Người Xá Phó nằm trong thành phần dân tộc Phù Lá, thuộc ngữ hệ Tạng - Miến. Họ sống rải rác ở một số vùng núi cao của tỉnh Lào Cai, như Nậm Sài (huyện Sa Pa); Dương Quỳ, Tăng Hốc (Văn Bàn); Gia Phú, Bến Đền (Bảo Thắng); Tả Phời, Làng Dạ (Cam Đường) và ở các tỉnh Lai Châu, Yên Bái... Tổng nhân khẩu hiện nay có khoảng trên 2.637 người.
Tên gọi lịch sử trước kia của tộc người Xá Phó là “Lao Pạ” dịch nghĩa là “Tộc người săn thú” hay “Gu Nhu” nghĩa là người rừng. Ngoài ra, còn có một số tên gọi khác mà các dân tộc láng giềng đặt cho như: Xá Phu, Pú Dang, Pu La, Bổ Phi Pạ, Mạc Pạ, Mù Dí Pạ Phổ, Va Sơ Lao…
Theo nghiên cứu sơ bộ thì người Xá Phó có mặt ở Tây Bắc (Việt Nam) đến nay vào khoảng hơn 300 năm. Trước đây họ sống du canh, du cư từng nhóm nhỏ săn bắn và hái lượm dọc theo các con suối. Hiện nay người Xá Phó sống quy tụ theo từng bản nhỏ, mỗi bản có từ 25-30 nóc nhà. Nhà ở của người Xá Phó được thiết kế theo kiểu nhà sàn, có nơi nửa sàn nửa đất, nhà ở 3 gian nhưng nhỏ và thấp, bàn thờ đặt chính gian giữa, gian bếp đồng thời cũng là gian khách, ngoài ra còn có nhà phụ cách nhà chính từ 5-10m để thóc lúa. Người Xá Phó có một số dòng họ chính, như: họ Nhìu, họ Lồ, họ Lý, họ Ngô…
Về trồng trọt: Nguồn sống chính hiện nay của người Xá Phó là canh tác ruộng nương bậc thang, trồng các loại lúa nương, đặc trưng vẫn là gạo nương đỏ, gạo nếp cẩm để làm rượu cần, ngoài ra còn trồng một số cây lương thực phụ, như: ngô, sắn, đao, cao lương, bí đỏ, các loại rau, đậu tương, bầu, bí, khoai sọ… Nông lịch của người Xá Phó được tính theo lịch âm.
Chăn nuôi: Các con vật chính được chia thành loại gia súc lớn, như: trâu, bò, ngựa; gia súc nhỏ, như: lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng và đặc biệt đồng bào chăn nuôi dê núi để phát triển kinh tế, cho năng suất cao. Có thể nói dê là con vật để xóa đói giảm nghèo.
Trang phục: Phụ nữ người Xá Phó mặc váy dài, cổ áo khoét vuông, đầu vấn khăn, váy được thêu thùa với những đường nét hoa văn cầu kỳ, các gam màu chủ đạo gồm: vàng, đỏ, xanh… điểm xuyết thêm hạt cườm chạy dài theo cổ và tay áo, những hình nét hoa văn như hình cây thông, hình răng bừa, hình bàn tay khỉ, hình quả trám… nổi bật trên nền vải đen và mang một nét thẩm mỹ hài hòa, độc đáo.
Nam giới người Xá Phó mặc áo xẻ nách, hở ngực, quần ống xéo. Đồ trang sức của nam và nữ đều làm bằng vỏ ốc núi, nanh lợn rừng. Phụ nữ thường nhuộm răng đen và ăn trầu.
Các nghề truyền thống: Phát triển nhất vẫn là nghề mây tre đan, nhất là các đồ gia dụng như gùi, mân, giỏ bắt cá… Các nghề đan lát chài lưới cũng đạt đến độ tinh xảo. Đặc biệt là nghề trồng bông dệt vải và các công đoạn để làm ra vải mặc, tự cung tự cấp trong cộng đồng.
Người Xá Phó sống quy tụ theo cộng đồng, mọi sinh hoạt đều mang tính chất tập thể. Mỗi bản, mỗi thôn đều có một người già làng, trưởng bản có uy tín để giải quyết các công việc trong cộng đồng. Hôn nhân người Xá Phó theo chế độ phụ hệ, con mang họ bố, nhưng đặc biệt họ có phong tục ở rể thường từ 2-3 năm để “trả công ơn bố mẹ đã sinh ra con gái”.
Các ngày Tết và lễ hội chính của người Xá Phó: ngoài Tết Nguyên đán, Tết rằm tháng 7 thì người Xá Phó còn có Tết Khui Xmơ, các lễ tết cúng thần rừng, thần làng, thần sông, suối, lễ quét làng, cúng hồn lúa… Hầu hết các lễ tết đều gắn với sinh hoạt cộng đồng như nhẩy múa điệu T’xin chi va (những nhạc cụ chính để bổ trợ cho các điệu múa là sáo Pí lí, kèn Ma Nhí, trống, quả chuông nhạc), múa cầu mùa và múa phồn thực, hát kể diễn xướng tùy theo nội dung lễ hội.
Người Xá Phó có một kho tàng truyện cổ tích, văn hóa dân gian hết sức phong phú. Hầu hết các bài tục ngữ, ca dao nói về triết lý của cuộc sống và đạo lý làm người, các câu chuyện kể về thế giới thần linh, về các hiện tượng, sự tích liên quan đến phong tục, tập quán và tín ngưỡng cộng đồng.
Mã Thị Hà (sưu tầm)