Tiêu hết tiền bán trống đồng, một số người Lô Lô mới nhận ra rằng trống bán đi rồi không mua lại được, không bán trống thì đời con, đời cháu còn có cái để dùng…
Người Lô Lô là tộc người duy nhất ở nước ta hiện nay còn sử dụng trống đồng cổ trong sinh hoạt tín ngưỡng và nghi lễ. Cao Bằng là một trong ba nơi cư trú chủ yếu của người Lô Lô (hai nơi còn lại là Hà Giang và Lào Cai). Người Lô Lô Cao Bằng tập trung thành các làng tương đối ổn định. Họ ở nhà sàn, hoạt động sản xuất chủ yếu là trồng lúa nương.
Để giữ lại báu vật của cha ông, anh Chu Văn Ngấn phải dùng xích khóa chặt trống vào xà nhà
Trống đồng của người Lô Lô là nhạc cụ chỉ dùng trong nghi lễ chôn người chết nên trước kia họ không mang trống vào nhà mà thường để ở kho thóc bên ngoài. Việc cất giữ trước đây an toàn và phù hợp với tín ngưỡng dân tộc.
Khi người Lô Lô tiếp cận với xã hội hiện đại thì trống bị mất trộm nhiều và họ buộc phải chôn giấu xuống đất. Thế nhưng, đời cha làm lễ cho ông xong đem chôn trống xuống đất, đến khi cha qua đời con tìm trống rất khó, phần là do không biết chính xác nơi chôn giấu, phần vì bị kẻ xấu biết nên đã đào trộm lấy đi... Hiện nay người Lô Lô cơ bản đã đem trống vào nhà cất giữ, nhưng vẫn phải kiêng: chỉ khi nào có người chết mới mang ra sử dụng.
Cổ vật trống đồng Lô Lô
Chiếc trống "rởm" tiếng không vang và mau hỏng
Trống đồng Lô Lô Cao Bằng đích thực là cổ vật. Song cổ đến mức độ nào và quí hiếm đến đâu thì hiện chưa có một đánh giá thống nhất. Trong số trống đồng cất giữ (16 chiếc) tại kho của Bảo tàng Cao Bằng thì chủ yếu có nguồn gốc của người Lô Lô.
Hai chiếc trống mới thu được từ bọn buôn đồ cổ bất hợp pháp năm 2008 cũng có nguồn gốc trống Lô Lô (làng Cốc Xả dưới, xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc), trong đó một chiếc được xác định có tuổi đời trên 1.000 năm và một chiếc có tuổi đời trên 400 năm.
Anh Chi Viết Hải (làng Khuổi Khon, xã Kim Cúc) và anh Chu Văn Ngấn (làng Cốc Xả trên, xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc), đều là người Lô Lô và thông thạo tiếng Việt, cho chúng tôi biết: Trống đồng gắn liền với đời sống tín ngưỡng truyền thống của người Lô Lô. Lịch sử người Lô Lô là lịch sử của sự thiên di.
Cuộc sống của người Lô Lô trước đây rất khổ do phải di cư liên tục, nhưng dù nghèo khổ đến mấy, gian nan vất vả đến mấy cũng phải cõng những chiếc trống đi theo, vì nếu không có tiếng trống đồng dẫn đường thì hương hồn của người quá cố không thể về với tổ tiên được.
Trống đồng được phân bố theo các dòng họ và là tài sản của từng dòng họ. Trong đám ma, khi chôn người chết thường dùng 3 cặp trống, mỗi cặp có một trống đực và một trống cái. Trước đây, mỗi dòng họ thường có đủ 3 cặp trống nhưng nay rất ít họ còn có đủ 3 cặp, thường chỉ còn 1 hoặc 2 cặp và phải mượn nhau khi cần sử dụng.
Chúng tôi đến tìm hiểu tại xóm Cốc Xả (trên) của xã Hồng Trị thấy họ Chu và họ Ban chỉ có một bộ và họ Chung có hai bộ. Tại xóm Khuổi Khon xã Kim Cúc có các họ: Na, Hoàng, Dương, Pâu và Chi. Riêng họ Chi ở đây lại có 3 nhánh (tức 3 cộng đồng này cùng mang họ Chi), thành ra ở đây có bảy "họ".
Mỗi họ có 1 cặp trống, riêng họ Chi của ông Chi Văn Che là có 3 cặp nhưng chỉ có 2 cặp là đồ cổ còn một cặp là đồ “rởm” do đã bị bọn buôn lậu đồ cổ đem trống mới đến lừa đổi. Ông cho biết bộ trống mới này đến khi có việc vẫn đem ra dùng nhưng tiếng không vang và có một chiếc đã bị bật tai.
Làm cách nào giúp người Lô Lô bảo vệ trống đồng ?
Người Lô Lô ở Cao Bằng giờ đây đã thấu hiểu mình đang giữ trong tay báu vật của tổ tông. Thế nhưng người Lô Lô từng ngày từng giờ vẫn phải đối mặt với biết bao khó khăn, thách thức, cám dỗ… ai dám đảm bảo rằng những chiếc trống đồng sẽ không tiếp tục biến mất nếu không có giải pháp bảo vệ một cách hợp lý.
Ông Kiên nói, muốn bảo vệ được cổ vật thì phải làm sao để người dân chủ động đăng ký cổ vật của mình. Khi đăng ký thì cổ vật phải được thẩm định. Luật Di sản Văn hóa qui định việc thẩm định cổ vật là miễn phí... Nghe như vậy có vẻ đơn giản nhưng không hề đơn giản chút nào bởi trống đồng nằm rải rác trong vùng sâu vùng xa và là của dân, thậm chí do quan niệm mê tín, không có đám bà con còn không đem ra cho xem.
Ông Kiên khẳng định một khi cổ vật được đăng ký rồi thì vấn đề quản lý sẽ rất đơn giản và việc mua bán, trao đổi cổ vật sẽ không làm chảy máu trống đồng của người Lô Lô như hiện nay.
Đàm Minh Lượng (sư tầm)