Mỗi dân tộc đều có phong tục đón Tết riêng của mình; dân tộc Lự (xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) cũng vậy, họ đón một năm mới theo văn hóa truyền thống riêng của dân tộc mình.
Hình ảnh người Phụ nữ Lự hối hả nhuộm, phơi vải để may trang phục cho cả gia đình diện Tết là hình ảnh thường nhật trong các gia đình ở bản Hon trong những ngày trước Tết. Trang phục truyền thống của người Lự cả nam và nữ được làm từ vải chàm màu đen. Đối với trang phục nam may đơn giản một màu, còn trang phục nữ cầu kỳ, tỷ mỷ mất nhiều công đoạn. Các chị khéo léo thêu thùa trang trí từng họa tiết, từ khăn, áo, váy theo kiểu truyền thống.
Điểm nhấn của trang phục nữ là những đồng xu, đồng bạc đính trên thân áo lấp lánh và váy phía trước, phía sau thêu dệt thổ cẩm nhiều hình hoa văn cùng với dây thắt lưng diêm dúa, sặc sỡ bắt mắt tạo sự lung linh, duyên dáng cho các cô gái Lự. Trang phục của người Lự không chỉ có giá trị về mặt thẩm mỹ mà còn có ý nghĩa về mặt tâm linh: tất cả những hình hoa văn trang trí trên trang phục đều gắn với đời sống mang những nét đặc trưng riêng với mong muốn sung túc, an lành, bình yên.
Ngoài ra, người Lự rất coi trọng củi đốt trong ngày Tết. Gậm sàn nhà nào cũng có củi xếp đầy ô. Củi không chỉ là thước đo về giá trị tài sản mà còn thể hiện sự cần cù chịu khó của người phụ nữ Lự. Gạo nếp nương thơm lừng cũng được các bà, các mẹ sàng sảy sạch sẽ để làm bánh chưng ngày Tết.
Nói về tục thờ cúng ngày Tết, ông Lò Văn Phúng, bản Pá Khôm, Xã bản Hon, huyện Tam Đưởng, tỉnh Lai Châu chia sẻ: “Tết dân tộc Lự nhà nào cũng mổ lợn, thịt chế biến các món ăn như lạp sườn, thịt ướp gia vị treo gác bếp và gói bánh trưng, bánh nếp. Từ ngày mồng 1 đến ngày mồng 3 Tết nhà nào cũng thịt con gà trống để cúng tổ tiên. Sau khi cúng xong gia đình mời anh em, họ hàng đến chung vui bữa cơm đầu năm mới chúc cho nhau những lời tốt đẹp”.
Dân tộc Lự có truyền thống chơi Tết rất riêng. Những chiếc sáo thường ngày vẫn treo trên liếp nhà, giờ cũng được sửa sang mang ra ôn luyện để chơi Tết. Nhạc cụ của dân tộc lự duy nhất chỉ có chiếc sáo, nữ hát nam thổi sáo, tuỳ theo từng nội dung bài hát có thể là một người thổi sáo hoặc hai người cùng thổi cho một người hát. Tiếng sáo trầm bổng, hoà lẫn với tiếng hát du dương tạo nên một âm thanh thánh thót, dẻo dai làm xao xuyến, xốn xang lòng người.
Tết đến, xuân về còn là dịp để đồng bào Lự tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng. Các thiếu nữ trong trang phục truyền thống trang trí hoa văn sặc sỡ và đính những hàng cúc bạc lấp lánh nhẹ nhàng bước xuống cầu thang mở màn cho hội chơi xuân. Những làn điệu dân ca, dân vũ cổ truyền của đồng bào Lự tinh tế, sôi động làm nức lòng người già đắm say lòng trẻ làm cho không khí xuân thêm rộn ràng, ấm áp./.
Mai Thị Tầm (sưu tầm)