"Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng" (Căm Hánh tặp sấc klương) là một sử thi của người Thái Đen, kể lại cuộc khởi nghĩa chống giặc khăn vàng từ phương Bắc xâm lược nước ta của người Thái và nhân dân các dân tộc Mường Lò do lãnh tụ người Thái Đen là Cầm Hánh lãnh đạo.
"Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng" là niềm tự hào của người Thái và nhân dân các dân tộc Mường Lò:
Trong quá trình phát triển xã hội, cũng như nhiều dân tộc khác, người Thái Tây Bắc nói chung và người Thái Mường Lò nói riêng đã phải trải qua một quá trình đấu tranh với kẻ thù "hai chân" và "bốn chân". Quá trình ấy đã được ghi lại trong những sử thi nổi tiếng như: "Chương Han" - tức dòng họ Chương dũng cảm, "Táy púk sấc" - tức bước đường chinh chiến của cha ông, "Quámk tố mướng" - kể chuyện bản mường… và với người Thái Mường Lò là "Căm Hánh tặp sấc klương" - tức "Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng".
Đây không chỉ là sự thật lịch sử diễn ra tại địa bàn Mường Lò mà còn là niềm tự hào của bao thế hệ nhân dân các dân tộc Tây Bắc nói chung và người Thái Mường Lò nói riêng. Các bậc cao niên, các nghệ nhân vẫn hát truyện thơ này cho con cháu nghe, để các thế hệ hiểu thêm lịch sử oai hùng của cha ông, kế thừa và phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.
"Căm Hánh tặp sấc klương" đã được nghệ nhân Lò Văn Biến ở bản Cang Nà, Mường Lò dày công sưu tầm, dịch và được đồng bào các dân tộc Mường Lò và Tây Bắc đón nhận, trân trọng, nâng niu.
"Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng" là sự thật lịch sử:
Theo bản dịch của ông Lò Văn Biến: Giặc cờ vàng âm mưu xâm chiếm nước ta. Ở Mường Lò có 4 anh em là Cầm Hánh, Cầm Chiêu, Cầm Tú và Cầm Hiệp đứng lên chiêu mộ nghĩa quân đánh giặc. Cầm Hánh là tổng chỉ huy, cử Cầm Chiêu lên đóng chốt ở Viềng Công (xã Hạnh Sơn - huyện Văn Chấn, nay còn di tích thành lũy), Cầm Hiệp ra chốt chặn ở Mường Hồng (Hưng Khánh - Trấn Yên), Cầm Tú chỉ huy quân cứu viện cơ động.Sau những trận giao tranh quyết liệt, với số quân đông và vũ khí mạnh hơn, quân giặc bắt được Cầm Hiệp, Cầm Tú và Cầm Chiêu. Chúng tra khảo, dụ dỗ, mua chuộc nhưng cả ba lãnh tụ nghĩa quân không khuất phục. Con trai Cầm Chiêu là Cầm Tám thay cha chỉ huy thành Viềng Công, cùng bác là Cầm Hánh đánh thắng nhiều trận lớn.Quân giặc dùng kế hiểm hạ được thành Viềng Công, Cầm Tám phải mở đường máu rút sang Mường Tấc (Phù Yên - Sơn La) lánh nạn. Cầm Hánh thế cô, bị vây bốn bề đành cho quân sĩ lên các bản người Mông, Dao… lánh nạn, còn ông dùng thanh gươm chiến của mình tự sát để giữ tròn khí tiết. Bởi vậy ngày nay, người Thái, Mông, Dao vẫn coi nhau như anh em ruột thịt. Cuộc khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm không thành nhưng đã khơi dậy ý chí đấu tranh quật cường của người Thái và bà con các dân tộc Mường Lò, không chịu làm kiếp ngựa trâu.
Chính hậu duệ của những người con dũng cảm kiên cường ấy sau này đã tham gia vào cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương do lãnh tụ Nguyễn Quang Bích lãnh đạo ở Yên Bái và Tây Bắc.
Nay dấu tích đền thờ Cầm Hánh vẫn còn ở phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ và thanh đao của ông từng tắm máu kẻ thù vẫn được bà con người Thái giữ gìn như báu vật.
Sử thi "Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng" sống mãi trong lòng các dân tộc, đặc biệt là người Thái Mường Lò và Tây Bắc, ngoài giá trị lịch sử thì còn là một truyện thơ có giá trị văn học. Bên cạnh việc miêu tả các sự kiện lịch sử, thì các thủ pháp nghệ thuật như so sánh, ẩn dụ… được khai thác triệt để, làm tăng giá trị biểu cảm.
Mỗi khi mùa vụ xong, người già lại hát ngâm theo điệu "khắp xư" cho bạn bè và con cháu nghe. Lời thơ hào hùng làm sống lại một thời kỳ lịch sử, tan hòa trong huyết quản mỗi người dân Mường Lò và Tây Bắc.
Trần Vân Hạc