Phong tục sinh con ở Chòi của dân tộc Chơ Ro, Đồng Nai (Đàm Vinh) - Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Thursday, July 7, 2016

Phong tục sinh con ở Chòi của dân tộc Chơ Ro, Đồng Nai (Đàm Vinh)

                                     
                         Phụ nữ Chơ Ro sinh con trong chòi được dựng ngay trong vườn nhà.

Việc sinh đẻ, chăm sóc sản phụ và nuôi dưỡng con cái của người Chơ Ro chủ yếu dựa trên những kinh nghiệm của cuộc sống, kiến thức y học dân gian và những kiêng kỵ liên quan đến tín ngưỡng.
Người Chơ Ro ở buôn Lý Lịch, xã Phủ Lý, huyện Vĩnh Cửu ( Đồng Nai) có phong tục sinh con ở Chòi. Việc dựng chòi sinh con theo quan niệm của người Chơ Ro là để tránh sinh trong nhà lớn sẽ làm ảnh hưởng, mất đi sự linh thiêng của nơi thờ tự khiến tổ tiên cùng các vị thần linh phật ý sẽ gây bệnh tật cho người nhà, bất hòa trong gia đình và mùa màng của buôn thất bát...

Khi người vợ mang thai đến tháng thứ 8 thì người chồng sẽ phải tự tay chuẩn bị vật liệu, dựng một chiếc chòi kín đáo, vững chãi ở ngay trong vườn nhà để vợ “lâm bồn”. Vị trí chòi để vợ sinh con thường người chồng chỉ đặt cách nhà chính chừng vài bước chân, chọn ngày dựng phải nắng ráo, những cây cột đỡ chòi phải thật thẳng, không có dây leo với ý cầu mong cho vợ mình lúc sinh không đau bụng, đứa trẻ dễ ra và dễ nuôi. Hướng của cửa chòi quay về phía quang đãng, không có gò ụ che chắn và vợ sinh bao nhiêu đứa con thì người chồng phải làm bấy nhiêu cái chòi, mỗi cái chỉ dùng duy nhất một lần, xong thì dỡ bỏ. Đến đúng ngày người mẹ “nở nhụy khai hoa”, bà mụ được đón đến và cũng là lúc cành lá cấm người lạ đến được cắm trước cổng nhà để tránh điều không may mắn đối với trẻ sơ sinh.

Đứa bé mới sinh được bà mụ cắt rốn, tắm rửa nước ấm, quấn khăn tã rồi đặt nằm cạnh mẹ. Vừa sinh xong, sản phụ và đứa trẻ được bà mụ tắm bằng nước của các loại lá rừng gồm: tâng cham (mùa cua), mục pu, ừng gâm (từ bi)..., tắm mỗi ngày 3 lần. Sau đó vài ngày, bà mẹ đem ra suối gần nhà tắm rửa với ý niệm: Bệnh tật sẽ trôi theo sông nước, đứa trẻ khỏe mạnh.

Theo quan niệm của đồng bào Chơ Ro thì thanh nứa mà bà mụ dùng để cắt rốn cho đứa trẻ sẽ được trao cho người bố cất giữ cẩn thận, còn phần nhau thai sau sinh bao giờ cũng phải do ông ngoại hoặc bà ngoại của đứa trẻ đem đi chôn ở cạnh con đường lớn nơi có nhiều người đi lại với mong ước cháu mình sẽ luôn được vui vẻ, ấm áp.

Thời gian người phụ nữ nằm ở đây 9 ngày, mọi việc ăn uống, giặt giũ đều do người chồng, hoặc chị em giúp. Mỗi lần sinh con thì người chồng lại làm một cái chòi mới, khi dùng xong thì phá bỏ, không dùng cho lần sau.

Khi đã được “mẹ tròn con vuông”, gia đình đứa trẻ mang đồ lễ sang cảm tạ bà mụ. Lễ vật thường là con gà và chiếc tô đẹp đựng cơm nếp. Chiếc tô vừa là vật để đựng xôi nếp, vừa là vật kỷ niệm của gia đình tỏ lòng cảm ơn bà mụ. Chiếc tô vừa phải đẹp, lại phải nguyên vẹn, là đồ quý đối với người Chơ ro, đồng thời cũng thể hiện sự mong muốn con cháu mình sau này khoẻ mạnh, có của ăn của để.

Đàm Vinh (sưu tầm)

Share with your friends