc nghiêng, thấp dần từ ống khói ra phía cửa lò.

Tạo hình trên bàn xoay

Chọn ngày nắng ráo, người ta xếp sản phẩm vào lò nung. Ở Mường Chanh, đốt lò được họ chuẩn bị như một nghi lễ nghiêm cẩn. Người ta đan cây Ta leo để xua đuổi tà ma. Trước khi vào lò, thầy mo sẽ lấy bát nước gạo té lên trên miệng lò và khấn xin trời phù hộ cho mẻ gốm thành công, sau đó cắm Ta leo lên trên miệng lò. Khi vào lò, nhất thiết phải xếp các sản phẩm thành một lớp, không để chồng lên nhau và cũng không lồng cái nhỏ vào cái to; xếp xong mới bắt đầu nung gốm. Ban đầu, người ta đốt nhỏ lửa để sấy gốm cho khô, khi nhìn qua lỗ thông hơi thấy gốm chuyển sang màu hồng lửa, mới tăng thêm củi cho gốm chín. Khi thấy miệng ống khói trắng bạc và ngọn lửa vọt lên khỏi miệng ống khói chừng 1m có màu hồng trông thẳng đứng, nghĩa là gốm đã chín. Thời gian đốt và ủ lò khoảng 24 giờ. Vùng gốm nào cũng đưa yếu tố tâm linh vào, tín ngưỡng chung là thờ thần lửa, cầu may mắn. Nhưng với người, bên cạnh việc mong thần linh phù hộ, làm lễ với cây Ta leo là để trừ ta ma, tránh gặp rủi ro khi đốt lò.
Sản phẩm gốm của người Thái Mường Chanh khá phong phú, gồm hơn 10 thể loại với nhiều hình dáng, kích cỡ khác nhau, chủ yếu là gốm gia dụng như chum, bình có quai, nồi nấu cách thủy, chày cối dùng để nghiền ớt, lục lạc để đeo trâu, bò... Người Thái Mường Chanh còn sản xuất một số đồ gốm có giá trị như: chum to, lọ cổ nhỏ được dùng làm của hồi môn cho con gái đi lấy chồng. Ngày nay, Mường Chanh còn hai tổ gốm lớn nhất là của gia đình ông Lò Văn Loan và gia đình ông Hoàng Văn Nam. Cũng là phương cách làm như nhau, nhưng gia đình ông Hoàng Văn Nam cũng đã có những cải tiến đáng kể trong việc trang trí họa tiết hoa văn. Chưa định hình về kỹ thuật tráng men, nhưng sự sáng tạo trong sản xuất của những người Thái rất đáng ghi nhận.

Vào lò

Đốt lò

Sản phẩm gốm của người Thái Mường Chanh thuộc loại gốm trơn, không tráng men, ít tinh xảo và thậm chí có phần hơi thô, nhưng có lẽ vẻ đẹp của nó lại toát lên chính nhờ sự thô ráp, mộc mạc đó. Gốm Mường Chanh có khá nhiều ưu điểm: nhẹ, độ bền cơ tốt và độ thấm hút nước thấp hơn so với gốm các nơi khác. Nhiên liệu nung gốm ở đây chủ yếu là củi mà hầu hết là tận dụng cây, cành khi phát nương rẫy. Để tạo màu sắc cho gốm, người thợ sẽ lên rừng hái lá dẻ, trước khi dừng lửa, họ cho lá dẻ vào lò rồi lấp cửa, lấp ống khói, trong quá trình ủ, lá cây này khi cháy tạo thành khói đen ám vào sản phẩm và sinh ra màu xám đen rất đặc trưng của gốm Mường Chanh.
Thời gian nung gốm mất khoảng 1 ngày. Lúc đầu đun to lửa, sau đó cho cháy đều và nhỏ lửa dần, giữ cho gốm chín đều và đem ủ 3 ngày 3 đêm ở trong lò để tạo độ chắc, bền cho gốm, khi nguội hẳn mới dỡ lò. Những sản phẩm này sẽ được những người phụ nữ gánh sang các xã lân cận để bán, hoặc được sử dụng để trao đổi hàng hóa tại các phiên chợ.

Trang trí đốt lò

Năm tháng qua đi, bản làng có bao thay đổi, nghề gốm ở Mường Chanh cũng trải qua bấy nhiêu thăng trầm. Trong cuộc sống người miền núi, đồ đựng đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo quản nhu yếu phẩm, điều kiện về giao thông rất khó khăn, giao lưu mua bán hạn chế. Trong bối cảnh đó, cả Mường Chanh hiện nay chỉ còn hai lò đỏ lửa như một biểu hiện của sự nỗ lực gìn giữ những giá trị xưa cũ. Cuộc sống hiện đại cùng những tác động của nó đã tạo ra nhiều thách thức cho nghề gốm Mường Chanh. Sự bảo lưu truyền thống chỉ có thể thực hiện được khi trong nó có những biểu hiện mang tính thời đại. Để làm được điều này, sự quan tâm mang tính liên ngành khoa học, xã hội là điều không thể thiếu được.
Phan Thanh Sơn

Monday, April 18, 2016

Nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống của người Thái đen (Cao Thị Kim Thoa)

Bản Him lam II thuộc phường Him lam, thành phố Điện Biên. Người Thái thường gọi là "Hin Đăm", viên đá đen quý của Ải Lậc Cậc. Có một sự tích kể rằng: Một hôm Ải đi làm đồng qua một dòng suối vô tình Ải đánh rơi viên đá xuống suối, Ải lấy chân gạt bùn đất tìm viên đá, nhưng tìm mãi tìm mãi vẫn không thấy vì viên đá đã lẫn vào bùn đất và tụ thành một bãi từ đó nhân dân đặt tên bản là bản Him Lam. Năm 1974 bản được tách ra thành 02 bản: Him Lam I và Him Lam II.
Bản Him Lam II nằm ở nơi cửa ngõ của thành phố Điện Biên, có 98% là người dân tộc Thái đen sinh sống từ lâu đời.
Người Thái đen có rất nhiều ngành nghề thủ công truyền thống như: Đan lát mây tre, đan chài, lưới…trong đó phải kể đến nghề thêu, dệt thổ cẩm - Là một nghề truyền thống có từ lâu đời của người Thái Điện Biên nói chung, người Thái bản Him Lam II nói riêng. 

Người phụ nữ Thái học nghề thêu, dệt thổ cẩm từ những người phụ nữ thế hệ trước và truyền lại cho con cháu đời sau. Để dệt được những tấm vải thổ cẩm hoàn mỹ, đòi hỏi người dệt phải trải qua rất nhiều công đoạn. Sản phẩm thêu, dệt thổ cẩm truyền thống được làm hết sức tỉ mỉ, thủ công với những công cụ thô sơ nên chỉ những người phụ nữ mới có thể kiên trì làm được. Do đó, đã hình thành trong dân gian quan niệm đánh giá đàn ông Thái qua đan lát, đánh giá người phụ nữ Thái qua thêu thùa, dệt vải.
Điểm đặc biệt của nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Thái là họ đều tự tay làm tất cả, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, dệt vải, nhuộm màu, nhuộm chỉ và thêu thành sản phẩm. Xưa kia người dệt dùng những nguyên liệu tự mình tạo nên từ trồng dâu, nuôi tằm lấy sợi và tìm kiếm màu sắc từ thiên nhiên để pha thành những sắc màu đa dạng. Tùy vào từng mẫu hoa văn trên tấm thổ cẩm người dệt có thể pha, nhuộm các màu độc đáo khác nhau. Những tấm vải dệt lên có thể tạo thành váy, áo, khăn Piêu, những chiếc gối xinh xắn,…
Thổ cẩm của người Thái thường sử dụng các màu trắng, đỏ, vàng, xanh lá cây, tím…tạo ấn tượng mạnh. Cầm trên tay tấm vải thổ cẩm ta có thể cảm nhận được màu xanh của cây cối; màu hồng, trắng, đỏ của hoa rừng; màu vàng rực rỡ của ánh nắng mặt trời. Tính cách và tuổi tác của người phụ nữ thể hiện qua từng sản phẩm thổ cẩm. Với những cô gái Thái đang yêu thường thì những gam màu sáng sẽ làm chủ đạo, những đường nét hoa văn bay bướm, uốn lượn đầy sức thơ mộng và cuốn hút được hiện trên trang phục thổ cẩm của họ. Còn với các thế hệ bà, mẹ lớn tuồi thì lấy gam màu trầm làm chủ đạo với đường nét rắn rỏi và đậm nét suy tư.
Hoa văn trên trang phục cũng như các vật dụng làm từ thổ cẩm thường theo mô típ tượng trưng, cách điệu các hình tượng từ thiên nhiên và đời sống thường ngày như hoa lá, động vật,… Những họa tiết này được kết hợp một cách khéo léo, cân đối và mang đặc trưng tính cách, thẩm mỹ và tài nghệ của từng người làm ra. Hoa văn trên thổ cẩm diễn tả những tình cảm, suy nghĩ của con người về cuộc sống xã hội và tự nhiên chứ không sao chép nguyên mẫu. Mỗi hoa văn đều có ý nghĩa nhất định trong tổng thể khung hoa văn trên mỗi tấm thổ cẩm. Qua đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ, vẻ đẹp thiên nhiên, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày được khắc họa sinh động, rồi chính những trang phục ấy lại phục vụ cuộc sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc Thái bản Him Lam II.
Nghệ thuật trang trí của người Thái rất phong phú và độc đáo. Họa tiết thường đối xứng với nhau, phản ánh quan niệm về sự hòa hợp trường tồn của cuộc sống, quan niệm về vũ trụ, triết lý âm dương, đất trời cùng vạn vật…Lấy thiên nhiên làm hình mẫu, sản phẩm thổ cẩm của người Thái như những bức tranh phong cảnh thiên nhiên thu nhỏ, đó là những hình thoi như quả trám chạy viền, hoa ban cách điệu, con suối với thác ghềnh tung bọt trắng xóa, những chùm hoa buông dài như xà tích, lá đơn, lá kép, búp cây, dây leo,… Âm dương hòa hợp thể hiện sự khát khao hướng tới sự sinh sôi nảy nở, sự khát vọng chung sống thuận hòa theo quy luật của muôn đời, được thể hiện vô cùng tinh tế và phải trải qua nhiều thế hệ trao truyền, chắt lọc mới có được.
Có tới hơn 30 loại hoa văn, họa tiết được thể hiện sống động trên thổ cẩm và phù hợp với từng loại sản phẩm khác nhau, thể hiện tâm hồn hướng đến thiên nhiên và vẻ đẹp của người phụ nữ Thái. Ở mặt chăn thường thêu hình con thuồng luồng thể hiện tình cảm, ước mơ và lòng vị tha cao cả của người mẹ, người vợ luôn chung thủy, bao dung độ lượng. Còn đối với khăn Piêu thì hoa văn trang trí với màu sắc đa dạng, sinh động và hài hòa. Nét đặc biệt của nghệ thuật thêu khăn Piêu là họ thêu ở mặt trái nhưng hoa văn lại hiện ra ở mặt phải nên để thêu nên một chiếc khăn Piêu đẹp theo lối truyền thống đòi hỏi người phụ nữ Thái phải nắm chắc nguyên tắc, kỹ thuật. Bởi tính phức tạp của kỹ thuật thêu nên khăn Piêu được coi là một tiêu chuẩn xã hội để đánh giá người phụ nữ. Qua chiếc khăn Piêu có thể biết được chủ nhân của nó là người tài hoa, siêng năng, chịu khó hay là người lười nhác, vụng về.
"Em se sợi thành vóc hoa dâu
Em dệt cửi thành gấm vân chéo
Em dệt tơ thành đóa hoa vàng.
Người các bản, các phường muốn khóc
Đều ước ao được em thêu khăn"

Khăn Piêu của phụ nữ Thái không chỉ mang giá trị thẩm mỹ mà còn mang tính xã hội. Cùng với váy, áo, thắt lưng, khăn Piêu góp phần tạo nên một nét đẹp, một sắc thái riêng, hấp dẫn về trang phục truyền thống của dân tộc Thái. 
Ngắm nhìn từng sản phẩm lại mang cho ta cảm nhận mỗi một người con gái Thái là một nghệ nhân tài hoa. Việc biết thêu thùa, dệt vải được coi là tiêu chuẩn, là sự tất yếu cần phải có như người Thái thường nói “Nhinh hụ dệt”, nghĩa là con gái phải biết làm vải. Vì vậy các cô gái trong bản từ khi mới lớn đã biết dệt vải, thêu thùa. Mỗi khi các cô gái ngồi vào khung cửi, mỗi hoa văn họa tiết như có hồn, lung linh sống động nên mới có câu ca "Khoẳm mư pên lai/Hai mư pên bok" có nghĩa là "Úp bàn tay thành hình muôn sắc; Ngửa bàn tay thành hoa muôn màu", nhằm ca ngợi đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ đã thêu lên những sản phầm thổ cẩm để phục vụ cho bản thân, gia đình và một phần cung cấp cho thị trường.
Cho đến nay nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống của phụ nữ dân tộc Thái vẫn lưu giữ được cái hồn của mình, góp phần tạo nên một nét văn hóa độc đáo riêng của dân tộc Thái Điện Biên nói chung, dân tộc Thái bản Him Lam II nói riêng.
Cao Thị Kim Thoa

Saturday, March 26, 2016

Làng nghề gốm truyền thống Mường Chanh ở Sơn La


Làm gốm là một trong những nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời của dân tộc Thái tại Sơn La. Nói đến nghề gốm, nổi tiếng nhất nghề gốm ở xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La..
          Làm gốm là một trong những nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời của dân tộc Thái tại Sơn La. Nói đến nghề gốm, nổi tiếng nhất nghề gốm ở xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La..

Xã Mường Chanh cách thành phố Sơn La khoảng 20 km về phía Bắc, từ ngã ba Mai Sơn đi theo đường quốc lộ 4G đến xã rất thuận tiện. Đây là xã 100% dân tộc Thái đen, nơi duy nhất còn tồn tại nghề làm đồ gốm thủ công truyền thống. Đồ gốm Mường Chanh nổi tiếng với các sản phẩm chính nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt đời sống của người dân như: Chum, vại, hũ, lọ…được dùng với rất nhiều công dụng: đựng nước, ngâm chàm nhuộm vải, đựng muối, mỡ, mắm cá, muối dưa cà rất thơm ngon, dùng chứa hạt giống, đựng thóc, sắn, thức ăn và làm công cụ chăn nuôi gia cầm và các loại con giống làm đồ chơi cho trẻ em.
          Theo một số thông tin của người dân, tư liệu về kết quả nghiên cứu về kỹ thuật sản xuất của người thợ gốm nơi đây thì Mường Chanh là một làng gốm rất lâu đời, thậm chí là trung tâm gốm cổ của đồng bào Thái đen trên đất Sơn La. Sản phẩm làm ra đều đem trao đổi với phương thức “mua bán” giản đơn cổ xưa, kiểu đổi chác lấy các sản phẩm khác: nông sản, bông, vải, thóc,…Họ có quan niệm giá trị hàng hóa đem đổi càng xa, giá trị càng cao. Chẳng hạn, cùng một sản phẩm nếu đem đi xa khoảng 2-3 ngày đường có thể gổi gấp đôi số nông sản so với đổi tại chỗ (nơi sản xuất). Có thể thấy, đây là sự bảo lưu quan niệm thời tiền sử về giá trị hàng hóa của dân tộc Thái đen tại nghề gồm này. Những đồ gốm ở đây còn thô, rất gần với các loại gốm tối cổ ở các di chỉ khảo cổ tiền Phùng Nguyên.
Ths Bùi Văn Vượng “Làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam”, Nxb Văn hóa –Thông tin, 2002, trang 139.
Đất Mường Chanh là loại đất dẻo, đất sét pha cao lanh có chất lượng tốt. Đất được khai thác trên mỗi thửa ruộng của gia đình và được chuyển về nhà bằng những đôi sọt nan hoặc được nặn thành từng viên tròn gánh về nhà. Khai thác đất lên, đem sản xuất ngay hoặc bảo quản nơi kín gió để dùng dần. Chất đất làm gốm tại Mường Chanh gồm nhiều màu sắc: vàng, hanh đỏ, xanh xám và đen. Trong đó, chất đất kết dính cao nhất trong số loại chất này là loại hanh đỏ.
          Trước khi tạo hình gốm, đất được gia công thật nhuyễn, loại bỏ tạp chất bằng cách giã, hay đập tùy theo từng gia đình. Sau đó, người thợ sử dụng đôi bàn tay khéo léo và những công cụ tạo hình đơn giản để tạo ra những hình gốm phong phú và đa dạng. Hoa văn trên các đồ gốm đơn giản gắn liền với đời sống của người dân như hình ảnh con cá, sóng nước, dải đất…Thợ gốm ở đây còn dùng một số công cụ thô sơ khác như dụng cụ miết thành gốm, que dàu để cắt và khắc văn chìm. Có hai loại dụng cụ miết là “Vi kiêng” (các mảnh gỗ hình bán nguyệt, hình liềm); “Vi cho” (mảnh gỗ hình rìu, có vai). Dụng cụ để cắt và khắc là “cái đát” (que bằng tre, nứa cắt vát sắc, đầu nhọn).
Ths Bùi Văn Vượng “Làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam”, Nxb Văn hóa –Thông tin, 2002, trang 140.
Gốm sau khi được tạo hình và hong khô thì được đem đi nung gốm. Đây là cuối cùng cũng là khâu quan trọng nhất và quyết định phần lớn chất lượng của sản phẩm. Lò gốm Mường Chanh là loại lò hầm, không được xây mà được đào sâu dưới đất hoặc đào vào sườn đồi, bao gồm có: cửa lò, bầu đốt, buồng nung và ống khói. Thời gian nung gốm mất khoảng 1 ngày (24 giờ), lúc đầu đun to lửa, sau đó cho cháy đều và nhỏ lửa dần, giữ cho gốm chín đều và đem ủ 3 ngày 3 đêm ở trong lò để tạo độ chắc, bền cho gốm, khi nguội hẳn mới dỡ lò. Nhiên liệu nung gốm ở đây chủ yếu là củi mà hầu hết là tận dụng cây, cành khi phát nương rẫy. Để tạo màu sắc cho gốm người thợ cho vào lò một ít lá dẻ, lá cây này khi cháy tạo thành khói đen ám vào sản phẩm và tạo được màu xám đen rất đặc trưng của gốm Mường Chanh.
Tuy kỹ thuật còn đơn giản nhưng gốm Mường Chanh của dân tộc Thái đen từ lâu đã có tiếng vang và tín nhiệm trong vùng các dân tộc miền núi Tây Bắc. Trong những năm gần đây sản phẩm gốm trên thị trường ngày càng phong phú, giá rẻ; Còn việc sản xuất gốm Mường Chanh gặp rất nhiều khó khăn về củi đốt (nếu không có nguồn than để thay thế), sản phẩm đơn điệu,… Hiện nay, cả xã chỉ còn gia đình ông Hoàng Văn Nam là còn duy trì nghề gốm nhưng cũng chỉ làm vài lò trong một năm. Chính vì vậy, nghề gốm truyền thống ở Mường Chanh rất cần được sự quan tâm của các cấp, các ngành  trong việc giới thiệu, quảng bá, mở rộng thị trường, phổ biến và quan tâm tới việc truyền dạy kỹ thuật cho các thế hệ tiếp theo nhằm giữ gìn và phát triển nghề gốm truyền thống của xã Mường Chanh nói riêng và của dân tộc Thái đen nói chung.

Nguồn tin: sonla

Còn lại gốm Mường Chanh


Tỉnh Sơn La, có hai nơi làm gốm cổ truyền, đấy là Mường Chanh (huyện Mai Sơn) và Bản Lầm (huyện Thuận Châu).
 dưới xuôi, việc hình thành một làng gốm thường giống nhau, đó là những xóm làng nằm kề một con sông quê hương, con sông đó là nơi chuyên chở vật liệu (đất sét và than, củi đốt) và sản phẩm hàng hóa đi các vùng tiêu dùng. Mường Chanh và Bản Lầm đều ở xa sông ngòi. Phương tiện chuyên chở chính ở cả hai nơi đều là đường bộ.
Mường Chanh cách thị xã Sơn La trên ba chục cây số đường rừng. Ở đây, ta gặp cảnh những anh thanh niên người Thái, người Mèo gò lưng đạp xe chở những chiếc chum nhỏ, những lu gốm được đóng lại trong chiếc rọ tre chắc chắn, chở từ quê gốm Mường Chanh đến những bản làng xa xăm. Những chòm bản người Thái ở thấp thì đỡ, chứ những bản làng cao chót vót trên đỉnh núi của người Mông, nơi hiếm hoi nguồn nước, thì những cái chum, cái lu gốm đựng nước kia càng quý giá. Từ lâu đời, gia tài cha mẹ để lại cho con cái trong đó có hai vật quý đó là cái ninh đồng và cái chum đựng nước. Chum gốm, vò gốm từ lâu được coi trọng tính giá trị bằng những đồng bạc trắng hoa xoè. Những chiếc chum vại ở miền núi cũng có đặc điểm riêng, thường nhỏ hơn: gọn hơn và tạo dáng không được bay bướm như gốm dưới xuôi. Một lẽ đơn giản, vật liệu (đất sét) làm gốm ở miền núi hiếm hoi, chất lượng không được tốt bằng đất sét của những làng gốm ven sông đồng bằng. Lò gốm ở Mường Chanh cũng nhỏ hơn lò gốm ở Bát Tràng, Hương Canh, Phù Lãng… Người thợ gốm thì ở nơi nào cũng đòi hỏi đôi tay khéo léo, tài hoa. Ở đâu cũng vậy, người thợ đốt lò giữ ngọn lửa lò vẫn là quan trọng nhất, gốm Mường Chanh từ lâu nay vẫn đốt bằng củi là chính. Có thời xa hơn, người thợ Mường Chanh còn đốt bằng cỏ gianh, gốm ra lò rất đẹp.

Một sản phẩm gốm dân tộc: Ngói âm dương
Nhân nói về nghề gốm, chúng tôi muốn điểm qua vài nét về gốm kiến trúc của đông bào dân tộc.
Ở vùng Sơn Động, Chũ, ta gặp rất nhiều mái nhà đồng bào dân tộc lợp loại ngói máng. Hình thức lợp ngói máng đơn giản. Cứ mỗi hàng ngói xấp, lại tiếp hàng ngói ngửa. Hình thức lợp chồng nhau như thế, tạo thành một mái liền và liên tiếp có những đường máng cho thoát nước. Đó là kiểu lợp mái nhà của đồng bào Tày, Nùng. Người dân tộc có thói quen, gọi đó là hình thức lợp xấp-ngửa. Những viên xấp coi là dương và ngửa coi là âm. Bởi vậy, ngói này còn có tên gọi là ngói âm dương. Vậy thì cách làm ngói âm dương như thế nào?

Việc đầu tiên vẫn là làm đất. Đất cho ngói âm dương cũng đòi hỏi kỹ càng như đất cho ngói ta. Đất nhào xong thì chuyển thành cối đất (hoặc quả đất). Người thợ dùng kéo xén đất thành từng thỏi vật đi, vật lại kỹ càng, để tạo đất thành một viên hình hộp chữ nhật, có chiều dài bằng chu vi và chiều rộng bằng chiều cao của khuôn ngói hình ống tròn. Khuôn ngói là một khung tre ngoài bọc vải, nom như một cái vại. Có điều trên khuôn có ba gờ nổi lên để chia khuôn thành ba phần bằng nhau. Người thợ chỉ việc lấy kéo cắt đất thành những lát mỏng (có bề dày chừng 1cm) rồi đem lá đất đó, miết quanh thành khuôn ngói. Tay vừa miết đất cho tạo dáng đẹp và chân đạp bàn xoay. Vậy là cái khuôn ngói quay tròn. Cả ba múi đất hiện ra trước mắt người thợ. Khi sửa sang đẹp đẽ, người thợ bưng khuôn ngói kia ra sân phơi. Với động tác khéo nhẹ, người ta tách cho khuôn ngói và vòng đất kia rời nhau. Bởi vì, trên khuôn đã có gờ, nên tự nhiên vòng tròn đất kia đã hình thành ba viên ngói máng hoặc ngói âm dương. Khi phơi khô, người ta chỉ việc gõ nhẹ, là ba viên ngói rời nhau, giống nhau và bằng nhau chằn chặn.

Giới thiệu sản phẩm gốm tại xã Mường Chanh huyện Mai Sơn tỉnh Sơn La


Mở Đầu
1. Lý do chọn đề tài 
Giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy những giá trị văn hóa trong thời đại ngày nay có một tầm quan trọng đặc biệt và ảnh hưởng sâu sắc tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy, khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội mà nghề cổ truyền là một trong yếu tố thể hiện rất rõ bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đồng chí Đỗ Mười, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại diễn văn khai mạc Đại hội Đảng lần thứ VIII đã nhấn mạnh: “Khai thác và phát triển mọi giá trị văn hóa, nghệ thuật và sắc thái của các dân tộc trên đất nước, tạo ra sự thống nhất, đa dạng và phong phú của nền văn hóa Việt Nam”. 

Tây Bắc là miền đất chứa đựng nhiều yếu tố mang bản sắc văn hóa, tuy đã được chú ý giữ gìn nhưng nguy cơ mai một ngày càng đáng lo ngại cần được nhiều người quan tâm. Riêng tỉnh Sơn La, các nghề truyền thống như chế tác nhạc cụ, chế tác đồ trang sức, vật dụng mây tre… rất phong phú nhưng nguy cơ thất truyền rất rõ. 
Chúng tôi nhận thấy các sản phẩm gốm ở xã Mường Tranh huyện Mai Sơn, Sơn La là những sản phẩm truyền thống của nghề gốm cần được giới thiệu, lưu giữ, phổ biến và nghiên cứu kĩ càng để đưa ra những định hướng phát triển có thể sẽ góp phần đưa nghề gốm của Mường Tranh thành nghề vừa có hiệu quả kinh tế vừa mang bản sắc văn hóa độc đáo. 
Trung tâm nghiên cứu Văn hóa các dân tộc Tây Bắc thuộc Trường Đại học Tây Bắc mới được thành lập và dần đi vào hoạt động một cách thiết thực với hy vọng công tác nghiên cứu ngày càng có chất lượng, góp phần vào sự bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mang bản sắc văn hóa vùng. Với những lý do khách quan và chủ quan như trên, chúng tôi lựa chọn đề tài : “Sưu tầm và giới thiệu sản phẩm gốm tại xã Mường Tranh huyện Mai Sơn tỉnh Sơn La”. 

1 

2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề 
Sản phẩm gốm Mường Tranh là vấn đề đã được nhiều nhà nghiên cứu, các cơ quan ban ngành liên quan chú trọng. Tuy nhiên sách viết về sản phẩm, đề tài này không nhiều. Cho tới nay vẫn chỉ có một vài công trình mang tính khảo cứu rất chung chung: 
+ Trong cuốn “Gốm sành nâu ở Phù Lãng” do Trương Minh Hằng chủ biên các lò gốm đầu tiên được phát hiện trong đó có sản phẩm gốm Mường Tranh, 
+ Cuốn “Bức tranh văn hóa các dân tộc Việt Nam” do Nguyễn Văn Huy chủ biên cũng có sử dụng hình ảnh về sản phẩm nghề gốm của người Thái đen Mường Tranh. 
+ Cuốn “Một số vấn đề văn hóa phong tục của các dân tộc ít người ở Việt Nam” của dự án phát triển giáo viên Trung học phổ thông và Trung học chuyên nghiệp Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế đã đưa ra những nét khái quát về sản phẩm gốm truyền thống của Mường Tranh. Trên cơ sở đó giúp người nghiên cứu hiểu và phân tích được những giá trị vật chất cũng như giá trị tinh thần của nghề gốm. 
+ “Cơ sở văn hóa Việt Nam” do Trần Ngọc Thêm chủ biên, mục Không gian văn hóa cũng nêu...“chôn người chết trong các chum vại”...[12;tr31] 
+ Phần khái quát về thời kì tiền sử và sơ sử ở Tây Bắc trong cuốn “Một số vấn đề về lịch sử và văn hóa Tây Bắc” do Phạm Văn Lực chủ biên, Công cụ được tìm thấy có những mảnh gốm thô... 
Hiện nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu cụ thể, chi tiết và hoàn chỉnh về sản phẩm gốm. Nhiều vấn đề cần được làm rõ vì vậy đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu vấn đề này là hết sức cần thiết và quan trọng góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc thiểu số. Thông qua khảo sát, nghiên cứu tài liệu, thực tế điền dã tại xã Mường Tranh, Bảo tàng tỉnh, Phường Chiềng Cơi cũng góp phần vào việc giới thiệu, trưng bày, lưu giữ, bảo tồn sản phẩm gốm Mường Tranh tại Trường Đại học Tây Bắc. 


2 

3. Mục đích nghiên cứu 
Trên cơ sở tìm hiểu thực tế việc sản xuất đồ gốm tại xã Mường Tranh huyện Mai Sơn tỉnh Sơn La, chúng tôi muốn sưu tầm một số hiện vật và giới thiệu về nghề sản xuất đồ gốm của địa phương. 
4. Phạm vi nghiên cứu đề tài 
4.1. Đối tượng nghiên cứu 
Quy trình và kết quả sản xuất đồ gốm tại xã Mường Tranh huyện Mai Sơn tỉnh Sơn La. 
4.2. Địa bàn nghiên cứu Xã Mường Tranh huyện Mai Sơn tỉnh Sơn La. 
5. Đóng góp của đề tài 
Kết quả nghiên cứu thành công sẽ góp phần khẳng định giá trị, giới thiệu, lưu giữ phổ biến và định hướng phát triển cho nghề gốm ở địa phương. 
Có thể sẽ góp phần đưa nghề gốm của Mường Tranh thành nghề vừa có hiệu quả kinh tế vừa mang bản sắc văn hóa độc đáo. 
Xa hơn nữa, kết quả nghiên cứu sẽ góp phần thúc đẩy việc tìm hiểu nghiên cứu gìn giữ và phát triển các ngành nghề khác ở trong tỉnh. 
6. Nhiệm vụ nghiên cứu Để thực hiện được những mục tiêu của đề tài cần giải quyết các nhiệm vụ sau: 
- Thực địa tại xã Mường Tranh huyện Mai Sơn tỉnh Sơn La. 
- Sưu tầm một số hiện vật đồ gốm tại xã Mường Tranh huyện Mai Sơn tỉnh Sơn La. 
- Trưng bày và giới thiệu một số đồ gốm tại Phòng trưng bày Văn hóa ở Trường ĐH Tây Bắc. 
7. Phƣơng pháp nghiên cứu Để thực hiện đề tài chúng tôi tiến hành các phương pháp: 
7.1. Phương pháp nghiên cứu lý luận 

3 

Thống kê tài liệu, tư liệu, tham khảo các văn bản, nghị quyết và các công trình nghiên cứu khoa học có liên quan để xác định cơ sở lý luận chủ yếu của vấn đề nghiên cứu. 
7.2. Phương pháp nghiên cứu thực tiễn 
- Khảo sát thực địa. 
- Nghiên cứu những tài liệu về kỹ thuật sản xuất đồ gốm có liên quan đến đề tài. 
- Phỏng vấn, trao đổi: gặp gỡ, trao đổi, hỏi ý kiến (trực tiếp, gián tiếp) với người sản xuất. 
7.3. Phân tích dữ liệu. 
8. Cấu trúc đề tài 
Ngoài phần Mở đầu, đề tài có cấu trúc chia thành 3 chương: 
Chương 1: Những vấn đề chung: Phần này trình bày các cơ sở lý luận và thực tiễn của đề tài. 
Chương 2: Quy trình sản xuất đồ gốm tại xã Mường Tranh, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. 
Chương 3: Giới thiệu một số sản phẩm đồ gốm đã được nghiên cứu và đề xuất trưng bày tại Phòng Trưng bày văn hóa Trường Đại học Tây Bắc. 

4 

Chương 1 
Những Vấn Đề Chung 
1.1. Một số khái niệm 
1.1.1. Khái niệm đồ gốm 
Gốm là những sản phẩm làm từ đất sét và những hỗn hợp của nó với các phụ gia vô cơ hoặc hữu cơ, được nung qua lửa. Và theo nghĩa rộng, gốm là những sản phẩm được sản xuất bằng cách nung nguyên liệu dạng bột bao gồm các khoáng thiên nhiên và các chất vô cơ tổng hợp kể cả kim loại. Tuỳ theo nguyên liệu và kỹ thuật chế biến nguyên liệu, cách nung (nhiệt độ) khác nhau tạo ra các loại gốm khác nhau, phổ biến là các loại: gốm đất nung, gốm sành nâu, gốm sành xốp, gốm sành trắng, đồ bán sứ, đồ sứ... Như thế, gốm là một tên gọi chung, và sứ là một trong những sản phẩm của gốm. Gốm và sứ đều có thể tráng men, hoặc không (có loại sứ kỹ thuật không cần tráng men); và nếu dựa vào nhiệt độ nung để nhận biết thì đôi khi cũng không đúng, ví dụ, sành (gốm thô), đôi khi được nung ở nhiệt độ cao hơn sứ mới kết sành được …“hay gốm chịu lửa, được nung ở nhiệt độ cao hơn 1350°C, nhưng nó vẫn gọi là gốm. 
Nhưng những sản phẩm sau, nếu gọi là sứ thì không sai lệch nhiều nếu như có những đặc điểm: xương màu trắng, đôi khi gần trong và đồng nhất; độ hút nước xấp xỉ = 0 (độ kết khối xấp xỉ 100%); hoạ tiết tinh xảo cho những sản phẩm có hoạ tiết và có những tính chất đặc biệtkhác với loại gốm thông thường, ví như độ bền axit, tính cách điện”... [16,tr1] 
Trong “Dấu ấn văn hóa từ đất đá”, GS Trần Kim Thạch dùng những khái niệm làm gốm là "biến đất thành đá", hay "gốm không nung". Ông cho rằng ngày nay việc làm gốm về cơ bản tương tự của người xưa, nhưng nay nhờ khoa học kỹ thuật tân tiến nên có thể có những "hợp chất mới". Và cách tự đặt tên là "gốm không nung" nó sẽ không được giới kỹ thuật chấp nhận bởi so với gốm nung, những chỉ tiêu về độ hút nước, độ mài mòn, độ bền hoá, độ cách điện, độ bền theo thời gian...thì gốm không nung khó có thể đáp ứng. Cho dù có đáp ứng đi chăng nữa thì đối với nghệ thuật nó vẫn không có giá trị hơn gốm nung, bởi nó đã bị đơn giản trong chế tác giống như tranh sơn mài ngày xưa và sơn mài ngày nay vậy. 
Tóm lại: Gốm là vật liệu vô cơ không kim loại, có cấu trúc đa tinh thể, ngoài ra có thể gồm cả pha thủy tinh. Nguyên liệu để sản xuất gốm gồm một phần hay tất cả là đất sét hay cao lanh. Phối liệu sản xuất gốm được tạo hình và thiêu kết ở nhiệt độ cao làm cho vật liệu có được những tính chất lý hóa đặc trưng. Từ gốm còn được dùng để chỉ những sản phẩm làm từ vật liệu gốm. 

1.1.2. Đồ gốm sinh hoạt 
Theo khái niệm về gốm đã nêu thì đồ gốm sinh hoạt bao gồm tất cả các sản phẩm đã sản xuất qua nung hoặc chưa nung bằng đất sét hay đất pha cao lanh không tạp chất. Nhằm mục đích sử dụng trong sinh hoạt, lao động sản xuất, trao đổi mua bán như: chum, vại, hũ, lọ, cối ...thì được gọi là đồ gốm sinh hoạt hoặc đồ gốm phục vụ mục đích sử dụng của con người. 
Vào xã Mường Tranh đầu tiên chúng tôi đã bắt gặp hình ảnh các chum chứa nước để sinh hoạt ngay tai đầu nhà sàn, các đồ dùng trong bếp cũng được người dân sử dụng bằng sản phẩm gốm của địa phương. 
Sản xuất gốm phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong vùng, trước đây ở nhiều nơi thuộc tỉnh Sơn La có lò gốm “Chiềng Ly (Thuận Châu), Pống Lúa (Sông Mã), Chiềng Cơi (thành phố Sơn La)... Chuyên sản xuất các đồ dùng, vật dụng lao động” [15;tr1]. 
1.1.3. Đồ gốm sử dụng ngoài mục đích sinh hoạt. 
Gặp gỡ và trao đổi với cụ Cầm Thị Chiêu, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục Sơn La, một nhân chứng lịch sử thời chống Pháp, chúng tôi được biết từ xa xưa mỗi gia đình Mường Tranh còn có một việc làm gần như tục lệ là trong nhà có bao nhiêu người cao niên thì làm sẵn bằng nấy cái hũ gốm để sau khi người chết được hỏa táng, phần tro hài cốt sẽ được đựng vào hũ để bảo quản lâu dài và có thể đặt trong nhà với quan niệm người quá cố vẫn gần gũi người thân. 

6 

1.2. Điều kiện địa lý, lịch sử, đặc điểm kinh tế và thực trạng nghề làm gốm ở Mƣờng Tranh 
1.2.1. Điều kiện địa lí 
Xã Mường Tranh thuộc huyện Mai Sơn tỉnh Sơn La, có vị trí nằm ở phía Bắc của huyện, cách huyện lỵ 50 km, cách Trung tâm thành phố Sơn La 22km. Phía Đông giáp xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn; Phía Tây giáp xã Bản Lầm, huyện Thuận Châu; Phía Bắc giáp xã Hua La,Thành phố Sơn La.…“Thung lũng Mường Tranh là cánh đồng lúa mênh mông, có suối Nậm Tranh chảy từ Thuận Châu xuôi về Mường Tranh, đây là con suối cung cấp đủ lượng nước cho nông nghiệp và chăn nuôi trong vùng. Các bản liền kề đan xen lẫn nhau dọc theo chân núi, bao bọc lấy cánh đồng”…[10; tr151] Mường Tranh chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm mua nhiều, phân chia thành hai mùa rõ rệt: Mùa mưa và mùa khô. Mường Tranh có tài nguyên đất phong phú, đất ở đây dẻo, mịn, mềm tạo điều kiện thuận lợi cho nghề gốm phát triển cung cấp một lượng lớn vật dụng bằng gốm cho các vùng lân cận. Đất Mường Tranh cũng rất phù hợp cho việc trồng lúa và hoa màu. 
Xã có diện tích tự nhiên: 2835 ha 
“Đất thổ cư: 12,3 ha 
Đất ruộng: 140 ha 
Đất rừng bảo vệ: 750 ha 
Đất ao cá: 14 ha” [8;tr2]. 

7 

Bản đồ địa lí xã Mường Tranh 
1.2.2. Đặc điểm kinh tế 
Nhân dân trong xã chủ yếu làm ruộng nước và nương rẫy, số ít hộ làm kinh doanh buôn bán trao đổi hang hóa, hiện xã có thu nhập ổn định đời sống ngày được nâng cao, được sử dụng nhiều dịch vụ: nghe nhìn, điện lưới quốc gia, nước sạch, dịch vụ y tế, giáo dục. 
Phương thức kĩ thuật trồng lúa nước lâu đời đã giúp nhân dân trong vùng có thu nhập ổn định. Ngoài ra họ còn chăn nuôi gia súc gia cầm để phát triển kinh tế. Phát triển nông nghiệp tự cung tự cấp phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, công cụ lao động, giống và phân bón chưa được chú trọng. Tài nguyên rừng bị thu hẹp do tập quán du canh du cư, phá rừng làm nương rẫy … “Năm 2006, với dự án 661 xã đã khuyến khích nhân dân trồng rừng với diện tích là 155ha, rừng ở Mường Tranh đang dần khôi phục”...[10;tr153] Ngoài kinh tế nông nghiệp, Mường Tranh còn phát triển nghề gốm có thời gian dài các hộ trong vùng đều sản xuất gốm và dệt chiếu đã đáp ứng nhu cầu tại địa phương. Kinh thế tiểu thủ công nghiệp vẫn bị ảnh hưởng của nông nghiệp chưa tách rời, qui mô còn nhỏ nhưng đã có những tác động về thu nhập trao đổi của một vùng rộng lớn. 

1.2.3. Một vài nét về lịch sử văn hóa 
Mường Tranh trước đây có tên là Chiềng Quen, sau chính quyền thuộc Pháp đổi thành “Mường Tranh” chữ “Tranh” ở đây nghĩa là tranh đấu. Theo kể lại, thời kỳ đó nhân dân Chiềng Quen có phong trào đấu tranh với phìa tạo địa phương và quan lại trên tỉnh chống lại các thứ thuế vô lý của bọn thực dân, đòi quyền lợi cho mình và bản làng. Chính quyền thực dân sau đó đã dựa vào đặc điểm này của nhân dân Chiềng Quen để đổi tên thành “Mường Tranh”. Mường Tranh là khu căn cứ cách mạng của Sơn La và cũng là của khu Tây Bắc từ thời tiền khởi nghĩa. Mường Tranh là mảnh đất có truyền thống cách mạng lâu đời, nhân dân có tinh thần yêu nước, họ đã đứng lên đấu tranh kiên cường trong suốt hai cuộc kháng chiến cực kỳ gian khổ, chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. 
Cũng theo cụ Cầm Thị Chiêu, trong cuộc kháng chiến chống Pháp gần như toàn bộ dân xã Mường Tranh tham gia kháng chiến và đã phải tản cư (hiện nay trong xã Mường Tranh có trên 90% gia đình đều được nhận huân huy chương do nhà nước trao tặng). Hầu hết các cán bộ Đảng của Sơn La đều có nguồn gốc là người Mường Tranh. Các cán bộ cao cấp của Sơn La như nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Sơn La Hoàng Nó, nguyên Bí thư tỉnh ủy Sơn la Cầm Liên, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Sơn La Cầm Đoản, Hiệu trưởng Cao đẳng sư phạm Tây Bắc Cầm Quynh và rất nhiều cán bộ lãnh đạo các Ban, Ngành của Sơn La và của Khu Tây Bắc là người Mường Tranh. Có thể nói Mường Tranh là mảnh đất địa linh nhân kiệt của Sơn La. 

9 

Sau tản cư, người dân Mường Tranh hồi hương, hồi cư trên mảnh đất tro tàn bởi chính quyền thực dân phong kiến gần như đã hủy diệt toàn bộ nền tảng kinh tế của địa phương. Nghề gốm được nhanh chóng khôi phục vì nó là cứu cánh cho người dân. Gốm Mường Tranh lại có mặt gần như khắp vùng Tây Bắc. Gốm đổi lấy gạo, lấy vải, lấy tất cả những vật dụng khác. Người dân Mường Tranh đã có cách nói rất độc đáo: “Con rể dệt vải, con gái làm chăn” vì các con rể chủ yếu làm gốm để đổi lấy sợi, lấy vải. 
Đây là xã 90% dân tộc Thái đen. Người Thái Mường Tranh giỏi làm bếp, họ chế biến được nhiều món ăn ngon và nổi tiếng như: món xôi nhuộm màu, cơm lam, cá nướng, rượu cần và các món làm từ thịt trâu, bò… Người Thái Mường Tranh có nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng. Họ còn giữ đến ngày nay nhiều nghi lễ đậm chất nông nghiệp, nhân văn: xên bản, xên mường, lễ hội càu mưa, cúng rừng cầu may, cúng ma… tất cả các nghi lễ văn hóa tâm linh không thể thiếu sản phẩm gốm, gốm được dùng làm vật trao tặng cho các đôi trai gái lúc lên vợ lên chồng, gốm dùng để đựng hương, đựng nước trong các buổi cúng tế… 
Theo một số thông tin của người dân, qua các tư liệu nghiên cứu về kỹ thuật sản xuất của người thợ gốm Mường Tranh thì đây là một làng gốm rất lâu đời, thậm chí là trung tâm gốm cổ của đồng bào Thái đen trên đất Sơn La. Sản phẩm làm ra đều đem trao đổi với phương thức “mua bán” giản đơn cổ xưa, kiểu đổi chác lấy các nông sản như: bông, vải, thóc,…Họ có quan niệm hàng hóa đem đổi càng xa thì giá trị càng cao. Chẳng hạn, cùng một sản phẩm nếu đem đi xa khoảng 2-3 ngày đường có thể đổi gấp đôi số nông sản so với đổi tại chỗ (nơi sản xuất). Có thể thấy, đây là sự bảo lưu quan niệm thời xa xưa về giá trị hàng hóa của dân tộc Thái đen với nghề gốm này ...“Những đồ gốm ở đây còn thô, rất gần với các loại gốm tối cổ được các nhà khảo cổ phát hiện và nổi tiếng với các địa danh Phù Lãng (Bắc Ninh), Hương Canh (Vĩnh Phúc), Bến Ngự (Thanh Hóa), Mường Tranh (Sơn La), Thổ Hà (Bắc Giang)”…
[7;tr11]. 

10 

Mường Tranh là nơi duy nhất còn tồn tại và duy trì nghề làm đồ gốm thủ công truyền thống. Đồ gốm Mường Tranh nổi tiếng với các sản phẩm chính nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt đời sống của người dân như: chum, vại, hũ, lọ… được dùng với rất nhiều công dụng: đựng nước, ngâm chàm nhuộm vải, đựng muối, mỡ, mắm cá, muối dưa cà rất thơm ngon, dùng chứa hạt giống, đựng thóc, sắn, thức ăn và phục vụ nhiều mục đích khác. 
Việc sản xuất gốm Mường Tranh gặp rất nhiều khó khăn chủ yếu về củi đốt, sản phẩm đơn điệu, mẫu mã hạn chế về mặt thẩm mĩ… Hiện nay, cả xã chỉ còn gia đình ông Hoàng Văn Nam ở bản Nong Ten là còn duy trì nghề gốm nhưng cũng chỉ làm vài mẻ trong một năm. Chính vì vậy, nghề gốm truyền thống ở Mường Tranh rất cần được sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc giới thiệu, quảng bá, mở rộng thị trường, phổ biến và quan tâm tới việc truyền dạy kỹ thuật, gặp gỡ trao đổi với các làng nghề gốm khác để các thế hệ tiếp theo nhằm giữ gìn và phát triển nghề gốm truyền thống của xã Mường Tranh nói riêng và của dân tộc Thái đen nói chung. 
Vài mươi năm gần đây, nhất là từ thời kì đổi mới, do những sản phẩm gốm ở miền xuôi cạnh tranh, chiếm ưu thế cả về chất lượng và kỹ thuật.
Gốm Mường Tranh lại không được cải tiến kỹ thuật, nguồn nguyên liệu làm nghề gốm bị thu hẹp mang tính địa phương tại chỗ nên nghề làm gốm gặp rất nhiều khó khăn. Song những nghệ nhân làm gốm với những “đôi tay vàng” vẫn đang trăn trở cho sự tồn vong của nghề gốm – một nét văn hóa độc đáo và đặc sắc, niềm tự hào của người dân Mường Tranh nói riêng và người Thái Sơn La nói chung. 

11 

Chương 2 
Quy Trình Sản Xuất Đồ Gốm Tại Xã Mường Tranh, Huyện Mai Sơn, Tỉnh Sơn La 
2.1. Nguyên liệu sản xuất 
Nguyên liệu làm gốm ở Mường Tranh chủ yếu là đất sét màu trắng nhạt, xanh đen, vàng, đỏ rất mịn và dẻo không phải qua công đoạn xử lý hoặc pha trộn thêm cao lanh. Trước đây, đất được cho vào cối dùng chày tay giã cho thật nhuyễn, ngày nay họ để đất lên bàn kê bằng gỗ và dùng gậy gỗ để đập. Vì thế việc sử dụng đất không những trở lên nhẹ nhàng mà còn có năng xuất cao hơn. 
Vùng Mường Tranh khá dồi dào về nguyên liệu chế tác đồ gốm, có chỗ đất sét nằm ngay dưới lớp đất màu, cách mặt đất khoảng 20 – 30cm nhưng cũng có nơi sâu tới 2 – 3m. Được khai thác vào buổi sáng hoặc chiều những ngày nắng ráo. Có nguồn nguyên liệu tốt nên nhìn chung họ không lọc đất qua dụng cụ chuyên dụng như người Kinh, người Hoa, người Nùng, trong quá trình đập đất hay nặn sản phẩm nếu phát hiện tạp chất, sạn sỏi thì mới loại bỏ. Người Mường Tranh cũng không hề sử dụng thêm bất kỳ chất phụ gia nào để nâng cao chất lượng sản phẩm của mình. 
Đất làm gốm ở Mường Tranh là loại đất dẻo, đất sét pha cao lanh có chất lượng tốt. Đất được khai thác trên mỗi thửa ruộng của gia đình và được chuyển về bằng những đôi sọt nan hoặc được nặn thành từng những viên tròn gánh về nhà. Khai thác đất lên, đem về sản xuất ngay hoặc bảo quản nơi kín gió (hiện tại đất đã có tạp chất nên khi chọn lựa và khai thác mang về thường hay ủ ở gầm sàn) để dùng dần. Trong các loại đất thì chất đất có tính kết dính cao nhất là đất màu hanh đỏ, nhưng hiện nay loại đất này đã mất dần mà chỉ còn lại màu vàng nhạt. Trước khi tạo hình gốm, đất được gia công thật nhuyễn, loại bỏ tạp chất bằng cách giã, hay đập tùy theo từng gia đình và sở thích của người làm. Sau đó người thợ sử dụng đôi bàn tay khéo léo và những công cụ tạo hình đơn giản để tạo ra những sản phẩm gốm phong phú và đa dạng. Khảo sát quá trình khai thác 

12 

đất làm gốm chúng tôi thấy địa điểm lấy đất không xa gia đình sản xuất đồ gốm tuy không phải chỗ nào cũng có đất sét. 
2.2. Quy trình sản xuất 
2.2.1. Công cụ sản xuất 
- Bàn xoay: (Khiên) 

Theo tiếng Thái gọi là khiên, một bàn xoay tròn. Thân bàn xoay liền với mặt bàn xoay có hình chóp cụt . Dưới thân bàn xoay là trụ bàn xoay (lắc khiên) một đầu được nối với bàn xoay, một đầu được chốt chặt với thân cối. Bàn xoay có diện tích mặt 35 – 40 cm, cao tính từ thân bàn xoay lên mặt bàn xoay là 50 cm. 

13 

- Chậu đựng nước (Áng xó nặm) 
Miệng, đáy và thân tròn. Chậu đựng nước để chống dính khi người thợ tạo dáng và tạo hoa văn cho sản phẩm gốm. Chậu đựng nước tại đây cũng sử dụng chậu bằng gốm đã nung. Đường kính đáy chậu từ 15 – 20 cm, mặt chậu 30 cm. 

14 

- Chậu đựng tro bếp: 
Chậu đựng tro để khi làm rắc lên mặt bàn xoay nhằm chống dính giữa đáy sản phẩm và mặt bàn xoay. Chậu này tiếng Thái gọi là Áng tó tau. Chậu có diện tích tương đương với chậu đựng nước, và cũng được làm bằng gốm đã qua nung đốt. 

15 

- Ván để sản phẩm gốm chưa nung (péng tẳng tay): 
Là một tấm ván có hình chữ nhật dài có tác dụng giữ nguyên đáy sản phẩm gốm, chống dính, biến dạng giữa sản phẩm với mặt đất, để bảo quản, giúp sản phẩm nhanh khô hơn, có tác dụng chống ẩm cho các sản phẩm gốm thô, ván 
được làm bằng gỗ. Diện tích của ván rộng 50 cm, dài 90 cm. 

16 

- Rìu tre cắt đất (Bi tra): Lược ráp 
Là công cụ để cắt đất có phần lưỡi sắc. Cán rìu khuyết, rìu có tác dụng tạo dáng hiện vật và cắt bỏ những phần thừa của sản phẩm. Bi tra được làm bằng tre hoặc gỗ. Bi tra có diện tích khá nhỏ phần lưỡi rộng 6 cm, dài 9 cm. 

17 

- Vải nhúng nước để tạo dáng sản phẩm (phả hồi chụp năm): 
Vải có hình chữ nhật được gấp làm bốn khâu lại thành hình chữ nhật dài, vải được các thợ thủ công nhúng nước để khi tạo dáng và làm hoa văn dễ hơn lại không bị dính. 

18 

- Lược gọt đất (bi kiệng): Lược đơn 
Hai cái to (bi kiểng nha ứ), hai cái nhỏ (bi kiểng nọi). Lược to để tạo dáng các sản phẩm có kích thước lớn. Lược nhỏ để tạo dáng các sản phẩm có kích thước nhỏ. Cả 4 lược đều có cạnh sắc có tác dụng gọt đất và tạo dáng sản phẩm, Lược gọt đất được làm bằng tre, gỗ, nhựa. Diện tích phần lưỡi 8 cm. 

19 

- Dây cắt đất (Mà tắt đin): 

Có cán cầm bằng tre vót tròn và một số sợi dây, dây có tác dụng cắt tạo mặt phẳng của sản phẩm, dây được làm bằng dây cây móc mọc tại địa phương.