Dân tộc Kháng (Lý Hải Ninh) - Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Thursday, July 14, 2016

Dân tộc Kháng (Lý Hải Ninh)

Dân tộc Kháng, tên tự gọi: Mơ Kháng, còn có các tên gọi khác là: Xá Khao, Xá Xúa, Xá Đôn, Xá Dâng, Xá Hộc, Xá Ái, Xá Bung, Quảng Lâm, Háng, Xá, Brển.
Nhóm địa phương: Kháng Dẩng, Kháng Hoặc, Kháng Dón, Kháng Súa, Ma Háng, Bư Háng, Ma Háng Bẻng, Bư Háng Cọi… ở Sơn La cư trú tại các huyện Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận châu. Tiếng Kháng thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ me, ngữ hệ Nam Á. Người Kháng chưa có chữ viết riêng.

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Kháng ở Việt Nam có dân số 13.840 người, cư trú tại 25 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Kháng cư trú tập trung tại các tỉnh: Sơn La (8.582 người, chiếm 62,0% tổng số người Kháng tại Việt Nam), Điện Biên (4.220 người, chiếm 30,5% tổng số người Kháng tại Việt Nam), Lai Châu (960 người).

Người Kháng làm rẫy theo lối chọc lỗ tra hạt, trồng nhiều lúa nếp làm lương thực chính, nay nhiều nơi chuyển sang cày bừa đất, gieo hạt, có ruộng bậc thangnhưng không nhiều. Họ chăn nuôi gà, lợn, trâu là phổ biến. Đồ đan: ghế, rổ, rá, nia, hòm, gùi… và thuyền độc mộc kiểu đuôi én được người Thái ưa dùng. Người Kháng thường dùng loại gùi một quai, đeo qua trán. Họ trồng bông rồi đem bông đổi lấy vải và đồ mặc của người Thái.

Người Kháng ở nhà sàn. Nhà thường có 3 gian 2 chái, mái kiểu mu rùa và hai cửa ra vào ở hai đầu nhà, 2 cửa sổ ở hai vách bên. Trước kia, mái ở hai đầu hồi thường được làm thẳng, hiện nay nhiều nơi đã làm mới hình mái rua như nhà Thái Đen. Mỗi nhà có hai bếp lửa (một bếp để nấu ăn hàng ngày, còn một bếp để sưởivà để nấu đồ cúng khi bố mẹ chết).

Trang phục dân tộc Kháng (Tuần Giáo).

Trang phục cổ truyền của dân tộc Kháng ở Sơn La. Trang phục cổ truyền của dân tộc Kháng ở Sơn La.

Trang phục đời thường của thiếu nữ Kháng.

Trang phục thời nay của thiếu nữ Kháng (Theo baosonla.org.vn)

Thiếu nữ dân tộc Kháng.

Về trang phục cổ truyền thì cá tính tộc người mờ nhạt giống phong cách trang phục Thái đen. Phụ nữ nhuộm răng đen, ăn trầu.
Lễ cưới Kháng là một nghi lễ lần lượt trải qua các lễ thức sau:

– Dạm hỏi
– Xin ở rể
– Cưới

Lễ cưới lần đầu được tổ chức cho chàng trai đi ở rể. Lễ cưới lần hai, đưa dâu về nhà chồng để gây dựng gia đình riêng. Người cậu có vai trò đặc biệt trong việc dựng vợ gả chồng cho cháu.

Theo phong tục Kháng, người chết được chôn cất chu đáo, trên mộ có nhà mồ, có các đồ vật dành cho người chết: hòm đựng quần áo, giỏ cơm, ống hút rượu, bát, đũa… phía đầu mộ chôn một cột cao 4-5 mét, trên đỉnh có con chim gỗ và treo chiếc áo của vợ hay chồng người chết.

Người Kháng có quan niệm mỗi người có 5 hồn, hồn chính trên đầu và 4 hồn kia ở tứ chi. Khi chết mỗi người biến thành “ma ngắt” ngụ ở 5 nơi. Hồn chủ thành ma ở nhà, chỗ thờ tổ tiên là “ma ngắt nhá”, hồn tay phải trên thiên đàng là “ma ngắt kỷ”, hồn tay trái ở gốc cây làm quan tài là “ma ngắt hóm”, hồn chân phải ở nhà mồ là “ma ngặt mơn”, hồn chân trái lên trời thành ma trời là “ma ngặt xừ ù”.

Rực rỡ khăn trùm đầu của thiếu nữ Kháng.

Rực rỡ khăn trùm đầu của thiếu nữ Kháng.
Cũng giống như các dân tộc khác, tộc người Kháng cũng có những nghệ thuật diễn xướng dân gian với các điệu múa và hát truyền thống, đặc thù nhất là điệu múa Tăng Bu. Những làn điệu dân ca của người Kháng thường phản ánh đời sống sinh hoạt hàng ngày. Nhiều người biết hát các bài hát, áng thơ của người Thái, thuộc nhiều tục ngữ ca dao.

Người Kháng ăn Tết Nguyên Đán, Tết Cơm Mới, và thực hiện các nghi lễ liên quan đến nông nghiệp nương rẫy.

Dưới đây mình có các bài:

– Một số điệu múa truyền thống dân tộc Kháng tỉnh Điện Biên
– Tăng bu – Điệu múa truyền thống của người Kháng, Điện Biên
– Lễ hội Pang Phoóng dân tộc Kháng Tỉnh Điện Biên
– Lễ hội Xen Pang Ả dân tộc Kháng (trích)
– Lễ hội “Cà tảm mạn” của dân tộc Kháng
– Phong tục hôn nhân của dân tộc Kháng
– Độc đáo tục bói chén đặt tên trẻ của người Kháng, Lai Châu
– Đặc trưng nhà sàn của dân tộc Kháng

Múa Tầm Đao (ảnh tư liệu Bảo tàng tỉnh).Múa Tầm Đao

Một số điệu múa truyền thống dân tộc Kháng tỉnh Điện Biên
Người Kháng ở tỉnh Điện Biên sinh sống chủ yếu ở các huyện như: Tuần Giáo, Mường Chà và Mường Nhé. Theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, dân tộc Kháng tỉnh Điện Biên là 4.220 người, chiếm 30,5% tổng số người Kháng ở Việt Nam.

Ngoài tên gọi là dân tộc Kháng còn có các tên gọi khác như Xá Khao, Xá Xúa, Xá Bung, Quảng Lâm… Tiếng nói của họ thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ Me (ngữ hệ Nam Á), bên cạnh đó họ còn nói thạo tiếng Thái. Là một dân tộc thiểu số ít người sinh sống bằng nghề làm rẫy theo lối chọc lỗ tra hạt là chính, họ cũng có ruộng nước nhưng không nhiều. Họ chăn nuôi gà, lợn, trâu nhằm phục vụ cho nhu cầu tự cung tự cấp là chính, góp phần tăng gia kinh tế cho gia đình. Bên cạnh đó trong quá trình chăn nuôi, sản xuất, dân tộc Kháng còn sử dụng các sản phẩm do mình làm ra để trao đổi buôn bán. Điện Biên là một tỉnh còn nghèo và cuộc sống của dân tộc Kháng cũng không tránh khỏi những khó khăn, vất vả.

Người Kháng tỉnh Điện Biên là dân tộc còn lưu giữ được khá nhiều những nét văn hóa đặc trưng và tiêu biểu của dân tộc mình như: hát đối, hát giao duyên. Ngoài ra còn có các điệu múa: múa xòe (xek vong), múa sạp (xek loong), múa tầm đao (tỏi điểng). Những điệu múa có thể trong quá khứ dân tộc Kháng đã vay mượn của dân tộc khác, nhưng người Kháng đã biết cách biến đổi đôi chút để tạo ra sự khác biệt và đặc trưng riêng của dân tộc mình. Tên của các điệu múa thường được phát âm theo tiếng Thái. Mỗi điệu múa lại thể hiện được những nét truyền thống đặc trưng riêng của họ, góp phần làm phong phú thêm nền di sản văn hóa của tỉnh Điện Biên nói riêng và nền di sản văn hóa Việt Nam nói chung

Múa tăng bu (Xek Pang) là điệu múa truyền thống rõ nét nhất của dân tộc Kháng. Bằng cách nghệ thuật hóa động tác chọc lỗ tra hạt trong lao động sản xuất vào điệu múa, những động tác tưởngchừng như khô khan cứng nhắc nay trở nên uyển chuyển mềm mại và có nhịp điệu hơn. Ngoài ra, đây còn là tiết mục vui chơi thu hút được rất nhiều người tham gia, nhất là các thanh niên nam, nữ. Nhân dịp lễ hội, họ rủ nhau từ các làng bản khác cùng về đây tham gia múa cùng dân bản. Nhiều người đứng nối nhau xếp thành vòng tròn lớn, một tay bám lên vai người đi trước, một tay cầm cây tăng bu.

Cây tăng bu được làm bằng một đoạn thân cây nứa, có đường kính thân khoảng 4- 6cm, dài khoảng từ 1,4m- 1,6m tùy theo mỗi người. Sau một nhịp dẫn, tất cả mọi người cùng vỗ mạnh cây tăng bu xuống sàn gỗ, tạo nên một dàn âm thanh cộng hưởng. Dàn âm thanh này luôn được giữ nhịp rất đều, những người tham gia múa vừa phải đảm bảo tạo ra âm thanh, vừa bước uyển chuyển theo nhịp điệu và giữ nhịp cho đều. Sau mấy vòng múa lại xoay chiều di chuyển một lần, cứ như thế vòng múa tăng bu tạo cho người tham ra một cảm giác đầm ấm, đoàn kết, vui vẻ như không hề biết dừng lại.

Nếu có một thành viên nào muốn nghỉ sẽ tự rời khỏi vòng và lập tức có thành viên khác thay thế, vòng múa không bị gián đoạn. Có thể nói phần múa tăng bu trong chuỗi các tiết mục văn nghệ thể dục thể thao, các trò chơi dân gian diễn ra trong lễ hội của người Kháng là phần chơi hấp dẫn và kéo dài nhất. Đặc biệt các bạn trẻ nam nữ thanh niên tham gia rất đông vui và kéo dài cho tới tận đêm khuya.

Ngày nay, phương thức canh tác theo hình thức chọc lỗ tra hạt vẫn còn phổ biến trong đồng bào các dân tộc thiểu số, vì vậy điệu múa tăng bu mô tả hình ảnh chọc lỗ tra hạt vẫn còn tồn tại trong đời sống văn hóa văn nghệ của đồng bào. Nó như một sản phẩm kết tinh từ sự sáng tạo của đồng bào trong quá trình lao động với một nền tảng âm nhạc dân gian phong phú, đặc sắc. Như vậy, múa tăng bu không còn chỉ hạn chế trong một gia đình hay dòng họ mà nó là ngày hội chung của cả bản, cả vùng.

Múa sạp (Xek Loong) của dân tộc Kháng có nét khác so với điệu múa sạp của một số dân tộc khác với nhịp điệu rất sôi động, nhanh, mạnh mẽ. Người múa khéo léo và uyển chuyển để không bị vấp vào sạp. Múa sạp là một tiết mục không thể thiếu trong các lễ hội và cũng là phần lôi cuốn nhiều người tham gia. Từng tốp, từng tốp các chàng trai cô gái trong trang phục truyền thống nắm tay nhau, chân nhún nhẩy nhịp nhàng, đều đặn theo nhịp âm thanh của điệu múa. Tuy là tiết mục được đông người tham gia, nhưng không gian giành cho múa sạp không cần phải quá rộng như tung còn hay múa xòe. Múa sạp thường được diễn ra ở ngoài trời hoặc cũng có thể tổ chức ở trong nhà hay gầm sàn…

Đạo cụ dùng trong múa sạp tương đối đơn giản gồm từ 2 đến 4 cây tre hoặc gỗ to, dài, thẳng dùng để kê hai bên; cần từ 4 đến 8 cây tre nhỏ hơn, thẳng và nhẹ làm thanh vỗ nhịp; 4 đến 8 người cầm hai đầu thanh vỗ nhịp. Như vậy là đã có thể có một hội múa sạp như ý. Số người tham gia múa sạp không hạn chế, không phân biệt nam hay nữ, già hay trẻ. Múa sạp là một điệu nhảy dân gian quen thuộc của nhiều dân tộc và ngày nay đã được các nghệ sĩ đưa lên sân khấu biểu diễn như một loại hình nghệ thuật. Vì vậy, múa sạp đã, đang tồn tại và sẽ còn sống mãi trong đời văn hóa của dân tộc Kháng nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

Múa tầm đao (Tỏi Điểng) là một loại nhạc cụ dân gian đặc trưng của một số dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ Me như dân tộc Kháng, Khơ Mú, Xinh Mun đang sinh sống trên đất Điện Biên. Tầm đao là loại nhạc cụ chỉ dành riêng cho phụ nữ, được làm từ thân cây nứa nhỏ, đường kính từ 3-4 cm, dài từ 50- 60cm.

Để chế tác loại nhạc cụ này, những người phụ nữ Kháng phải vào rừng lựa chọn những cây nứa vừa thẳng đẹp lại không quá già. Họ chọn một đoạn vừa ý sao cho một đầu còn giữ lại, đầu kia bỏ mấu, giữ lại thân ống nứa. Gần đầu có mấu, người ta đục hai lỗ đối xứng và so le nhau, khi đánh ngón tay cái của tay cầm đặt ở vị trí lỗ trên, ngón trỏ sẽ đặt ở vị trí lỗ dưới như vậy mới tạo nên nhịp gõ và điều chỉnh nhịp theo ý muốn. Đầu không giữ mấu người ta vát nhẹ hai bên thân ống tạo thành trạc, dài khoảng 30cm, giữa hai cánh trạc có xẻ một khe nhỏ vào thân ống để kẹp sợi chỉ, có tác dụng điều tiết âm thanh.

Khi đánh, người ta gõ phần gốc cánh trạc vào mu bàn tay để hai cánh trạc dung tạo ra âm thanh. Chị em phụ nữ Kháng trong tiết mục này thường xếp thành hai hàng đối diện nhau, sau nhịp dẫn của người đội trưởng, tất cả cùng hòa theo nhịp. Trên nền nhịp và âm thanh của tầm đao, các điệu múa sẽ được biến tấu hài hòa, tinh tế… Cứ như thế, nhịp điệu tăng dần, càng lúc càng thôi thúc hơn, thăng hoa hơn trong điệu múa, như không bao giờ dừng lại.

Múa xòe (Xek vong) là điệu múa không thể thiếu trong các ngày hội của dân tộc Kháng và không hề xa lạ đối với cộng đồng các dân tộc Điện Biên. Người Kháng cũng coi múa xòe là một điệu múa truyền thống của dân tộc mình. Thông thường, mỗi một lễ hội khi đến phần múa xòe là phần cuối cùng, mọi người tay trong tay cùng chung nhịp xòe luôn tạo được nhiều cảm xúc nhất cho những người tham gia.

Điệu xòe của người Kháng cũng là điệu múa thể hiện tình đoàn kết trong cộng đồng, tạo cho những người tham gia lễ hội quên đi những mỏi mệt, ưu phiền sau những khoảng thời gian lao động vất vả. Nơi diễn ra múa xòe thường trên một bãi đất rất rộng, có thể đủ chỗ cho rất đông người cùng tham gia.

Một vòng xòe hay và đẹp nhất là vòng xòe tự nhiên, mọi người tay nắm tay nhau một cách thoải mái, cùng bước theo một nhịp, cùng xoay theo chiều. Cứ như vậy người này nối tiếp người kia, vòng xòe cứ thế mà lớn dần và khi đông người tham gia thì vòng xòe có thể tách dần ra để tạo thành một vòng xòe khác lồng vào nhau.

Một hội xòe có thể có tới 3 đến 4 vòng cùng xòe một nhịp, qua đó cho thấy sức hấp dẫn lôi cuốn tình người trong ngày hội. Vào những dịp này mọi người thường vận những bộ trang phục lễ hội truyền thống rất lộng lẫy của dân tộc mình, trở thành hạt nhân của hội xòe. Nhịp xòe được diễn ra theo tiếng dẫn nhịp của dàn chiêng và những âm thanh đặc trưng từ những cây tầm đao do chính những người phụ nữ tạo nên. Vòng xòe mỗi lúc lại rộng hơn, nhịp xòe cũng vì thế mà rộn ràng hơn, thôi thúc hơn như muốn giục giã, chào mời mọi người cùng tham gia.

Qua các điệu múa truyền thống của dân tộc Kháng cho ta thấy được những nét văn hóa, nghệ thuật đặc trưng riêng, góp phần làm phong phú thêm vốn di sản văn hóa, nghệ thuật không chỉ của tỉnh Điện Biên mà còn là của cả dân tộc Việt Nam.

Người Kháng có nhiều điệu múa truyền thống độc đáo.Người Kháng có nhiều điệu múa truyền thống độc đáo.

Tăng bu – Điệu múa truyền thống của người Kháng, Điện Biên
Người Kháng tỉnh Điện Biên là dân tộc còn lưu giữ được khá nhiều những nét văn hóa đặc trưng và tiêu biểu của dân tộc mình, thể hiện rõ nét nhất trong điệu múa Tăng bu truyền thống.

Người Kháng tỉnh Điện Biên là dân tộc còn lưu giữ được khá nhiều những nét văn hóa đặc trưng và tiêu biểu của dân tộc mình như: hát đối, hát giao duyên. Ngoài ra còn có các điệu múa: múa xòe, múa sạp, múa tầm đao… Trong số đó, múa Tăng bu là điệu múa truyền thống rõ nét nhất của dân tộc Kháng.

Múa Tăng bu – là điệu múa bằng cách nghệ thuật hóa động tác chọc lỗ tra hạt trong lao động sản xuất vào điệu múa, những động tác tưởng chừng như khô khan cứng nhắc nay trở nên uyển chuyển mềm mại và có nhịp điệu hơn. Đây còn là tiết mục vui chơi thu hút được rất nhiều người tham gia, nhất là các thanh niên nam, nữ. Trong các dịp lễ hội, họ rủ nhau từ các làng bản khác cùng về đây tham gia múa cùng dân bản. Nhiều người đứng nối nhau xếp thành vòng tròn lớn, một tay bám lên vai người đi trước, một tay cầm cây tăng bu.

Cây tăng bu được làm bằng một đoạn thân cây nứa, có đường kính thân khoảng từ 4- 6cm, dài khoảng từ 1,4m- 1,6m tùy theo mỗi người. Sau một nhịp dẫn, tất cả mọi người cùng vỗ mạnh cây tăng bu xuống sàn gỗ, tạo nên một dàn âm thanh cộng hưởng. Dàn âm thanh này luôn được giữ nhịp rất đều, những người tham gia múa vừa phải đảm bảo tạo ra âm thanh, vừa bước uyển chuyển theo nhịp điệu và giữ nhịp cho đều.

Sau mấy vòng múa lại xoay chiều di chuyển một lần, cứ như thế vòng múa tăng bu tạo cho người tham ra một cảm giác đầm ấm, đoàn kết, vui vẻ như không hề biết dừng lại. Nếu có một thành viên nào muốn nghỉ sẽ tự rời khỏi vòng và lập tức có thành viên khác thay thế, vòng múa không bị gián đoạn.

Có thể nói phần múa Tăng bu trong chuỗi các tiết mục văn nghệ thể dục, thể thao, các trò chơi dân gian diễn ra trong lễ hội của người Kháng là phần chơi hấp dẫn và kéo dài nhất. Đặc biệt các bạn trẻ nam nữ thanh niên tham gia rất đông vui và kéo dài cho tới tận đêm khuya.

Ngày nay, phương thức canh tác theo hình thức chọc lỗ tra hạt vẫn còn phổ biến trong đồng bào các dân tộc thiểu số, vì vậy điệu múa tăng bu mô tả hình ảnh chọc lỗ tra hạt vẫn còn tồn tại trong đời sống văn hóa văn nghệ của đồng bào. Nó như một sản phẩm kết tinh từ sự sáng tạo của đồng bào trong quá trình lao động với một nền tảng âm nhạc dân gian phong phú, đặc sắc. Như vậy, múa tăng bu không còn chỉ hạn chế trong một gia đình hay dòng họ mà nó là ngày hội chung của cả bản, cả vùng.

Múa Tăng bu đã thể hiện được những nét truyền thống đặc trưng riêng của người Kháng nơi đây, góp phần làm phong phú thêm nền di sản văn hóa của tỉnh Điện Biên nói riêng và nền di sản văn hóa Việt Nam nói chung.

Hằng năm dân tộc Kháng tổ chức lễ hội Pang Phoong.

Hằng năm dân tộc Kháng tổ chức lễ hội Pang Phoong.
Lễ hội Pang Phoóng dân tộc Kháng Tỉnh Điện Biên
Dân tộc Kháng ở tỉnh Điện Biên là một trong những dân tộc thiểu số nhưng là dân tộc mang trong mình biết bao truyền thuyết, giai thoại huyền bí, việc nghiên cứu, tìm hiểu tộc người Kháng sẽ góp phần khơi mở thêm nét đẹp truyền thống dân tộc Kháng, qua đó bảo tồn và phát huy những giá trị Di sản văn hóa dân tộc.

Từ xa xưa đồng bào dân tộc Kháng dòng họ Lò Khun ở bản Nậm Mu, xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo đã sáng tạo ra lễ hội Pang Phoóng (Pang dịch ra là lễ, Phoóng là tổ tiên). Lễ hội thường diễn ra 03 ngày trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 dương lịch hàng năm. Lễ hội Pang Phoóng chứa đựng nhiều lễ thức dân gian hết sức sinh động và có ý nghĩa gần giống lễ tạ ơn của một số dân tộc thiểu số khác.

Hàng năm trước khi thu hoạch vụ mùa, đồng bào Kháng tổ chức lễ hội để tạ ơn tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho họ một năm mưa thuận gió hòa, sức khỏe dồi dào và làm ăn phát đạt đồng thời cầu xin những điều may mắn, tốt đẹp cho một năm mới. Khi tiếng trống, tiếng chiêng vang lên trên khắp bản mường là lúc báo hiệu mùa lễ hội bắt đầu. Theo truyền thuyết, lễ hội Pang Phoóng bắt nguồn từ một sự tích. Đó là câu chuyện tình dang dở đầy lãng mạn giữa chàng trai con Tạo bản và nàng vượn hóa thân thành thiếu phụ. Câu chuyện được lưu truyền từ xa xưa nhằm tôn vinh gốc linh, hướng con người luôn nhớ về cội nguồn.

Thầy mo cúng trong lễ hội.Thầy mo cúng trong lễ hội.

Hàng năm, cứ đến mùa hoa mào gà nở đỏ trên nương cũng là mùa lúa chín. Đồng bào Kháng dòng họ Lò Khun lại tổ chức lễ hội Pang Phoóng tại nhà trưởng họ. Mỗi lần lễ hội diễn ra các gia đình trong dòng tộc nô nức kéo về hội tụ để cùng tưởng nhớ về “Mẹ Vượn”. Đây cũng là dịp họ hàng, anh em, bạn bè, trai tài gái sắc gặp nhau sau những ngày tháng lao động vất vả.Trong không khí linh thiêng mà ấm áp tình người, tràn đầy sự hứng khởi của lễ hội, cả bản mường cùng hân hoan trong lễ hội.

Sự tích lễ hội Pang Phoóng mang màu sắc huyền ảo đã phản ánh một hiện thực trong đời sống tâm linh cộng đồng người Kháng: luôn lấy cội nguồn tiên tổ làm nền tảng để rèn tâm, dưỡng đức và nguyện cầu tổ tiên phù hộ độ trì cho dòng tộc vạn sự may mắn, tốt đẹp. Dù trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, sự giao lưu hoà nhập cộng đồng nhưng lễ hội Pang Phoóng vẫn giữ được bản sắc riêng, luôn hiện hữu trong đời sống cộng đồng.

Cho đến nay, vốn di sản văn hóa phi vật thể quí báu đó vẫn giữ được sức sống và trở thành ngọc quí trong kho tàng văn hoá dân tộc Kháng. Lễ hội Pang Phoóng là thông điệp kết nối quá khứ với hiện tại, là sợi dây tạo lên sự gắn kết cộng đồng, thể hiện khát vọng bình dị ngàn đời về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc của những người dân vùng biên cương Tổ quốc.

Lễ hội Xen Pang Ả dân tộc Kháng (trích)

Dân tộc Kháng là một trong những dân tộc thiểu số cư trú lâu đời ở miền Tây Bắc Việt Nam. Kinh tế chính của đồng bào là nương rẫy, trồng lúa kết hợp với ngô khoai. Ở một số vùng sống ven sông, đồng bào rất giỏi làm thuyền độc mộc. Đan lát là một nghề phụ khá nổi tiếng của đồng bào Kháng, họ lấy mây tre trên rừng đan các loại gia cụ như hòm, mâm, ghế ngồi, gùi, giỏ rất đẹp và bền.

Đến nay, đồng bào Kháng vẫn còn duy trì được một số lễ nghi nông nghiệp như lễ Xíp Xí (rằm tháng7); lễ mừng cơm mới. Tuy nhiên tiêu biểu nhất vẫn là Lễ hội Xen Pang ả, do Pa ả (thầy cúng) tổ chức. Trong các bản của đồng bào dân tộc Kháng thường có một Pa ả chuyên làm việc cúng lễ cho dân bản. Pa ả là người thông minh, thuộc nhiều bài cúng và biết cách chữa bệnh thông thường, biết một số ảo thuật và biết nhiều điều mà người khác không biết. Có thể gọi họ là những trí thức dân gian, họ rất có uy tín, được dân bản tin và làm theo.

Lễ hội Xen Pang Ả được tổ chức với quy mô một vùng rộng lớn, gồm nhiều bản, và cứ 2 hay 3 năm được tổ chức một lần vào khoảng từ tháng 10 tới tháng 12. Lễ hội được tổ chức với mục đích mời các “ma nhà”, “ma bản”, “ma trời” hưởng lễ vật và những người được Pa Ả chữa cho khỏi bệnh (được coi là con nuôi) đến dâng lễ, tạ ơn, đồng thời để Pa Ả cầu chúc cho hồn vía các con nuôi lành mạnh, không hay ốm đau, làm ăn phát tài. Lễ hội Xen Pang Ả ngoài phần lễ cúng cầu xin, còn là nơi nhân dân diễn lại các công việc nương rẫy, thu hái lâm sản trong đời sống thường nhật, thông qua các trò diễn; chơi các trò chơi dân gian; hát đối đáp giao duyên; múa ống, múa khăn.

Xen Pang Ả là ngày hội lớn, vô cùng có ý nghĩa đối với đồng bào dân tộc Kháng. Đây là dịp để mọi người tạ ơn tổ tiên và các thế lực siêu nhiên đã giúp đỡ cho họ có sức khỏe, bản mường yên bình, no ấm. Đây cũng là dịp để cộng đồng người Kháng vui chơi thư giãn, sau những tháng ngày lao động vất vả, một nắng hai sương. Đặc biệt lễ hội còn là dịp để lớp thanh niên chưa vợ chưa chồng tìm hiểu, hẹn hò nên vợ thành chồng, bởi vậy lễ hội Xen Pang Ả còn có ý nghĩa trong việc tái tạo cộng đồng dân tộc.
Lễ hội “Cà tảm mạn” của dân tộc Kháng

Lễ hội “Cà tảm mạn” là lễ gọi hồn hay còn gọi là lễ dậy hồn. Đây là loại hình tín ngưỡng dân gian không thể thiếu trong đời sống tinh thần của dân tộc Kháng.

Họ cho rằng, con người có 2 phần, phần hồn và phần xác luôn luôn gắn kết, giao hòa không thể tách rời. Khi người ốm, phần hồn rời khỏi xác và lưu lạc nơi rừng thiêng, nước độc, bị các thần cây, thần núi giữ lại. Từ đó, người Kháng thường làm lễ gọi hồn lưu lạc về nhập vào xác thì người ốm sẽ khỏi bệnh.

Chuyện xưa kể rằng: Trong bản dân tộc Kháng có chàng trai tên là Ọi, đẹp trai, thông minh, khoẻ mạnh và chăm làm nhất bản. Sau mùa làm nương, chàng bị ốm, ngày nào chàng Ọi cũng ăn không ngon miệng, ngủ không yên giấc, người chàng càng ngày càng gầy gò, da vàng, chân tay run rẩy, không cầm nổi con dao, cái cuốc. Đã hơn 3 tuần trăng sáng, lúa chín vàng trên nương, chàng uống đủ thứ lá rừng làm thuốc mà vẫn không khỏi bệnh. Biết chàng không còn sống được lâu, cha chàng bèn thịt gà và mời tất cả mọi người đến ăn cùng. Mỗi người bón cho chàng một miếng xôi cùng thịt gà và nói rằng “Đây là hồn cơm, hồn thịt của người khoẻ đem đến, ăn vào sẽ thành thuốc”, sau đó mọi người buộc vào tay chàng một sợi chỉ coi đó là sợi dây buộc phần hồn lưu lạc nhập vào chàng. Cũng từ ngày hôm đó chàng ăn được nhiều cơm, da chàng hồng hào trở lại, chàng khoẻ dần và đi làm nương cùng cha mẹ.

Từ câu chuyện trên, trong bản có người ốm đều được làm lễ gọi hồn về. Đến nay, tại các bản của đồng bào dân tộc Kháng thường có một Pa Ả (thầy cúng) chuyên làm việc cúng lễ cho dân bản. Pa Ả đại diện cho dân bản để tiếp xúc với các thần linh, truyền lời khẩn cầu của người sống và cũng là người có uy tín, được dân bản tin và làm theo.

Từ lâu, quan niệm tín ngưỡng dân gian của dân tộc Kháng cho rằng: con người có 30 vía, 40 hồn phía trước, 50 hồn phía sau, trong đó có một hồn chính ở trên đầu, khi chết, hồn chính biến thành ma lành phù hộ con cháu, hồn còn lại biến thành ma dữ hay quấy nhiễu vòi ăn. Người ta còn tin nhiều loại ma khác như ma suối, ma bản… Trong bài cúng dậy hồn có câu:

“Ba mươi vía, bốn mươi hồn phía trước còn lạc trong rừng
Năm mươi hồn phía sau còn vương ở suối
Hồn ở đâu hồn hãy về nhà
Hồn chớ la cà rừng xanh, chớ quẩn quanh rừng rậm…”

Lễ vật cúng hồn gồm có xôi, thịt gà, rượu, bánh kẹo, hoa quả. Tất cả được bày trên bàn thờ. Thầy mo mặc áo cúng, đội mũ, tay cầm quạt. Bên cạnh thầy mo còn có 2 mo pí, mỗi lần thầy mo cúng, mo pí thổi theo cùng với giai điệu hành khúc để phù hoạ cho lời cúng của thầy thêm linh thiêng:

“Hồn ở đâu, hồn hãy về nhà
Về nhà mới có anh và chị
Về nhà có cha và mẹ bón xôi
Nếu còn lạc ở nương
Nếu còn vương ở ngoài ruộng
Đã có xôi kèm cá
Đã có gà kèm rượu…”.

Thầy mo kể hết các hồn của người thân, cùng bà con dân bản chờ đón hồn lưu lạc trở về cùng ăn cơm:

Hú… ba mươi vía, bốn mươi hồn đằng trước
Năm mươi hồn đằng sau
Cùng nhau về cho khoẻ
Từ nay hồn ở nhà
Ở cùng cha, cùng mẹ
Để sớm mai lên nương
Để sớm hôm xuống ruộng
Hồn về rồi hồn ơi!

“Hú… hồn về rồi”. Thầy mo cầm con gà đưa lên đầu, lên trán, lên vai, lấy một miếng xôi cúng và ít thịt gà, chấm rượu xoa vào hai thái dương cho người ốm, buộc chỉ vào cổ tay cho người ốm và nói:

Đã có chỉ buộc tay
Có dây buộc hồn…
Đi xa biết đường về
Đã có thần che nắng
Đã có thần che mưa…”

Tất cả những người thân trong nhà và bà con dân bản đến dự lễ cúng hồn làm theo thầy mo, mỗi người cầm một sợi chỉ buộc vào tay người ốm, lấy xôi. thịt gà bón cho người ốm ăn và nói:

“Ăn thịt gà ngọt lưỡi
Ăn thịt lợn ngọt môi
Hồn ăn, hồn ở nhà…”.

Sau đó mọi người cùng ăn thịt, uống rượu tại mâm lễ để mừng đón hồn về nhà và trống chiêng cùng nổi lên, con trai, con gái từng đôi múa Hưn mạy, Tăng bu cho đến thâu đêm, suốt sáng.

Người được cúng hồn được giải toả tâm lý để chống chọi với bệnh tật, đồng thời, lễ cúng hồn còn răn dạy con cháu biết đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau để cùng phát triển kinh tế xóa đói nghèo.

Dạm ngõ

Phong tục hôn nhân của dân tộc Kháng

Các nghi thức hôn nhân ở dân tộc Kháng chịu ảnh hưởng cơ bản từ phong tục cưới hỏi của dân tộc Thái, trong đó có một nghi lễ đặc biệt giống với tập quán của dân tộc Thái đó là nghi lễ đi ở rể.

Mùa cưới

Mùa cưới của dân tộc Kháng thường diễn ra từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 âm lịch năm sau. Theo quan niệm của đồng bào thì đây là thời gian thuận lợi: thu hoạch mùa xong xuôi, no đủ, công việc nông nhàn.

Dân tộc Kháng có phong tục tìm người mai mối cho đôi trẻ. Người được chọn làm mối có thể là nam hoặc nữ, phải là người có gia đình hòa thuận, hạnh phúc, đông con, vợ chồng biết làm ăn vì theo quan niệm của họ người làm mối sẽ mang lại may mắn, cuộc sống đầy đủ, đông con nhiều cháu cho cặp vợ chồng tương lai

Dạm ngõ
Khi đôi trai gái đã ưng ý nhau thì bố mẹ bên nhà trai sẽ tìm một người mối, đại diện cho nhà trai mang lễ vật sang nhà gái dạm ngõ. Lễ vật dạm ngõ thường rất đơn giản chỉ cần một con gà và một chai rượu. Sau buổi gặp mặt đầu tiên nếu nhà gái nhận lễ và mời nhà trai ở lại ăn cơm hoặc nhà gái nhận lời thì tức là việc hôn nhân của đôi trai gái sẽ được tiến hành.

Lễ hỏi

Nhà trai chọn ngày lành tháng tốt mang một ít lễ vật gồm: lợn, gà, rượu, gạo đến nhà gái để đặt vấn đề chính thức về cuộc hôn nhân cho đôi trẻ. Trong lễ này, nhà gái mời họ hàng thân thích đến dự để bàn bạc thống nhất với đại diện nhà trai về lễ vật thách cưới mà nhà trai phải nộp cho nhà gái theo phong tục dân tộc Kháng. Đặc biệt, trong ngày lễ ăn hỏi nhà trai phải chuẩn đồ sính lễ cho cô dâu – tuỳ theo kinh tế của từng gia đình nhưng thông thường gồm 1bộ váy áo, 1 đôi tóc giả, 1đôi hoa tai, 1 trâm cài tóc và nếu giàu có thêm 1 đôi vòng tay bạc. Các thứ này là của lấy lòng tin con dâu. Nếu sau này 2 vợ chồng cãi nhau muốn bỏ nhau cô dâu phải trả lại những vật này cho bố mẹ chồng.

Nghi thức ngày cưới người Kháng (ảnh Nam Trung).Nghi thức ngày cưới người Kháng (ảnh Nam Trung).

Lễ cưới
(Đây là lễ cưới ban đầu hay còn gọi là lễ búi tóc cho cô dâu –tẳng soi đe quân măn): Từ lễ ăn hỏi đến lễ cưới thời gian thường từ vài ba tháng, hoặc một năm, tuỳ thuộc vào sự bàn bạc thống nhất giữa nhà trai với nhà gái hoặc tuỳ hoàn cảnh mỗi gia đình. Sau khi chọn được thời gian thích hợp, nhà trai chủ động bàn bạc với nhà gái để chuẩn bị cho lễ cưới.

Tại lễ cưới này cô dâu sẽ làm luôn lễ búi tóc ngược. Chọn được ngày lành, tháng tốt nhà trai mang đủ lễ vật như đã thoả thuận với nhà gái để làm lễ cưới. Trong lễ cưới, người đại diện cho nhà trai nói lời cảm ơn nhà gái đã có công sinh thành, nuôi dưỡng cô dâu. Khi đến nhà gái, chú rể phải có lễ trình tổ tiên, cũng như cô dâu phải lạy trước bàn thờ ma của gia đình và quỳ xuống để bà mối hoặc một người phụ nữ lớn tuổi có uy tín làm lễ búi tóc cho cô dâu. Sau đó cô dâu được đưa về nhà trai để ra mắt bố mẹ và họ hàng nhà chồng rồi mới quay về nhà mẹ đẻ để chú rể ở rể.

Lễ về nhà chồng

Hay còn được coi như lễ cưới lần 2 của đôi vợ chồng sau thời gian ở rể một vài năm. Đây là một nghi lễ đánh dấu mốc cô dâu chính thức về cư trú bên nhà chồng và chú rể kết thúc hạn ở rể. Nghi lễ này diễn ra gọn nhẹ hơn lễ cưới, lễ vật gồm có thịt, rượu, gạo nếp. Cô dâu mang đồ đạc cá nhân, quần áo, quà gia đình mình tặng (chia cho) cùng quà mang về tặng bố mẹ chồng và họ hàng bên chồng.

Lễ lại mặt
Sau ngày cưới, đôi vợ chồng mang theo xôi, gà, rượu trở lại nhà gái để làm lễ lại mặt.

Độc đáo tục bói chén đặt tên trẻ của người Kháng, Lai Châu

Người Kháng ở Lai Châu có phong tục rất độc đáo đó là “bói chén” để đặt tên cho con em mình.

Việc đặt tên rất quan trọng vì mỗi cái tên gắn chặt với mỗi con người suốt đời. Có thể căn cứ vào đặc điểm, giới tính, hoàn cảnh gia đình, dòng họ, quê hương, xã hội và cả ước vọng của người đặt tên gửi gắm vào cái tên nào đó. Bởi vậy ở mỗi dân tộc đều có phong tục đặt tên cho trẻ rất độc đáo… Dân tộc kháng dùng tục bói chén để đặt tên cho đứa trẻ.

Ngay khi gia đình có đứa trẻ chào đời, các thành viên trong gia đình người Kháng đã lo cho chuẩn bị cho nghi lễ đặt tên. Hôm tiến hành nghi lễ, các thành viên trong gia đình đã phải hoàn tất mâm cúng các ma nhà “Mà ngạt nha” để người ông cúng báo cho tổ tiên.

Mâm cúng các ma nhà được đặt trước bàn thờ gia tiên gồm: một đôi gà trống mái (khoảng 2 kg) luộc chín để nguyên con, không chặt, kèm theo đầy đủ tiết và các bộ phận nội tạng; một con lợn luộc (khoảng 20 kg) cũng để nguyên con, hai quả trứng luộc để nguyên không bóc vỏ, một bát cơm, hai nén hương; hai chén rượu, một đĩa muối ớt, hai cái bát, hai đôi đũa, hai cái thìa, bát canh… Tất cả các đồ cúng này không được đựng vào bát đĩa mà phải sắp lên một tàu lá chuối tươi.

Khi mâm cúng tổ tiên được chuẩn bị, người ông đứa trẻ tiến hành cúng báo tổ tiên với những lời chân thành, giản dị: “Ơ! Mà ngạt nha! Hôm nay, gia đình có mâm cơm, có lợn, có gà, có rượu…dâng cúng lên. Mà ngạt nha đi chơi hãy về, có bận gì thì xin gác lại. Xin Mà ngạt nha hãy về đây mà ăn thịt, uống rượu, về đây mà nghe lời khấn của gia đình …Ờ! gia đình hiện nay nhờ có Mà ngặt nha phù hộ nên đã được một bé trai (hoặc bé gái) khỏe mạnh. Gia đình đã có thêm một thành viên mới, nhau thai đã được treo ở cây to ven rừng. Nay gia chủ có lòng thành dâng lên. Lễ không nhiều, rượu thì nhạt mong Mà ngạt nha đừng giận, đừng phiền. Xin Mà ngạt nha hãy uống cho say, hãy ăn cho đủ…Nay gia đình muốn đặt tên cho đứa trẻ, muốn đứa trẻ lớn nhanh như câu tre vầu, dễ nuôi, không được cho nó ốm… Nay xin Mà ngặt nha chứng giám, mách bảo cho gia đình một cái tên đúng để đặt cho đứa trẻ…”.

Sau nghi lễ cúng báo tổ tiên và các ma nhà kết thúc, anh em trong gia đình dòng họ cũng như cộng đồng dân bản sẽ biếu quà mừng cho gia đình và cho đứa bé. Thông thường thì người mang theo chai rượu, người mang theo bát gạo, người mang theo gà, người mang theo đùi lợn… đến vừa để làm quà mừng vừa để giúp mẹ đứa bé có thức ăn nuôi con.

khang_mẹ con

Trong khi mọi người biếu quà, những mâm rượu thịt cũng được chủ nhà bày ra dọc gian nhà mời mọi người ngồi vào chúc mừng gia đình, nghi lễ “bói chén” tìm tên cho đứa trẻ bắt đầu. Nghi lễ này chỉ dành cho những người nam giới, có vai vế từ cao xuống thấp.

Người đầu tiên được vinh dự tung và bói chén là người đàn ông cao tuổi hoặc có vai vế cao nhất bên họ nhà ngoại, tiếp đến là người đàn ông cao tuổi hoặc có vai về cao nhất bên họ nhà nội và lần lượt đến những người khác cho đến khi tìm được tên cho đứa trẻ. Người được giao trọng trách “bói chén” sẽ phải nghĩ sẵn ra một cái tên phù hợp và nói ra cho mọi người cùng biết rồi sẽ bói xem tên ấy liệu có phù hợp không.

Nếu mọi người cho ý kiến đồng ý về tên này người bói sẽ dùng ngay chén uống rượu trong mâm và tung lên cao chừng 50-60cm cho rơi xuống mâm. Việc tung chén được tiến hành ba lần, nếu cả ba lần chiếc chén đều nằm ngửa thì coi như thần linh đã chấp thuật tên do tung nghĩ ra. Trong trường hợp hai trong ba lần tung mà chén nằm sấp thì việc chọn tên sẽ được chuyển cho người khác.

Bói chén chọn tên được thực hiện một cách nghiêm túc và thành kính vì người Kháng cho rằng cái tên đúng có tác động rất lớn đến tính tình và sức khỏe cũng như số phận của đứa trẻ sau này. Nếu đặt tên đúng thì đứa trẻ ấy sẽ lớn nhanh, khỏe mạnh, hiền lành, tốt tính… Còn nếu cái tên mà đặt sai thì đứa trẻ sẽ chậm lớn, yếu ớt, độc ác, xấu tính, thậm chí là sẽ chết yểu…

Mọi người vỗ tay tán thưởng vì đứa trẻ đã có tên, ông đứa trẻ cảm ơn người đã đặt được tên cho cháu mình bằng hai chén rượu đầy. Ngược lại, người đã đặt được tên cho đứa trẻ lại uống với người cha của đứa trẻ hai chén kèm theo những lời chúc tốt đẹp nhất dành cho đứa trẻ. Sau nghi lễ mời rượu cảm ơn và chúc mừng kết thúc cũng là lúc cuộc vui mừng lễ đặt tên lên cao trào. Tất cả những người tham dự nghi lễ đều chúc mừng ông và bố đứa trẻ hai chén rượu, chủ nhà cũng lần lượt mời lại mỗi người hai chén cảm ơn mọi người đã đến mừng cho đứa trẻ và gia đình.

Tiệc rượu chúc mừng cũng đánh dấu sự kết thúc tốt đẹp của nghi lễ bói chén đặt tên, đứa trẻ đã có tên gọi và chính thức là thành viên của cộng đồng dân tộc Kháng.

Nhà sàn truyền thống dân tộc Kháng.Nhà sàn truyền thống dân tộc Kháng.

Đặc trưng nhà sàn của dân tộc Kháng
Ngôi nhà đặc trưng của dân tộc Kháng là nhà sàn, mái lợp gianh, che chắn xung quanh nhà bằng các tấm liếp được đan bằng tre, luồng.

Dân tộc Kháng có khoảng 4.000 người ở Sơn La và Lai Châu. Dân tộc Kháng còn có tên gọi khác là Xá Khao, Xá Xúa, Xá Đón, Xá Dâng, Xá Hộc, Xá Ái, Xá Bung, Quảng Lâm.

Đồng bào dân tộc Kháng chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng gặp nhiều khó khăn với điều kiện tự nhiên, thời tiết khí hậu vô cùng khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng thấp kém, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn chủ yếu là đường mòn dân sinh chỉ đi được một mùa khô; 8/11 bản của người Kháng chưa có điện lưới quốc gia. Công cụ sản xuất thấp kém, giản đơn, tập quán canh tác lạc hậu, sống khép kín.

Sản xuất chủ yếu là canh tác trên đất dốc, năng xuất, sản lượng cây trồng vật nuôi thấp phụ thuộc vào thiên nhiên. Người Kháng làm rẫy theo lối chọc lỗ tra hạt, trồng nhiều lúa nếp làm lương thực chính, nay nhiều nơi chuyển sang cày bừa đất, gieo hạt, có ruộng bậc thang nhưng không nhiều. Đồng bào chăn nuôi gà, lợn, trâu là phổ biến.

Với đặc tính sản xuất và điều kiện sống trên núi cao, khí hậu lạnh, và khắc nghiệt…. thì những ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc Kháng có ưu điểm mát mẻ mùa hè, giữ ấm về mùa đông không những cho người và còn thuận tiện cho việc chăn nuôi gia súc tại khoảng không dưới nhà.

Ngôi nhà đặc trưng của dân tộc Kháng là nhà sàn, mái lợp gianh, che chắn xung quanh nhà bằng các tấm liếp được đan bằng tre, luồng.

Tổ chức không gian trong nhà theo các quy định, không che chắn hay ngăn chia. Sàn nhà bằng tre, bên ngoài có sạp (giát tre) để phơi ngô, thóc, gạo hay để rửa chân, tay trước khi vào nhà. Có hai bếp đặt ở gian gần sàn để nước. Nơi thờ “ma nhà” được đặt ở góc nhà, sát vách quản. Khoảng không gian bên dưới nhà, thường được dùng để nhốt trâu, bò, lợn, gà trong các chuồng làm bằng gỗ, tre, ống bương.

Nhà ở của dân tộc Kháng có 2 dạng: nhà tạm bợ và nhà kiên cố. Nhà sàn gồm 1 mái và 2 mái, không phủ nóc, không có chái, có cửa chính thông suốt từ đầu này sang đầu kia, thông với cầu thang lên xuống.

Nhà thường có 3 gian 2 chái, mái kiểu mu rùa và hai cửa ra vào ở hai đầu nhà, 2 cửa sổ ở hai vách bên. Trước kia, mái ở hai đầu hồi thường được làm thẳng, hiện nay nhiều nơi đã làm mới hình mái rùa như nhà Thái Đen. Mỗi nhà có hai bếp lửa (một bếp để nấu ăn hàng ngày, còn một bếp để sưởi và để nấu đồ cúng khi bố mẹ chết).

Hiện nay, qua nhiều khảo sát, nghiên cứu, điều tra về thực trạng đời sống kinh tế – văn hóa – xã hội của dân tộc người Kháng cho thấy, dân tộc Kháng đang gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo còn cao. Vì vậy, việc xây dựng những ngôi nhà sàn khang trang vẫn còn là vấn đề đáng quan tâm của đồng bào dân tộc nơi đây.
Lý Hải Ninh (sưu tầm)

Share with your friends