Học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú Tỉnh múa xòe mừng tết các dân tộc
Điện Biên là một tỉnh miền núi đa dân tộc, mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng rất đa dạng. Điển hình là dân tộc Thái (gồm ngành Thái Đen và Thái Trắng). Tổ tiên xa xưa của người Thái có mặt ở Việt Nam từ rất sớm và định cư ở những thung lũng màu mỡ, ven các sông suối. Người Thái sớm đi vào nghề trồng lúa nước, ngoài ra còn làm nương để trồng thêm lúa, ngô, hoa màu, cây thực phẩm, đặc biệt là cây bông, cây thuốc nhuộm, dâu tằm để dệt vải. Người Thái sống chủ yếu bằng hái lượm, săn bắt và đánh cá. Nghề thủ công của đồng bào Thái cũng khá phát triển như: nghề dệt, đan lát, nghề rèn…Người Thái sống tập trung thành bản, mường và đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Dân tộc Thái có bề dày văn hóa được ghi chép qua các bộ sử thi dân gian. Do người Thái có chữ viết riêng nên kho tàng văn học dân gian như: truyện thơ, truyền thuyết, văn học, ca dao, dân ca,… được lưu giữ và truyền lại khá nguyên vẹn. Một số tác phẩm truyện thơ nổi tiếng như: xống chụ xon xao (tiễn dặn người yêu); Khun Lú, Nàng Ủa. Người Thái nổi tiếng với làn điệu khắp (hát) như khắp báo xao (hát nam nữ), khắp lôồng tôồng (hát ngoài đồng). Đặc biệt, người Thái nổi tiếng về Xòe, tiếng Thái gọi là Xé, Xék là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Theo thời gian, Xòe đã trở thành hình thức múa dân gian truyền thống điển hình của dân tộc Thái và có sức ảnh hưởng, lan rộng ra nhiều dân tộc khác, có nhiều điệu xòe như: xòe vòng, xòe khăn, xòe nón, xòe nhạc, xòe quạt, xòe chọi gà, xòe nến, xòe tính tẩu, xòe trống, xòe chai, xòe ném còn,...Các điệu xòe thường tổ chức trong các dịp lễ, tết, mừng nhà mới.
Xòe vòng là điệu múa mang ý nghĩa truyền thống và phổ biến nhất của người Thái. Xòe vòng là điệu xòe không phức tạp về động tác và rất dễ tiếp cận, nếu ai chưa được tiếp xúc bao giờ hãy bước vào hòa nhập cùng vòng xòe, cùng với nhạc điệu của tiếng trống, tiếng chiêng bước chân chuyển động đi vài nhịp là xòe được ngay.
Xòe vòng là điệu múa mang ý nghĩa truyền thống và phổ biến nhất của người Thái. Xòe vòng là điệu xòe không phức tạp về động tác và rất dễ tiếp cận, nếu ai chưa được tiếp xúc bao giờ hãy bước vào hòa nhập cùng vòng xòe, cùng với nhạc điệu của tiếng trống, tiếng chiêng bước chân chuyển động đi vài nhịp là xòe được ngay.
Xòe Thái được coi là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Thái Tây bắc nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng. Những vòng Xòe được coi là sân chơi cho người dân giải trí sau những ngày lao động vất vả, gắn kết tình cảm con người lại gần nhau. Xòe là nét đẹp văn hóa truyền thống mà cha ông đã gây dựng và trao truyền. Sự tồn tại và phát triển của những điệu Xòe một phần phải kể đến ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, coi đó là tài sản vô giá cần được gìn giữ và bảo vệ. Nghệ thuật xòe Thái đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 3820/QĐ-BVHTTDL ngày 31/10/2013. Nghệ thuật xòe Thái của tỉnh Điện Biên được công nhận là một trong 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trong xu thế hội nhập của đất nước, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo các cấp trong việc chăm lo đời sống tinh thần cho người dân, đi liền với đó là công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc, nghệ thuật Xòe Thái đang được duy trì và phát triển. Hiện Xòe không chỉ tồn tại đối với dân tộc Thái mà đã lan tỏa tới nhiều dân tộc khác tại các tỉnh thành trong cả nước và vượt ra cả thế giới. Bất cứ nơi đâu, trong thời điểm nào chỉ cần hơi ấm của tình đoàn kết được xiết chặt, khi đó mọi người lại rộn ràng trong điệu xòe “Trao nhau giữa vòng Xòe/ Nụ cười và ánh mắt/ Thương nhau nắm tay nhau/ Để lòng thôi không nói/ Ngân lên khúc nhạc Xòe/ Tưng bừng như suối hát”...Và cứ thế, hết đời này qua đời khác Xòe vẫn sống, vẫn tưng bừng để góp phần tô đẹp thêm cho sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Hiện nay, tại các bản văn hóa du lịch của tỉnh Điện Biên, múa Xòe đang là một “sản phẩm du lịch” thu hút khách tham quan trong và ngoài nước, không những làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần mà còn góp phần phát triển kinh tế của địa phương thông qua các dịch vụ du lịch cộng đồng./.
Tác giả bài viết: Duy Tuấn-Trung tâm Văn hóa TT- Thể thao TP