Kho luá của người dân tộc Xơ Đăng ở Kon Tum (Hoàng Thị Vinh) - Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Wednesday, August 3, 2016

Kho luá của người dân tộc Xơ Đăng ở Kon Tum (Hoàng Thị Vinh)

Trung tâm xã Ngọk Linh, huyện Đăk Glei
                                                                                                
Cộng đồng Xơ Đăng là một trong những dân tộc thiểu số cư trú lâu đời trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Với 113.898 người chiếm 24,37% tổng dân số toàn tỉnh (Niên giám thống kê 2012), gồm 5 nhóm địa phương: Xơ Teng, Tơ Đrá, Mơ Nâm, Ca Dong và Hà Lăng. Họ cư trú tập trung chủ yếu ở các huyện Đắk Tô, Tu Mơ Rông, huyện Đăk Hà, Kon Plong và một số cư trú ở huyện Kon Rẫy, Sa Thầy, Ngọc Hồi và huyện Đăk Glei.

Ở xã Ngọk Linh, huyện Đăk glei, người Xơ Đăng chủ yếu cư trú trên các đỉnh đồi quanh thung lũng Ngọk Linh. Toàn xã có 17 thôn, làng (Thôn Đăk Dã, Thôn Đăk Dít, Thôn Đăk Ia, Thôn Đăk Nai, Thôn Kon Tua, Thôn Kon Tuông, Thôn Kung Rang, Thôn Lê Ngọc, Thôn Lê Toan, Thôn Lê Vân, Thôn Long Năng, Thôn Tân Rát, Thôn Tân Út, Thôn Tu Chiêu, Thôn Tu Dốp, Thôn Tu Kú,Thôn Tu Rang), duy nhất chỉ có làng Kung Rang cư trú tại vũng trũng – Trung tâm xã Ngọc Linh.

 Do sinh sống ở những khu đất bằng trên đỉnh đồi, nên kinh tế nương rẫy của người Xơ Đăng nơi đây chủ yếu là cây lúa đồi. Gọi là lúa đồi là vì lúa được trồng ở những thửa ruộng bậc thang trên các sườn đồi. Vì vậy, lương thực chính trong bữa ăn hàng ngày là lúa, gồm lúa nếp và lúa tẻ. Bên cạnh đó, họ còn săn bắt, hái lượm để bổ sung nguồn thức ăn cho cuộc sống thường ngày. Do sống chủ yếu dựa vào nguồn lương thực chính là lúa, nên đối với người Xơ Đăng trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói chung và người Xơ Đăng xã Ngọk Linh, huyện Đăk Glei nói riêng thì Kho lúa (Xu pâu) là một trong những “cộng cụ” không thể thiếu được trong mỗi gia đình và cộng đồng làng. Bởi đó là nơi cất giữ và cung cấp nguồn thức ăn chính nuôi sống cả gia đình họ trong suốt một năm, thậm chí cả mấy năm (nếu gặp những năm mất mùa).

Không chỉ người Xơ Đăng, mà hầu hết các dân tộc thiểu số cư trú lâu đời trên địa bàn tỉnh Kon Tum đều làm kho lúa. Tùy vào từng dân tộc, từng địa hình mà làm nhà kho lớn hay nhỏ, cao hay thấp. Các nhà kho thường có sàn cao từ 0,8m – 1,5m; rộng từ 1,5- 2m; dài khoảng 2,5m- 3m, cao khoảng 3m (từ mặt đất đến nóc).

Kho thường được dựng trên 6 hoặc 8 cột chịu lực. Nguyên liệu chính là gỗ, mây, tre, nứa, tranh... khai thác từ trên rừng. Sàn được lót bởi nhiều lớp tre đan, vách vây kín xung quanh bằng những tấm đan lớn. Nhà kho thường chỉ có một cửa nhỏ vừa đủ thân người được cài bằng cửa sập kín. Khi muốn đưa thóc vào hay lấy ra, đồng bào dùng một cái thang nhỏ để leo lên. Sau khi làm xong việc, họ gỡ thang ra và gác lên giàn bên cạnh.

Để tránh thiệt hại do hỏa hoạn, bảo đảm nguồn lương thực đến mùa giáp hạt và giống cho mùa sau, các nhà kho của đồng bào bao giờ cũng được dựng lên cách xa làng, ngay sát bìa rừng.

Mặc dù ở vị trí kề cận với rừng nhưng hầu hết các nhà kho không bị thú rừng xâm hại, đặc biệt là rất lợi hại trong việc đề phòng chuột bọ. Đồng bào thường gắn vào cột kho lúa một miếng gỗ tròn, đường kính 40 - 50cm, nhìn giống như cái chảo úp, nếu chuột trèo lên sẽ bị rơi xuống đất.

Cũng như các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn tỉnh Kon Tum, người Xơ Đăng ở xã Ngọk Linh, huyện Đăk Glei cũng làm nhà kho để đựng lúa. Phần lớn người Xơ Đăng nơi đây cư trú trên những vị trí rất cao. Trong khi đó, lúa được canh tác ở khu vực triền đồi, nên kho lúa thường được làm ở gần với rẫy lúa hơn để tiện cho việc vận chuyển khi thu hoạch

Kho lúa làng Kon Tuông, xã Ngọk Linh, huyện Đăk Glei

Kho lúa thường được làm vào khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 7. Để làm hoàn chỉnh một kho lúa mất khoảng một tuần. Việc đầu tiên là phải chọn đất. Già làng là người đại diện cho dân làng đi chọn một đám đất, khi đã tìm được đám đất ưng ý, ông về báo cho cả làng biết, sau đó các gia đình trong làng tự chọn một vị trí thích hợp để làm kho lúa cho gia đình mình trên mảnh đất già làng đã chọn. Sau đó, họ lấy một loại cây rừng mà người Xơ Đăng nơi đây gọi là cây C’lanh (Loong C’lanh) cắm vào vị trí đất đã chọn rồi bẻ gập về một hướng (thường cắm vào buổi chiều). Buổi tối hôm đó, trong giấc ngủ, nếu mơ thấy điều tốt thì các gia đình sẽ chọn ngày làm kho lúa, ngược lại thì phải chọn vị trí khác để làm.

Người Xơ Đăng nơi đây thường lấy gỗ dổi (Loong Hang) để làm khung kho lúa. Kho lúa ở đây thường có kích thước khoảng 2,5m x 1,2m. Xung quanh được thưng bằng nứa (Ri chiêr). Nứa sau khi chặt về được chẻ nhỏ thành từng nan hoặc chẻ đôi và đập dập sau đó đan khít lại với nhau thành từng tấm. Mái kho lúa thường được lợp bằng tranh (la cuốc). Tranh thường được cắt vào tháng 12 dương lịch, vì thời gian này tranh đã già và khô nên cắt về lợp luôn không phải phơi.

Khung kho lúa thường được để trơn hoặc được khắc các họa tiết hoa văn. Các họa tiết hoa văn ở đây chủ yếu là:  hoa văn chữ W (Gú), hình sao cách điệu (Ri lét) và các họa tiết hoa văn(Chiêr) khác. Màu sắc thể hiện trên hoa văn chủ yếu là màu đen. Màu đen được người Xơ Đăng lấy từ một loại đá đen sẵn có trong tự nhiên và lá cây lách (chang) giã nát, mịn và chộn lẫn với nhau, sau đó cho một ít nước vào và bôi lên hoa văn. Các họa tiết hoa văn ở đây không chỉ để trang trí cho kho lúa, mà nó còn có tác dụng làm cho các loại thú thấy sợ không dám đến gần.
  
Trang trí các họa tiết hoa văn trên Kho lúa

Kho lúa được làm cách mặt đất từ 60 đến 80cm. Có một số kho lúa người ta làm hình một số con vật như chim, thú,…treo ở dưới gầm để cho chuột và các loài động vật,…không dám đến gần kho lúa. Vì người Xơ Đăng nơi đây kiêng cữ việc các con vật vào phóng uế dưới gầm kho lúa, đặc biệt là mèo rừng. Anh A On, sinh năm 1977, làng Kon Tuông cho biết: Bà con ở đây rất sợ mèo rừng đến gần kho lúa, nếu nhà nào để mèo rừng vào phóng uế dưới gầm kho lúa thì phải bỏ cả kho lúa đó đi (dù vừa ăn lúa mới xong hay lúa đang còn đầy kho) và phải làm kho mới ở chỗ khác. Còn các con vật khác như chó hoặc heo vào phóng uế thì không phải bỏ kho lúa đi, mà chỉ cần làm một lễ nhỏ gồm heo và gà cúng xin Yàng, thần lúa giúp cho gia đình được bình an, làm đủ ăn trong năm là được.

Các con vật bằng gỗ (chim, thú,…) treo dưới gầm Kho lúa

Thông thường, sau khi làm xong thì mới gặt lúa về bỏ vào kho và ăn dần. Với người Xơ Đăng nơi đây thì phải ăn hết lúa trong kho (lúa cũ) thì mới ăn lúa mới. Vì khi ăn lúa mới phải làm lễ. Trước đây, lễ ăn lúa mới thường được tổ chức từ 2 đến 3 ngày và được chia làm hai gia đoạn. Gia đoạn thứ nhất là ăn lúa mới tại mỗi gia đình và giai đoạn thứ hai là mừng lúa mới ở cộng động làng. Tùy theo mỗi làng, tuỳ theo quá trình thu hoạch lúa, mỗi làng sẽ chọn ra một ngày (thường là ngày thu hoạch tốt nhất của làng) để tiến hành tổ chức lễ hội.

Kho lúa không chỉ là nơi cất giữ, bảo quản hoa màu, lương thực mà nó còn là một công trình kiến trúc độc đáo của người Xơ Đăng nói riêng và các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói chung. Hiện nay, hầu hết ở các thôn, làng vẫn còn bảo tồn loại hình kiến trúc nhà kho này. Kho lúa của làng đã tồn tại lâu đời, nơi đảm bảo cuộc sống ấm no của đồng bào trong điều kiện nền kinh tế tự túc tự cấp. Do đó, việc duy trì và bảo tồn kho lúa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện nay không chỉ góp phần bảo vệ nguồn lương thực chính cho đồng bào, nhất là trong điều kiện nền kinh tế hiện nay hoặc những khi bị thiên tai, hỏa hoạn mà còn góp phần bảo tồn không gian kiến trúc kho lúa cùng với những giá trị văn hóa tinh thần gắn với kho lúa vốn đã tồn tại và được đồng bào duy trì từ xưa đến nay./.
 Hoàng Thị Vinh (sưu tầm)

Share with your friends