Cuộc hành trình đi tìm lại chính mình... (Tường Phạm) - Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Thursday, April 21, 2016

Cuộc hành trình đi tìm lại chính mình... (Tường Phạm)

Múa dân gian không còn sức hút với khán giả hay lớp biên đạo trẻ bị "cám dỗ" bởi múa hiện đại phương Tây nên không "mặn mà" với múa dân gian?
Lâu lắm rồi, sân khấu múa chuyên nghiệp Việt Nam không thấy xuất hiện những tác phẩm múa dân gian dân tộc thực sự gây ấn tượng với công chúng. Phải chăng múa dân gian không còn sức hút với khán giả hay lớp biên đạo trẻ bị "cám dỗ" bởi sự "hào nhoáng" của múa hiện đại phương Tây nên không "mặn mà" với múa dân gian?

Quá hiếm những tác phẩm múa dân gian
Một thực tế đáng buồn là những show diễn về múa mang tính giao lưu, đối ngoại nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế vẫn phải sử dụng đến những tác phẩm múa mang tính "kinh điển" như Mùa ban nở (biên đạo NSND Minh Tiến), Những cô gái K’Tu (biên đạo NSND Thái Ly và NSƯT Ngân Quý), Lời ru của rừng (biên đạo NSND Anh Phương), Tiếng gọi nơi hoang dã (biên đạo NSND Công Nhạc), Hương xuân (biên đạo NSND Chu Thúy Quỳnh). Phải thừa nhận rằng sáng tác của những biên đạo trước đã "chạm" đến trái tim công chúng yêu nghệ thuật múa qua nhiều thế hệ. Đến tận bây giờ, khi xem lại những tác phẩm múa có "tuổi thọ" khá cao nhưng vẫn thấy rất hấp dẫn. Những cô gái Thái với chiếc nón duyên dáng, mềm mại chuyển động trên nền nhạc tạo nên hình tượng như bông hoa ban e ấp giữa núi rừng Tây Bắc. Tiếng gọi nơi hoang dã lại mang đến sự hùng vĩ, hoang dại của cánh chim giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ. Một điều dễ nhận thấy rằng, ngôn ngữ múa được sử dụng trong những tác phẩm "kinh điển" không quá phức tạp, đội hình, tuyến chuyển động đơn giản, tạo hình múa theo kiểu truyền thống cân bằng – đối xứng. Tuy nhiên, thành công của những tác phẩm múa dân gian chính là không gian múa, tinh thần của múa dân gian dân tộc. Không chỉ thiếu vắng về số lượng, tinh thần dân gian trong sáng tác múa là những vấn đề đang đặt ra với đội ngũ biên đạo trẻ hiện nay.
Truyền hình thực tế về nhảy múa đang trở thành cầu nối đưa khán giả đến gần hơn với nghệ thuật múa. "So you think you can dance – Thử thách cùng bước nhảy" đã lên sóng mùa thứ hai và "Vũ điệu đam mê - Got to dance" mới kết thúc mùa thứ nhất đã "gieo" vào lòng công chúng ấn tượng đẹp về nghệ thuật múa. Tuy nhiên, trong những chương trình này, múa dân gian dân tộc đang bị "lép vế" trước múa đương đại, hip hop và dance sport. Đây có lẽ là điều dễ hiểu bởi nếu chọn múa dân gian, thí sinh dự thi rất khó thể hiện được kỹ thuật, kỹ xảo của mình. Kỹ thuật của múa dân gian dân tộc Việt Nam thể hiện ở sự tinh tế, nhuần nhuyễn trong động tác múa và khả năng trình diễn chứ không phải ở những động tác quay, nhảy lớn hay bê đỡ. Một "nghịch lý" khác xuất hiện trong các chương trình truyền hình thực tế về nhảy múa là tác giả những tác phẩm múa dân gian xuất sắc đôi khi lại không phải là biên đạo Việt. Tiết mục Cõng mẹ đi chơi (biên đạo NSƯT Kiều Lê, biểu diễn: Thái Sơn, Minh Tú), Lý Ngựa ô (biên đạo: Hữu Trị, biểu diễn: Ngọc Tiên và Thái Sơn) là hai trong số những tác phẩm múa dân gian hiếm hoi lên sóng trong chương trình "Thử thách cùng bước nhảy – So you think you can dance" năm 2013. Tuy nhiên, ấn tượng nhất phải kể đến tiết mục dự thi của cặp đôi Minh Trường và Mỹ An tại liveshow 7 do biên đạo Hani Abaza dàn dựng. Là một người nước ngoài nhưng biên đạo trẻ này đã rất khéo léo kết hợp luật động múa, tinh thần dân tộc với múa đương đại gây ấn tượng mạnh với người xem. Thế mới nói rằng, với múa dân gian dân tộc thì “tinh thần dân tộc” hay “hồn dân tộc” mới là yếu tố quyết định sự thành công.


Một cảnh trong vở Men tình – tác phẩm đoạt giải A cuộc thi Tác phẩm múa dân gian các dân tộc Việt Nam năm 2010 .

Ngôn ngữ múa dân gian đang bị pha tạp
Cuộc thi "Tác phẩm múa dân gian các dân tộc Việt Nam" năm 2010 là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam trong việc tìm kiếm những tác phẩm múa dân gian mới bổ sung vào "kho tư liệu" múa dân tộc. Cũng chính từ cuộc thi này, nhiều người phải "thốt" lên rằng, múa dân gian đang được khoác lên mình diện mạo mới rất khác so với hình ảnh của nó nhiều năm về trước. Đó là hình ảnh vừa hiện đại, trẻ trung nhưng đôi khi lại quá táo bạo, thậm chí là “biến dạng”. Những tác phẩm được trao giải cao nhất của cuộc thi là Kháp ông Trâu (biên đạo Nguyễn Văn Dũng, Đoàn Nghệ thuật Quân chủng Hải quân), Đêm trăng bên cối gạo mới (biên đạo Phan Duy Hưng, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội), Men tình (NSND Kim Chung, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam) cũng chưa làm khán giả “tâm phục, khẩu phục”. Những tạo hình múa đôi (duo) được khai thác quá nhiều khiến Đêm trăng bên cối gạo mới mất đi sự dung dị, chân tình của những chàng trai, cô gái dân tộc Khơ mú. Với Men tình, một vài màn bê đỡ quá táo bạo, sự lạm dụng kỹ thuật của múa hiện đại phương Tây và múa ba lê cổ điển châu Âu trong bài múa dân gian dân tộc Mông đôi chỗ gây phản cảm. Cũng trong cuộc thi này, có tác phẩm múa thậm chí còn "mạnh dạn" sử dụng âm nhạc Trung Quốc, cách biên đạo bị ảnh hưởng sâu sắc của múa Trung Quốc.
Nói gì thì nói, vấn đề ngôn ngữ múa dân tộc hiện đại cũng là vấn đề rất đáng bàn trong sáng tác của biên đạo trẻ. Hiện nay, hòa trộn ngôn ngữ múa dân gian dân tộc với múa hiện đại phương Tây đang trở thành trào lưu phát triển mạnh mẽ. Múa hiện đại phương Tây có nhiều lợi thế về kỹ thuật, cấu trúc, luật động động tác, đội hình, tuyến múa, không gian múa mở nên có nhiều điều kiện để khai thác, phát triển múa dân gian dân tộc. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy rằng, sự khai thác “quá đà” ngôn ngữ múa hiện đại trong sáng tác múa dân gian đã khiến múa dân gian không còn là chính mình. Hình ảnh duyên dáng của những cô gái Tày, Thái, những bước xúng xính váy hoa của cô gái Mông xuống chợ thỉnh thoảng lại được xen kẽ với những cú "đá", "xoạc chân", "lăn", "bò"... trên mặt sàn không phải hiếm và rất phản cảm.
Múa dân gian được coi là tài sản quý báu của văn hóa dân tộc, mạch nguồn khơi dậy cảm hứng sáng tạo trong nghệ thuật múa. Giá trị của múa dân gian không phải là cái gì đó hiện hữu cụ thể mà ta có thể cầm, nắm mà phải được thông qua những tác phẩm múa dân gian "đỉnh cao". Tác phẩm múa chính là cầu nối để lưu truyền, cải tiến và tiếp biến những giá trị của múa dân gian dân tộc. Để có được tác phẩm múa dân gian "đỉnh cao", trước hết, cần tình yêu, đam mê cháy bỏng với múa dân gian dân tộc, sự hiểu biết, vốn sống, sự trải nghiệm của biên đạo và tất nhiên, cần một tài năng đang chờ tỏa sáng...
Tường Phạm

Share with your friends