NGHI THỨC LỄ GIA TIÊN Ở HỌ NHÀ TRAI |
1/ Lễ rước dâu
Sau khi thực hiện các nghi thức cưới ở họ nhà gái, họ nhà trai tiến hành làm lễ rước dâu để ra mắt nàng dâu mới với ông bà tổ tiên và thông báo với họ hàng, xóm giềng rằng con trai họ đã cưới vợ, đồng thời ra mắt thành viên mới trong gia đình họ.
Người chủ hôn thường được chọn là người nam, lớn tuổi dẫn đầu đoàn người trong lễ rước dâu từ họ nhà gái. Trước khi đi, vị chủ hôn thắp hương (nhang), một mặt theo ý nghĩa tâm linh là để vị thần hôn lễ về chứng, một mặt theo phong tục là để đốt vía những kẻ xấu mồm khi đám cưới đi qua. Đi theo sau vị chủ hôn là hai đoàn người đại diện hai họ.
Tùy theo tục lệ ở từng vùng, từng địa phương, mà đoàn người làm lể rước dâu có cha mẹ chú rể đi theo hay không, hay chỉ có vị chủ hôn và chú rể đại diện họ nhà trai, cùng họ hàng thân thuộc. Đặc biệt, có một sự khác biệt ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam, cha mẹ của cô dâu ở miền Bắc và Trung thường sẽ không tham gia vào lễ rước dâu, vì họ ngại cảnh chia ly khi tiễn con gái về nhà chồng, nên nhờ người trong thân tộc đi thay, ở miền Nam thì phóng khoáng hơn, cha mẹ cô dâu sẽ tham gia vào lễ rước, họ xem đó là niềm tự hào, hãnh diện của đủ đôi cha mẹ trong lễ cưới của con.
2/ Lễ gia tiên
Sau khi rước dâu từ họ nhà gái về họ nhà trai. Cô dâu chú rể phải thực hiện nghi thức tiếp theo rất quan trọng, được xem là một thủ tục ra mắt của cô dâu với ông bà, tổ tiên, cha mẹ chồng, và thông báo cho họ hàng, xóm giềng của họ nhà trai mình là thành viên mới, có trách nhiệm và bổn phận với gia đình chồng. Đó là lễ gia tiên.
Nếu gia đình họ nhà trai, bậc trưởng bối lớn nhất là ông bà của chú rể, còn sống, thì cô dâu phải thực hiện lễ mừng với ông bà trước, sau đó mới đến cha mẹ chồng. Theo thông tục của lễ gia tiên, khi cháu dâu, con dâu làm lễ mừng thì các bậc trưởng bối phải tặng quà bằng tiền hay trang sức.