Phong tục hôn nhân của người Khmer ở Nam Bộ (Hoàng Tuấn) - Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Thursday, September 8, 2016

Phong tục hôn nhân của người Khmer ở Nam Bộ (Hoàng Tuấn)

Phong tục hôn nhân của người Khmer – Cô dâu & chú rễ. Ảnh minh hoạ

Dân tộc Khmer Nam Bộ có trên một triệu ba trăm người, sống chủ yếu trên các giồng đất cao ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang và Kiên Giang. Đây là một tộc người có dân số cao nhất trong nhóm Môn Khmer thuộc ngữ hệ Nam Á. Họ có tiếng nói và chữ viết riêng cùng với các lễ hội truyền thống đặc sắc đã kiến tạo một nền văn hóa rực rỡ.
Người Khmer ở Nam Bộ có nhiều phong tục tập quán có giá trị về văn hóa, giáo dục đạo đức, lối sống rất cao. Các giá trị văn hóa đó được thể hiện trong đời sống xã hội, phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng, văn học nghệ thuật, trong đó có phong tục hôn nhân.

Đối với đồng bào dân tộc Khmer, khi nam thanh nữ tú đến tuổi trưởng thành thì họ được quyền tự do tìm hiểu nhau để tiến đến hôn nhân. Chỉ trừ anh em ruột thịt không được lấy nhau, còn bà con họ hàng thân thuộc khác nếu đôi bên đồng ý đều có thể kết hôn. Ngày xưa gia đình giàu có còn khuyến khích họ hàng lấy nhau để thêm gần gủi và nhất là để bảo vệ của cải không lọt ra bên ngoài. Việc yêu đương thì dễ dãi, nhưng ngược lại thủ tục cưới xin gả bán theo cổ lệ thì vô cùng phức tạp. Phong tục hôn nhân của người Khmer Nam Bộ được tổ chức theo cổ truyền từ xưa đến nay, chia thành 4 giai đoạn: giai đoạn trước lễ nói, lễ nói (Sđây Đol Đâng), lễ hỏi (Lơng ma ha) và lễ cưới (Pithi Apea Pìea ), trong mỗi lễ có những nghi thức đặc trưng riêng. Lễ cưới là quan trọng nhất, có nhiều nghi thức truyền thống văn hóa của dân tộc.

I. Giai đoạn trước lễ Nói:
Trước khi tổ chức lễ nói, hỏi, cưới vấn đề quan trọng nhất là hai Họ xem ngày tháng năm sinh của chú rể và cô dâu có hạp tuổi hay không. Nếu hạp, cha mẹ hai họ tìm đến ông Pe-le(i) nhờ xem ngày tổ chức các nghi lễ.

Theo phong tục truyền thống, ngày tổ chức lễ hỏi cưới không được cử hành vào tháng thiếu (tháng giêng, tháng ba, tháng năm, tháng bảy, tháng chín, tháng mười một) và ba tháng nhập hạ của các vị sư trong chùa theo phật giáo Nam Tông Khmer (Therevada).

Lễ cưới hỏi thường được cử hành bên nhà gái, điều kiện hành lễ chìu theo sự thống nhất của cô dâu (theo phong tục ngày xưa), ngày nay do giao lưu văn hóa với các dân tộc Kinh, Hoa nên có khi tổ chức lễ cưới ở nhà trai và nhà gái. Việc cưới hỏi bắt đầu từ đám nói đến hỏi và cưới. Trong phần đám nói, nhiệm vụ quan trọng nhất là bên nhà trai nhờ ông mai bà mối là ông Maha (ii)  cùng cha mẹ chú rễ mang theo lễ vật như: 02 nải chuối cơm, 02 mâm cốm dẹp, một cặp nước ngọt, 02 đĩa bánh tây yến, một mâm trầu cau, một mâm rượu, 02 mâm cơm, bánh trái cây đến nhà cô dâu xin thưa chuyện hỏi cưới. Khi đến nhà gái vị Maha đặt vật lễ trang nghiêm, thắp đèn cầy và nhang mời những vong linh ông bà đã quá cố vào dùng những lễ vật của đàng trai và xin nói cháu gái của của ông bà. Khi cha mẹ cô dâu thống nhất gả thì cha mẹ chú rễ đưa mâm rượu mời cha mẹ cô dâu dùng và đưa mâm trầu cau cho mẹ cô dâu dùng, sau đó đưa các lễ vật có đôi, có cặp cho nhà gái.

Lễ vật trong đám cưới của người Khmer. Ảnh minh hoạ

Theo phong tục ngày xưa, người ta tổ chức có phần cầu kỳ hơn. Cha mẹ nhà trai chọn nhờ một người phụ nữ trong Sróc là người đã có gia đình, có cuộc sống hạnh phúc, có đức hạnh cao đẹp đến nhà để gặp cha mẹ cô gái hỏi ý. Người mai mối phải nói những lời dễ nghe với cha mẹ cô gái: “Đây thực sự là Chhay-Phum (iii), có hoa cỏ xanh tươi nên có người muốn đến đây gửi thân, muốn thành thân sống trên mảnh đất trù phú này”. Khi nghe những lời đó, cha mẹ cô dâu đáp lại: “Cô/chị có chuyện gì? Đây là Chhay-Phum gì? Ngồi xuống đi”. Sau khi ngồi xuống hỏi thăm sức khoẻ qua lại, cha mẹ cô gái hỏi bà mai có việc chi. Bà mai nói rằng: “Xin lỗi, tôi có người nhờ đến đây để thăm dó mối lương duyên cùng gia đình chị”. Khi đó, cha mẹ cô gái sẽ hỏi về thân thế, gia tộc con trai. Xong, cha mẹ cô gái trả lời rằng để hỏi ý kiến thân tộc trước khi trả lời chính xác cho bà mai. Bà mai sẽ phải qua lại nhà gái nhiều lần nữa cho đến khi hai bên đồng ý đi đến việc tổ chức lễ nói.

II. Lễ Nói (Sđây Đol Đâng):
Sau khi thống nhất đến việc tổ chức lễ nói, nhà trai chuẩn bị một số việc sau: Tìm Acha xem ngày lành tháng tốt để cho con trai và con gái được hạnh phúc sau này, thông báo cho gia tộc biết để chuẩn bị lễ vật (trầu, cau, trà, bánh, rượu, thịt,…). Sau đó, báo cho nhà gái biết ngày cụ thể để có sự chuẩn bị và thông báo mời thân tộc đến nói chuyện trong buổi lễ, nhà gái tìm một người phụ nữ có duyên để nói chuyện trong buổi lễ. Về phía nhà gái thì tìm người cao tuổi, có hiểu biết về phong tục làm Me-ba để đối đáp trong khi hành lễ, chỉ bảo những công việc phải làm và cho ý kiến. Lúc này, nhà gái mời người thân đến dự, sắp xếp lại nhà cửa, chuẩn bị thực phẩm đãi khách. Đến ngày đã định trước, nhà trai và nhà gái gặp nhau, ông Maha đến nói với Me-ba về những đức hạnh tốt đẹp của người con trai. Người đại diện nhà gái là Me-ba yêu cầu được tìm hiểu tính tình người con trai và nói: “Để tôi tìm hiểu tính tình cậu ấy lâu hơn, có thật như lời ngài đã nói hay không”.

Ngày xưa, người ta thực hiện đám nói qua ba bước: thứ nhất là bà mai qua lại giao tiếp với cha mẹ cô gái, thứ hai là cho phép giao tiếp, thứ ba là cho dẫn con trai đi theo. Khi đó, bà mai nói rằng: “nếu ông Me-ba chấp nhận thì tôi cho con trai qua phụ giúp việc cho gia đình và dành thời gian để Me-ba nhận xét, kiểm nghiệm có phải lời tôi nói hay không”. Ông Me-ba bàn bạc và hỏi ý kiến cha mẹ, họ hàng nhà gái, nếu tất cả thống nhất, Me-ba cho phép chàng trai qua ở phụ giúp công việc nhà cô gái từ một đến ba năm. Thử thách cuối cùng là cho chàng trai xây nhà ba gian để cho đôi vợ chồng sống trong tương lai. Nếu cha mẹ cô gái vừa ý tất cả, họ cho chàng trai thông báo với cha mẹ ruột để tiến hành làm lễ hỏi.

Nghi thức Cúng tổ tiên trong hôn lễ của người Khmer. Ảnh minh hoạ

III. Lễ Hỏi (Lơng ma ha):
Về nghi lễ, trước tiên bà mai nói chuyện theo thứ tự, đàng gái vừa ý thì cho qua. Sau đó, bà mai xin lui về để ông Maha tiếp chuyện, ông Maha tự giới thiệu về mình với ông Me-ba về nhiệm vụ của ông trong lễ hỏi này và được nói chuyện tiếp với ông Me-ba. Sau khi bàn luận xong, Maha chỉ cho ông Me-ba thấy là mọi điều kiện nhà gái yêu cầu thì nhà trai đã chuẩn bị đầy đủ. Hai bên thỏa thuận xong, Maha hỏi Me-ba lễ vật tổ chức lễ cưới, kế đến Maha báo cho nhà trai biết các lễ vật mà nhà gái yêu cầu. Từ đó, nhà trai sẽ nhờ Acha xem tuổi và ngày lành tháng tốt để tổ chức đám cưới. Ngày xưa, sau khi Si-sa-la, con trai và con gái chỉ có quyền nói chuyện qua lại với nhau, con trai không được nắm tay con gái. Nếu bị phát hiện, đàng gái sẽ chấm dứt mối quan hệ.

IV. Lễ Cưới (Pithi Apea Pìea):
Đây là lễ quan trọng và có nhiều nghi thức trong hôn nhân của dân tộc Khmer. Lễ cưới thường được tổ chức ba ngày bên nhà gái, tuy nhiên ngày nay có thể đơn giản hơn, thời gian tổ chức cũng có thể ngắn hơn và cũng có thể tổ chức đãi khách ở cả hai nhà trai và gái. Về nguồn gốc của phong tục cưới hỏi, người Khmer có rất nhiều quan điểm và sự tích như: Truyện Preas-Ream và Se-da, truyện Preas-Thông và Neang-Neak, phong tục cưới hỏi làm theo vua PreasVes-son-dor cưới hai cháu Kros-sna và Chia-ly, theo ông Mom Pun-na thì xã hội tổ chức lễ cưới từ khi con người biết tôn trọng danh dự và làm theo Bà-La-Môn giáo.

Đặc điểm của lễ cưới có phần quan trọng hơn vì có thời gian kéo dài đến ba ngày. Ngày thứ nhất, chú rễ phải mượn bạn bè đến nhà cô dâu cất rạp cưới và dọn dẹp nhà cửa cho ngăn nắp. Riêng cha mẹ chú rễ mượn hai người thanh niên chưa vợ đi cắt bông cau (người Khmer gọi là bông vàng bông bạc). Khi đến cắt bông cau, người ta phải đem mâm trầu cau đến để xin người khuất mặt khuất mày giữ góc cau. Xong, họ mới lên cắt, khi cắt xong phải để trên “Pean” đem về đặt một nơi và một chiếc đèn dầu nhỏ thắp nhang khẩn cầu cho đôi vợ chồng mới cưới trăm năm được hạnh phúc. Khi hành lễ, phải có hoa cau. Hoa cau được buộc lại thành ba bó, bó thứ nhất có ý nghĩa tạ ơn công ơn cha (21 sợi cau được buộc bằng chỉ trắng với 21 miếng cau và trầu), bó thứ hai để tạ ơn mẹ (12 sợi cau được buộc bằng chỉ trắng với 12 miếng cau và trầu), bó thứ ba để tạ ơn anh chị (6 sợi cau được buộc bằng chỉ trắng với 6 miếng cau và trầu).

Các vị sư tụng kinh chúc phúc cho đám cưới. Ảnh minh hoạ

Sang ngày thứ hai, ông Pe-le gọi cha mẹ chú rể và thân tộc chuẩn bị mang lễ vật sang nhà gái. Lúc này, trước cổng nhà cô dâu bày sẵn một bàn được trang trí đẹp đặt ngang, trên bàn có hai bình hoa. Tục lệ này có ý nghĩa, khi đến trước cổng thì nhà trai phải dừng lại trước khi cha mẹ cô dâu và cô dâu nhận vật lễ. Kế đến là ông Maha múa mở rào, múa xong chú rễ ôm mâm cau, hai chú rễ phụ bưng mâm trầu và mâm rượu đứng hai bên đi vào nhà đàng gái. Sau khi nói chuyện xong, giờ lành đến là nghi thức cúng Krung pea ly. Theo thường lệ, người ta cúng ở hướng Nam nhà cô gái. Ông Acha tìm Me-mot-prey đến để xin chỗ cúng, vật cúng gồm có bay-say, sla-tho, nhang, đèn, cơm, bánh, trái cây, 02 con gà luộc và một cái Phệ (vỏ của cây chuối được tước ra và xếp thành hình vuông có đáy giống như một cái rổ hình vuông) có ba hoặc năm tầng. Khi cúng người ta đánh nhạc truyền thống Krung pea ly, nhạc đánh bản Hom-ron và Konsoi trong khi ông Maha và Me-ba cầu nguyện xin Krung pea ly đến thâu nhận vật cúng và chấp thuận cho chú rể trở thành một thành viên trong gia đình cô dâu. Cúng xong ông Me-ba lấy một phần lễ vật đặt vào cái Phệ, người khmer cho rằng thần Krung pea ly xuống có mang theo lính, nhưng lính không có quyền hưởng vật cúng như thần được nên họ đặt vật cúng vào cái Phệ để dành cho lính. Dàn nhạc tiếp tục dùng bản cho cúng Phệ, trong khi có hai người mang Phệ theo hướng Acha chỉ định.

Lễ buộc chỉ tay trong hôn lễ của người Khmer. Ảnh minh hoạ

Tiếp theo là các vị sư tụng kinh chúc phúc cho đôi trẻ được trăm năm hạnh phúc. Lấy giờ lành xong, Me-ba cho phép chú rể lên thực hiện nghi thức ngồi lại ông bà. Chú rể mang vật quý giá (có thể là vàng) lên nhà cô dâu và đứng lên một hòn đá đã chuẩn bị sẵn, tiếp đó Maha xin phép cô dâu đến rửa chân cho chú rể. Theo quan niệm của người Khmer, bất kỳ họ sinh tuổi gì, con gái được xem là nước, con trai được xem là đá, đá với nước sống chung rất hòa thuận, đầm ấm. Bên nhà gái chuẩn bị sẵn một trái dừa và khăn để cô dâu rửa chân chú rể. Lúc này, cô dâu đứng trước mặt chú rể, cuối xuống lại và nhúng khăn vào nước dừa, lau chân cho chú rể ba lần. Lau xong, cô dâu lạy chú rể thêm một lần nữa, lần này chú rể trao vật quý mà chú rể chuẩn bị sẵn cho cô dâu. Đó là biểu hiện của sự biết ơn và tượng trưng cho hạnh phúc. Kế đến cô dâu đi vào buồng, chú rể đến lạy hoa cau, lạy ông bà, cha mẹ. Chương trình ngày thứ hai ông Pe-le và Maha tiến hành một số lễ tục như: nhóm họ cắt tóc, cúng cơm ông bà đã khuất, buộc tay cô dâu và chú rể, kế đến là lễ rắc hoa cau lên người cô dâu và chú rể, rắc cả đường đi từ chỗ ngồi đến buồng cô dâu, lúc này ông Maha rút gươm múa cuốn chiếu và cầm đao,  tiếp theo là nghi thức chú rể nắm vạt áo cô dâu vào phòng tân hôn. Người Khmer quan niệm cắt tóc là việc làm nhằm làm đẹp cơ thể, cắt bỏ ưu phiền và đem lại những điều tốt đẹp. Tục cắt tóc này có nguồn gốc từ Bà-La-Môn giáo, cắt tóc là một trong những nghi thức của lễ San-sa-kar, có ý nghĩa làm cho thanh khiết cơ thể. Ngoài ra, còn mang ý nghĩa công nhận cô dâu, chú rể là những người đã trưởng thành, có trách nhiệm trong cuộc sống gia đình tương lai.

Sang ngày thứ ba, cha mẹ thân tộc hai bên buộc chỉ đỏ tay cô dâu và chú rể gọi là chịu lại với tiền hoặc vàng và nhận lại ly rượu và miếng trầu của cô dâu và đãi khách đến dự tiệc cưới. Theo truyền thống, đám cưới có tất cả 12 nghi lễ, nhưng ngày nay do giao lưu văn hóa với dân tộc Kinh, Hoa nên một số nghi lễ không còn phù hợp đã được bỏ bớt. Các nghi lễ còn lại như:

Lễ vào phòng (phsom do-nek): sau khi buộc chỉ tay và nhận quà chúc mừng của anh em họ hàng, Maha hướng dẫn cô dâu chú rể đi theo đường đã rắc hoa cau. Theo thông lệ thì cô dâu đi trước, chú rể nắm vạt áo cô dâu đi theo sau. Lễ này bắt nguồn từ sự tích Preas Thông cưới công chúa Theao-ra Vat-ti con gái của long vương. Preas Thông là người bình thường, sống trên cạn, không đi được dưới nước nên khi xuống long cung làm lễ cưới với công chúa, Long Vương phải đi trước làm phép rẽ nước, chàng phải nắm vạt áo công chúa mà đi. Ngày nay, có ông Maha đi trước dọn đường, chú rể phải nắm vạt áo cô dâu theo sau. Nhưng cũng có người cho rằng, hình thức lễ này có nguồn góc từ chế độ mẫu hệ thời xưa, người phụ nữ làm chủ và luôn đi đầu trong mọi công việc.

Lễ Quét chiếu (Bos kan-tel): lúc này cô dâu và chú rể vào phòng liền có một người già theo sau. Người được chọn phải khỏe mạnh, đông con, nhiều cháu. Người này đem chiếc chiếu ra và hỏi “có ai chuộc chiếu không?”, chú rể bước ra nhận chiếu trải ra và mời cô dâu cùng ông Maha ngồi. Ông Maha nghiêm trang dặn dò đôi vợ chồng trẻ phải cư xử tốt với nhau, phải chung thủy đến trọn đời. Để tỏ lòng cám ơn ông Maha, chú rể để lên chiếu một vật có giá trị (thường là bao lì xì) để tặng cho ông Maha và Pe-le đã giúp đỡ trong việc tổ chức hôn nhân.

Tiếp đãi khách đến dự đám cưới. Ảnh minh hoạ

Lễ Chung mùng (Đek song-kot mung): Nhà gái chọn hai phụ nữ có con đông, gia đình hòa thuận, hạnh phúc để trải chiếu cho cô dâu và chú rể. Sau đó, họ hàng bày nhang đèn, hoa quả, bánh trái ngay trong phòng để cúng ông bà tổ tiên. Rồi một người đem nước dừa vào cho cô dâu để mời chú rể uống, khi uống xong người đó cũng đưa nước dừa cho chú rể mời lại cô dâu. Kế đến, họ đem chuối cho cô dầu và chú rể cùng đúc nhau ăn, với ý nghĩa là hành động của sự yêu thương và chăm sóc lẫn nhau. Trước khi bước ra khỏi phòng, hai người phụ nữ còn dặn ò những điều cần thiết cho đêm tân hôn và khuyên bảo hai người yêu thương nhau, đùm bọc lẫn nhau đến trọn đời. Sau khi ăn uống xong, cô dâu chú rể vào mùng, cô dâu vào trước, chú rể vào sau. Ngày xưa, lễ này còn có bốn phụ nữ đông con, giàu kinh nghiệm trong cuộc sống nằm ngoài bốn góc mùng của cô dâu chú rể trong ba đêm liền để hướng dẫn cô dâu, chú rể về chuyện vợ chồng (tục lệ này hiện nay không còn). Ba ngày sau đám cưới, đôi vợ chồng trẻ mới được người nhà hướng dẫn mang lễ vật (trong đó nhất thiết phải có hoa cau đến chùa để cúng Phật và cúng dường các vị sư để cầu phúc). Sau đó, hai người sắm trầu cau, bánh trái để đi thăm hỏi bà con thân tộc hai họ để làm quen và tạo sự đoàn kết.

Ngày nay, do quá trình giao lưu văn hóa và công việc lao động sản xuất nên các nghi thức trong hôn nhân của người Khmer có sự thay đổi nhưng cơ bản vẫn giữ nguyên những nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây cũng là một trong những giá trị di sản văn hóa phi vật thể nên cần có giải pháp bảo tồn và phát huy một cách có hiệu quả để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Hoàng Tuấn (sưu tầm)

Share with your friends