Đồng bào Chơ ro tại ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú, huyện Xuân lộc đã tổ chức Lễ hội Sayangva với nhiều hoạt động như: biểu diễn cồng chiêng, các trò chơi dân gian (đẩy gậy, kéo co, đập niêu), biểu diễn văn nghệ và nghi thức cúng thần lúa.
Đây cũng là dịp để đồng bào dân tộc Chơ Ro tạ ơn thần linh đã cho một mùa bội thu và cầu xin mưa thuận gió hòa để mùa vụ năm sau nhà nhà được no đủ.
Lễ hội mừng lúa mới là lễ hội lớn nhất trong năm của người Chơro. Tiếng dân tộc Chơro gọi lễ hội này là SaYangva. Theo một số người lớn tuổi cho biết, xưa kia, lễ hội này kéo dài nhiều ngày đêm, thu hút cả cộng đồng tham gia. Họ vui chơi, ca hát, nhảy múa trong không khí náo nhiệt của một hội lễ sau nhiều ngày nhọc sức lên nương, làm rẫy, đi rừng săn bắn để lo cho cái ăn, cái mặc thường ngày. Trong lễ hội Sayangva, cây nêu có nhiều ý nghĩa tượng trưng. Theo cách nghĩ của người ChơRo, cây nêu được xem là cây thông thiên. Bởi họ dựng cây nêu là để gởi “ tin báo và thư mời ” cho thần linh để đến dự lễ hội của cộng đồng ChơRo. Đối với con người thì cây nêu là mối giao hòa giữa cộng đồng. Hễ ai thấy cây nêu thì biết rằng làng vào lễ hội.
Được biết, đồng bào Chơ ro sinh sống tại huyện Xuân Lộc có khoảng trên 4.800 người, tập trung nhiều Xuân Phú, Xuân Trường, Xuân Thọ, Xuân Hòa…
Lò Văn Páo (sưu tầm)