Trong ánh lửa đêm hay vào ngày mùa vàng trĩu hạt, vũ điệu xòe cùng tiếng khèn déo dắt ôm trọn tấm thân người con gái mang trên mình chiếc áo Xử cỏm Đen chàm ánh nắng hồng, điểm sắc vào bức tranh vùng cao một gam màu tươi sáng, gợi nhắc đến quá khứ xa xưa về chuyện tình đầy thơ mộng mà đẫm lệ của đôi trai tài gái sắc.
Thiên nhiên không chỉ ưu đãi cho vùng đất Tây Bắc với kỳ vĩ núi non, phong cảnh nên thơ hữu tình mà đó còn là nơi sinh sống của rất nhiều dân tộc anh em. Thừa hưởng nền văn minh lớn lao qua các thế hệ, người Thái Tây Bắc đã góp phần không nhỏ vào kho tàng văn hóa phong phú, đa dạng của dân tộc. Nổi trội lên trong các tầng văn hóa đó là điệu xòe Thái mang đậm dấu ấn những điển tích cổ xưa.Truyền thuyết về cây khèn bè
Từ ngàn xưa vẫn được người dân truyền tai nhau, vang vọng mãi khắp rừng sâu con suối.
Truyền thuyết kể rằng có một chàng trai họ Lò nghèo, nhân hậu và có tài thổi sáo. Chàng chỉ cần mới đưa lên miệng thổi cũng tạo ra một thứ âm thanh kỳ lạ làm xao xuyến lòng người. Âm thanh đó bay qua các bản làng qua các nhành hoa ngọn cỏ để rồi rơi vào lòng một thiếu nữ xinh đẹp con gái một Tạo bản trong vùng từ lúc nào.
Say cái tài cái duyên của chàng trai co gái đã đem lòng yêu chàng. Ngày ngày chàng và nàng hò hẹn nhau dưới chân nhà sàn hay bên dòng suối mát. Tiếng khèn bè dìu dặt len lỏi cả rừng xanh. Hay tin con gái bén hơi chàng trai họ Lò nghèo, Tạo bản giận lắm. Không ưng thuận mối tình này, ông răn đe con gái, sắp xếp đợi ngày lành tháng tốt sẽ gả cho một người giàu có ở làng bên.
Ngày ngày ngồi bên khung cửi, cô gái khóc thương cho mối tình dang dở và số phận hẩm hiu của mình. Biết không cưỡng lại được ý muốn của cha, vào một đêm trăng tròn, cô gái trốn ra ngoài gặp chàng trai để từ biệt người yêu lần cuối. Mắt rưng sóng nước, cô gái cẩn thận đưa cho chàng miếng sáp ong kỷ vật hằn in dấu tay mình mỗi khi kéo sợi. Miếng sáp ong sẽ thay cho cô gái ở bên chàng từ nay cho mãi về sau.
Nhận kỷ vật cuối cùng của người yêu, chàng trai buồn bã bỏ bản ra đi. Lang thang hết ngày này tháng khác, cuối cùng chàng dừng lại bên một con suối nhỏ. Con suối gắn với mối tình của chàng và người yêu. Tiếng suối róc rách, tiếng sáo đưa đẩy mắt trao mắt rõ ràng như vừa mới hôm qua.
Thấy có nhiều cây nứa tép bên bờ suối, chàng chọn chặt lấy từng dóng nứa to, nhỏ khác nhau, miệt mài gọt thành lưỡi sáo và đem thổi. Nhưng thổi càng thêm buồn. Chàng chặt thêm các dóng nứa, bó các cây sáo lại với nhau, lấy sáp ong người yêu tặng bịt kín các kẽ hở giữa các ống sáo rồi đem thổi thử. Chưa vừa ý, chàng lấy dao vạt chéo hết phần đầu các ống sáo. Lạ thay âm thanh phát ra nhỏ to, cao thấp nỉ non như tiếng khóc thầm của người yêu, tiếng sáo càng thổi càng trào dâng như tấm chân tình của chàng trai nghèo họ Lò.
Chàng cứ mải mê thổi mãi, thổi mãi. Cho tới khi lịm đi và không tỉnh dậy được nữa, người ta vẫn thấy đôi tay chàng trai ôm chặt lấy cây khèn bè không dời như lời thề nguyền về tình yêu đôi lứa không thể chia lìa. Từ đó câu chuyện về cây khèn của chàng trai họ Lò và người con gái được khắp chín bản mười mường người Thái cổ nhắc đến như một biểu tượng của tình yêu bất diệt.
Ống nứa dong dỏng như người con trai, nhựa sáp ong mềm mại thơm nồng tựa như người con gái. Sáp ong tỏa hương thơm dìu dịu bay bổng làm ấm lòng người con trai thổi khèn và người con gái nghe khèn. Tâm hồn và trái tim rung động đưa đẩy sự linh hoạt trên đầu ngón tay người con trai tạo âm hưởng đung đưa, dìu dặt, mà mịu mà quyến rũ, như một lời khẳng định về lòng chung thủy tuyệt đối của chàng trai nơi cô gái.
Chiếc khèn bè vì vậy mà trở thành sản phẩm nghệ thuật kết tinh từ cả tâm hồn, trí tuệ và tình yêu đôi lứa. Là khúc dạo đầu không thể thiếu cho các chàng trai-cô gái Thái thương nhau. Tiếng khèn bè cất lên khi da diết sâu lắng tình khúc yêu đương cháy bỏng, lúc lại ngân nga trong sáng như tiếng suối reo ghềnh đá, tiếng gió hát ngọn đồi.
Khúc tâm tình bên suối
Cư trú chủ yếu ở vùng thung lũng ven suối, đời sống kinh tế nông nghiệp của cộng đồng dân tộc Thái lấy canh tác lúa nước làm chủ đạo. Người Thái rất coi trọng nguồn nước và coi đó như là sản vật linh thiêng mà thần linh ban tặng. Dòng suối nhẹ nhàng ôm ấp lấy bản làng, gắn bó với đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân tộc. Suối là nơi tắm gội, nghỉ ngơi sau một ngày lao động mệt nhọc. Cũng là nơi hẹn hò tình tự của trai gái thương nhau.
Cũng từ dòng suối mà người Thái mới có cây khèn bè. Ngồi bên bờ suối, tận hưởng trọn dòng nước mát, người ta lại bất giác tưởng nhớ đến chuyện tình của đôi trai gái năm xưa. Khúc ca khèn bè bởi thế lại vang lên day dứt.
Bên dòng suối mát chúng ta dễ dàng bắt gặp từng nhóm cô gái trẻ đẹp trắng ngần trong lần váy đen áo cóm trằng. Trang phục của người phụ nữ Thái đơn giản mà đặc sắc. Trên nền vải màu có điểm hàng khuy bạc mắc – pém được chạm trổ tinh vi. Mắc mang nghĩa là quả, đại diện cho cái sinh sôi nảy nở, kết quả khai hoa. Pém mang nghĩa là bám vào.
Theo quan niệm của người Thái, chiếc áo cóm là nơi trú ngụ của cái tâm, cái hồn người phụ nữ. Áo cóm đi với váy đen, cùng chiếc thắt lưng xanh và sợi dây xà tích mang đến vẻ đẹp thắt đáy lưng ong duyên dáng, rung động lòng người, làm suối bỏ đường đi, khiến lửa quên reo cháy.
Người phụ nữ Thái ngoài vẻ đẹp dịu dàng, nhân hậu còn phải khéo léo, thành thạo trong công việc gia đình. "Gái biết dệt vải, trai biết đan cài".
Hễ là con gái Thái thì phải biết thêu biết dệt vải. Con thoi đưa qua đưa lại, quệt chút nhựa sáp ong hơ nóng xua đi mọi rối bời, vướng mắc.
Con ong là hiện thân cho vẻ đẹp của người con gái Thái. Ong nhả ra sáp tựa cô gái Thái với những mối tâm tình tương tư thầm kín thường ngày. Vì thế miếng sáp ong đi theo những cô gái Thái từ khi còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành, cả khi lao động cho đến lúc nghỉ ngơi, là tấm chân tình gửi gắm của người con gái. Hình ảnh chiếc Khèn bè đi với sáp ong quấn quýt chẳng rời là ước vọng cho những đôi trai gái yêu nhau được mãi mãi ở bên nhau.
Bản tình ca trong đêm
Khi màn đêm buống xuống, ánh trăng chiếu rọi khắp bầu trời bản Mường, ấy là lúc các trai làng sửa soạn sống áo, cầm trên tay chiếc khèn bè và tìm đến trước cổng nhà người mình yêu.
Giữa đêm khuya thanh vắng, trong giấc say nồng của bản làng, tiếng khèn cất lên ngân vang, rộn rã. Âm thanh mê hoặc lòng người, phảng phất cả một vùng đồi nương sông núi ấy đã tác thành cho bao mối lương duyên trong cộng đồng người Thái.
Không chỉ trầm bổng, sâu lắng, dồn dập làm thổn thức bao trái tim yêu đương, khèn bè còn là biểu tượng cho sự gắn kết cộng đồng, tạo nên sức mạnh đoàn kết của những người con bản Thái. Những chiếc khèn bè đơn sơ, mộc mạc như linh hồn đưa đẩy những điệu xòe, điệu khắp, mang đến niềm vui ấm áp chan hòa, thể hiện giấc mơ về cuộc sống thanh bình, ước muốn ấm no hạnh phúc. Ai ai nghe thấy tiếng khèn cất lên cũng đều muốn nhảy múa, cũng muốn cầm tay nhau vào xòe.
Tiếng khèn làm đẹp bản Mường
Như nắng dệt gấm trên quê hương
Như núi lam xanh sương đêm vừa gội
Như suối hát tình ca…
Cùng với tiếng khèn bè êm ái trong những điệu xòe, tiếng khắp đậm đà bản sắc, cuộc sống người Thái khắp chín bản mười mường cứ thế trôi đi qua bao mùa lúa ngô trĩu hạt. Câu chuyện tình của chàng trai họ Lò và tấm lòng son sắt của cô gái Thái chàng yêu luôn sống mãi trong lòng các thế hệ già, trẻ, gái, trai Tây Bắc. Như gợi về một miền ký ức xa xôi tươi đẹp. Là tiền đề chắp cánh cho lớp lớp chuyện tình của các chàng trai – cô gái miền sơn cước này ngày một dài thêm tròn trịa hơn, xòe nở như đóa hoa ban mỗi độ xuân về.
Chiếc khèn bè của người Thái như một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo, là sự kết tinh những giá trị vật chất của tự nhiên và tình yêu quê hương, dân tộc của người nghệ nhân.
"Dậy đi em!
Dậy đi em!
Anh hồi hộp nâng khèn
Trăng vàng sóng sánh
Đầu khèn chạm vào hò hẹn
Sao Hôm đậu xuống mái nhà…" -những âm thanh trong sáng ngân nga như tiếng suối reo, gió hát của chiếc khèn bè ở khúc “Púc xao” (Gọi bạn tình) như ru người nghe mê đi cùng đêm hội xòe Mường Lò vùng Tây Bắc.
Hệ thống nhạc cụ của người Thái rất đa dạng và phong phú, gồm bộ gõ, các loại pí… và đặc biệt là khèn bè. Chiếc khèn bè của người Thái như một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo, là sự kết tinh những giá trị vật chất của tự nhiên và tình yêu quê hương, dân tộc của người nghệ nhân. Nó là sản phẩm minh chứng cho sự phát triển trong lĩnh vực âm nhạc, là biểu tượng văn hoá tinh thần độc đáo, riêng biệt của đồng bào dân tộc Thái ở Mường Lò.
Khèn bè được sử dụng làm nhạc cụ đệm trong hầu hết các làn điệu dân ca, làm nền cho các điệu dân vũ của người Thái. Mỗi khi tiếng khèn bè cất lên làm người nghe thấy da diết sâu lắng như tình yêu cháy bỏng mà người con trai gửi tới người con gái.
Giai điệu tự tình của chiếc khèn làm mê đắm mọi lứa tuổi.
Chế tác khèn bè đòi hỏi sự tinh tế, khéo léo, và sự cầu kỳ trong khi làm cũng như sự tinh tường trong thẩm âm. Với 14 ống nứa tép được ghép lại thành từng đôi trên một bầu bằng gỗ thừng mực, nghệ nhân phải dùi 12 lỗ bấm đối xứng và khoét các lỗ thoát hơi trên các ống nứa với các kích cỡ khác nhau ở các vị trí thích hợp.
Một trong các kỹ thuật khó nhất là xử lý các lam đồng, từ độ dày, độ dài tới độ bóng bề mặt. Với 5 cung và 1 quãng 8, khèn bè có thể diễn tả được hầu hết các điệu dân ca, nhạc hiện đại và làm nền cho các điệu dân vũ và múa hiện đại. Bởi vậy khèn bè luôn có vị trí xứng đáng trong đời sống nghệ thuật của người Thái và cả trong các tiết mục sân khấu.
Điều thú vị là ở khèn bè Thái có những âm thanh sóng đôi như: Lả-lá, 2 nốt rế, 2 nốt son, đồ -đố, phà-phá, mà các nghệ nhân gọi là pò mè – tức là bố mẹ. Bởi vậy mỗi khi tiếng khèn bè cất lên nghe da diết sâu lắng như lời tâm tình yêu đương cháy bỏng của những đôi trai gái. Dù đó là điệu báo xao (trai gái), sài peng (tình tự), lòng tông (qua cánh đồng), hay đệm cho các điệu xoè.
Triết lý âm-dương, sự sinh sôi phát triển của cuộc sống được thể hiện vô cùng tinh tế. Chiếc khèn bè không chỉ là nhạc cụ với những âm thanh tuyệt vời mà còn là một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo, kết tinh những giá trị vật chất và tinh thần của tự nhiên và sự sáng tạo cùng tình yêu cao cả của người nghệ sĩ.
Người Thái Mai Châu có một truyền thuyết về xuất xứ của cây khèn bè rằng "Xưa kia có một chàng trai họ Lò, gia cảnh nghèo hèn, cả gia tài chỉ có một con dao của bố mẹ để lại. Nhưng chàng lại có một biệt tài là bắt chước tiếng nói của muôn loài. Vì tài đó của chàng mà con gái của Tạo bản giàu có trong vùng đã yêu chàng tha thiết. Thế nhưng tình yêu của đôi trai gái đã bị Tạo bản ngăn cấm. Tạo bản gả cô gái cho một người giàu có ở làng bên. Chàng trai họ Lò bỏ làng đi, mang theo kỉ vật của người yêu là một gói sáp ong đá. Một ngày dừng chân bên dòng suối, chàng dừng lại và lấy nứa tép bên bờ suối để làm sáo. Tiếng sáo buồn bã, cô đơn. Chàng bèn bó các cây sáo lại với nhau, dùng sáp ong đá của người yêu để bịt kín các kẽ hở giữa các ống sáo. Thế nhưng tiếng sáo không đều theo ý chàng. Bực mình, chàng trai đã dùng dao vạt chéo hết phần đầu của các ống sáo và đem thổi thử. Lạ thay cây sáo bè có tiếng to nhỏ cao thấp cứ ngân nga theo các ngón tay bấm của chàng. Chàng trai họ Lò mải mê học thổi theo tiếng thác nước chảy cho đến chết. Bạn bè của chàng trai họ Lò đã tìm thấy chàng bên dòng nước hai tay vẫn nắm chặt lấy chiếc khèn. Sau đó cây khèn của chàng được các bạn bắt chước làm. Khèn được bịt hơi bằng sáp ong thì kêu tốt. Từ đó, khèn theo tay các chàng trai đi sương, về nắng, còn sáp ong quấn chặt lấy khèn, không bao giờ nỡ rời xa."
Với ý nghĩa ca ngợi tình yêu chung thủy của đôi trai gái mà khèn bè được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống sinh hoạt của đồng bào Thái. Không biết từ bao giờ, chiếc khèn bè đã gắn liền với đời sống văn hóa, đó là văn hóa tinh thần độc đáo, riêng biệt của đồng bào dân tộc Thái. Khèn bè Thái Mai Châu hiện nay đã được cải tiến nhiều về hình thức cũng như tính năng. Với 14 ống sáo bằng nứa tép, nhỏ bằng cỡ ngón tay út đều nhau, lưỡi sáo bằng đồng hoặc bạc trắng đánh mỏng như tờ giấy được lắp vào các ống sáo. Khèn chia làm 2 bè, mỗi bè 7 sáo. Cách đáy sáo khoảng 20cm là trục bằng gỗ, dài 11cm, để khoét miệng thổi và 2 rãnh nhỏ hẹp dài 1cm ngăn đôi giữa 2 bè. Lưỡi sáo của 2 bè cùng hướng vào nhau, thông với miệng khèn, bên ngoài trục thổi bịt kín sáp ong đá.
Khèn bè được sử dụng làm nhạc cụ đệm trong hầu hết các làn điệu dân ca, làm nền cho các điệu dân vũ của người Thái. Mỗi khi tiếng khèn bè cất lên làm người nghe thấy da diết, sâu lắng như tình yêu cháy bỏng mà người con trai gửi tới người con gái, lúc lại ngân nga trong sáng như tiếng suối reo, gió hát. Tiếng khèn bập bùng như ngọn lửa làm xao xuyến lòng người. Người thổi khèn bè phải hiểu được tính năng riêng của khèn bè và đặc biệt phải thuộc những giai điệu riêng, những bài hát để từ đó cùng với tiếng khèn có thể chuyển tải đến người nghe cái hay, cái tinh túy của tiếng khèn, âm thanh của khèn vừa có giai điệu lại vừa có phần đệm tạo cho người nghe cảm giác thư thái, yên bình, đó cũng là nét độc đáo của khèn bè. Ông Lường Song Toàn-Nhà sưu tầm văn hóa dân gian cho biết: "Cùng với các nhạc cụ độc đáo khác của dân tộc Thái, khèn bè được sử dụng phổ biến trong đời sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng, có thể nói khèn bè là cái hồn của người thái, làm phong phú kho tàng dân ca, dân vũ của cộng đồng dân tộc Thái ở Yên Châu".
Chiếc khèn bè của người Thái như một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo, là sự kết tinh những giá trị vật chất của tự nhiên và tình yêu quê hương, dân tộc của người thổi. Nó là sản phẩm minh chứng cho sự phát triển trong lĩnh vực âm nhạc, là biểu tượng văn hoá tinh thần độc đáo, riêng biệt của đồng bào dân tộc Thái.
Cuộc sống đã có nhiều đổi thay, nhưng tiếng khèn bè với âm thanh mang đậm hơi thở núi rừng vẫn len lỏi trong từng bản làng ở vùng cao Yên Châu.