Một số phong tục, tập quán sinh hoạt và nghề truyền thống của người Sán Dìu (Hoàng Minh Thắng) - Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Saturday, August 13, 2016

Một số phong tục, tập quán sinh hoạt và nghề truyền thống của người Sán Dìu (Hoàng Minh Thắng)

Theo Niên gián thống kê năm 2006 của tỉnh Quảng Ninh và số liệu thống kê bổ sung của Ban Dân tộc tỉnh gần đây, số dân người Sán Dìu trên địa bàn Quảng Ninh hiện có 17.865 người, chiếm khoảng 1,6 % dân số tỉnh, cư trú ở thị xã Cẩm Phả: 6.153 người, huyện Vân Đồn: 3.849 người, huyện Hoành Bồ: 2.966 người, huyện Tiên yên: 1.656 người, thành phố Hạ Long: 820 người, huyện Đông Triều: 818 người, huyện Đầm Hà: 648 người, thị xã Móng Cái: 332 người, huyện Hải Hà: 330 người, huyện Ba Chẽ: 183 người. Ngoài ra, còn ở một số huyện, thị khác trong tỉnh như: TX. Uông Bí: 53 người, Cô Tô: 27 người, Yên Hưng: 17 người, Bình Liêu: 13 người.

Người Sán Dìu còn có các tên gọi khác. Theo phong tục ở, họ được gọi là: Người Trại, Trại Đất, San Déo Nhín (Sơn Dao Nhân = Người Dao Núi). Theo trang phục truyền thống, họ được gọi là: Mán quần cộc, Mán váy xẻ.
Người Sán Dìu có nhiều họ: Tạ, Diệp, Lý, Từ, Ninh, Trương, Lê, Ân, Trần ... Tuy có nhiều dòng họ, song ở bất kỳ đâu, khi gặp nhau và nhận ra nhau cùng là người Sán Dìu thì họ thường nói với nhau câu: "San Déo loỏng si",  ý nói: người Sán Dìu ít ỏi, cần phải thương yêu đùm bọc nhau. Thực tế, họ có tinh thần tương thân, tương ái cao không chỉ trong một tộc người Sán Dìu mà tinh thần đó đối với cả các tộc người khác sinh sống trong cộng đồng.


Ở Quảng Ninh, do người Sán Dìu sống xen kẽ với người Hoa, Sán Chỉ, Cao Lan nhiều năm nên phần nào phong tục, tập quán của người Sán Dìu đã có phần pha trộn, ảnh hưởng bởi phong tục tập quán của các dân tộc sống liền kề. Mặc dù vậy, người Sán Dìu ở Quảng Ninh về cơ bản vẫn còn giữ được bản sắc văn hóa  riêng của mình.
Tiếng nói, chữ viết :
Ngôn ngữ Sán Dìu thuộc nhóm ngữ hệ Hán. Người Sán Dìu có tiếng nói (ngôn ngữ) riêng hiện còn được sử dụng trong giao tiếp sinh hoạt thường ngày ở một số gia đình có người làm thầy cúng, thầy thuốc và phần lớn là ở các gia đình 3- 4 thế hệ cùng sinh sống...
Tiếng Sán Dìu có khoảng 60% âm tiết, ngữ điệu giống tiếng Hoa, 30% giống tiếng Sán Chỉ. Ví dụ: Cùng là từ "ăn cơm": Tiếng Sán Dìu nói: "Sthệch fan", tiếng Sán Chỉ nói: "Hạch fàn", tiếng Hoa nói: "Sthựch fàn", ...
Người Sán Dìu có chữ viết riêng, là loại chữ tượng hình, có nhiều đường nét của chữ Hán cổ. Hiện nay, tiếng nói, chữ viết của người Sán Dìu đang ở vào thời kỳ bị mai một. Lớp trẻ hiện nay phần nhiều không còn sử dụng ngôn ngữ, chữ viết và cả những phong tục lễ tiết của dân tộc mình. Một số trường hợp còn biểu hiện tự ti dân tộc, muốn quên đi cái gốc của mình. Tuy vậy, chữ viết của người Sán Dìu vẫn được lưu truyền, sử dụng ở một số gia đình có người làm thầy cúng, thầy địa lý.
Ẩm thực :
Người Sán Dìu ăn cả cơm và cháo. Thức ăn uống thông thường là nước cháo loãng. Họ có nhiều loại cháo: cháo ngô, khoai, cháo cơm vớt và đặc biệt có món chúc líp (cháo trộn với một số loại rau có thể dùng làm thuốc chữa bệnh như cháo lá lốt, rau cải; cháo lá ngải).
Việc chế biến các món ăn của họ cũng khá cầu kỳ, dùng nhiều gia vị như gừng, tỏi, địa liền. Đặc biệt, các món ăn khi dùng dù mùa lạnh hay mùa nóng cũng đều phải giữ ở nhiệt độ nóng (vừa ăn vừa thổi).
Người Sán Dìu kiêng ăn thịt chó, đặc biệt đối với nhà làm thầy cúng (có tích lưu truyền về việc kiêng kỵ này).
Ngoài nước cháo loãng, người Sán Dìu còn thường dùng nước chè xanh. Trong bữa tiệc đồ uống chủ yếu là rượu trắng do họ tự nấu thông qua công nghệ làm men bằng thứ lá cây rừng với gạo hoặc rượu mía, rượu sắn. Ngày Tết, có thêm rượu cái nếp do họ tự làm.
Người Sán Dìu còn làm các loại bánh:
Bánh chưng gói hình ống, hai đầu có bắt góc (mỗi đầu bắt thành 3 góc); bánh chưng gù. Bánh tro (hay "bánh do") gói hình như bánh chưng nhưng nhỏ hơn, nguyên liệu làm bằng gạo nếp ngâm nước tro đốt từ một loại cây ở rừng gọi là cây nham nháp và rơm lúa chiêm xuân còn mới với nước vôi trong. Bánh nhân điền làm bằng bột gạo nếp có nhân bằng lạc rang giã trộn với đường phên hoặc nhân đỗ xanh. Ngoài ra còn có loại bánh dày.
Các loại bánh trên được dùng các dịp lễ, tết, hội, cưới hỏi. Riêng lễ lại mặt vàlễ tang ma chỉ dùng bánh nhân điền hoặc bánh dày.
Mặc :
Trang phục thông thường của người đàn ông Sán Dìu: quần cộc (quần đùi) màu thâm; quần dài màu thâm, cạp chun, có hai túi; áo màu thâm dài ngang đùi, may kiểu bà ba  có một túi.
Trang phục thông thường của phụ nữ Sán Dìu: khăn đen bằng vải chéo, đội theo hình mỏ quạ; luôn mặc hai áo đi theo cặp: áo trong màu sáng, dài đến cạp quần; áo ngoài màu chàm, hoặc thâm, dài quá gối, may theo kiểu 3 vạt; đeo yếm (trắng, đỏ); có dây bao lưng màu xanh.
Trang phục ngày lễ, tết, hội, ngày cưới : đàn ông mặc quần áo dài, mới hơn, đi guốc mộc do họ tự làm bằng loại cây gỗ rất nhẹ ở rừng; phụ nữ đội khăn gấm, hoặc nhung the, yếm đỏ; có thể mặc quần áo như ngày thường nhưng mới hơn, có thể mặc váy (loại váy xẻ hai mảnh hoặc 4 mảnh  cùng đính trên một cạp, là loại váy khác biệt với các dân tộc khác của nước ta); thắt dây bao lưng màu xanh. Cô dâu ngày cưới còn đội cái  pại thay khăn mỏ quạ, thắt 2 dây lưng và săn su quả đào.
Trang sức của phụ nữ Sán Dìu không nhiều: có khuyên tai, nhẫn bạc, vòng tay bạc. Phụ nữ Sán Dìu có săn su quả đào dùng để đựng trầu têm sẵn, là loại trang sức đặc biệt, khác biệt với các dân tộc khác. Đây cũng là loại trang sức dùng để đánh giá nhân phẩm, đức hạnh (tứ đức) của người con gái Sán Dìu. Nếu nhà giàu, săn su quả đào làm bằng bạc. Nếu nhà nghèo (chiếm phần nhiều), túi đựng trầu của người phụ nữ Sán Dìu được khâu theo hình múi bưởi, nhiều màu sắc, thêu rất công phu. Đi đôi với túi đựng trầu là con dao cau với vỏ gỗ được trạm trổ rất cầu kỳ, thường được chị em đeo trong các dịp lễ hội, ngày tết (được coi như thứ trang sức để trưng diện).
Trang phục thầy cúng :
Thầy pháp sư (cúng chính): áo cà sa màu chàm dài quá gối. Trên áo có thêu hình long, phụng, Thánh, Phật Thích-ca, Phật Quan Âm; thắt dây lưng đỏ; giày vải thêu nhiều màu sắc hoặc đi chân đất.
Thầy phụ việc cúng cho Pháp sư: mặc áo dài, quần dài màu đỏ, giống như áo tân thời của phụ nữ  người Kinh (hay Việt).
Ở:
Người Sán Dìu trước kia thường ở nhà vách đất, tường trình đất hoặc đóng gạch đất rồi tự xây bằng vữa đất dẻo. Mái thường lợp cỏ tranh hoặc lợp lá mía. Người Sán Dìu rất khéo tay trong việc tết các phên cỏ tranh hoặc phên lá mía lại thành từng mảng để lợp nhà, đảm bảo được độ bền chắc và không bị dột khi trời mưa.
Trong khuôn viên đất ở, người ta thường bài trí nhà ở và các công trình phụ trợ theo hình chữ U. Nhà ở chính nằm ở đáy chữ U còn gọi là “nhà trên”, quy mô từ 3 đến 5 gian, hai bên hồi nhà thường có hai trái nhà làm vẩy ra để chứa các phương tiện vận chuyển, phương tiện đi lại và là nơi xay lúa, giã gạo; bên tay phải là dãy nhà bếp, nhà để nông sản, nông cụ gọi là “nhà ngang”, bên tay trái thường là khu chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm và công trình phụ.
Ngày nay, kinh tế-xã hội phát triển, nhà ở của người Sán Dìu đã thay đổi về chất liệu xây dựng và kiểu dáng. Nhà gạch xây theo kiểu hiện đại thay thế cho nhà tranh, vách đất truyền thống. Nhiều hộ đã có nhà cao tầng, nhà mái bằng kiên cố như nhà của người Kinh.
Nghề truyền thống :
Nghề chính của người Sán Dìu là làm ruộng. Họ đã tiếp cận và vận dụng nền văn minh lúa nước từ rất lâu. Họ còn làm nương, bãi, thả cá, đánh bắt thủy hải sản. Đặc biệt, họ có nghề thủ công gia truyền: nghề mộc, đan lát mây tre, làm gạch, làm rèn, thầy thuốc. Tuy nhiên, sản phẩm họ làm chỉ mang tính tự cấp tự túc, chưa trở thành hàng hóa phổ biến. Ngày nay, những nghề thủ công này vẫn còn được lưu truyền nhỏ lẻ ở một số hộ sống 3 -4 thế hệ.
Công cụ lao động, sản xuất:
Công cụ sản xuất nông nghiệp :
Người Sán Dìu tự chế tạo ra cày, bừa, cào kéo, cào tám, cào ba, cào làm cỏ lúa, cào làm cỏ lạc, dụng cụ vun lạc; liềm, hái gặt lúa.
Cày thường được đóng bằng gỗ. Lưỡi cày và diệp cày bằng gang làm theo kiểu cày Tàu. Độ sâu đạt khoảng 30 cm, phù hợp với địa hình, chất đất miền núi có nhiều cát, đá, sỏi và rễ cây.
 Bừa thường có 12 răng bằng thép tôi. Cán bừa, dọc bừa, gọng bừa và các phụ kiện khác được làm bằng tre hoặc gỗ.
Phương tiện đi rừng, làm nương của người Sán Dìu có dao quắm - dao phát, dao dựa. Cáiphẻndao là mảnh gỗ được làm cầu kỳ để cài dao đeo an toàn bên cạnh người hoặc cái dọ dao được đan bằng mây. Ngoài dao còn có thuổng, rìu, cưa và túi đựng nước uống, đồ ăn.
Phương tiện vận chuyển :
Từ lâu, người Sán Dìu đã biết chế tạo ra xe quệt để vận chuyển nông sản, vật liệu. Xe quệt là loại xe dùng trâu kéo, không có bánh. Hai càng xe là bộ phận chủ đạo, được làm bằng tre. Xe chỉ có trọng tải khoảng từ 2 đến 4 tạ. Loại xe này thích hợp cho việc vận chuyển ở địa hình đồi núi dốc, đường mòn, nhỏ.
Sau đó, họ đã chế tạo ra loại xe có bánh bi, trâu kéo (gọi là xe trâu), đã phần nào trợ sức cho trâu. Đây là loại xe đánh dấu trình độ văn minh, hiện đại trong lao động, sản xuất của người Sán Dìu. Xe có trọng tải lớn hơn xe quệt.
***
Để bảo tồn, phát huy bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống của người Sán Dìu ở Quảng Ninh, chúng tôi nêu một số ý kiến sau:
1. Bảo tồn trang phục:
Trang phục là ”bộ mặt” dân tộc. Để người ngoài nhận biết được dễ nhất, nhanh nhất từ cái nhìn đầu tiên là trang phục. Ngày nay, trang phục truyền thống của của tộc người Sán Dìu đã và đang có nguy cơ bị mai một. Phần lớn lớp người 60 - 70 tuổi ngày nay cũng không còn mặc trang phục của dân tộc truyền thống của mình nữa. Lớp trẻ lại càng không sử dụng, thậm chí hầu hết không còn biết đến kiểu cách, màu sắc của trang phục dân tộc mình.
Từ thực tế trên, cần phải có giải pháp bảo tồn những trang phục của nam giới, nữ giới mặc trong ngày thường và ngày lễ trọng. Cần bảo tồn đúng, chi tiết các đặc điểm truyền thống của trang phục.
2. Bảo tồn tiếng nói, chữ viết:
Hiện nay đã có nhiều người Sán Dìu không biết tiếng mẹ đẻ, không biết nét chữ của dân tộc mình. Việc bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết Sán Dìu là điều cần thiết.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện nay, ở đâu có người Sán Dìu sinh sống thành cộng đồng là ở đó còn lưu truyền tiếng nói và chữ viết. Tỉnh ta có vị trí thuận lợi là giáp với Trung Quốc, lớp trẻ hiện nay đã có nhiều người Sán Dìu học tiếng Trung. Đó là điều kiện thuận lợi để học tiếng Sán Dìu và viết chữ Sán Dìu.
Được biết ở Lục Ngạn (Bắc Giang) hiện nay vẫn còn lưu truyền loại hình dạy tiếng Sán Dìu, viết chữ Sán Dìu, dạy làm thày cúng, dạy đạo lý làm người... giống với kiểu thày đồ ngày xưa dạy học chữ Nho. Ở đó, thày giáo thường là những thày cúng, là những bô lão trong làng có uy tín. Học sinh theo học phải chấp hành nghiêm các luật lệ như thời thầy đồ dạy chữ Nho. Chúng ta có nên tham khảo hình thức dạy học đó làm biện pháp lưu truyền tiếng nói, chữ viết dân tộc Sán Dìu ở Quảng Ninh?
Tỉnh Quảng Ninh xây dựng xong giáo trình dạy và học tiếng Dao Thanh Phán, trong khi chữ viết tiếng Dao chỉ còn là những phiên âm tiếng Việt chứ không còn chữ viết cổ như chữ viết của dân tộc Sán Dìu. Việc biên soạn thành giáo trình dạy Tiếng Dao rất khó như vậy mà tỉnh Quảng Ninh còn làm được, không có lý do gì không thể xây dựng giáo trình dạy tiếng Sán Dìu. Hơn nữa, dân số thành phần dân tộc Sán Dìu của Quảng Ninh cũng đông, đứng vào hàng thứ 3 sau hai thành phần dân tộc Dao và Tày trong số các dân tộc thiểu số của tỉnh thì việc bảo tồn, phát huy giá trị tiếng nói, chữ viết của dân tộc Sán Dìu là một việc làm quan trọng và cần thiết.
3. Bảo tồn dụng cụ lao động, sản xuất, trang phục truyền thống:
Ngày nay, cùng với sự phát triển của thị trường hàng hóa, đồ nhựa tiện dụng, chiếm lĩnh thị trường; đồ gang, nhôm, sắt cũng phát triển. Vùng dân tộc thiểu số nói chung và người Sán Dìu nói riêng cũng chịu sự ảnh hưởng sâu sắc của thực tế này.
Hiện nay, trong các gia đình người Sán Dìu, rất ít người còn sử dụng rổ, rá bằng tre, ghế gỗ, cày, bừa gỗ, như xưa mà thay toàn bộ bằng đồ nhựa và sắt, thép, kẽm. Đến cái cày, cái bừa nay cũng được thay bằng cày, bừa làm bằng ống kẽm...
Trong bối cảnh trên, việc bảo tồn những dụng cụ lao động sản xuất truyền thống, nghề thủ công gia truyền, việc chế tác các đồ dùng, vật dụng trong gia đình, trang phục truyền thống có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số nói chung và người Sán Dìu nói riêng. Việc làm đó vừa giáo dục giá trị  sức lao động, giá trị nghệ thuật thông qua mỗi sản phẩm - vật dụng đó, vừa tạo việc làm lúc nông nhàn cho lớp trẻ, vừa giữ được truyền thống văn hóa dân tộc.
4. Bảo tồn nghề thuốc dân gian:
Người Sán Dìu có nhiều bài thuốc truyền thống, họ có thể chữa được các bệnh như: Đốt ngải cứu để chữa bệnh mở khóa đầu của trẻ sơ sinh; bệnh rắn cắn; chó dại cắn; các bệnh lên mụn nhọt ở người và gia súc; bệnh về xương, khớp, cảm lạnh, hóc xương... Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn  một số thầy thuốc người Sán Dìu độ tuổi từ 50 đến 90. Nếu chúng ta không nhanh chóng phát động tinh thần gia truyền trong tộc người Sán Dìu thì các môn thuốc, nghề thuốc này sẽ bị mai một trong tương lai gần.
Từ thực trạng trên, chúng tôi mong các cấp, các ngành quan tâm, có phương án tốt nhất thực hiện việc bảo tồn và phát huy những bản sắc, giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu để hòa nhịp chung với sự nghiệp bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.
Hoàng Minh Thắng (sưu tầm)

Share with your friends