Sơn La là vùng đất có nhiều nét văn hóa của vùng Tây Bắc trong đó có văn hóa Thái đặc sắc góp phần làm phong phú, đa dạng văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa các dân tộc Tây Bắc nói riêng.
Người Thái ở Sơn La được biết đến với nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa, lao động, sáng tạo văn hóa qua một số nghề thủ công truyền thống trên địa bàn sinh sống. Tuy nhiên, trải qua thời gian, điều kiện cuộc sống thay đổi nghề truyền thống cũng dần mai một, cho tới nay chỉ còn nghề làm gốm, nghề rèn, nghề dệt, đan lát được giữ gìn và phát triển.
Xã Mường Tranh huyện Mai Sơn tỉnh Sơn La, có vị trí ở phía Bắc của huyện, cách huyện lỵ 50km, cách trung tâm thành phố Sơn La 22km, phía Đông giáp xã Chiềng Chung huyện Mai Sơn; Phía Tây giáp xã Bản Lầm huyện Thuận Châu; Phía Bắc giáp xã Hua La thành phố Sơn La.
Nghề làm gốm ở Mường Tranh có từ lâu đời do nhu cầu của người dân địa phương và các vùng lân cận. Nghề truyền thống này đóng một vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế của người dân. Gốm đã trở thành hàng hóa trao đổi gần như toàn bộ khu vực Tây Bắc, đem lại thu nhập có ý nghĩa quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Kỹ thuật sản xuất gốm khá hoàn thiện, người thợ gốm đã biết sử dụng bàn xoay một trong những dụng cụ quyết định đến chất lượng sản phẩm thô, bàn xoay được chôn cố định xuống đất, mặt bàn xoay tương đương với mặt đất, trong quá trình tạo hình gốm người thợ có thể tự mình xoay bàn xoay bằng ngón chân cái của bàn chân nhưng cần có người giúp xoay bàn xoay để sản phẩm có chất lượng tốt hơn. Các sản phẩm gốm như: Chum to (hay ham), chum nhỏ (hay bắc), chum nhỡ (ụ), om, ống nấu thịt, chố pi, bát to, bát nhỏ, chậu (áng), cối giã chéo, pại…Nguyên liệu làm gốm đóng vai trò rất quan trọng, đó là loại đất sét màu trắng nhạt, vàng rất mịn không phải qua công đoạn xử lý hoặc pha trộn thêm cao lanh. Đất được lấy từ ruộng lên đem về ủ rồi dùng chày hoặc cối giã đất thật nhuyễn. Dùng một lượng đất vừa đủ cho kích cỡ sản phẩm để tạo đáy của sản phẩm đó, tạo đáy xong đến khâu tạo thân sản phẩm, tiếp đến là làm cổ và cuối cùng tạo hoa văn trên sản phẩm. Hoa văn chủ yếu là những đường sóng nước, hình kỉ hà và hình trên các sản phẩm thổ cẩm có cả hoa văn hình vảy cá rất mộc mạc, gần gũi trên cổ và vai của sản phẩm.
Bộ dụng cụ tạo hình gốm tương đối hoàn chỉnh với bàn xoay, chậu đựng nước, chậu đựng tro bếp, rìu tre cắt đất, vải nhúng nước, lược gọt đất, dây cắt đất, ống xít đất, ống tre dàn đất, dùi lỗ bằng tre, kiếm tre cắt đất, sọt đựng và ủ đất, chày giã đất, sọt gánh chum. Với những dụng cụ có chức năng riêng khá đơn giản và thô sơ nhưng người Mường Tranh đã tạo nên những sản phẩm gốm được nhiều nơi ưa chuộng. Đấy là một nghề cổ truyền và cơ bản là vì nguyên liệu sản xuất.
Gốm được tạo hình với những mẫu khác nhau được xếp ngay ngắn dưới gầm sàn cho tới khi nào khô mới xếp vào lò nung gốm, gốm được nung liên lục trong vòng 24h bằng củi. Nung gốm là khâu cuối cùng để tạo ra sản phẩm hoàn thiện, có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của mẻ gốm. Vì thế trước khi xếp gốm vào lò nung người thợ gốm thường làm một lễ cúng nhỏ cầu mong thần linh phù hộ cho mẻ gốm chín đều, sản phẩm không bị méo mó, biến dạng, nứt vỡ. Lò nung gốm ở Mường Tranh thuộc loại lò hầm, trung bình mỗi mẻ gốm cho ra lò khoảng 30 sản phẩm các loại. Các sản phẩm sau đó được mang trao đổi tại chỗ hoặc các vùng lân cận. Gốm Mường Tranh có đặc trưng đó là màu ghi đen, xám tạo thành sản phẩm độc đáo.
Gốm Mường Tranh được nhân dân Tây Bắc đánh giá cao và rất ưa chuộng bởi nguyên liệu làm gốm chứ không phải kỹ thuật sản xuất gốm.
Gốm Mường Tranh được nhân dân Tây Bắc đánh giá cao và rất ưa chuộng bởi nguyên liệu làm gốm chứ không phải kỹ thuật sản xuất gốm.
Mường Tranh được coi như một “bảo tàng” lưu giữ, duy trì nghề gốm của người Thái mang đậm bản sắc văn hóa của một miền đất giầu truyền thống cách mạng .