Một số sản phẩm gốm Mường Chanh
Cư trú lâu đời ở Mường Chanh (tỉnh Sơn La) nên đồng bào Thái có nền nông nghiệp khá phát triển, họ trồng được một loại lúa nếp ngon nổi tiếng trong vùng gọi là nếp tan nhe. Đặc biệt người Thái ở Mường Chanh còn có một nghề thủ công đặc sắc,
đó là nghề gốm. Bề dày phát triển của các làng gốm đã cho thấy những nét giao thoa văn hóa tương đồng cũng như khác biệt mang tính vùng miền khá thú vị trong kỹ thuật chế tác, trang trí gốm... giữa các làng nghề, từ miền núi đến đồng bằng tới ven biển. Mường Chanh là một đại diện tiêu biểu cho đặc thù gốm thuộc văn hóa miền núi phía Bắc. Hơi thở của núi rừng, của con người Thái đen in dấu cả vào gốm. Bởi vậy, chất gốm Mường Chanh có một vẻ đẹp rất riêng.Người Thái bắt đầu công việc của mình từ khá sớm, cứ mặt trời lên núi cũng là lúc các nhà bắt tay vào công việc. Ở Mường Chanh, tất cả các thành viên trong gia đình từ già đến trẻ, đều có thể tham gia làm gốm. Phụ nữ và trẻ em tham gia gia công nguyên liệu, quay bàn xoay... đàn ông phụ trách các khâu quan trọng như: thành hình sản phẩm mộc, xếp gốm vào lò, nung gốm. Công cụ chủ yếu nhất trong việc tạo hình gốm của người Thái là bàn xoay bằng thớt gỗ tròn được bà con gọi là cái khiên, đường kính 39 đến 40 cm, cao 19 đến 20 cm, úp trên một trụ gỗ chôn chặt xuống nền nhà. Hầu hết mặt khiên được làm từ gỗ cây sồi. Còn trụ gỗ để xoay thường được làm từ lõi cây tô hợp hay cây mận trồng trong rừng.
Chiếc ấm từ gốm Mường Chanh
Như bao làng gốm truyền thống khác, khi tạo hình sản phẩm, người Thái thường xem thời tiết, tránh những ngày mưa, nồm, độ ẩm không khí cao để khi nặn, tạo hình thành sản phẩm không bị sụt xuống. Trường hợp đang nặn gốm gặp trời mưa, họ phải đốt lửa hơ cho khô bớt rồi mới nặn tiếp. Việc dựng hình sản phẩm gốm ở Mường Chanh theo thể tự do, tính quy chuẩn được ước lệ theo mục đích sử dụng, song nhất thiết phải tuân thủ quy trình tạo hình, bắt đầu từ làm đáy, dựng thành, chuốt miệng rồi mới trang trí hoa văn và làm thể phụ. Để làm đáy, người ta rắc một lớp tro mịn chống dính lên bàn xoay, đặt miếng đất sét lên mặt, miết xung quanh cho đất dính chặt vào bàn, dùng gậy gỗ dát mỏng, làm nhẵn mặt đáy, lấy dao tre cắt đáy kết hợp quay bàn xoay thành một vòng tròn quanh đáy sản phẩm.
Hoàn chỉnh phần đáy, người Thái mới chuyển sang dựng thành sản phẩm theo kỹ thuật đắp nặn, dùng 2 tay vê đất thành thỏi dài từ 20 - 30 cm. Tay phải cầm thỏi đất, vừa xoay vừa be đất tạo vòng thành đầu tiên, dùng dụng cụ hình trăng khuyết để miết kỹ chỗ tiếp giáp giữa thành và đáy, tiếp tục làm các vòng thành khác theo lối đắp trạch. Dùng hai dụng cụ uốn cong, một cái trong và một cái ngoài, kết hợp chân quay bàn xoay để miết, làm cho thành sản phẩm cong theo ý muốn. Các loại dụng cụ cơ bản trong tạo hình gốm Mường Chanh là Vi kiểng (các mảnh gỗ hình bán nguyệt, hình liềm); Vi tra (mảnh gỗ hình rìu, có vai), dụng cụ tạo hình cổ chum, lọ gọi là vi. Trong tiếng Thái, vi là tay, tên gọi có gắn chữ vi là các dụng cụ làm tay. Dụng cụ để cắt và khắc là mạy láp (que bằng tre, nứa cắt vát sắc, một đầu nhọn, đầu kia bằng có răng cưa).
Dấu ấn riêng của gốm Mường Chanh
Tạo hình xong, muốn cho sản phẩm đều và nhẵn, người ta dùng 4 mảnh tre, gỗ mỏng để chỉnh hình và chuốt, sau đó dùng một ống thụt có cấu tạo đơn giản như xi lanh gọi là còng sít dùng để nén đất thành sợi, dao tre chạm hoa văn, móc để xén lợi, cắt miệng. Trong quá trình nặn gốm, để chống dính, người ta thường nhúng tay vào chậu nước hay tro bếp. Cuối cùng, dùng sợi móc cắt miệng, lấy giẻ ướt vén đất tạo thành miệng sản phẩm. Tạo hình hoàn chỉnh, người Thái bắt đầu bước sang công đoạn tạo hoa văn. Tùy theo từng loại sản phẩm mà người Thái Mường Chanh trang trí một loại hoa văn hình sóng nước, hình dải chỉ nổi hay cả hai loại hoa văn cùng lúc. Cách trang trí của người Thái đen theo những diễn biến văn hóa tự nhiên, gắn liền với thiên nhiên cuộc sống của con người vùng Tây Bắc.
Trong lịch sử chung của người Việt cổ, đồ đựng bằng gốm được xem là đồ quí bởi độ bền và tính an toàn trong bảo quản lương thực, thực phẩm, đồ uống... Có lẽ đó chính là nguyên do nảy sinh đồ gốm và hình thành nghề gốm, trong những buổi đầu chỉ là vấn đề tự cung, tự cấp. Với người Thái đen Mường Chanh, dùng đồ gốm để đổi ra vật khác như là dấu hiệu sơ khai của hoạt động thương mại, giá trị sản phẩm được tính lũy tiến theo quãng đường mà họ phải đi tới nơi trao đổi, đường càng dài, giá trị sản phẩm càng cao, bởi vậy, theo lời kể của người già, thủa xa xưa, người Thái đen Mường Chanh chủ yếu sống bằng nghề gốm này một cách dễ dàng.
Một số công cụ làm gốm ở Mường Chanh
Một trong những yếu tố làm nên vẻ đẹp của gốm Mường Chanh là chất đất. Đất Mường Chanh là loại đất dẻo, đất sét pha cao lanh có chất lượng tốt. Đất được khai thác trên mỗi thửa ruộng của gia đình và được chuyển về nhà bằng những đôi sọt nan hoặc được nặn thành từng viên tròn gánh về nhà. Khai thác đất lên, đem sản xuất ngay hoặc bảo quản nơi kín gió để dùng dần. Chất đất làm gốm tại Mường Chanh gồm nhiều màu sắc: vàng, hanh đỏ, xanh xám và đen. Trong đó, chất đất kết dính cao nhất trong số loại chất này là loại hanh đỏ. Ở Việt Nam mỗi vùng gốm đều có 1 đặc trưng riêng từ nguyên liệu cho đến phương phức làm. Không sử dụng những phương pháp lọc đất như những vùng gốm khác, những người thợ Mường Chanh dùng cối giã đất...
Nung gốm là khâu then chốt nhất trong quá trình sản xuất gốm của người Thái ở Mường Chanh vì nó quyết định chất lượng sản phẩm. Mỗi gia đình ở Mường Chanh đều tự làm lấy lò nung gốm. Người ta chọn chỗ đất cứng hay những chỗ đá đang phong hóa đào lò để tiết kiệm củi đốt, sản phẩm chín tốt hơn và vào mùa mưa không bị sập. Người Thái đen sử dụng kiểu lò hầm, hình dáng mu rùa (cao ở giữa và thấp dần ra quanh). Đáy lò không bằng mà dốc nghiêng, thấp dần từ ống khói ra phía cửa lò.
Tạo hình trên bàn xoay
Chọn ngày nắng ráo, người ta xếp sản phẩm vào lò nung. Ở Mường Chanh, đốt lò được họ chuẩn bị như một nghi lễ nghiêm cẩn. Người ta đan cây Ta leo để xua đuổi tà ma. Trước khi vào lò, thầy mo sẽ lấy bát nước gạo té lên trên miệng lò và khấn xin trời phù hộ cho mẻ gốm thành công, sau đó cắm Ta leo lên trên miệng lò. Khi vào lò, nhất thiết phải xếp các sản phẩm thành một lớp, không để chồng lên nhau và cũng không lồng cái nhỏ vào cái to; xếp xong mới bắt đầu nung gốm. Ban đầu, người ta đốt nhỏ lửa để sấy gốm cho khô, khi nhìn qua lỗ thông hơi thấy gốm chuyển sang màu hồng lửa, mới tăng thêm củi cho gốm chín. Khi thấy miệng ống khói trắng bạc và ngọn lửa vọt lên khỏi miệng ống khói chừng 1m có màu hồng trông thẳng đứng, nghĩa là gốm đã chín. Thời gian đốt và ủ lò khoảng 24 giờ. Vùng gốm nào cũng đưa yếu tố tâm linh vào, tín ngưỡng chung là thờ thần lửa, cầu may mắn. Nhưng với người, bên cạnh việc mong thần linh phù hộ, làm lễ với cây Ta leo là để trừ ta ma, tránh gặp rủi ro khi đốt lò.
Sản phẩm gốm của người Thái Mường Chanh khá phong phú, gồm hơn 10 thể loại với nhiều hình dáng, kích cỡ khác nhau, chủ yếu là gốm gia dụng như chum, bình có quai, nồi nấu cách thủy, chày cối dùng để nghiền ớt, lục lạc để đeo trâu, bò... Người Thái Mường Chanh còn sản xuất một số đồ gốm có giá trị như: chum to, lọ cổ nhỏ được dùng làm của hồi môn cho con gái đi lấy chồng. Ngày nay, Mường Chanh còn hai tổ gốm lớn nhất là của gia đình ông Lò Văn Loan và gia đình ông Hoàng Văn Nam. Cũng là phương cách làm như nhau, nhưng gia đình ông Hoàng Văn Nam cũng đã có những cải tiến đáng kể trong việc trang trí họa tiết hoa văn. Chưa định hình về kỹ thuật tráng men, nhưng sự sáng tạo trong sản xuất của những người Thái rất đáng ghi nhận.
Vào lò
Đốt lò
Sản phẩm gốm của người Thái Mường Chanh thuộc loại gốm trơn, không tráng men, ít tinh xảo và thậm chí có phần hơi thô, nhưng có lẽ vẻ đẹp của nó lại toát lên chính nhờ sự thô ráp, mộc mạc đó. Gốm Mường Chanh có khá nhiều ưu điểm: nhẹ, độ bền cơ tốt và độ thấm hút nước thấp hơn so với gốm các nơi khác. Nhiên liệu nung gốm ở đây chủ yếu là củi mà hầu hết là tận dụng cây, cành khi phát nương rẫy. Để tạo màu sắc cho gốm, người thợ sẽ lên rừng hái lá dẻ, trước khi dừng lửa, họ cho lá dẻ vào lò rồi lấp cửa, lấp ống khói, trong quá trình ủ, lá cây này khi cháy tạo thành khói đen ám vào sản phẩm và sinh ra màu xám đen rất đặc trưng của gốm Mường Chanh.
Thời gian nung gốm mất khoảng 1 ngày. Lúc đầu đun to lửa, sau đó cho cháy đều và nhỏ lửa dần, giữ cho gốm chín đều và đem ủ 3 ngày 3 đêm ở trong lò để tạo độ chắc, bền cho gốm, khi nguội hẳn mới dỡ lò. Những sản phẩm này sẽ được những người phụ nữ gánh sang các xã lân cận để bán, hoặc được sử dụng để trao đổi hàng hóa tại các phiên chợ.
Trang trí đốt lò
Năm tháng qua đi, bản làng có bao thay đổi, nghề gốm ở Mường Chanh cũng trải qua bấy nhiêu thăng trầm. Trong cuộc sống người miền núi, đồ đựng đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo quản nhu yếu phẩm, điều kiện về giao thông rất khó khăn, giao lưu mua bán hạn chế. Trong bối cảnh đó, cả Mường Chanh hiện nay chỉ còn hai lò đỏ lửa như một biểu hiện của sự nỗ lực gìn giữ những giá trị xưa cũ. Cuộc sống hiện đại cùng những tác động của nó đã tạo ra nhiều thách thức cho nghề gốm Mường Chanh. Sự bảo lưu truyền thống chỉ có thể thực hiện được khi trong nó có những biểu hiện mang tính thời đại. Để làm được điều này, sự quan tâm mang tính liên ngành khoa học, xã hội là điều không thể thiếu được.
Phan Thanh Sơn