Các diễn viên Khmer biểu diễn trong lễ hội.
Chăm lo Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer
(VOV5)- Dân tộc Khmer có cả một kho tàng phong phú về truyện cổ và có kiến trúc chùa tháp đặc sắc.
Dân tộc Khmer ở Việt Nam có khoảng 1,3 triệu người, sống tập trung ở tại các tỉnh Nam Bộ như Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ, Vĩnh Long... Cuộc sống của người Khmer gắn liền với nghề canh tác lúa nước và nhiều nghề thủ công. Dân tộc Khmer có cả một kho tàng phong phú về truyện cổ và có kiến trúc chùa tháp đặc sắc. Các lễ hội lớn trong năm là dịp để đồng bào Khmer Nam bộ thể hiện những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
Tiếng nói của dân tộc Khmer thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me. Tuy sống cùng trên một địa bàn với các dân tộc Kinh, Hoa từ rất lâu nhưng hình thái cư trú của người Khmer vẫn giữ được đặc điểm riêng của mình, phổ biến là hình thái cư trú theo cộng đồng người với tên gọi là “phum” và “sóc”. Người Khmer sinh sống bằng nhiều nghề trong đó có đánh cá, dệt, chiếu, đan lát, dệt vải, làm đường thốt nốt và làm gốm. Trong cuộc sống hàng ngày, người Khmer chế biến rất nhiều loại mắm làm từ tôm tép, cá sặc nhưng nổi tiếng nhất là mắm làm bằng cá lóc, các sọc, cá trê, tôm tép trộn với thính và muối.
Sống trong môi trường chằng chịt kênh, rạch, ghe, thuyền của người Khmer có rất nhiều loại. Ðặc biệt nhất là chiếc ghe Ngo (Tuộc mua) dài 30m, làm bằng gỗ sao, có từ 30-40 tay chèo, mũi và hai bên thành thuyền có vẽ hình ó biển, voi, sư tử, sóng nước. Ghe Ngo chỉ sử dụng trong dịp lễ cúng trăng Ok-ang Bok (tháng 10 âm lịch).
Nam nữ Khmer trước đây đều mặc xà rông bằng lụa tơ tằm do họ tự dệt. Những người đứng tuổi thường mặc quần áo bà ba màu đen, nam giới khá giả đôi khi mặc quần áo bà ba màu trắng với chiếc khăn rằn luôn quấn trên đầu hoặc vắt qua vai.
Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Khmer Nam Bộ rất phong phú. Trong hệ thống lễ hội của đồng bào Khmer Nam Bộ, có nhiều lễ hội đặc sắc nhưng phải kể đến 2 lễ lớn trong năm là Tết Chol Chnam Thmay, là Tết đón năm mới, và Lễ hội Ok-ang Bok, là Lễ cúng trăng, trong lễ có đua thuyền Ngo giữa các phum - sóc. Tết Chol Chnam Thmay tháng 4 là dịp vui lớn của cộng đồng. Bà con thăm hỏi, chúc lẫn nhau, tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao. Lễ đón năm mới của người Khmer cũng có những khác biệt với các dân tộc khác, ông Châu Ôn, Viện Phật học Phật giáo Nam tông Khmer Nam bộ, cho biết: Đón giao thừa của người Khmer khác hơn đón giao thừa của người Việt hay là người Hoa. Đón giao thừa của người Khmer được tính theo mặt trời đi. Tức là theo giờ phút đã định sẳn mà người Hora Cha (người thiên văn) bói toán cách tính theo hướng của mặt trời đi theo đường thẳng, ngay một giờ nào đó. Giờ chấm dứt mùa này sang mùa mới. Thí dụ như năm nay, vào năm mới bắt đầu từ 14h2’, vậy thì người ta lấy lúc 14h2’ đó, ngày đó là ngày người ta mới ở tại chùa tổ chức đánh cồng, đánh chống này nọ xong rồi mới mời, đưa rước đức phật, tượng phật và Moha Songkran xung quanh chánh điện vào giờ đó.
Người Khmer Nam Bộ hầu hết đều theo tín ngưỡng Phật giáo, hệ phái Nam Tông. Di sản đặc sắc nhất của văn hoá Khmer cũng chính là nghệ thuật và kiến trúc chùa tháp. Người Khmer lớn lên được tu dưỡng trong tinh thần Phật pháp, học giáo lý Phật và học văn hoá tại chùa trước khi bước vào cuộc sống tự lập của người trưởng thành. Đại đức Giang Thanh, trụ trì chùa Chrôi Tôn Sa, xã Kim Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, cho biết:
Ngoài học chữ các thầy còn dạy các em về đạo đức, về cách ứng xử, chào hỏi ông bà, cha mẹ, thầy cô, cụ già theo phong tục dân tộc. Đồng thời cũng cung cấp kiến thức cơ bản nhất cho các em về văn hóa, nghệ thuật như các điệu múa, hát dân gian, trang phục… để các em hiểu và biết gìn giữ văn hóa của mình”.
Trong suốt quá trình phát triển, nền văn hóa Khmer giao hòa, gắn kết với các nền văn hóa khác ở đồng bằng sông Cửu Long. Điều này góp phần tạo thành nền văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam đậm đà bản sắc.
Lan Anh (sưu tầm)