Gốm Mường Chanh, có một vị trí trong đời sống của dân tộc Thái Đen tại Sơn La, chính nơi đây có vai trò bảo tốn giá trị gốm cổ. Được xem một xứ mạng đặc biệt không thể thiếu trong nền văn hóa hiện tại.
Mường Chanh là một xã nhỏ thuộc huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La có diện tích khoản 3.000 ha, với dân số 1674 người (237 hộ) toàn thể dân cư người Thái Đen, đây là toàn xã người Thái Đen duy nhất còn tồn tại nghề làm gốm. Trong khi đó hầu hết người Thái Đen ở các nơi khác trong tỉnh Sơn La hay toàn vùng Tây Bắc đều để nghề gốm mai một. Thậm chí người Thái Trắng ở đây cũng không làm nghề gốm. Vậy phải chăng chỉ một nhóm Thái Đen còn lưu được nghề gốm? Tiêu biểu nghề gốm tại Mường Chanh.
Nhìn chung, sản phẩm gốm ở Mường Chanh còn nghèo nàn, đên điệu, theo công thức sinh hoạt hình dạng cổ, những sản phẩm chính: Chum, vại và chậu gốm.
- Chum (tiếng Thái gọi là hay). Người Thái Đen ở Mường Chanh làm chum các cỡ, to nhất có kích thước 55x35cm. Loại nhỏ nhất chỉ bằng chiếc điếu bát, gọi là lọ (hay vò).
- Vại (pại) cũng gồm các cỡ to nhỏ khác nhau.
- Chậu (áng) từ chậu tắm, chậu đựng cám lợn đến chậu nhỏ xíu đựng thức ăn, nước chấm.
Tuy vậy các sản phẩm được đồng bào địa phương dùng với nhiều công dụng đựng nước, xách nước, ngâm chàm, nhuộm vải, làm măng chua, đựng muối, mắm cá, mỡ, chứa hạt giống, đựng thóc và sắn khô.
Người ta dùng chậu sành làm công cụ chăn nuôi gà, lợn. Ngoài ra, một vài đồ gốm ở đây còn dùng đựng hài cốt hay tro hài cốt hỏa táng.
Xưa nay những nhà gốm Mường Chanh ít quan tâm đến các loại nồi đất. Đó là đặc điểm khác hẳn các làng gốm của Ngũ kinh trước đây.
Gốm Mường Chanh vẫn chỉ phát triển ở mức sản xuất quy mô nhỏ, là một nghề phụ của gia đình. Sản phẩm làm ra đều đem trao đổi, một phương thức "mua bán" giản đơn cổ xưa theo kiểu đổi chác lấy các vật phẩm khác. Gốm đổi lấy nông sản, bông, vải, hoa quả, thóc gạo, cá, gà, vịt. Trước đây và cả hiện nay vẫn có lưu truyền, người Thái Đen ở Mường Chanh quan niệm giá trị hàng hóa trao đổi rất đặc biệt. Theo họ hàng đem đổi càng xa, giá trị càng cao. Điều này không phụ thuộc vào chất lượng mà chỉ dựa trên kích cỡ sản phẩm. Chẳng hạn, cùng một sản phẩm, nếu đem đe xa 2-3 ngày đường, sẽ đổi gấp đôi số nông sản so với đổi tại chỗ (nơi sản xuất). Hoặc giá trị đồ gốm căm cứ theo độ lớn nhỏ. Đổi chum lấy thóc, người ta lấy lượng thóc đổ đầy chiếc chum đó...Có thể thấy đây là sự bảo lưu dai dẳng quan niệm thời tiền sử về giá trị hàng hóa của đồng bào Thái Đen tại làng nghề gốm này. Nhưng đồ gốm ở đây còn thô, rất gần với các loại gốm tối cổ mà chúng ta đã phát hiện ở các di chỉ khảo cổ tiền Phùng Nguyên. Theo chúng tôi, Mường Chanh là một làng nghề gốm rất lâu đời, thậm chí là trung tâm gốm cổ của đồng bào Thái Đen tại Sơn La. Nhận định của chúng tôi dựa trên cơ sở khảo sát dân tộc học nói trên, đồng thời dựa trên kết quả nghiên cứu về kỹ thuật sản xuất hiện nay của thợ gốm Mường Chanh.
1 . Kỹ thuật sản xuất.
Nghề gốm ở Mường Chanh, cũng như các làng nghề gốm khác ở Việt Nam, đã sử dụng những nguyên vật liệu và các phương tiện kỹ thuật chủ yếu nhất để tạo ra sản phẩm. Như ta đã biết, sản phẩm Mường Chanh hấu hết còn thô sơ, bởi trình độ tay nghề và công cụ tạo hình, lò nung chưa có bước phát triển cao.
Đất gốm Mường Chanh chỉ được khai thác ở Lồng Báp, một bản trong xã này. Nhưng sau đó người ta khám phá cánh đồng lúa nước, phát hiện hấu hết ruộng trong toàn xã đều là đất sét làm được gốm. Đồng bào đào lấy đất gốm xong lấp lại và tiếp tục cấy lúa bình thường. Có chỗ đất làm gốm dày 2x3m, dưới lớp đất màu (đất pha hay đất thịt). Chất đất làm gốm tại Mương Chanh gồm nhiều màu sắc. Vàng, hanh đỏ, xanh xám và đen. Chất đất hanh đỏ một loại kết dính cao nhất của gốm.
Sau khi, khai thác đem lên mặt đất, được bảo quản nơi kín gió để sản xuất dần hay người ta bảo quản dưới lòng đất, khi dùng thì lấy lên, ngâm nước, nhào kỹ rồi sản xuất.
2 . Kỹ thuật sản xuất gốm.
Thợ gốm Mường Chanh làm gốm quá thô sơ, nên kỹ thuật sản xuất không phức tạp.
- Tạo hình. Dùng bàn xoay, nhưng khi làm thì phải có người khác xoay bàn xoay giúp. Ngoài ra, còn dùng phương pháp khác, tạo hình bằng giải cuộn trên xương gốm và trên sản phẩm đã nung, dấu vết giải cuộn khá rõ nét, có vẽ rất gần với sự tạo hình thô sơ trên đồ gốm tối cổ.
Người Thái Đen Mường Chanh không dùng bàn đạp khi tạo hình như một số nơi khác.
- Nung gốm: lò gốm ở Mường Chanh là loại lò hầm.
Đấy là lò hình nón cụt, được đào vào sườn đồi, có cửa lò và "ống khói", kích thước trung bình mỗi lò chừng 2m x 2.5 x 1m. Mỗi mẻ xếp lò được khoản 30-40 chum vại các loại. Và mỗi lò cũng chỉ hoạt động 3-5 mẻ gốm trong năm.
Nhiên liệu nung ở đây chủ yếu là củi, khoảng 3m² củi cho một lò, mà hầu như tận dụng cây, cành khi đi phát nương rẫy. Nếu không có nguồn than để thay thế, hàng năm nhu cầu củi lò rất lớn.
Khi vào lò, người thợ cả xếp củi lò để đun gốm, thời gian nung một mẻ gốm mất 10-12 giờ, lúc đầu dun to lửa, sau đó cho cháy đều và nhỏ lửa dần, giữ cho gốm chín đều. Theo kinh nghiệm của thở gốm Mường Chanh, khi xương gốm nung sẽ co lại chừng hai ngón tay đường kính cỡ lớn (như chum, kiệu) là được. Lúc ấy phải lấp kín cửa của lò và ống khói, rồi cứ để 3-5 ngày sau, khi nguội hẳn mới dỡ lò.
Tuy kỹ thuật còn đơn giản, sản phẩm đơn điệu nhưng gốm Mường Chanh của đồng bào dân tộc Thái Đen đã từ lâu có tiếng vang và tín nhiệm cả miền Tây Bắc. Sự tồn tại lâu đời và đang phát triển, nghề gốm ở đây đã chứng tỏ sức sống mạnh mẽ của nó, cũng như nó khẳng định vị trí của mình trong đời sống xã hội của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.