Một số tư liệu lịch sử và truyền thuyết về các cuộc thiên di của dân tộc Thái từ lưu vực sông Thao vào vùng Tây Bắc Việt Nam - Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Friday, March 25, 2016

Một số tư liệu lịch sử và truyền thuyết về các cuộc thiên di của dân tộc Thái từ lưu vực sông Thao vào vùng Tây Bắc Việt Nam


Người Thái ở Tây Bắc từ đâu tới, cho đến nay vẫn chưa có ý kiến thống nhất. Phần lớn ý kiến đều cho rằng, họ thiên di từ phía Bắc (Trung Quốc) vào Việt Nam bằng nhiều con đường với những thời gian khác nhau. Nhưng, qua nhiều cứ liệu thu thập trong dân gian các nơi có người Thái cư trú hiện nay thì hầu hết các nơi đó đều rất ít biết hoặc biết rất mơ hồ về sự thiên di của tổ tiên họ mà nhiều người đều cho rằng nghe người xưa nói như thế.
Để hiểu biết thêm quá trình tộc người của các nhóm Thái đang sinh sống ở Tây Bắc Việt Nam, từ đó hiểu thêm về nguồn gốc lịch sử và sự đóng góp của họ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước nói chung, vùng Tây Bắc nói riêng. Việc tìm hiểu về quá trình thiên di của họ là cần thiết. Vấn đề này lâu nay đã được nhiều nhà nghiên cứu về người Thái trong nước và nước ngoài quan tâm. Tuy những ý kiến đó chưa thống nhất nhưng dù sao cũng là những tư liệu quý để tham khảo cho vấn đề đặt ra. 1. Những ý kiến của các nhà nghiên cứu Theo Tiến sĩ Leedom Leffert1 cho rằng quá trình thiên di của người Thái theo lưu vực sông Mê Kông bắt đầu từ thiên niên kỉ thứ nhất trước Công nguyên. Một bộ phận của tổ tiên khối cộng đồng Tày - Thái cổ, bắt nguồn từ nhóm Bách Việt sinh tụ ở miền Nam sông Dương Tử tách dần khỏi khối cộng đồng cùng tộc của mình, thiên di theo hướng 1 Leedom Leffert: Người Thái và sông Mê Kông. Tư liệu Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, tr2. Tây - Nam vào miền Nam tỉnh Vân Nam và miền Tây Đông Dương, trong đó có vùng Tây Bắc Việt Nam. Cùng lúc đó, họ (người Thái) cũng gặp cuộc thiên di của nhóm tổ tiên các dân tộc thuộc ngữ hệ Môn - Khơme từ Trung Á và Tây Bắc Trung Quốc tràn về. Vùng phía Nam tỉnh Vân Nam, thượng Miến Điện, Thượng Lào và Tây Bắc Việt Nam từ thời Đường hay từ đời Tần - Hán là địa bàn cư trú của tổ tiên người Thái sống xen kẽ với các dân tộc thuộc ngữ hệ Môn - Khơme và ngôn ngữ Tạng - Miến. Trong khi cư dân ngôn ngữ Tạng - Miến sinh sống ở vùng Tây và Tây Bắc thì cư dân Thái phân bố ở Nam và Đông Nam Châu Á cùng cộng cư với cư dân nói tiếng Môn - Khơme. Theo ý kiến trên, lịch sử Thái đã diễn ra hai cuộc thiên di lớn theo hướng Tây - Nam và Nam vào cuối thế kỉ thứ nhất trước Công nguyên và những thế kỉ đầu của thiên niên kỉ I, đầu thiên niên kỉ II sau Công nguyên. Tuy nhiên, quá trình thiên di này đã diễn ra hàng trăm năm vì vấp phải sự chống trả của những tộc người địa phương khi người Thái tràn đến chiếm những vùng đất đó để sinh sống. Các đợt thiên di này đã khiến tổ tiên người Thái va chạm, tiếp xúc và hoà hợp với nhiều tộc người khác nhau trong phạm vi rộng lớn của Nam Á. Kết quả của cuộc thiên di này là sau Công nguyên, một loạt các nhà nước Thái được thành lập như Vương quốc Thái Lan (thế kỉ XIII), Vương quốc Lào (thế kỉ XIV). Địa vực các vương quốc này kéo dài từ thượng lưu một số con sông lớn trong vùng, trong đó có sông Mê Kông tới những miền giáp giới của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Thượng Lào và Tây Bắc Việt Nam. Những nhà nước này nối thành một dải liền với khu vực có người đồng tộc của họ đang sinh sống ở vùng Lưỡng Quảng, Quý Châu, Hồ Nam (Trung Quốc) và vùng Tây Bắc Việt Nam. Trong thực tế, địa bàn phân bố của các nhóm Thái này được xác định cụ thể hơn ở thời cổ đại với 5 vùng như: Xíp xong Bản na (Trung Quốc), Chiềng Tung (Myanmar), Lạn Na (Thái Lan), Lạn Xạng (Lào) và Xíp bốc châu tay (Mười sáu châu Thái Việt Nam). Các vùng này có mối quan hệ khá gần gũi nhau, ít nhiều có sự ảnh hưởng lẫn nhau về nhiều mặt. Nhưng, qua đó cũng thấy rõ một điều là các nhóm Thái ở Tây Bắc Việt Nam cũng đã xuất hiện ở đây từ đầu Công nguyên và rất có thể còn sớm hơn nữa. Điều đó hoàn toàn phù hợp với những nguồn tư liệu mà chúng tôi đang có trong tay hiện nay (xem thêm bài: Sự đóng góp của cư dân Tày - Thái cổ vào sự hình thành và phát triển văn minh Đông Sơn, in trong Kỷ yếu này). Bên cạnh ý kiến khái quát của Tiến sĩ Leedom Leffert trên đây cũng còn nhiều ý kiến khác về sự thiên di của người Thái vào Việt Nam. Trong đó, tiêu biểu là ý kiến căn cứ vào hai cuốn sử thi Thái Đen Quam tố mương (Truyện kể bản mường) và Tãy phú xớc (theo đường ông cha chinh chiến). Theo tư liệu của hai cuốn sử thi này thì người Thái vào Việt Nam khá muộn (sớm nhất là vào thế kỉ XI và muộn nhất là thế kỉ XIII). Nếu nguồn tư liệu này đúng sự thật thì đó chỉ là cuộc thiên di của bộ phận Thái Đen chứ không phải là toàn bộ các nhóm Thái có mặt ở Việt Nam hiện nay. Bởi vì khi người Thái Đen đÕn cư trú ở Mường Lò (Nghĩa Lộ) thì ở Mường Tấc đã có người Thái Trắng rồi. Theo truyền thuyết Khoai ọk chạng đỏn (Trâu đẻ voi trắng) khá phổ biến ở vùng Mường Tấc. Thuở đó, tạo Mường Tấc lấy vợ người Kinh ở dưới xuôi (người vợ đó lại là công chúa vua người Kinh). Hai vợ chồng sinh được một đứa con trai khá kháu khỉnh, thông minh. Một lần, đứa bé được mẹ cho về xuôi thăm ông ngoại, khi gặp ông ngoại, đứa bé khoe rằng nhà nó vừa có con trâu đẻ ra voi trắng. Nghe vậy, ông vua người Kinh rất ngạc nhiên và đoán rằng sự lạ này báo hiệu con rể sắp làm phản. Vì vậy, ông vua này đã đem quân lên trấn áp trước để tránh hậu hoạ về sau. Trận chiến này kéo dài mấy chục năm rồi nhà vua thần phục được đội quân của con rể bằng một trận huyết chiến trên cầu dây mây bắc từ dãy núi phía Đông (thuộc địa bàn bản Cù - Huy Tân hiện nay) sang Pú Chạng (núi voi) ở phía Tây (thuộc bản Nà Xá, xã Quang Huy). Cho đến nay, trên Pú Chạng (Quang Huy) và núi bản Cù (Huy Tân) còn nhiều tầng đá xếp chồng lên nhau như lô cốt cố thủ (phế tích của đồn bốt xưa kia). Cho đến nay, Pú Chạng thuộc xã Quang Huy vẫn được nhiều người nhất là các cụ già gọi là Pu Đôn (núi đồn).

Người Thái Yên Châu cũng có một truyền thuyết kể về đôi Khau cút gắn trên hai đầu hồi mái nhà của họ. Tương truyền rằng, xưa kia có một cô gái nhà giàu người Kinh lên lấy chồng ở đây. Vì bản chàng rể đông đúc và dựng san sát nhau (cách thức lập bản truyền thống của người Thái) mỗi khi lên thăm con gái và con rể, ông bố vợ đều bị nhầm nhà. Vì thế, ông đã nghĩ ra cách đánh dấu nhà chàng rể của mình bằng việc cho đúc hai đôi Khau cút bằng bạc trắng gắn trên đầu hồi nhà, để từ xa đã có thể nhận ra nhà của con gái, con rể mình. Từ đó người Thái ở đây có tục gắn Khau cút lên đầu hồi mái nhà sàn của mình cho đến ngày nay. Qua các câu chuyện trên, cho dù chỉ còn trong tiềm thức của nhân dân nơi đây nhưng đã phản ánh một điều: người Thái ở những địa phương này đã có quan hệ hôn nhân với người Kinh từ lâu đời. Như vậy, sự có mặt của các nhóm Thái cổ trên vùng Tây Bắc trước khi Lạng Chượng kéo quân lên chiếm đất lập mường là điều có thể tin được. Các nhóm Thái cổ đó phải có thời gian tồn tại lâu dài và có quan hệ thân thiết đến một mức độ nào đó thì mới tiến tới quan hệ hôn nhân như thế được. Cho dù quan hệ hôn nhân đó diễn ra vì lí do gì thì hiện tượng này vẫn chứng minh một điều: người Thái cổ và người Kinh là bạn láng giềng với nhau, sống chết có nhau trong lịch sử từ thời xa xưa. Chí ít cũng từ khi có các đợt thiên di của ngành Thái Đen Lạng Chượng lên vùng Tây Bắc. Theo cuốn Quam tô mương (truyện kể bản mường) mà chúng tôi có trong tay hiện nay (bản chép tay bằng chữ Thái Đen của ông Cầm Hom, bản Ang, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, Sơn La) thì điểm xuất phát của đội quân Lạng Chượng tiến lên vùng Tây Bắc cũng chỉ bắt đầu từ Mường Lò (huyện Văn Chấn, Yên Bái hiện nay) chứ không ở đâu tới cả. Ông là con trai thứ 7 của Tạo Lò (tạo Mường Lò). Tạo Lò là con trai Tạo Xuông, người đã có công xây dựng Mường Lò và Tạo Xuông đã giao Mường Lò cho Tạo Lò cai quản. Việc hai anh em Tạo Xuông, Tạo Ngần từ Mường Ôm, Mường Ai xuống Mường Lò có truyền thuyết là: Then đã cho hai Tạo đem một quả bầu và một cột đồng chống trời xuống dựng Mượng Lò. Lâu nay, vẫn có một số người cho rằng “ngoài cõi trời” tức ngoài cõi biên cương Trung Quốc lµ không đúng. Văn bản chữ Thái của cuốn sách này ghi rõ ràng: mương Lo nọk phạ (là Mường Lò ở ngoài cõi mường Trời - mường của ông Then thống trị, cai quản chứ không phải một Mường Người cụ thể nào đó). Trước khi có tạo Xuông, 


Tạo Ngần xuống Mường Lò thì Quam Tô Mương có đoạn truyền thuyết như sau: Cõ pên đin pên nhạ Cõ pên nhạ to luông hết Cõ pên đin chết tọn Cõ pên hin xam xau Cõ pên nặm cảu qué Cõ pên Pák Té - Tao Nham nặn, Then chắng hợ chết pú chạu xa công Lống má téng phen đin mướng Lum, Mí chu ăn chu dương Then chắng hợ chét pũ má téng mướng Lum Pên- bản pên mướng,... dịch: (Khởi nguồn nên đất nên cỏ Khởi nguồn nên trời bằng cái nấm, Khởi nguồn nên đất bẩy miền Khởi nguồn nên núi ba hòn Khởi nguồn nên nước chín dòng Khởi nguồn nên cửa Đà - Thao(*) Thủa ấy, Then mới cho bảy ông Xa Công xuống xây dựng mảnh đất trần gian Có đủ thứ đủ giống, Có đủ con đủ loài Then mới cho bảy ông đến xây dựng Trần gian nên bản nên mường). Như vậy, nếu căn cứ vào đoạn văn trên thì chính ông cha của Lạng chượng cũng được sinh ra và lớn lên tại Mường Lò (Yên Bái). Nói khác đi, nhóm Thái Lạng Chượng cũng thuộc vào lớp cư dân Thái cổ - Thái bản địa ở Việt Nam. Sau đó do dân số phát triển, mảnh đất Mường Lò này không còn đủ chỗ cho mị người nên họ phải di chuyển lên vùng Tây Bắc (Sơn La, Lai Châu, Điện Biên...) để tìm đất sinh sống. Cuộc di chuyển này thực ra cũng không phải là cuộc chinh phạt như cuốn Tãy Pú Xớc đã miêu tả và như nhiều người đã quan niệm. Tuy trong quá trình di chuyển này họ đã phải va chạm với các nhóm dân bản địa ở chỗ này, chỗ khác (đó là điều đương nhiên), nhưng những cuộc đụng độ đó chưa thể coi là giặc “xớc” mà chỉ đơn giản là các cuộc tranh giành đất đai sinh sống. Khi đọc kĩ nguyên bản Quam tô mương trên đây, chúng tôi càng nhận thấy ý kiến nhận xét trên là có cơ sở thực tế. Ví dụ, khi Lạng Chượng rời khỏi Mường Lò tiến lên vùng Tây Bắc sâu hơn có đi qua Mường Chiến (Ngọc Chiến, Mường La), tạo Mường Chiến đã gả con gái cho Lạng Chượng làm vợ. Rồi Lạng Chượng đến Mường Trai (một địa danh khác của huyện Mường La) thì Tạo Mường Trai cũng đã đem trâu đến nộp. Khi ông đến vùng Xá Xăm Cằm (Xá Trai - người Mảng) thì nhân dân ở đây cũng đem lương thực, trâu bò đến nộp, đến đón... Xét kü thì cuộc di dân này diễn ra trong hoà bình chứ không phải là cuộc chinh phạt đẫm máu như một số người nghĩ. Hơn nữa, qua các cứ liệu trên làm rõ thêm sự có mặt từ rất sớm của các nhóm Thái cổ ở vùng Tây Bắc như Mường Tấc (Phù Yên), Mường Chiến, Mường Trai và các vùng Mường Thanh (Điện Biên), Mường Lay (Lai Châu)... khi tiến sâu lên vùng Tây Bắc, đoàn quân của Lạng Chượng đều đã gặp họ ở những địa phương đó. Hầu hết các nhóm Thái cổ trên đây khi đưa hồn ma về mường Trời với tổ tiên họ đều xuôi theo sông Đà hay xuôi theo sông Thao về bến Bạch Hạc - cửa biển của thời biển tiến Flandri. Theo tôi, cửa biển thời đó đã đi vào tâm thức của người Thái ở Việt Nam để rồi trở thành bến sông ngăn cách giữa mường người và mường ma trên trời (các nhóm Thái ở ngoài lãnh thổ Việt Nam không có khái niệm bến sông Nặm ta khải hay Nặm ta cải này. Để giải thích tên gọi Nặm Tao (sông Thao), nhiều cụ già Tày, Thái đều cho rằng, trên con sông này thời xa xưa tổ tiên họ đã từng sinh sống. Cùng với các cuộc biển tiến hoặc biển lùi, lớp cư dân này đã từng ngược lên , xuôi xuống, quay đi, quay lại nhiều lần. Trong tiếng Thái từ tao có nghĩa là quay lại tao má hay quay đi tao pay trong thuật ngữ tao pay, tao má (quay đi, quay lại). Điều đó càng khẳng định thêm nhận xét của Giáo sư Hà Văn Tấn cho rằng cùng các cư dân đã từng sinh sống xung quanh vịnh Hà Nội trước khi nước biển rút đi cách ngày nay khoảng 4.000 năm có các nhóm Thái2. Điều đó đã được phản ánh khá rõ ràng và khá sinh động trong các truyền thuyết kể về sự kiện này ở nhiều nhóm Tày, Thái trên đất nước chúng ta. Người Tày Hà Giang khi nói về cội nguồn của mình cũng có câu: Pú dú nặm Te, Tai ta pú nặm Tao (ông nội ở sông Đà, ông ngoại ở sông Thao) chứng tỏ những nhóm Tày Hà Giang cũng từ sông Đà, sông Thao di chuyển lên. 2. Những truyền thuyết phản ánh các đợt di cư của người Thái từ lưu vực sông Thao lên vùng Tây Bắc. Có một điều khá lí thú khi đi sâu tìm hiểu nghiên cứu về các nhóm Thái cổ ở nước ta là tuy hầu hết các nhóm đó đều ở miền núi nhưng hình ảnh về nước và thuyền bè lại rất đậm nét trong tiềm thức và tâm linh của họ. Nói khác đi nước và người Thái là đôi bạn tri kỉ, sống chết có nhau, vui buồn có nhau. Tại sao lại như vậy? Nhiều người cho rằng, sở dĩ người Thái có quan hệ sâu sắc với nước như vậy là vì loại hình kinh tế chính trị của người Thái là làm ruộng nước mí nặm chăng pên ná (có nước mới thành ruộng), điều đó không sai. Nhưng, sâu xa hơn có lẽ không chỉ có vậy mà có thể liên quan đến vấn đề nguồn gốc tộc người. Vì thế, ở nhiều trường hợp, nước còn là tín ngưỡng dân gian truyền thống của người Thái. Theo phương pháp tư duy dân tộc học thì cái gì đã thuộc về thế giới tâm linh, về tín ngưỡng là những vấn đề liên quan đến cội nguồn. Trong đời sống hàng ngày những biểu hiện cụ thể có khi không còn rõ ràng, nhưng ở tận một nơi sâu thẳm nào đó trong trí nhớ, trong tín ngưỡng hễ có dịp chúng lại loé sáng. Đối với người Thái nước không chỉ 2 Hà Văn Tấn: Văn hoá Phùng Nguyên và nguồn gốc dân tộc Việt. Tạp chí dân tộc học số 1 - 1975, tr35. tồn tại trong tâm linh mà nó còn là một thực thể gắn liền với đời sống hàng ngày. Thực thể đó đã tạo nên cuộc sống Thái. Bất cứ một bản nào của người Thái, dù chỉ một vài nhà hay đông đúc thì ngay cạnh đấy phải có sông, suối thậm chí chỉ là cái mương, cái lạch nhỏ hay một mỏ nước bỏ nặm... Thực ra, bất cứ dân tộc nào, người nào sống cũng cần nước. Nhưng, mức độ cần thiết phải có nguồn nước ở cạnh mình như người Thái thì không phải tộc người nào cũng cần. Sự cần thiết được sống bên cạnh nguồn nước của người Thái đã vượt xa nhu cầu về nước trong sinh hoạt hàng ngày và trở thành sức mạnh tâm linh Thái, nếp sống Thái và bản sắc văn hoá Thái. Vậy, tại sao nước lại có vị trí quan trọng hàng đầu và sâu sắc như thế trong đời sống Thái? Có thể có nhiều câu trả lời, nhưng, phải nói trước là sự sống của người Thái, không có nước không có người Thái. Nói khác đi môi trường đã sinh ra người Thái. 


Trong hầu hết các truyền thuyết hay huyền thoại liên quan đến nguồn gốc của các nhóm Thái đều có yếu tố nước. Một trong những yếu tố đó chính là hình tượng con thuồng luồng tô ngược. Hình tượng con thuồng luồng (Sức mạnh của nước, vua của thế giới nước) lúc là cha, lúc là mẹ, lúc là vợ, là con hay là bạn của người Thái. Ai đã từng chú ý đến kho tàng truyện cổ dân gian Thái và Tày thì đều nghe nhiều đến mối quan hệ đó, quan hệ giữa người với thuồng luồng. Đây là quan hệ mang tính chất sinh thành như mô tip Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ của người Kinh. Theo tôi biết đau chính mô típ này đã bắt nguồn từ cơ sở quan hệ người với thuồng luồng của người Thái. Trong tay của chúng tôi hiện nay có khá nhiều những câu chuyện dân gian về mối quan hệ đó của cả người Thái và người Tày. Ví dụ ở xã Trùng Khánh, huyện Na Hang (Tuyên Quang) có câu chuyện về Nàng tiên thứ bảy, về ngọn núi Mông Tự... đều liên quan đến mối tình giữa người với thuồng luồng. Ở Mường Tấc (Phù Yên, Sơn La) có câu chuyện về Chàng đuôi cụt (Ải hang cút), thần tích lễ hội Bưa lừa (Lạng Sơn) liên quan đến chàng thuồng luồng làm con nuôi của vợ chồng người Tày; sự tích ao xanh “Nong Kheo, Văng Tong hay mối tình Bó Bua... ở Mai Sơn (Sơn La) đều nói về các mối quan hệ giữa người với thuồng luồng. Sự tích về Hang Bua (Quỳ Châu - Nghệ An) nói đến thần nước Phi nặm huổi ha xuyên thủng đội quân thần núi Phi pu phá hung và mối tình giữa tạo Khun Tướng người Thái Mường Chiềng Xan lạc xuống Mường Nước Chông La rồi lấy nàng Ẹt Khay, đẻ ra Khun Tinh trở thành tạo trông coi vùng Chiềng Ngam (Quỳ Châu)... Chúng tôi dành nhiều trang viết về người Thái và nước như vậy với mục đích nhằm giải thích rõ thêm nguyên nhân của các cuộc di dân từ lưu vực sông Hồng mà trước đó là vùng xung quanh vịnh Hà Nội. Nói khác đi, chúng tôi nhằm lí giải và chứng minh cho hiện tượng gắn bó giữa cư dân Thái và nước. Nước là môi trường sống ban đầu của cư dân Thái ở Việt Nam. Từ môi trường nước đó, có lẽ do biển tiến dâng nước ngập lụt hết cả nơi sinh sống xưa kia của họ và buộc họ phải ngược các dòng sông (chủ yếu là 3 con sông Thao, sông Đà và sông Lô) từ của Bạch Hạc lên sinh sống tại các địa bàn mà ngày nay con cháu họ đang tụ cư. Có lẽ cũng chính vì thế mà trong tâm thức người Tày, Thái hình ảnh nạn đại hồng thuỷ luôn luôn ám ảnh và trở thành thời điểm khởi thuỷ của sự hình thành loài người nói chung và người Thái nói riêng. Trong Quam tô mương (Truyện kể bản mường) cũng bắt đầu từ nạn đại hồng thuỷ xảy ra từ thủa mới Cõ pên đin pên nhạ...(khởi nguồn nên đất nên cỏ...), từ thủa đất trần gian có các loài muông thú còn biết nghe, biết nói chu tô, chu xính nặng mương lum hụ pác, chu tô nạc chu hụ vạu... Nạn đại hồng thuỷ đó có lẽ chính là sức mạnh của các đợt biển tiến, gây ngập lụt khắp các vùng xung quanh vịnh Hà Nội. Vì thế, các nhóm Thái cổ thủa đó đã phải chạy nước và ngược sông Thao, sông Lô, sông Đà lên các vùng núi cao hơn mà sinh sống. Nạn hồng thuỷ trong Quam tô mương có lẽ cũng bắt nguồn từ đây. Như vậy nhóm Thái Đen của Tạo Xuông, Tạo Ngần rồi là Tạo Lò (bố của Lạng Chượng) xuất hiện ở Mường Lò (Yên Bái) cũng thuộc các nhóm cư dân Thái cổ. Tổ tiên họ xuống theo sông Thao rồi vào Nghĩa Lộ và tạo thành lớp cư dân Thái ở đây. Sau đó, do số dân phát triển một số mới di chuyển lên Tây Bắc như cuốn sử thi này đã kể. Cho đến nay, người Thái nhiều vùng vẫn còn nhớ những truyền thuyết về thuyền da trâu hưa năng khoai và thuyền vỏ cây sa - hưa năng sa (một loại cây vỏ rất dai, có thể bện làm thừng). Đây là hai loại thuyền được làm vội trong cơn nguy cấp chạy lụt. Có thể coi đó là sự nhanh trí và sáng tạo của cư dân Thái cổ thủa đó. Với hai loại thuyền làm vội này, nhiều nhóm Thái đã không thể đi xa hơn được, đành dạt dần lên sinh sống ở hai bên bờ sông Thao và tạo thành các nhóm Tày, Thái nơi đây. Từ những nơi này có thể có một số nhóm đã đi sâu vào vùng Tây Bắc và tạo nên các nhóm Tày, Thái ở Hưng Khánh, Văn Chấn (Mường Lò) thuộc Yên Bái, nhóm Thái Mường Tấc, một số ở Mường Vạt (Sơn La), một số đến Mộc Châu rồi xuôi về Hoà Bình thành nhóm Thái Mai Châu và vượt sông Mã sang vùng Quan Hoá, Bá Thước (Thanh Hoá)... Trong áng mo đám ma của các nhóm Tày, Thái này vẫn còn nhiều đoạn lần theo các con đường đó của ông cha họ xưa kia. Phần lớn con đường đó đều theo các suối nhỏ của địa phương rồi ra sông Đà, sông Thao mà về nơi bến Cái nặm ta cải hay nặm ta khải như đã nói ở trên. Người Thái ở Mường Tấc hầu hết đều đưa hồn ma vượt suối Tấc ra ngòi Lao hay ngòi Thia (Văn Chấn) rồi xuôi sông Thao đi qua Vũ Ẻn mà về Bạch Hạc ngã ba sông. Một số dòng họ khác của người Thái Mường Tấc (Phù Yên, Sơn La) lại theo suối Tấc ra cửa Vạn Yên xuôi sông Đà về nơi nặm khạu hu, pu khậu cởm thác Bờ, lên chơi và mua sắm gương lược ở chợ Bờ trước khi đi tiếp về Bạch Hạc. Từ đay sẽ thuê thuyền người Kinh hưa toong về mường Trời với tổ tiên. Bài mo đám ma của người Thái Yên Châu (Sơn La) cũng đưa hồn ma theo suối Vạt ra sông Đà rồi xuôi theo sông Đà về xuôi... Khi hồn ma đến chợ Bờ (Hoà Bình) cũng lên mua sắm ở chợ rồi mới tiếp tục về nơi nặm khảu hu, pu khảu cợm (nước vào lỗ, cua vào hang) và bến nước thiêng nặm ta khải để lên mường trời với tổ tiên... Hàng năm, cứ vào dịp trước Tết và sau Tết Nguyên đán, người Tày ở huyện Văn Bàn (Lào Cai) vẫn có tục ngắt lá cây thả trôi sông, suối làm “thuyền” đón, đưa tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Những chiếc thuyền lá cây đó trôi đến tận đâu không ai biết, nhưng chắc chắn chúng cũng đến tận cửa sông Thao - nơi bến cái đổ ra biển. Từ đó những chiếc thuyền lá mới đón đưa dược tổ tiên của họ. Người Thái Yên Châu (Sơn La) còn nhớ rõ sự tích núi Chom nong và hàng năm vẫn Xên Mường - thờ thần thổ địa tại chân núi này. Đồng thời những năm hạn hán kéo dài, nhân dân thường tổ chức tế thần Chom Nong bằng trâu trắng để cầu mưa. Tuy hình ảnh chiếc thuyền đồng khổng lồ theo cơn lốc bay tới đỉnh núi này và khoét sâu vào đỉnh núi tạo nên cái ao trên núi Chom Nong mang chất huyền thoại. Nhưng huyền thoại đó cũng đã phản ánh một thực tế quá trình di dân bằng thuyền đồng của tổ tiên họ lên lập bản mường ở nơi đây. Phải chăng do quá xa xưa rồi tổ tiên họ không còn nhớ được những chặng đường ngược sông Đà từ bến cái Bạch Hạc lên đây như thế nào, nên đã sáng tạo ra hình ảnh “thuyền bay” theo cơn lốc lên nơi này. Tuy nhiên trong áng mo đám ma thì họ vẫn lần trở về “quê cũ” theo con đường mà họ đã ra đi - bến cái Nặm ta khải. Như vậy bến cái Bạch Hạc chính là bến thuyền “cửa biển” của cư dân sống xung quanh vịnh Hà Nội với biển Đông, ma người Thái là thành viên của lớp cư dân ấy. Dĩ nhiên, cái bến thuyền cửa biển này dã lùi vào dĩ vãng hàng mấy nghìn năm, cho nên trong thực tế không ai còn nhớ mà chỉ còn trong tiềm thức và tâm linh. Trong tư duy nguyên thuỷ, từ địa điểm có thật ở thời xa xưa vẫn in sâu trong tiềm thức đã trở thành một địa chỉ linh thiêng của tâm linh. Bến Bạch Hạc ngày ấy đã trở thành bến thiêng trong tâm linh dân Thái. Xét co cùng mường Trời hay mường Then của thế giới tổ tiên cũng chính là phản ánh mường người ở dưới trần gian. Cái bến nước “Nặm ta khải” ở mường trời cũng chính là hình ảnh của bến Cái cửa biển từ thủa xa xưa đó. Bến sông ngăn cách giữa mường người và mường ma trên mường trời ấy thực ra cũng phản ánh sự ngăn cách đầy bí ẩn giữa thế giới mường người (những cư dân sống quanh vịnh Hà Nội) và thế giới biển khơi đầy trắc trở mà con người thủa đó chưa thể lí giải và làm chủ được. Trước khi lên đến mường trời, hồn ma phải vượt qua bao nhiêu thử thách của thế giới đầy sóng gió và bí hiểm ấy. Còn mường trời, nơi trú ngụ của thế giới tổ tiên ở đâu, thực ra cũng chỉ là một địa bàn trong tưởng tượng nhưng lại là ánh xạ của một bến nước có thật từ thủa xa xưa. Theo tư duy logic trí tưởng tượng cũng phải được bắt nguồn từ hiện thực nào đó. Tuy những kiến giải trên chưa thật có sức thuyết phục và hơi khiên cưỡng nhưng dù sao nó cũng góp phần vào giải quyết phần nào hiện tượng các hồn ma người Thái (nhất là các nhóm Thái cổ) lại xuôi các con sông Thao, sông Đà về bến cái cửa biển. Đồng thời từ đó cũng giúp giải thích được tên con sông Thao cũng như các đợt di chuyển ngược con sông đó của lớp cư dân Tày, Thái cổ lên sinh sống ở hai bên bờ cá con sông này và các vùng lân cận trên vùng Tây Bắc. Qua các cứ liệu trên lại càng có cơ sở chứng minh thêm sự có mặt của các nhóm Tày, Thái cổ ở Việt Nam từ thời tiền Đông Sơn chí ít cũng là từ thời Phùng Nguyên, trước khi hình thành đồng bằng Bắc Bộ. Quá trình đóng góp của họ vào sự hình thành và phát triển văn minh Đông Sơn là điều hiển nhiên.

TS. Hoàng Lương

Share with your friends