Người Phù lá và hai cái Tết đặc biệt (Lý Thị Ninh) - Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Sunday, August 7, 2016

Người Phù lá và hai cái Tết đặc biệt (Lý Thị Ninh)

Dân tộc Phù Lá còn có tên gọi khác là Xá Phó, Bồ Khô Pạ, Mú Dí Pạ, Phổ, Va Xơ Lao, Pu Dang. Phần lớn người Phù Lá sống tại tỉnh Lào Cai của Việt Nam, và dân số năm 1999 là 9.046 người. Cũng như người Tày, Nùng, Mông, Dao, người Phù Lá có rất nhiều ngày lễ tết trong năm. Dân tộc Phù Lá sống thành bản riêng, xen kẽ trong vùng có nhiều dân tộc như Mông, Dao, Tày. Mỗi bản thường có từ 10 đến 5 nóc nhà. Các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ có vai trò rất lớn trong việc điều hành các công việc ở làng bản.

Tết Tháng bảy
Ngoài tết cổ truyền Nguyên Đán, thì tết tháng Bảy “sì dì sừ sử”, hay người Phù Lá còn gọi là “lý tháng bảy” luôn có ý nghĩa quan trọng trong đời sống sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng của các gia đình.
Tết tháng Bảy của người Phù Lá, là ngày con cháu đón các cụ tổ tiên, ba đời, bốn đời, các linh hồn cô quạnh không có người thờ cúng được gia đình gọi về ăn tết và cầu mong các cụ tổ tiên phù hộ cho các thành viên trong gia đình luôn khỏe mạnh, mùa màng bội thu, gia đình có cuộc sống ấm no, thịnh vượng. Nên ngày từ những ngày đầu tháng Bảy, các gia đình trong làng đã tất bật dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị thực phẩm, gà, lợn, giấy tiền, quần áo, vàng hương... để đón tổ tiên, anh em về ăn tết với gia đình.
Người Phù Lá thường ăn tết tháng Bảy từ ngày 10/7 kéo dài đến hết ngày 14/7 (âm lịch). Những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, họ tổ chức ăn tết từ bốn đến năm ngày, còn những gia đình nghèo cũng tổ chức ăn tết trong ba ngày. Từ ngày mồng mười trở đi, các gia đình đã dọn dẹp bàn thờ, bày hoa quả gọi tổ tiên, ông bà, cô dì, chú bác, anh em… đã mất trong gia đình về ăn tết cho đến ngày mười bốn thì tiễn các cụ. Sở dĩ người Phù Lá tổ chức ăn tết sớm với quan niệm vì trong một năm, con cháu mới có dịp mời tất cả linh hồn những người đã mất trong dòng họ về ăn tết một lần, còn những ngày lễ tết khác thì chỉ có một số người mới được con cháu mời về, cho nên phải mời các cụ tổ tiên về sớm. Mặt khác, người Phù Lá cũng cho rằng, ngày tết các gia đình con cháu đều tổ chức ăn tết, các cụ tổ tiên sẽ không đến đủ mọi nhà nên con cháu phải tổ chức sớm và kéo dài thì tổ tiên mới đến ăn tết hết các nhà con cháu.


Theo phong tục của người Phù Lá, ngày tết tháng Bảy dù gia đình giàu hay nghèo cũng phải chuẩn bị một mâm ngũ quả gồm bảy loại quả khác nhau như: lê (xá lì), dứa (seo pú lù), ngô (nảnh dỉ mừ páu), quả cà tím (sì chư), dưa chuột (hoàng quá ), chuối (pá cháu), củ măng hay quả lựu, miễn sao có đủ bảy loại quả theo lý tháng bảy là được. Nhưng trong các loại quả trên bắt buộc phải có quả cà tím vì quả cà (sì chư) mang tên của tháng Bảy (sì dì) dâng  lên cho các cụ trong gia đình. Khi bày xong các loại quả, người Phù Lá thường lấy các loại giấy màu như: xanh, đỏ, tím, vàng, trắng, đen cắt thành bảy màu hình người (mỗi màu một hàng và mỗi hàng bảy hình người) tượng trưng hình hài của tổ tiên về ăn tết. Mâm ngũ quả được trang trí gọn gàng, đẹp mắt vào một chiếc đĩa to hoặc bày lên một chiếc bàn đặt ở góc trái đối diện bàn thờ tổ tiên, tuyệt đối không được bày hoa quả lên bàn thờ tổ tiên. Ngoài mâm ngũ quả, gia đình còn gấp rất nhiều tiền và thuyền bằng giấy vàng (chính dình khủ), tiền này được coi là tiền đi đường (châu lủ sình) để tổ tiên đi và về cho thuận lợi.
Ngày đón tổ tiên về ăn tết, gia đình bao giờ cũng mổ một con gà trống để thắp hương mời các cụ tổ tiên về ăn tết. Khi cắt tiết gà hoặc lợn bao giờ người Phù Lá cũng lấy thếp giấy tiền đã được chuẩn bị trước quệt cho tiết dính vào để hôm cuối cùng mang đốt cho tổ tiên với ý nghĩa vật chứng là con cháu đã mổ gà, mổ lợn cúng các cụ. Gà được luộc chín, để cả con bày vào mâm hoặc mẹt cùng với rượu, thịt, cơm, đũa, rồi chủ nhà châm hương, đốt giấy tiền mời các cụ tổ tiên về ăn trước. Cúng tổ tiên xong, gia đình mời họ hàng và làng xóm đến dùng cơm.
Tết cổ truyền
Người Phù Lá bắt đầu ăn Tết cổ truyền vào ngày 30 của tháng cuối năm âm lịch, Tết được tổ chức ăn trong 5 ngày. Người Phù Lá có cách tính lịch riêng nhưng khi khớp lại vẫn trùng với những ngày Tết cổ truyền đầu năm giống như của dân tộc Kinh. Trong dịp Tết bà con Phù Lá cũng mổ lợn, mổ gà, gói bánh chưng, làm bánh dầy, uống rượu cần, ném còn, múa xoè, hát đối, kéo co và một số trò chơi văn hoá thể thao dân gian như: đánh quay, chơi đu bay, bắn súng, bắn nỏ, tó má lẹ.

Trong những ngày Tết của người Phù Lá riêng việc mổ thịt lợn được bố trí, sắp xếp một cách trật tự, có tổ chức. Những gia đình trong bản có lợn mổ được phân chia đều để mổ trong những ngày Tết, trong một ngày những nhà mổ lợn ngoài việc mời mọi người trong bản đến ăn Tết họ còn chia thịt thành từng gói nhỏ đem chia cho từng nhà gọi là phần quà cho những người vắng mặt. Cứ thế họ luân chuyển trong bản cho đến hết Tết. Bánh chưng, bánh dầy là thứ không thể thiếu trong ngày Tết của người Phù Lá. bánh chưng được gói như một số dân tộc, hình thức giống kiểu bánh gù, bánh sừng bò hoặc củ ấu, việc gói bánh do từng gia đình tự tổ chức. Nhưng bánh dầy thì lại được tổ chức giã vui nhộn hơn, mang tính tập thể và gần như ngày hội. Những người được chọn làm thợ giã bánh dầy là các chàng trai, cô gái khoẻ mạnh trong bản, họ đứng vòng quanh chiếc cối đầy cơm nếp thơm đặt trên sàn nhà, động tác giã bánh vừa dứt khoát, vừa khoẻ mạnh; tay ầm chày giã bánh, chân họ di chuyển vòng quanh cối một cách uyển chuyển, vừa đi, vừa giã, vừa hát bài hát giã bánh dầy thật vui nhộn tựa như một điệu xoè. Cứ như vậy đến khi bánh nhuyễn lại tiếp mẻ khác đến xong mới thôi. Riêng chày giã bánh được làm một cách khá cầu kỳ, cây làm chày giã được chọn bằng một loại cây có tên gọi Măm Ca. Người Phù Lá đào cả gốc cây Măm Ca sau đó đẽo gọt thật nhẵn nhụi và giống như một chiếc vồ để giã bánh. Cây Măm Ca có chất thơm riêng, khi giã vị thơm của cây hoà quyện với vị thơm của cơm nếp sẽ tạo ra hương vị thơm, ngon đặc biệt của bánh dầy.
Đêm 30 Tết, các cụ cao tuổi, những người trung niên thường ngồi bên bếp lửa nhâm nhi chén rượu, điếu thuốc lào chờ đợi xem con vật nào cất tiếng kêu trước để phỏng đoán những điều lành, điều dở sẽ xẩy ra trong năm hoặc trong năm tới mọi điều làm ăn có khấm khá, thuận lợi hay không... Những ngày Tết của người Phù Lá có nhiều tiệc rượu được tổ chức, nhưng vui nhộn nhất, nên thơ và đậm đà tính dân tộc nhất vẫn là bữa tiệc uống rượu cần. Chum rượu cần làm bằng gạo nếp đã ngâm, ủ kỹ bằng thứ men lá được đặt giữa nhà trên một chiếc thảm mây đan xen nhiều loại hình hoa văn chìm nổi khá đẹp. Quanh miệng chum cắm những cần trúc đã thông ruột. Đợt đầu là các cụ cao tuổi và người trung niên trong bản uống trước, sau đó đến lớp thanh niên nam nữ uống tiếp, mỗi người trong đợt uống như vậy được tính bằng một sừng trâu tiếp nước đổ vào chum, tiếp lần lượt đến khi hết rượu mới ngừng.
Bên cạnh tiệc vui, ngày Tết người Phù Lá còn tổ chức nhiều trò chơi vui khoẻ khác như: Hát đối đáp, múa xoè, tó má lẹ, chơi đu bay, kéo co, đánh quay, bắn nỏ, bắn súng... Trong đó trò chơi đu bay là môn chơi khoẻ và đẹp; môn thể thao kéo co truyền thống vừa vui nhộn, vừa thu hút đông đảo người tham gia; các điệu múa xoè, hát đối đáp, đánh quay, tó má lẹ không chỉ mang tính đoàn kết tập thể mà còn thể hiện sự tinh tế, dịu dàng mang đậm bản sắc văn hoá của dân tộc. Trong tất cả các cuộc vui, các trò chơi của người Phù Lá đều được chia thành  hai bên, một bên nam và một bên nữ; kết thúc mỗi cuộc đều phân định bên thắng, bên thua và có  phần thưởng, bên thua phải mời bên thắng uống rượu. Ngày xuân, ngày Tết của người Phù Lá còn là dịp thuận tiện để các đôi trai gái trong độ tuổi lứa đôi có điều kiện tìm hiểu, tỏ tình để tiến tới hôn nhân xây dựng hạnh phúc gia đình./.
Tết tháng Bảy của người Phù Lá mang đậm nét tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, thể hiện triết lý nhân sinh quan và một niềm tin về cuộc sống vĩnh hằng của con người. Cũng là dịp để các thế hệ con cháu nhớ về nguồn cội của mình, đồng thời tạo cho con người khoảng thời gian nghỉ ngơi, giao lưu gặp gỡ anh em, bạn bè cùng nâng chén rượu chúc cho mùa màng tươi tốt, làm ăn gặp nhiều may mắn, gia đình ấm no, hạnh phúc.
 Lý Thị Ninh (sưu tầm)

Share with your friends